Ngành địa ốc Trung Quốc gặp khủng hoảng, doanh nghiệp nhà nước trỗi dậy khi các công ty tư nhân điêu đứng
Thị trường địa ốc Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng với doanh số bán hàng trì trệ và tốc độ phục hồi kinh tế chậm. Giữa bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) Trung Quốc đang nhanh chóng chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc trong khi các công ty tư nhân, kể cả các đại công ty như Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande Group) và Bích Quế Viên (Country Garden), đang phải đối diện với nguy cơ vỡ nợ. Sự thay đổi trong năng lực này đang đặt ra những câu hỏi liên quan đến ý định của chính quyền Trung Quốc khi mở rộng các doanh nghiệp nhà nước và những tác động của hành động này đối với nền kinh tế rộng lớn hơn.
Trong nền kinh tế Trung Quốc, hiện tượng này đã làm nảy sinh câu nói nổi tiếng “doanh nghiệp nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân thoái lui” (“quốc xí tiến, dân xí thoái”) nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước đang mở rộng và ép các công ty tư nhân rời đi. Chính quyền nhìn chung sẽ ưu ái các doanh nghiệp nhà nước hơn trong các chính sách và trợ cấp, và do đó sẽ loại bỏ dần dần các đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường. Xu hướng này báo hiệu rằng bối cảnh thị phần địa ốc của Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc cải tổ lớn. Lĩnh vực địa ốc đóng góp khoảng 30% GDP của Trung Quốc và do đó rất quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế đất nước.
Dữ liệu cho thấy tổng doanh thu của 100 công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc từ tháng Một đến tháng Mười lên tới 4.56 ngàn tỷ nhân dân tệ (624.7 tỷ USD), giảm 12.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Năm công ty hàng đầu trong danh sách bán hàng bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn.
Đứng đầu danh sách bán hàng là Nhà phát triển Địa ốc Bảo Lợi (Poly Real Estate), một công ty con của Tập đoàn Bảo Lợi Trung Quốc (China Poly Group) thuộc sở hữu nhà nước, có doanh thu từ tháng Một đến tháng Mười là 368.21 tỷ nhân dân tệ (50.4 tỷ USD), tăng 1.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Doanh thu này cao gấp 6.7 lần so với 54.6 tỷ nhân dân tệ (7.5 tỷ USD) của Tập đoàn Hằng Đại vốn xếp thứ 22.
Ở vị trí thứ hai đến thứ năm trong danh sách bán hàng, tất cả đều là doanh nghiệp nhà nước và ba trong số bốn doanh nghiệp trong số đó đã tăng doanh số bán hàng trong năm qua.
Trong bảng xếp hạng doanh số bán địa ốc của Trung Quốc từ tháng Một đến tháng Mười, thứ hạng của 100 công ty địa ốc hàng đầu đang được xếp lại hoàn toàn. Bích Quế Viên, một công ty tư nhân, đã rớt khỏi top năm và xếp thứ sáu, với doanh số bán hàng giảm mạnh 49.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Một nhà phát triển địa ốc tư nhân khác, Sunac China, chứng kiến doanh số bán hàng của họ giảm mạnh nhất so với cùng thời kỳ năm trước, tới 50.5% trong số 50 công ty hàng đầu.
Hiệu suất bán hàng của các doanh nghiệp địa ốc nhà nước thậm chí còn đáng chú ý hơn trên thị trường đất đai. Số lượng đất đai sở hữu là nguồn lực quan trọng để các công ty địa ốc phát triển, quyết định thị phần trong tương lai của họ. Tuy nhiên, do sức mạnh vốn hạn chế và sự suy thoái của ngành địa ốc Trung Quốc, các công ty tư nhân từng một thời lớn mạnh đã không còn đủ khả năng mua thêm đất. Các công ty địa ốc nhà nước của ĐCSTQ đang lợi dụng tình hình để mua lại quyền kiểm soát nguồn tài nguyên đất chất lượng cao.
Theo số liệu từ tháng Một đến cuối tháng Mười, trong số 100 công ty địa ốc hàng đầu Trung Quốc, gần 50% gần như đã ngừng thu mua đất, và hầu hết các công ty này đều xếp ở nửa dưới của top 100 về hiệu suất bán hàng.
Mười công ty địa ốc hàng đầu trong lĩnh vực thu mua đất đều là các doanh nghiệp nhà nước do ĐCSTQ kiểm soát. Các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm 66% số thương vụ mua lại đất, trong khi các công ty tư nhân Trung Quốc chỉ chiếm 22%. Điều này cho thấy vị thế thống trị thị trường địa ốc Trung Quốc tương lai sẽ về tay các doanh nghiệp nhà nước này.
Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng: “Thấy được những khó khăn mà các công ty địa ốc tư nhân gặp phải, các doanh nghiệp nhà nước đã nắm bắt cơ hội để mua đất vì hai lý do chính. Thứ nhất, họ mong muốn ổn định thị trường bằng cách để ĐCSTQ sở hữu phần lớn đất đai trong nước, chính quyền chắc chắn không muốn đất đai của mình bị mất giá. Thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước chưa bị thiệt hại đáng kể trong cuộc khủng hoảng địa ốc. Vì vậy họ đang lợi dụng sự suy giảm của khu vực tư nhân để đẩy nhanh mục tiêu mở rộng sở hữu nhà nước trước sự thu hẹp của các công ty tư nhân, từ đó đạt được sự thống trị trên bản đồ quyền lực địa ốc.”
Ông Sun cho rằng mô hình phát triển kinh tế do phát triển địa ốc và đô thị hóa dẫn khởi từ năm 1998 đã đi đến hồi kết và sự sụp đổ của lĩnh vực địa ốc là điều khó tránh khỏi.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times