Trung Quốc phát hành trái phiếu mới, mở rộng tiền tệ để ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ đang tăng của các nhà phát triển địa ốc
Để duy trì nền kinh tế, Bắc Kinh viện đến biện pháp phát hành trái phiếu mới và in tiền.
17 tỉnh của Trung Quốc đã phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt trong tháng này, với tổng lượng trái phiếu phát hành là 726.25 tỷ nhân dân tệ (khoảng 103.8 tỷ USD). Đợt phát hành này nhằm mục đích trả nợ cho chính quyền địa phương, về căn bản là tạo nợ mới để trả nợ cũ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm duy trì nền kinh tế bằng cách phát hành trái phiếu mới và mở rộng nguồn cung tiền là vô ích.
Từ năm 2020 đến năm 2022, các chính quyền địa phương đã phát hành khoảng 1.1 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 150 tỷ USD) trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt. Một số chính quyền địa phương, như Nội Mông và Vân Nam, dựa vào trái phiếu này để thanh toán các khoản nợ của họ.
Nội Mông đã phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt hai lần vào tháng Mười, với 66.32 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9.47 tỷ USD) phát hành hôm 09/10 và 40.38 tỷ nhân dân tệ khác (khoảng 5.77 tỷ USD) hôm 17/10, nâng tổng số tiền tích lũy lên 106.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.24 tỷ USD). Đợt trái phiếu đầu tiên sẽ được sử dụng hoàn toàn để trả nợ chính quyền cho các công ty trước năm 2018.
Tỉnh Vân Nam dự kiến sẽ phát hành hai trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt với tổng trị giá 107.6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.37 tỷ USD), trở thành tỉnh có quy mô phát hành lớn nhất.
Vào cuối năm ngoái, số dư nợ trực tiếp của Vân Nam lên tới 1209.83 tỷ nhân dân tệ (khoảng 165 tỷ USD), với tỷ lệ nợ là 257.6%.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã thiết lập ngưỡng cảnh báo tỷ lệ nợ chính quyền là 120%.
Kể từ khi trái phiếu tái cấp vốn ra đời vào năm 2018, hầu hết các vùng miền ở Trung Quốc đã ngày càng dựa vào việc phát hành trái phiếu mới để thanh toán các khoản nợ của mình.
Năm nay đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng trong việc phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt, dự kiến vượt 1.5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 21.43 tỷ USD) — lớn hơn tổng giá trị của ba năm qua cộng lại. Vào cuối năm trước, “nợ ẩn” của địa phương đã tích lũy một khoản lên tới 59 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.43 ngàn tỷ USD). Trái phiếu tái cấp vốn trị giá 1.5 ngàn tỷ nhân dân tệ chỉ có thể thay thế khoản nợ ẩn ngắn hạn, tức các khoản nợ được gây quỹ theo các phương thức tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) và không được đưa vào bảng cân đối kế toán của chính quyền.
Sự vỡ nợ của các nhà phát triển địa ốc làm tăng thêm khó khăn tài chính cho địa phương
Một phần đáng kể doanh thu tài chính địa phương của Trung Quốc đến từ lĩnh vực địa ốc. Do đó, các cuộc khủng hoảng nợ liên tiếp của các nhà phát triển hàng đầu đất nước là mối đe dọa trực tiếp đến tài chính địa phương.
Nhà bình luận chính trị Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times rằng một hậu quả đáng kể của việc bong bóng địa ốc đổ vỡ ở Trung Quốc là tình trạng này sẽ đẩy nợ địa phương lên cao, gây ra rủi ro cao hơn nhiều so với tác động của bản thân việc ngành địa ốc vỡ nợ.
Ngoài Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande), Bích Quế Viên (Country Garden) mới đây cũng tuyên bố không có khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Hồi tháng Tám, Bích Quế Viên đã gặp khó khăn trong việc thanh toán lãi cho hai trái phiếu phát hành bằng USD. Sau khi sự việc này được tiết lộ, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của công ty đã nhanh chóng xuống giá, mất trạng thái được xếp hạng là nên đầu tư và sau đó bị hủy niêm yết khỏi chỉ số Hang Seng hồi tháng Chín.
Hôm 10/10, Bích Quế Viên thông báo rằng họ không thể trả khoản vay 470 triệu HKD (khoảng 60 triệu USD) đúng hạn, gây tâm lý hoang mang cho người mua nhà. Các báo cáo chỉ ra rằng gia đình người sáng lập công ty Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang) đã di dời tài sản của họ và có những tuyên bố chưa được xác minh rằng ông Dương và con gái ông hiện đang bị công an Trung Quốc giam giữ.
Nhiều nguồn tin bên trong Bích Quế Viên nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng gia đình ông Dương gần đây đã cung cấp cho công ty khoản vay không lãi suất 300 triệu USD để giảm bớt cuộc khủng hoảng nợ. Ông Dương được cho là đã thanh lý tài sản của mình để trang trải các khoản nợ, bao gồm cả bán đi phi cơ riêng.
Ông Đường nói, “Bích Quế Viên, công ty từng được xe là một trong những nhà phát triển địa ốc ổn định hơn của Trung Quốc, bất ngờ tiết lộ rằng họ đang gặp khó khăn với những khoản nợ rất lớn trong năm nay. Đây là một đòn giáng mạnh nữa vào các nhà đầu tư và người mua nhà tiềm năng sau Hằng Đại, công ty sụp đổ trước đó và cũng từng được người ngoài xem là ‘quá lớn để sụp đổ.’”
Ông còn nêu lên rằng bong bóng địa ốc đã phát triển vô cùng lớn và số lượng căn hộ bỏ trống trên toàn quốc nhiều đến mức ngay cả dân số 1.4 tỷ người của Trung Quốc cũng không thể ở hết toàn bộ số căn hộ đó.
Ông nói, “Nhiều người hiện nay đã sợ việc mua nhà và có vẻ như sự sụp đổ của thị trường địa ốc còn lâu mới kết thúc. Việc vỡ nợ của các nhà phát triển địa ốc đã gây ra hiệu ứng domino và giờ đây các quỹ tín thác cũng vỡ nợ. Nạn nhân tiềm năng tiếp theo có thể là các ngân hàng, các gia đình, và toàn bộ nền kinh tế.”
Nợ chính quyền địa phương lập kỷ lục mới
Số liệu chính thức chỉ ra rằng vào cuối năm 2022, tổng nợ của chính quyền địa phương đã lên tới 35.07 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.01 ngàn tỷ USD).
Trong chín tháng đầu năm 2023, ĐCSTQ đã phát hành khoảng 7.1 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.01 ngàn tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương, tăng khoảng 11% so với cùng thời kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục so với cùng thời kỳ.
Trong số các trái phiếu này, 3 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 42.86 tỷ USD) là trái phiếu tái cấp vốn, tăng 41% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trái phiếu tái cấp vốn liên quan đến việc bảo đảm nguồn tài trợ mới để thanh toán các khoản nợ trước đó.
Năm nay, số nợ đến hạn của chính quyền địa phương đã lên tới 3.65 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 52.14 tỷ USD). Tuy nhiên, doanh thu từ bán đất lại sụt giảm đáng kể do thị trường địa ốc suy thoái.
Trong tám tháng đầu năm nay, 90% số tiền trả nợ gốc trái phiếu chính quyền địa phương được thực hiện thông qua việc phát hành trái phiếu tái cấp vốn. Phản ứng trước việc này, ĐCSTQ đã kêu gọi nhanh chóng phát hành số trái phiếu tái cấp vốn còn lại trong quý 4.
4.1 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 58.57 tỷ USD) trái phiếu mới khác đã được chỉ định là trái phiếu vốn đặc biệt để xây dựng dự án nhằm ổn định nền kinh tế.
Hồi tháng Tám, Bộ Tài chính đã công khai kêu gọi các chính quyền địa phương đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu và sử dụng kịp thời nguồn vốn. Hành động này đã dẫn đến việc phát hành trên toàn quốc khoảng 1.3 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 18.57 tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương, thiết lập mức cao kỷ lục mới trong năm và trong lịch sử.
Trái phiếu đặc biệt mới chủ yếu được đầu tư vào các dự án thuộc 13 lĩnh vực, bao gồm xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ xã hội, nhà ở giá rẻ, dự án năng lượng mới, và kho chứa than.
Tình trạng vay mượn của địa phương cho thấy nếu chính quyền trung ương không in tiền và phát hành trái phiếu tái cấp vốn thì phần lớn các chính quyền địa phương sẽ phá sản, và hoạt động kinh tế của họ sẽ bị đình trệ.
Dữ liệu chính thức tiết lộ thêm rằng vào cuối năm 2022, tổng số nợ của cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đã đạt đến mức khoảng 61 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.34 ngàn tỷ USD), chiếm khoảng 50% GDP của Trung Quốc. Trong đó, nợ của chính quyền địa phương chiếm 35.07 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.01 ngàn tỷ USD). Số dư nợ ẩn theo phương thức LGFV — không được tính đến trong tính toán nợ chính phủ — đã tăng vọt lên tới 59 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.43 ngàn tỷ USD), với chi phí lãi vay hàng năm ở vào khoảng 3 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 42.86 tỷ USD).
Điều này có nghĩa là tổng số nợ ẩn — khoảng 62 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.86 ngàn tỷ USD) — cũng đang chiếm khoảng 50% GDP, và nợ trên thực tế đã choán hết toàn bộ GDP cho năm 2022.
ĐCSTQ không thể kiểm soát tình hình
Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư kinh doanh và tiếp thị tại Đại học South Carolina Aiken, gần đây đã nói với The Epoch Times rằng rủi ro tài chính và các vấn đề xã hội nảy sinh từ hàng loạt các vụ sụp đổ địa ốc là đặc biệt nghiêm trọng. Mức cho vay cao kỷ lục của ĐCSTQ để trợ giúp cho nợ chính quyền địa phương cho thấy đây là một thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, có khả năng báo hiệu một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Ông Tạ nói, “ĐCSTQ sợ rằng họ sẽ chẳng thể kiểm soát được tình hình, và nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là tránh rủi ro và bảo đảm sự ổn định của chế độ. Những gì họ có thể làm là phát hành thêm tiền để giải quyết vấn đề cấp bách nợ địa phương. Nợ địa phương chưa thực sự biến mất, mà chỉ đơn giản là được xóa khỏi sổ sách. Nhưng trên thực tế, gánh nặng cuối cùng lại rơi vào vai những người dân bình thường. Việc khởi động lại nền kinh tế trì trệ là một thách thức và cuộc sống của người dân sẽ ngày càng trở nên khó khăn — quá khó cho họ để mà kiếm được tiền, và họ ngại phải chi tiêu.”
Ông nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sử dụng việc in tiền để thúc đẩy nền kinh tế của mình, hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong thời kỳ tái cấp vốn cho nợ.
“Điều này chỉ đơn giản là không thể được! Giờ đây môi trường chung đã thay đổi. Với việc đầu tư ngoại quốc rút đi và châu Âu cùng Hoa Kỳ tăng cường bảo vệ công nghệ, nền kinh tế của ĐCSTQ chắc chắn sẽ suy thoái. Cho dù có phát hành thêm bao nhiêu tiền đi nữa thì trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể trì hoãn được cuộc khủng hoảng trong một thời gian ngắn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times