Trường đại học hàng đầu Trung Quốc công bố 30 cáo phó kể từ tháng 12/2022
Số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc tăng mạnh vào đầu tháng 12/2022. Số ca tử vong trong giới nổi tiếng tăng đột biến làm dấy lên nghi ngờ về số người tử vong do COVID được công bố chính thức của quốc gia này. Kể từ tháng Mười Hai, ít nhất 30 giáo sư tại Đại học Nhân dân đã qua đời, 29 người trong số họ là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cựu hiệu trưởng Hoàng Đạt (Huang Da), nhà lý luận chủ nghĩa Marx Lục Quý Sơn (Lu Guishan), và ông Hứa Chinh Phàm (Xu Zhengfan), một trong những “người đặt nền móng” cho triết học Marxist của ĐCSTQ.
Ông Hoàng Đạt, sinh năm 1925, qua đời tại Bắc Kinh hôm 18/02/2023, hưởng thọ 98 tuổi. Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng Đại học Nhân dân từ năm 1983, là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Kinh tế Đại học Nhân dân vào năm 1988, và là hiệu trưởng của trường đại học này từ tháng 11/1991 đến tháng 06/1994, thời điểm mà ông bắt đầu nhận được các khoản trợ cấp đặc biệt từ Quốc Vụ viện. Ông cũng từng là cố vấn cho Ủy ban Khoa học Xã hội của Bộ Giáo dục, là chủ tịch danh dự của Hiệp hội Tài chính Trung Quốc, và là thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ đầu tiên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Hoàng là tác giả của rất nhiều đầu sách giáo khoa chủ điểm về tài chính, trong đó có cuốn “Lưu thông Tiền tệ”. Ông đã hai lần nhận được giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực kinh tế của ĐCSTQ.
Ông Lục Quý Sơn, sinh năm 1935, mất ngày 12/02/2023, hưởng thọ 88 tuổi. Ông gia nhập ĐCSTQ năm 1965, và được phong danh hiệu giáo sư năm 1986. Cáo phó ca ngợi ông là một trong những nhà lý luận Marxist về văn học và nghệ thuật đầu tiên sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông từng là cố vấn của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx-Lenin Quốc gia, trưởng nhóm thẩm định sách giáo khoa thuộc Dự án Nghiên cứu và Xây dựng Triết học Marxist, phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx-Lenin Quốc gia.
Ông Lục đã được trao Giải thưởng Thành tựu Trọn đời cho Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx-Lenin, và một số sách giáo khoa do ông biên tập đã nhận được giải thưởng quốc gia. Ông đã được nhận trợ cấp đặc biệt từ Quốc Vụ viện từ năm 1992.
Ông Hứa Chinh Phàm, Giáo sư Danh dự Hạng nhất tại Đại học Nhân dân, qua đời vào ngày 28/12 tại Bắc Kinh, hưởng thọ 95 tuổi.
Trường đại học này báo tin ông qua đời hai ngày sau đó, ca ngợi ông là “một đảng viên ưu tú của ĐCSTQ, nhà lý luận chủ nghĩa Marx và nhà giáo dục lý luận, [đồng thời là] một trong những người đặt nền móng chính cho triết học Marxist của ĐCSTQ”.
Kể từ những năm 1950, ông Hứa thường xuyên đăng các bài báo mang tính lý thuyết về cái gọi là “cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng” trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng của Đảng và xuất bản một số cuốn sách về chủ nghĩa Marx.
Ngoài ba học giả Marxist này, sáu giáo sư khác nằm trong danh sách những người mới qua đời cũng là những giáo sư chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa Marx hay kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Ông Hồ Quân (Hu Jun), một nhà kinh tế và nhà giáo dục Marxist được ca ngợi là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực kinh tế chính trị Marxist của ĐCSTQ; ông Vu Chấn Châu (Yu Zhenzhou) là phó giáo sư môn Lịch sử Đảng Cộng sản tại Khoa Triết học Marx; ông Hàn Tông Hoành (Han Zonghong), giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế, đã tham gia dịch cuốn sách Lịch sử Chủ nghĩa Marx của ông Predrag Vranicki; ông Trang Tư Bành (Zhuang Cipeng), giáo sư Kinh tế học, đã có thời gian dài tham gia nghiên cứu và giảng dạy lý thuyết tư bản và kinh tế chính trị Marxist; ông Cố Học Vinh (Gu Xuerong), Giáo sư Kinh tế, chuyên về nghiên cứu lý thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa; ông Cát Vinh Tấn (Ge Rongjin), giáo sư Triết học giảng dạy các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Một công thức chung cho tất cả các ca tử vong trong giới học giả gần đây, đó là nguyên nhân tử vong của họ không được nêu cụ thể trên cáo phó.
‘Gene đỏ’ của Đại học Nhân dân
Đại học Nhân dân là trường đại học chính thức đầu tiên được ĐCSTQ thành lập sau khi lên nắm quyền ở Trung Quốc đại lục. Tiền thân của trường này là Trường Công lập Bắc Thiểm Tây, được ĐCSTQ thành lập năm 1937 tại Diên An. Trang web chính thức của trường tuyên bố Đại học Nhân dân luôn “chung nhịp thở và cùng chung số phận” với ĐCSTQ.
Thời kỳ vẫn còn Trường Công lập Bắc Thiểm Tây, ông Mao Trạch Đông đã mười lần đến trường này để đọc diễn văn.
Sau khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ đã trù định thành lập Đại học Nhân dân, nghĩa bề mặt là Đại học của Nhân dân. Vào ngày 03/10/1950, cựu lãnh đạo Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ đã tham dự lễ khai mạc và kêu gọi Đại học Nhân dân nhanh chóng phát triển thành một trường có ảnh hưởng và tập trung vào việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực lý luận Marx-Lenin cũng như các nhân sự về tài chính, chính trị, và pháp luật.
Trong những năm sau đó, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã đến thăm Đại học Nhân dân nhiều lần, trong đó có ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào, và ông Tập Cận Bình.
Ông Tập đã đến thăm trường đại học này năm lần vào các năm 2005, 2006, 2009, 2012, và 2022. Năm 2017, ông Tập gửi thư chúc mừng đến trường nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ĐCSTQ và yêu cầu trường tập trung “giải quyết những vấn đề căn bản trong việc ai sẽ bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng người đó thành người như thế nào, và làm thế nào để bồi dưỡng họ.”
Trang web chính thức của trường tuyên bố rằng kể từ khi thành lập, trường đại học này luôn “tuân thủ sự lãnh đạo của ĐCSTQ, kế thừa Gene đỏ, và tạo một nền tảng cao về giảng dạy và nghiên cứu chủ nghĩa Marx”, v.v.. Đại học Nhân dân là trường đầu tiên thành lập các bộ môn kinh tế, pháp luật, báo chí, và lý luận Marxist của ĐCSTQ, sau đó đã được nhân rộng khắp cả nước.
Mục tiêu của ôn dịch
Vào tháng 03/2020, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, nhà sáng lập Pháp Luân Công Lý Hồng Chí đã nói trong một bài viết có nhan đề “Lý tính” rằng: “Kỳ thực bản thân ôn dịch chính là đến nhắm vào nhân tâm, đạo đức bại hoại, nghiệp lực to lớn.”
Ông đặc biệt chỉ ra rằng trận đại dịch này nhắm đến một mục tiêu rõ ràng.
Ông Lý viết, “Nhưng mà ôn dịch “virus Trung Cộng” hiện nay (viêm phổi Vũ Hán) như thế này là có mục đích, là có mục tiêu nhắm vào. Nó đến để đào thải phần tử của tà đảng, và những ai cùng đứng với tà đảng Trung Cộng.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times