Trưởng công an huyện Trung Quốc: Đồn công an ở hải ngoại được sử dụng để theo dõi, đàn áp người bất đồng chính kiến
Các đồn công an không chính thức ở hải ngoại của Trung Quốc trên khắp thế giới đã trở thành tâm điểm trên các mặt báo trong những tháng gần đây. Theo một vị trưởng đồn công an huyện của Trung Quốc, cũng là tác giả của một bài báo năm 2019 nói về cái gọi là “quầy dịch vụ” công an ở hải ngoại, những cơ sở này được sử dụng để giám sát và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Thông tin chi tiết về hoạt động của các đồn công an này được ghi lại trong một bài báo hồi tháng 04/2019 do ông Nhan Hoa Vinh (Yan Huarong), nguyên là Giám đốc Văn phòng Công an huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc chấp bút.
Theo một báo cáo hồi tháng 09/2022 do tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha công bố, có ít nhất bảy trong số những đồn công an Trung Quốc bí mật này ở Canada, trong đó có ba đồn ở Khu vực Greater Toronto do cảnh sát huyện Thanh Điền điều hành. Hai địa điểm ở Metro Vancouver cũng bị nghi ngờ là đồn công an Trung Quốc, trong đó một địa điểm được The Epoch Times xác định. RCMP cũng thông báo về các cuộc điều tra đang diễn ra đối với hai trung tâm dịch vụ cộng đồng của người Hoa ở Quebec bị nghi ngờ bị trưng dụng làm đồn công an ở hải ngoại của Trung Quốc.
Safeguard Defenders đã xác định được tổng cộng 102 đồn công an Trung Quốc tại 53 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, Úc, và một số quốc gia Châu Âu.
Tổ chức phi chính phủ này cảnh báo rằng một số đồn đã tiến hành sách nhiễu, đe dọa, và buộc hồi hương công dân Trung Quốc và những người bất đồng chính kiến sinh sống ở ngoại quốc. Các chiến thuật bao gồm cử đặc vụ ra ngoại quốc trực tiếp cưỡng chế các mục tiêu quay về Trung Quốc và sách nhiễu người thân của họ ở quê nhà nhằm “thuyết phục” mục tiêu quay về.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa nói với CBC News trong một tuyên bố hồi tháng Mười năm ngoái rằng các đồn công an ở Toronto có nhân viên là các tình nguyện viên “không phải là công an Trung Quốc” và mục đích chính của họ là trợ giúp miễn phí cho Hoa kiều như đổi mới giấy phép lái xe trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Nhưng bài báo của ông Nhan cho biết các đồn công an ở ngoại quốc của văn phòng công an Thanh Điền không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ như vậy, đồn này còn thực hiện các hoạt động mà ông nói là cần thiết để “duy trì ổn định xã hội.”
‘Duy trì ổn định xã hội’
Một trong những hạng mục mà ông Nhan cho biết lực lượng công an của ông tập trung vào là mở rộng chương trình an ninh công cộng của Bắc Kinh ra ngoại quốc để thực hiện các hoạt động bao gồm đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động nhân quyền, và các nhóm bị đàn áp.
Được sử dụng cho mục đích “duy trì ổn định xã hội”, chương trình này đã nhận được một khoản ngân sách dự kiến là 208.972 tỷ nhân dân tệ (30.5 tỷ USD) cho năm 2023, theo số liệu do chính quyền Trung Quốc công bố hồi tháng Ba. Số tiền này bao gồm các khoản chi cho tất cả các khía cạnh an ninh công cộng, từ nhân sự và cơ sở vật chất đến việc lắp đặt và bảo trì các thiết bị như camera giám sát, mạng lưới máy điện toán, và hệ thống nhận dạng.
Bài báo của ông Nhan dẫn chứng một số ví dụ về hoạt động của công an huyện Thanh Điền ở hải ngoại. Ông viết rằng đồn công an này đã giải quyết thành công ít nhất 15 cuộc biểu tình do Hoa kiều phát động trong các chuyến thăm ngoại quốc của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ông cũng cho biết các đồn công an này đang tích cực tham gia vào việc “thăm người nhà” của những người đang sống ở ngoại quốc là mục tiêu của việc duy trì ổn định. Sau khi những mục tiêu đó được “thuyết phục” quay trở lại Trung Quốc, họ sẽ được “giáo dục và hướng dẫn” để tạo ra “một sự răn đe pháp lý,” bài báo cho biết.
Ngoài ra, những đồn công an này cũng đang tích cực thu thập thông tin tình báo trực tuyến, cụ thể là bài báo của ông Nhan nhấn mạnh những nỗ lực của họ trong việc “thiết lập một mạng lưới các sĩ quan thông tin ở ngoại quốc để tận dụng tối đa các năng lực tình báo của họ.”
Năm 2014, công an huyện Thanh Điền “đã cung cấp hướng dẫn và sự trợ giúp kịp thời” cho một hiệp hội Hoa kiều ở Tây Ban Nha, vận động hiệp hội này phát động một chiến dịch phá rối buổi biểu diễn của công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun (Shen Yun Performing Arts) ở Barcelona.
Shen Yun có trụ sở tại New York là một công ty biểu diễn nghệ thuật truyền thống Trung Hoa có liên quan với Pháp Luân Công. Các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tiếp tục răn đe và hù dọa các nhà hát địa phương ở Tây Ban Nha và các quốc gia khác, ép họ hủy bỏ các buổi biểu diễn của Shen Yun.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ truyền thống Phật gia bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.” Tháng 07/1999, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp bạo lực nhằm xóa bỏ môn tu luyện này, vì ông xem các bài giảng và sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần và sự cai trị toàn trị của chế độ cộng sản.
Trong 24 năm qua, Bắc Kinh vẫn không ngừng nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công sinh sống ở Trung Quốc cũng như ở ngoại quốc.
Một trường hợp khác vào năm 2013 liên quan đến một bé gái ba tuổi mà ông Nhan nói rằng đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn ở huyện Thanh Điền và cháu bé này có người thân ở ngoại quốc. Ông viết rằng văn phòng của ông đã ngăn chặn thành công “một số lượng lớn các bình luận tiêu cực trên mạng” do các thành viên gia đình của cháu bé ở Hungary và một số người ở Trung Quốc khởi xướng.
‘Các bảo đảm hợp tác’ ở hải ngoại
Tiêu đề bài báo của ông Nhan, “Nghiên cứu và Thực hành ‘Kinh nghiệm Phong Kiều’ ở Hải ngoại trong Thời đại Mới – Lấy quận Thanh Điền làm Hình mẫu,” cho thấy mức độ mà các đồn công an ở ngoại quốc đã và đang làm việc với các cơ quan chính thức và dân sự ở các quốc gia khác để thúc đẩy các lợi ích của Bắc Kinh và kiểm soát cộng đồng người Hoa kiều.
“Kinh nghiệm Phong Kiều” đề cập đến kinh nghiệm “vận động quần chúng để củng cố chế độ độc tài đối với kẻ thù giai cấp,” theo Dự án Truyền thông Trung Quốc. Đó là một thuật ngữ do lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đặt ra trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 khi ông kêu gọi các Đảng viên học hỏi kinh nghiệm của thị trấn Phong Kiều, tỉnh Chiết Giang.
Bài báo của ông Nhan mô tả công việc vận động các tổ chức Trung Quốc ở các quốc gia khác để thúc đẩy nghị trình chính trị của Bắc Kinh là một trong ba “bảo đảm hợp tác” ở ngoại quốc.
Ông cho biết công an huyện Thanh Điền đã “thiết lập các cơ chế hợp tác thường xuyên với hơn 230 tổ chức cộng đồng người Hoa và duy trì liên lạc thường xuyên với hơn 150 nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa có ảnh hưởng.” Sự hợp tác của họ liên quan đến việc phòng công an hướng dẫn các tổ chức và cá nhân ở ngoại quốc này “tích cực tham gia vào các hội nghị toàn cầu khác nhau về chống chủ nghĩa ly khai và thúc đẩy thống nhất [với Đài Loan].” Ông cho biết công việc này đã tích cực góp phần vào công tác của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) ở hải ngoại.
Trong một bài báo xuất bản năm 2020, Public Safety Canada đã trích dẫn một phân tích của Viện Chính sách Chiến lược Úc về việc ĐCSTQ sử dụng UFWD như một công cụ can thiệp chính ở ngoại quốc.
Một bảo đảm hợp tác khác được ông Nhan mô tả là tăng cường hợp tác chặt chẽ với các đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới. Ông nói rằng thông qua “liên lạc và hợp tác chặt chẽ với các sĩ quan liên lạc của công an đóng ở ngoại quốc và với các nhà lãnh đạo Hoa kiều địa phương,” công an Trung Quốc đã ngăn chặn thành công kế hoạch biểu tình phản đối chuyến thăm cấp lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc tới Đức hồi năm 2017 và việc ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg cùng năm đó.
Bảo đảm hợp tác thứ ba mà ông Nhan bàn tới là tăng cường hợp tác chặt chẽ với các cựu quan chức công an Trung Quốc và thân nhân đang sinh sống ở ngoại quốc của họ, từ đó thành lập các cơ quan khác nhau ở hải ngoại như cơ chế liên lạc của công an, các hiệp hội an ninh công cộng Trung Quốc, các hiệp hội chống tà giáo, và ủy ban hòa giải để “cùng chung tay đối phó với các vụ án lớn liên quan đến Hoa kiều đồng thời giải quyết các xung đột và tranh chấp.”
Bài báo của ông Nhan đã được đăng trên Học San Công an — còn được gọi là Học báo của Học viện Cảnh sát Chiết Giang — nhưng sau đó đã bị gỡ bỏ. Ấn phẩm này được điều hành bởi công an tỉnh Chiết Giang và được đồng quản lý bởi Văn phòng Nghiên cứu Chính sách của Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Tỉnh ủy Chiết Giang của ĐCSTQ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times