Truyện ngụ ngôn Aesop: Chú Lừa kiêu ngạo
Một bức tượng linh thiêng đang được rước đến đền thờ. Bức tượng đặt trên lưng một chú Lừa được trang trí bằng nhiều vòng hoa và đồ trang sức lộng lẫy, theo sau là một đoàn rước lớn gồm các thầy tế và tiểu đồng đi cùng nó qua các con phố.
Khi Lừa bước đi trên đường, người dân cung kính cúi đầu hoặc quỳ xuống hành lễ, và Lừa tưởng rằng sự tôn kính đó là dành cho mình.
Với cái đầu chứa đầy ý tưởng ngu xuẩn này, nó trở nên dương dương tự đắc và kiêu căng tự phụ đến mức dừng lại và bắt đầu kêu lớn be be. Nhưng khi Lừa ta đang kêu giữa chừng thì người dắt lừa đã đoán được những gì nó nghĩ trong đầu, và bắt đầu dùng roi quất nó không thương tiếc.
“Đi tiếp đi, con lừa ngu ngốc,” ông la lên, “Sự tôn kính này không dành cho ngươi, mà là dành cho bức tượng ngươi đang cõng đấy.”
Đừng cố gắng giành lấy công lao vốn thuộc về người khác.
Câu chuyện ngụ ngôn này được tái xuất bản từ sách điện tử “The Aesop for Children (Truyện Ngụ Ngôn Aesop dành cho Trẻ Em)” năm 1919 thuộc dự án số hóa The Project Gutenberg.
Aesop (khoảng năm 620–564 trước Công Nguyên) là người kể chuyện Hy Lạp được biết đến với rất nhiều những truyện ngụ ngôn, hiện nay được gọi chung là “Aesop’s Fables” (Truyện ngụ ngôn Aesop). Những câu chuyện của ông, cùng với giá trị đạo đức, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn hoá và văn minh của chúng ta, góp phần giáo dục và vun bồi nhân cách cho trẻ em cùng với sức hấp dẫn phổ quát. Những câu chuyện này còn giúp người lớn nhìn nhận lại mình, lựa chọn giữ lấy đức hạnh, lưu tâm với những cảnh báo ẩn ý.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times