Trước khi biết đến điện ảnh, con người đã thưởng thức những họa phẩm chuyển động
Triển lãm ‘Khổ Giấy XXL – Lớn, Lớn Hơn, Lớn Nhất!’ của bảo tàng Rijks
Sáu cuộn giấy dán tường sặc sỡ, mang phong cách nổi bật kỳ lạ có chiều dài 59m từng làm cho các quốc gia Âu Châu ở thế kỷ 19 phải ngỡ ngàng, nhưng không phải giấy dán tường. Khi những nhà giám tuyển của bảo tàng Rijks bắt đầu tìm kiếm trong kho những tác phẩm khổng lồ trên giấy phục vụ cho triển lãm “Khổ Giấy XXL – Lớn, Lớn Hơn, Lớn Nhất!” của họ, người ta phát hiện ra sáu cuộn giấy trên là một phần của một tác phẩm có hình ảnh chuyển động, mang tên “Reuzen-Cyclorama” (bức màn vây khổng lồ)
Trước khi phim ảnh xuất hiện, mọi người thường trả tiền để được chiêm ngưỡng những bức tranh chuyển động toàn cảnh (ở một số nơi trên thế giới còn được biết đến như những bức màn vây chuyển động). Một chiếc khung gỗ giữ bức tranh được cuộn vào giữa hai thanh gỗ, khiến cho từng hình ảnh của tác phẩm trong khung dần dần được lộ ra. Những cái lỗ nhỏ ở phần trên cùng của tác phẩm cho thấy bức tranh ở bảo tàng từng được treo trên một khung gỗ như vậy. Mặc dù bức họa của bảo tàng Rijks rất lớn, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của bức màn vây chuyển động có tổng chiều dài gần một dặm.
Ý tưởng của tranh màn vây được lấy cảm hứng từ nhà hát, nơi mà những tấm phông nền lớn, được sơn theo chiều ngang hay dọc, đặt làm phông nền trên sân khấu.
Phần lớn những bức màn vây tồn tại được cho đến ngày nay đều được lưu giữ ở Hoa Kỳ. (Chúng có thể được tìm thấy trên trang web của Hội đồng Tranh chuyển động Quốc Tế.) Chủ đề của những bức họa chuyển động đa dạng từ những chuyến tham quan tại những vùng đất nước ngoài, tới đề tài lịch sử về những trận chiến vĩ đại hay những sự kiện làm chấn động thế giới, cho đến chủ đề về tôn giáo như các bối cảnh về cuộc đời của Chúa.
Một khám phá về chuyển động
Trong bài báo “Từ giấy dán tường cho đến bức tranh chuyển động toàn cảnh: Sự khám phá về các mảnh ghép của Cyclorama Reichardt,” trên tạp chí được bình duyệt “Bản tin của Bảo tàng Rijks,” các chuyên gia mô tả cách họ đã bảo quản bức họa và quá trình tìm hiểu về lịch sử đằng sau chúng.
Trong bài báo, có sự phân biệt rõ ràng giữa các bức tranh toàn cảnh và những bức màn vây chuyển động. Tranh chuyển động toàn cảnh được vẽ rất chính xác về mặt lịch sử và địa lý, thường được tạo ra dưới sự chỉ dẫn của một nghệ sĩ được đào tạo bài bản. Trong khi đó, bức màn vây chuyển động thường mang yếu tố kỳ ảo và được tạo nên bởi những người thợ thủ công và các họa sĩ sân khấu.
Giống như trần nhà được sơn và phông nền của sân khấu, khán giả của những bức tranh chuyển động chưa từng được nhìn thấy những tác phẩm này cận cảnh. Trái ngược với bức họa toàn cảnh tĩnh, bức màn vây chuyển động không cần phải hoàn hảo và chính xác đến từng chi tiết; mục đích của những tác phẩm này là mang đến cho khán giả cảm giác như khi đang ở trên thuyền, trên tàu, hoặc trên xe ngựa để họ có thể thưởng thức những cảnh quan như lướt qua.
Những bức màn vây chuyển động đưa khán giả vào một cuộc hành trình qua những cảnh quan (đôi khi là những phong cảnh không có thực) mà họ có thể chưa từng được dịp ghé thăm. Người dẫn chuyện hay một cuốn sách giới thiệu thường đi kèm với chương trình, cũng như âm nhạc và đôi khi là những nghệ sĩ giải trí khác như ảo thuật gia và nghệ sĩ nói tiếng bụng.
Khó hiểu thay, những tòa nhà hình trụ từng trưng bày những bức tranh toàn cảnh tĩnh cũng được được gọi là những tấm màn vây. Những tòa nhà này mọc lên khắp Mỹ châu và Âu châu, một số vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.
Ngài Ferdinand Reichardt, một nhà xuất bản Đức, đã ủy nhiệm ba họa sĩ từ Berlin, Heinrich Heyl và anh em họa sĩ trang trí Borgmann – để vẽ cho ông một bức tranh chuyển động về phong cảnh của vùng Tyrol (nay là một phần của miền Bắc nước Ý và miền Bắc nước Áo), vùng Styria của đông nam Áo, sau đó là Thụy Sĩ, và nước Ý.
Vào thế kỷ 19, đi bộ việt dã và các chuyến du lịch Âu châu là những thú vui tiêu khiển phổ biến. Các quảng cáo tuyên bố rằng đi xem những bức tranh chuyển động là một cách rẻ tiền và an toàn để “du lịch,” hay một tờ quảng cáo đã viết rằng đó là cách “đi bộ đường dài mà không có rủi ro như bị rơi khỏi vách núi và bị chôn vùi dưới tuyết”.
“Reuzen-Cyclorama” đưa khán giả đi qua 500 dặm phong cảnh được thu gọn trong khung ảnh vẽ tay gần một dặm. Mà bảo tàng Rijks giữ vỏn vẹn một phần của bức tranh với chiều dài 59m. “Reuzen-Cyclorama” của Reichardt đã đi lưu diễn ở khắp Hà Lan, Antwerp nước Bỉ và London, nơi ngay cả Nữ hoàng Victoria đã từng thưởng thức nó.
Các chuyên gia cho rằng bức màn vây chuyển động đó đều bị hủy hoại theo thời gian kể từ lần lưu diễn rộng rãi ấy. Họ tin rằng những phân đoạn của bức tranh chứa những địa danh có thể nhận dạng, như Lucern ở Thụy Sĩ, Milan, và hồ Como ở Ý, có khả năng được tái sử dụng hoặc cất giữ để bảo tồn. Các khúc tranh bị thiếu có thể đã cuộn lại trong kho lưu trữ ở đâu đó, được cho là giấy dán tường đang chờ đợi được phát hiện như những bức tranh chuyển động một lần nữa.
Du khách có thể bao quanh mình với bức họa dài 23m trong một căn phòng được thiết kế riêng tại triển lãm “XXL Paper — Lớn, Lớn Hơn, Lớn Nhất!” của bảo tàng Rijks. Bức tranh phong cảnh này là một trong những tác phẩm giấy khổng lồ của bảo tàng được trưng bày, một trong nhiều tác phẩm chưa từng được trưng bày trước đây.
Các tác phẩm giấy khổng lồ của triển lãm đã được sản xuất từ khoảng năm 1500 cho đến nay, bao gồm nhiều tác phẩm thú vị từ tranh biếm họa trên vải hoặc cho cửa sổ kính màu nghệ thuật (một phương pháp vẫn được sử dụng trong thiết kế cửa sổ kính màu ngày nay), đến bức họa khổng lồ được đặt trong bệ thờ Chúa.
Hai trong số những tác phẩm nổi bật của cuộc triển lãm là bức tranh khắc gỗ về gia phả của Hoàng đế Charles thứ Năm (khoảng năm 1535) của nghệ sĩ Robert Peril, cao khoảng 700cm; và cuộn tranh từ thế kỷ thứ 18 “Một Trăm Đứa Trẻ,” của Từ Dưỡng Hồng. Cuộn tranh mỹ diệu này bao gồm 12 phân cảnh của những đứa trẻ đang vui đùa trong một khu vườn Trung Quốc. Các hoạt động của những đứa trẻ này thể hiện bốn thành tựu nhã nhặn là âm nhạc, hội họa, thư pháp, và cờ vây. Khán giả sẽ cuộn qua từng cảnh một để chiêm ngưỡng chúng theo tốc độ mà bản thân mong muốn.
Giang Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times