Trung Quốc thắt chặt quyền truy cập của ngoại quốc vào dữ liệu tài chính
Chuyên gia: Các quy định chặt chẽ hơn có thể là nỗ lực nhằm che giấu bí mật kinh tế của Bắc Kinh
Một cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc đang tìm cách siết chặt gọng kìm của mình đối với dữ liệu tài chính để tránh rò rỉ thông tin đến các cơ quan giám sát ngân hàng ở ngoại quốc. Các chuyên gia tài chính tin rằng đây là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm che đậy bí mật kinh tế của mình cũng như sự tham nhũng hủ hóa của các quan chức cao cấp.
Hôm 11/11, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã ban hành một “dự thảo trưng cầu ý kiến góp ý” về các sửa đổi đối với Luật Quản lý và Giám sát Ngân hàng. Các sửa đổi này gia tăng các hạn chế đối với quyền truy cập vào dữ liệu tài chính, hãng thông tấn nhà nước The Paper đưa tin.
Các hạn chế này áp dụng cho các tổ chức tài chính, vốn bị cấm cung cấp tài liệu, thông tin hoặc dữ liệu liên quan đến kinh doanh ra bên ngoài Trung Quốc mà không có sự cho phép. Các hạn chế này cũng áp dụng cho các giám sát viên ngân hàng của ngoại quốc, những người không được phép tiến hành điều tra và thu thập bằng chứng ở Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của chính quyền.
Cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu của nước này cho biết dự luật sửa đổi nói trên dự kiến sẽ mở rộng thành 92 điều từ 52 điều trước đó. Bộ luật này có hiệu lực lần đầu tiên vào tháng 02/2004.
Ông Trịnh Chí Thành (Zheng Zhicheng, hóa danh), một giáo sư kinh tế sống ở Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 15/11, “Cái gọi là đề nghị sửa đổi luật quản lý ngân hàng của CBIRC chỉ là hình thức, trong khi các bước quan trọng của luật này có thể đã được hoàn thành.”
Mặc dù các nhà quản lý tuyên bố rằng các quy định chặt chẽ hơn được thúc đẩy bởi các cân nhắc về an ninh quốc gia, nhưng ông Trịnh lại xem hành động này là một nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “siết chặt quyền kiểm soát đối với dữ liệu lớn, bao gồm cả việc chi phối quyền sở hữu và xuất bản tất cả dữ liệu và thông tin.”
Các quy định thắt chặt có thể che giấu các giao dịch nội bộ
Ông Trịnh cho hay, các quy định mới có thể tạo vỏ bọc cho một số quan chức cao cấp có mối liên hệ mật thiết với các công ty ở hải ngoại.
Ví dụ, ông Trịnh đã trích dẫn một thương vụ mua lại được cho là của một công ty Trung Quốc đối với một nhà sản xuất động cơ phi cơ của Ukraine. Vụ việc này được phanh phui vào năm 2021 như một phần của “Pandora Papers”, một kho tàng gồm 11 triệu tài liệu bị rò rỉ do Hiệp hội Ký giả Điều tra Quốc tế phát hành.
Công ty Trung Quốc có tên là Đầu tư Công nghiệp Hàng không Thiên Kiêu Bắc Kinh (Beijing Skyrizon Aviation Industry Investment Co.) này sau đó đã được thêm vào danh sách người dùng cuối quân sự (Military End User, MEU) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, vì bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Danh sách này liệt kê những công ty và tổ chức của ngoại quốc nào “thể hiện rủi ro không thể chấp nhận được trong việc sử dụng hoặc chuyển hướng thành ‘sử dụng cuối quân sự’ hoặc ‘người dùng cuối quân sự’ ở Trung Quốc, Nga, hoặc Venezuela.”
Trong thông báo của mình, chính phủ Hoa Kỳ cho biết công ty Thiên Kiêu đang “chủ động tìm cách có được tài sản trí tuệ và công nghệ để nâng cao các khả năng quân sự quan trọng đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Ông Trịnh cho biết, “Đây chắc chắn là một hình thức hoạt động theo phong cách của ĐCSTQ, sử dụng các công ty ở hải ngoại để bí mật mua lại các doanh nghiệp quân sự ở ngoại quốc.”
Ông Trịnh nói thêm, “Nhưng công ty này chỉ là một chiếc ‘găng tay trắng’ của ĐCSTQ: hoạt động thực tế của ngân hàng liên quan nên vĩnh viễn là một điều bí mật với công chúng, và dữ liệu thậm chí còn nhạy cảm hơn — đó là lý do tại sao ĐCSTQ sẽ tăng cường giám sát.”
Tầng tầng lớp lớp bí mật
Có thể có nhiều hơn để che giấu. Nhà bình luận tài chính Trương Kinh Luân (Zhang Jinglun), nói với The Epoch Times hôm 15/11 rằng chính quyền Trung Quốc không muốn xác nhận điều mà thế giới đang hồ nghi: rằng nền kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu một đòn giáng mạnh mang tính hủy diệt từ chính sách zero COVID của nước này. Hiện chính quyền này đang hạn chế các ngân hàng cung cấp dữ liệu và tài liệu vì sợ rằng nền kinh tế đang gặp khó khăn, tham nhũng kinh tế, và các hoạt động bất hợp pháp của chính quyền sẽ bị vạch trần.”
Theo ông Trương, “Nhiều ngân hàng có một số khoản nợ xấu nhất định và một số vấn đề ‘mờ ám’, vốn có thể được ngân hàng giữ lại hoặc lưu trữ. Nhưng đối với các chính phủ cộng sản, thì việc ngăn chặn rò rỉ hoặc bóc trần những thông tin này là điều bắt buộc.”
Dữ liệu và tài liệu ngân hàng bị tiết lộ sẽ chứa danh tính và tài khoản của các quan chức tham nhũng và gia đình của họ, mọi nỗ lực chuyển giao hoặc che giấu tài sản của gia đình ở hải ngoại, cũng như các dấu vết về việc biển thủ công quỹ hoặc vốn nhà nước, và nhiều thông tin hơn thế nữa.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times