Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tấn công Ấn Độ hơn Đài Loan trong tương lai gần
NEW DELHI – Khả năng chính quyền Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công trong tương lai gần vào biên giới tranh chấp với Ấn Độ nhiều hơn là tấn công Đài Loan, theo tác giả của một cuốn sách mới về chủ đề này.
Sau cuộc xung đột đẫm máu ở Galwan năm 2020 khiến cả hai quốc gia lần đầu tiên chịu thương vong sau gần 45 năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc đang thiết lập lực lượng quân sự dọc theo biên giới tranh chấp ở Ladakh khi 15 vòng đàm phán không đạt được kết quả nào.
Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng Trung Quốc phát động một cuộc tấn công tương tự vào Đài Loan.
Ông Rajiv Dogra, cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Ấn Độ và là tác giả cuốn sách “WARTIME: The World in Danger” (tạm dịch: “THỜI CHIẾN: Thế Giới trong Hiểm Họa”), cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine và mối đe dọa về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn sẽ thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc lớn nhất thế giới của Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times hôm 28/06, ông cho biết, “Trong khi Hoa Kỳ đang bận rộn ứng phó với Nga ở Ukraine, Trung Quốc đang đều đặn gia tăng dấu ấn của họ trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại hơn nữa không chỉ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay Đài Loan trong khu vực đó, mà là hiểm họa lớn hơn đang tồn tại ở biên giới phía bắc của Ấn Độ.” Ông Dogra là tác giả của bảy cuốn sách, trong đó có một cuốn viết về Afghanistan từng đạt giải thưởng.
Ông Dogra cho biết Trung Quốc đang ở một bước ngoặt lịch sử trong một trò chơi chiến lược trong đó viên xúc xắc được tung ra ngày càng có lợi cho họ. Ông tin rằng sự tập trung của ông Biden vào Ukraine là “cố chấp và ám ảnh.” Chiến lược đó có nghĩa là Hoa Kỳ và phương Tây đang vắt kiệt sức mình trong một cuộc chiến có “kết quả bấp bênh tại Ukraine.” Ông tin rằng chiến lược này đã đáp ứng được mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Việc ông Biden kiên quyết theo đuổi mục tiêu nhằm làm suy yếu nước Nga sẽ từ từ dẫn đến sự đình trệ, suy sụp kinh tế và gia tăng tình trạng thất nghiệp ở Âu Châu. Do bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Ukraine, Hoa Kỳ đã không đưa ra loại lựa chọn chính sách ngoại giao đúng đắn từng khiến quốc gia này được hoan nghênh trong một thời đại trước đây. Như ông Kissinger đã nói gần đây, ‘… đối với phương Tây, việc hạ bệ Vladimir Putin không phải là một chính sách; đó là một cái cớ cho việc không có một chính sách nào cả,” ông Dogra, cựu đại sứ Ấn Độ tại Romania, Ý, và San Marino, đồng thời là cựu bộ trưởng của Cao ủy Ấn Độ ở London, cho biết.
‘Thời cơ’ của Bắc Kinh
Theo ông Dogra, tình hình diễn ra trên thế giới trong bối cảnh hiện nay là “một thời cơ” mà Trung Quốc đã chờ đợi từ lâu, và mối đe dọa về chiến tranh trong tương lai nên được nhìn nhận từ lăng kính này.
Nếu ông Biden thực sự nghiêm túc về vấn đề bảo vệ Đài Loan và bảo đảm quyền tự do hàng hải thì sự khôn ngoan chiến lược đòi hỏi Hoa Kỳ phải bố trí các nguồn lực quân sự của họ ở Thái Bình Dương “một cách thỏa đáng” — nhưng thực tế lại không được như vậy, tác giả này nói.
“Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây đã thông báo về việc tăng cường khai triển quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu. Chiến lược này đã bất chấp việc Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng thách thức chiến lược lớn nhất của họ đến từ Trung Quốc! Và tất cả những điều này cũng bất chấp thực tế rằng Á Châu sẽ là một thị trường lớn hơn nhiều đối với Hoa Kỳ trong thập niên tới so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới,” ông Dogra cảnh báo.
Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự ở Âu Châu với nhiều khu trục hạm hải quân hơn đóng tại Tây Ban Nha, hai phi đội chiến đấu cơ F-35 đóng tại Vương quốc Anh và trụ sở quân sự thường trực ở Ba Lan cho Quân đoàn 5 Lục quân Hoa Kỳ. Trong một cuộc họp báo tại Tây Ban Nha hôm 29/06, ông Biden cho biết, “Đây là lúc cần đến NATO hơn bao giờ hết.”
Ông Dogra cho rằng Bắc Kinh đang quan sát “một cách hân hoan khi tin xấu lan tràn trên thế giới.”
“Do các lệnh trừng phạt, các đường đứt gãy mới đang bắt đầu xuất hiện trong trật tự thế giới. Cuộc xung đột ở Ukraine càng kéo dài thì càng tốt theo quan điểm của Trung Quốc. Một lợi ích có ý nghĩa quan trọng đối với họ sẽ là Nga trở thành tiền đồn thực sự của họ ở Âu Châu. Và do đó, trong tư thế sẵn sàng đối đầu, trên thực tế, cả Hoa Kỳ và Nga sẽ để phần còn lại của thế giới trở thành sân chơi của Trung Quốc. Đây là khoảnh khắc mà Trung Quốc đã chờ đợi từ lâu. Như Mao [Trạch Đông] đã nói, ‘Thiên hạ đại loạn là thời cơ tuyệt vời’ (Thiên hạ đại loạn, đại hảo thời cơ).”
Chiến tranh với Đài Loan
Theo ông Dogra, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh trong tương lai gần đối với Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của họ, là rất thấp, bởi vì một cuộc chiến tranh chiếm lấy Đài Loan sẽ có giá rất đắt về kinh tế đối với Trung Quốc. Ngược lại, ông cho rằng một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya xa xôi sẽ chỉ giới hạn trong các hoạt động quân sự giữa hai quân đội.
Hơn nữa, bất chấp mối bang giao căng thẳng của họ, thương mại giữa Trung Quốc và Đài Loan vẫn gia tăng đều đặn. Năm 2018, hơn 100,000 doanh nhân Đài Loan làm ăn tại đại lục, đồng thời, gần 40% hàng hóa xuất cảng của Đài Loan được xuất sang Trung Quốc. Năm 2021, Đài Loan xuất cảng hàng hóa trị giá 126 tỷ USD sang Trung Quốc trong khi Ấn Độ chỉ xuất cảng hàng hóa trị giá 21 tỷ USD sang Trung Quốc, ông Dogra cho biết.
“Trung Quốc cũng ý thức được rằng không dễ mà chiến thắng được Đài Loan. Nói đúng hơn, quân đội của họ có thể phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ và kéo dài. Trung Quốc cũng sẽ nghiêm túc cân nhắc về khả năng một cuộc chiến tranh chiếm lấy Đài Loan có thể kéo theo Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc. Đó sẽ là một thách thức đáng gờm đối với Trung Quốc bởi vì mặc dù gần đây họ huênh hoang về quân sự, nhưng họ biết rằng không dễ vượt qua được quân đội của các nước này,” ông Dogra viết trong cuốn sách của mình.
Ông cho biết nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan họ cũng sẽ gặp phải những trở ngại về hậu cần, giống như đầm lầy hậu cần ban đầu đã khiến Nga mắc kẹt ở Ukraine.
“Trung Quốc cũng có thể gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của quân đội và công chúng từ Đài Loan, và sau đó họ có thể mất nhiều năm để bình định Đài Loan về mặt quân sự và chính trị. Trong tất cả các khả năng, Trung Quốc sẽ không phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Đài Loan cho đến khi nào họ chắc chắn có thể nhanh chóng giành được chiến thắng vì họ không muốn hứng chịu thất bại thảm hại trong một cuộc xung đột kéo dài hơn và hậu quả là mất đi danh tiếng,” ông Dogra nói với The Epoch Times.
Tất nhiên, Bắc Kinh nhất quyết sẽ khởi động một chiến dịch quân sự vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần — đó là điều chắc chắn, ông Dogra nói. Ông nói thêm rằng nếu phát động chiến tranh ở Đài Loan, họ sẽ làm điều đó vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang bận rộn ở nơi khác và không có thời gian để phản ứng một cách hiệu quả.
Theo cuốn sách của ông Dogra, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Honolulu dự đoán thời hạn sáu năm cho một cuộc tấn công như vậy, trong khi phía Đài Loan ước tính khung thời gian ba năm trước khi Bắc Kinh phát động một cuộc xâm lược.
“Vì vậy, ngay cả khi Đài Loan vẫn là chiến lợi phẩm mà họ nhắm đến, Trung Quốc có thể sẽ trước tiên chọn một chiến thắng nhanh chóng ở nơi khác. Không cần tìm đâu xa cho một cuộc chiến như vậy, một cuộc chiến khẳng định chắc chắn họ là bá chủ Á Châu. Và không giống như nhiều mối liên hệ với Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ tốt nhất có thể được mô tả là những quốc gia láng giềng lạnh nhạt,” ông Dogra viết.
Chiến tranh với Ấn Độ
Quan hệ quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng, và vùng biên giới tranh chấp vẫn là một điểm nhức nhối trong mối quan hệ của họ trong suốt bảy thập niên qua. Hơn nữa, ông Dogra cho biết mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng khổng lồ của Á Châu này đã ngày càng trở nên mất cân bằng nghiêm trọng.
“Trung Quốc lấn át Ấn Độ về mọi mặt — từ quân sự đến kinh tế, từ hiệu lực quản trị đến kỷ luật xã hội; từ sự tự tin đến mức hung hăng đến việc theo đuổi mục tiêu một cách vô đạo đức. Ấn Độ đang đối mặt với sự bất cân xứng có tác động tiêu cực trong tất cả những vấn đề này,” ông viết.
Tuy nhiên, cơ hội cũng rất nhiều. Hai quốc gia này kết hợp sẽ là thị trường lớn nhất trong tương lai. Các thị trường trung lưu ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể chiếm các khoản chi tiêu thường niên lần lượt là 14.1 nghìn tỷ USD và 12.3 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ông Dogra cho rằng cả hai quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ một mối quan hệ hợp tác hơn là một mối quan hệ bất hòa. Nhưng điều này có vẻ khó xảy ra do tham vọng cạnh tranh và viễn cảnh chiến lược của họ.
“Cho đến lúc đó, Trung Quốc muốn làm suy yếu Ấn Độ, giáng hạ quốc gia này xuống chỉ còn là một bản sắc khu vực, khiến quốc gia này yếu nhược về mặt kinh tế, và trên hết, khiến quốc gia này vướng vào tình trạng chiến tranh bằng tất cả các biện pháp khác. Nhưng họ cũng sẽ sẵn sàng cho cuộc chiến tiếp theo,” ông viết.
Một nhóm các nhà đầu tư tài chính quốc tế do ông Christopher Joye, một nhà kinh tế tài chính hàng đầu người Úc, dẫn đầu, đã phát triển một mô hình dự đoán các cuộc xung đột trong tương lai và khả năng xảy ra chiến tranh. Mô hình của họ cho thấy xác suất xảy ra xung đột quân sự cường độ thấp trong thập niên tới giữa Trung Quốc và Ấn Độ là 55%, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là 46%, giữa Hoa Kỳ và Nga là 30%.
Theo mô hình này, khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện trong thập niên tới cũng là cao nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở mức 22%, trong khi đó giữa Trung Quốc và Đài Loan là 11%, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ 12%.
“Mô hình của ông Joye rất quả quyết khi khẳng định rằng nguy cơ xảy ra xung đột hoặc chiến tranh giữa Ấn Độ-Trung Quốc là lớn nhất trên thế giới. Chúng ta nên bổ sung thêm khả năng xảy ra chiến tranh với Pakistan vào mô hình này,” ông Dogra viết.
Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra bốn cuộc giao tranh kể từ năm 1947, và hai quốc gia láng giềng này có chung đường biên giới dài, bị tranh chấp và đầy biến động.
Ông nói với The Epoch Times rằng Ấn Độ đang chịu áp lực rất lớn trong việc tăng chi tiêu quốc phòng.
“Một yếu tố thường được nói đến, mặc dù với âm lượng không lớn, là khả năng Ấn Độ có thể phải đối mặt với một cuộc chiến tranh hai mặt trận với Trung Quốc và Pakistan. Điều có thể làm cho tình hình trở nên nguy hiểm hơn nữa là khả năng cuộc chiến này có thể trở thành một ‘cuộc chiến đơn phương’ dọc theo biên giới dài hơn 6,800 km (4,225 dặm) bởi vì các lực lượng vũ trang và chiến thuật quân sự của Trung Quốc và Pakistan hiện nay chủ yếu đã đồng bộ,” ông nói.
Ông Dogra tin rằng tình hình ở khu vực Ladakh thuộc phía bắc Himalaya, nơi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ hồi năm 2020, là “tồi tệ” hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới bởi vì Ấn Độ và Trung Quốc là nước lớn về mặt quân sự. Xung đột của họ sẽ có hậu quả vượt xa chiến trường.
“Do đó, đây là thời gian để Hoa Kỳ suy ngẫm nghiêm túc về các ưu tiên chiến lược của họ. Đây cũng là lúc các nhà tư tưởng trên thế giới phải suy ngẫm về việc thế giới đã sẵn sàng một cách công phu như thế nào… giữa sự bình lặng vốn có từ Đệ Nhị Thế Chiến và một Trung Quốc hung hăng mong muốn lập trật tự một thế giới mới.”
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.