Trung Quốc tuyên bố bùng phát bệnh viêm phổi nhân lúc Liên Hiệp Quốc họp bàn về Israel-Hamas
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Tần Bằng cho rằng tuyên bố này cho thấy ĐCSTQ đang lo sợ và chuyển sang dùng biện pháp ngoại giao trong bối cảnh một đợt bùng phát bệnh khác.
Nhà ngoại giao hàng đầu của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc cho biết tại Liên Hiệp Quốc rằng đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở nước này vốn ảnh hưởng đến trẻ em đã được kiểm soát mặc dù tình hình lây lan ngày càng tồi tệ. Trong khi đó, những báo cáo lẻ tẻ ở Trung Quốc về “hội chứng phổi trắng” đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ sẽ theo dõi Trung Quốc để có thêm dữ liệu y tế, trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác yêu cầu tính minh bạch cao hơn.
Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, tuyên bố hôm 29/11 tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York khi ông đang chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến Israel-Hamas: “Gần đây, chúng tôi đã chứng kiến một số cụm lây nhiễm cúm ở trẻ em tại một số khu vực của Trung Quốc. Trên thực tế, đó là một hiện tượng rất phổ biến ở nhiều quốc gia, và hiện đã được kiểm soát một cách hiệu quả ở Trung Quốc.”
Ông nói thêm: “Sự giao thiệp của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào, và chúng tôi hoan nghênh thêm nhiều chuyến thăm hơn nữa của nước bạn từ khắp nơi trên thế giới.”
Trung Quốc hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hôm 01/12, ông Tần Bằng (Qin Peng), nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ làm việc cho NTD News, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, đã lưu ý rằng ông Vương Nghị không đủ tư cách để nói về bệnh dịch hô hấp, vì ông không phải là quan chức cũng không phải một chuyên gia về y tế, và mục đích của ông khi có mặt tại Liên Hiệp Quốc là bàn về vấn đề hòa bình ở Israel. Ông Tần cho rằng tuyên bố của ông Vương về đợt bùng phát cho thấy ĐCSTQ sợ phải chịu trách nhiệm nếu bệnh viêm phổi bùng phát và lan rộng sang các quốc gia khác.
“ĐCSTQ xem bệnh dịch này là một cuộc khủng hoảng ngoại giao chứ không phải một cuộc khủng hoảng sức khỏe,” ông Tần Bằng nói. “Ông Vương Nghị đã sử dụng cuộc họp của Liên Hiệp Quốc để đưa ra tuyên bố, trên thực tế chứng minh rằng có vấn đề với tình hình bệnh dịch hiện nay ở Trung Quốc, cũng như các vấn đề về nguồn gốc mầm bệnh và các khía cạnh khác [mà ĐCSTQ có thể đang cố gắng che đậy].”
Cũng hôm 01/12, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) đang sinh sống tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng mỗi lần có một đợt bùng phát bệnh dịch lớn, thì ĐCSTQ lại cố gắng đổ lỗi cho các quốc gia khác và nói rằng đó là vấn đề của thế giới.
Ông Đinh Lượng (Eric Feigl-Ding), một nhà dịch tễ học được đào tạo tại Harvard sống tại Hoa Kỳ, đã đăng trên X: “Tôi nghe nhiều người trong cuộc nói với tôi rằng các bác sĩ Trung Quốc được chính quyền yêu cầu không báo cáo bất kỳ số liệu nào, không xét nghiệm cho bệnh nhân, và không báo cáo bất kỳ cuộc xét nghiệm nào. Điều này nghe có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ.” Ông Đinh là một trong những nhà khoa học Mỹ đầu tiên nêu lên những cảnh báo từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020.
Chính quyền Trung Quốc lo lắng
Ở trong nước, chế độ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc được cho là đang cố gắng đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát hơn để đối phó với đợt bùng phát lây lan nhanh chóng mà chỉ được biết đến là bệnh viêm phổi bí ẩn.
Hôm 02/12, Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó bà Vương Đại Yến (Wang Dayan), giám đốc Trung tâm Cúm Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) cho biết về đợt bùng phát bệnh hô hấp ở Trung Quốc rằng việc tăng cường khử trùng và giữ môi trường thông thoáng ở những nơi công cộng đông người, đồng thời khử trùng và vệ sinh các cơ sở công cộng thường được lui tới cần phải được thực hiện một cách thường xuyên hơn. Bà cũng nói rằng nên giảm bớt việc tụ tập đông người ở những nơi công cộng, đồng thời mọi người nên đeo khẩu trang ở phi trường, nhà ga, trên phương tiện giao thông công cộng, chợ nông sản, và những nơi khác.
Truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc đưa tin rằng các trường hợp viêm phổi bí ẩn khác chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em nay đã lan rộng đến nhiều nơi trên khắp đất nước. Phòng khám ngoại trú nhi khoa tại các bệnh viện ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Tứ Xuyên, và các nơi khác đều chật kín, chưa kể bệnh viện còn thiếu nhân viên y tế vì nhiều bác sĩ, y tá cũng bị nhiễm bệnh.
Hôm 30/11, Bệnh viện Nhân dân số 7 của thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông đã đưa ra thông báo tuyển gấp hai bác sĩ nhi khoa “do sự lây lan nhanh chóng của bệnh hô hấp ở trẻ em và số lượng bệnh nhân tại phòng khám ngoại trú nhi khoa tăng gấp đôi.”
Thông báo cho biết, “Các bác sĩ nhi khoa hiện có của bệnh viện không thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.”
Cùng lúc đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đăng trên mạng xã hội rằng chính quyền ở nhiều khu vực khác nhau ở Trung Quốc đã tiếp tục sử dụng “mã sức khỏe” vốn được sử dụng để áp đặt các hạn chế đi lại trong ba năm đầu tiên của đại dịch. Một bài đăng cho thấy rằng vào lúc 5 giờ chiều hôm 01/12, các mã [sức khỏe] ở tỉnh Tứ Xuyên và Quảng Đông đã được kích hoạt lại thành màu xanh lá, cho biết việc đi lại an toàn, sau gần một năm không hoạt động.
Các nhà chức trách tại thành phố Nghĩa Ô, nơi có khu chợ bán buôn hàng hóa lớn nhất thế giới, đã đưa ra thông báo hôm 01/12 yêu cầu người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn tích trữ thực phẩm có thể dùng được hơn 10 ngày. Thông báo này đã gây ra sự hoảng loạn trên mạng xã hội khi người dân lo lắng về một đợt phong tỏa bệnh dịch mới. Một người đăng: “Liệu họ có phong tỏa thành phố không?” Một người khác nói trong một bài đăng, “Tôi thấy lo lắng khi nhìn thấy chủ đề kiểu như vậy!” Thông báo sau đó đã bị xóa khỏi trang web chính thức của chính quyền Nghĩa Ô, nhưng vẫn có thể nhìn thấy trong các báo cáo trên truyền thông Trung Quốc có liên quan và các bài đăng lại trên truyền thông xã hội.
Trong khi đó, các sở giáo dục, ủy ban giáo dục, và trung tâm kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành phố, bao gồm tỉnh Sơn Tây, thành phố Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc, Bắc Kinh, tỉnh Sơn Đông, và tỉnh Phúc Kiến, đã đưa ra thông báo yêu cầu giáo viên và học sinh không đi học nếu họ bị nhiễm bệnh viêm phổi.
Các báo cáo về ‘hội chứng phổi trắng’ thu hút sự chú ý
Triệu chứng chính đặc trưng cho đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn ở Trung Quốc là “hội chứng phổi trắng” phát triển ở nhiều trẻ em nhiễm bệnh kể từ giữa tháng Mười. “Phổi trắng” thường là dấu hiệu của các ca viêm phổi nặng hoặc các ca nhiễm COVID-19, chẳng hạn như đã thấy ở nhiều bệnh nhân trong đợt bùng phát COVID-19 quy mô lớn hồi tháng Một khi chính quyền Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, vốn dẫn đến vô số trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2.
ĐCSTQ đã đổ lỗi cho các mầm bệnh khác nhau để giải thích cho đợt bùng phát bệnh viêm phổi lần này ở Trung Quốc, một chứng bệnh cũng dẫn đến “hội chứng phổi trắng” [như COVID-19]. Trong các tuyên bố chính thức về đợt bùng phát bệnh viêm phổi, hội chứng này được cho là do vi khuẩn mycoplasma, bệnh cúm, và virus hợp bào hô hấp, trong khi phần lớn tránh đề cập đến “COVID- 19” hoặc “SARS-CoV-2.”
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không tin vào những lời này khi tiếp tục gọi đợt bùng phát bệnh viêm phổi trẻ em hiện nay ở Trung Quốc là “không rõ nguyên nhân,” “chưa được chẩn đoán,” và “bí ẩn.”
Trong khi đó, Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, và Nam Hàn đều báo cáo tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em gia tăng nhiều bất thường khi mùa đông năm nay bắt đầu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ mối quan hệ nào giữa những đợt bùng phát này với đợt bùng phát ở Trung Quốc cũng như mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát có khác nhau hay không.
Có báo cáo hôm 30/11 rằng số ca nhiễm bệnh “viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma” ở trẻ em đã tăng vọt ở Ohio. Các ca nhiễm cũng đã được ghi nhận ở Massachusetts và các tiểu bang khác của Hoa Kỳ.
Sự gia tăng số ca nhiễm bệnh viêm phổi do mycoplasma ở trẻ em cũng đã được ghi nhận ở Pháp. Hôm 29/11, RFI đưa tin Bộ Y tế Pháp đã đưa ra cảnh báo tới các chuyên gia chăm sóc sức khỏe rằng Pháp hiện đang quan sát thấy “sự gia tăng bất thường về số ca nhiễm trùng đường hô hấp” do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra.
Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch (SSI) đã cảnh báo về sự gia tăng đột ngột của bệnh viêm phổi do mycoplasma trong một tuyên bố hôm 29/01. Tổng cộng có 541 trường hợp được báo cáo vào tuần trước ở nước này — nhiều hơn gấp ba lần tổng số ca nhiễm được ghi nhận hồi tháng Mười. SSI cho biết, mặc dù họ dự đoán bệnh dịch sẽ tồi tệ hơn trong năm nay bởi vì mức độ phơi nhiễm và khả năng miễn dịch giảm do COVID-19, nhưng bệnh dịch viêm phổi do mycoplasma thường không có nhiều ca nhập viện.
Tuần trước, Hà Lan báo cáo rằng cứ 100,000 trẻ em từ 5 đến 14 tuổi thì có 103 ca nhiễm trùng phổi (viêm phổi) trong tuần tính đến ngày 19/11, theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Dịch vụ Y tế Hà Lan (NIVEL) công bố — tăng 24% so với cùng thời kỳ năm ngoái từ 83 trường hợp được ghi nhận vào tuần trước đó.
Nam Hàn cũng báo cáo số ca mắc bệnh viêm phổi do mycoplasma ở trẻ em đã tăng gấp đôi trong tháng Mười Một.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, một nhà dịch tễ học của WHO, cho biết hôm 29/11: “Đúng vậy, chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm trùng đường hô hấp trên toàn thế giới.”
Bà cho biết WHO sẽ “theo dõi Trung Quốc” về làn sóng các ca nhiễm đường hô hấp đang diễn ra.
Hôm 23/11, Trung Quốc nói với WHO rằng không tìm thấy “mầm bệnh bất thường hoặc mầm bệnh mới” sau khi tổ chức này yêu cầu dữ liệu từ chế độ về đợt bùng phát “viêm phổi chưa được chẩn đoán” vào ngày 22/11.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Ninh Hải Chung, và Tiểu Luật Sinh
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times