Ấn Độ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo có khả năng hạt nhân sau cuộc đụng độ biên giới nhỏ với Trung Quốc
Hôm thứ Năm (15/12), Ấn Độ đã tiến hành một vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Agni-5. Hành động này diễn ra vài ngày sau một cuộc đụng độ mới giữa các binh lính Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo đường biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Bộ trưởng Các vấn đề Nghị viện Ấn Độ Pralhad Joshi cho biết vụ phóng thành công hỏa tiễn Agni-5 từ đảo Abdul Kalam thuộc tiểu bang Odisha ở phía đông đã đánh dấu một “cột mốc lịch sử” đối với ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Ông Joshi viết trên Twitter: “Hỏa tiễn này sẽ đóng góp giá trị to lớn cho quốc phòng và củng cố an ninh quốc gia ở mức độ lớn hơn vì vũ khí này có thể bay xa hơn 5,400 km.”
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Agni-5 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ba tầng và có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly lên tới 5,000 km (khoảng 3,100 dặm) với “độ chính xác rất cao.”
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất Agni-5. Bộ Quốc phòng nước này đã bắn thử một hỏa tiễn loại này vào ngày 27/10/2021, vốn là điều mà bộ này cho biết đã tái khẳng định chính sách của Ấn Độ về “sự răn đe tối thiểu đáng tin cậy” nhằm củng cố cam kết “Không Sử Dụng Trước” vũ khí hạt nhân.
Chính sách “Không Sử Dụng Trước” của Ấn Độ quy định rằng các loại vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng để trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Ấn Độ hoặc vào quân đội Ấn Độ.
Các cuộc đụng độ mới
Vụ phóng hỏa tiễn Agni-5 gần đây diễn ra ngay sau khi những căng thẳng mới phát sinh giữa Ấn Độ và chính quyền Trung Quốc, cụ thể là các cuộc đụng độ giữa quân đội của hai nước dọc theo biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya hôm 09/12.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho biết các binh sĩ Ấn Độ đã ngăn không cho quân sĩ Trung Quốc vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực Tawang thuộc tiểu bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, một lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố là của mình.
Ông Singh trình bày trước nghị viện: “Quân đội của chúng ta đã chống lại nỗ lực của Trung Quốc một cách cứng rắn và kiên quyết.”
Cuộc đụng độ biên giới này dẫn đến một số thương tích nhẹ cho cả hai bên. Ông Singh nói rằng chỉ huy bên Ấn Độ đã gặp người đồng cấp Trung Quốc sau vụ việc này và yêu cầu phía quân đội Trung Quốc “kiềm chế những hành động như vậy.”
Điều này xảy ra khi một đoạn video về một cuộc giao tranh bạo lực không được báo cáo trước đó giữa các lực lượng của Trung Quốc và Ấn Độ được cho là diễn ra hồi tháng 09/2021 ở Arunachal Pradesh lan truyền trên mạng xã hội trong tuần này.
India & China took pride in the LAC being one of the most peaceful disputed borders and that no bullet’s been shot. The latter part still stands true because now they use lathis and rocks to fight each other. — Sana Hashmi | 胡莎娜 (@sanahashmi1) December 13, 2022
pic.twitter.com/TBJtgTOGTZ
Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder cho biết Hoa Kỳ sẽ “hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực đang diễn ra của Ấn Độ nhằm giảm leo thang” tình hình và đang theo dõi sát sao diễn tiến của vụ việc.
“Chúng tôi đã chứng kiến CHND Trung Hoa tiếp tục tập trung lực lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự dọc theo cái gọi là đường kiểm soát thực tế (LAC),” ông Ryder nói với các phóng viên hôm 13/12, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông nói thêm, “Sự việc này có phản ánh, và điều quan trọng là phải chỉ ra, xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm khẳng định bản thân và khiêu khích ở các khu vực hướng thẳng tới các nước đồng minh của Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không thừa nhận cuộc đụng độ này trong cuộc họp báo thường nhật của mình hôm 13/12.
“Theo những gì chúng tôi biết, tình hình ở khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ nhìn chung vẫn đang ổn định, và cả hai bên đã duy trì liên lạc thông suốt về các vấn đề liên quan đến biên giới thông qua các kênh ngoại giao và quân sự,” phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố chính thức của Ấn Độ về cuộc xung đột nói trên.
Cuộc đụng độ biên giới này xảy ra chỉ vài ngày sau khi ĐCSTQ chỉ trích cuộc diễn tập quân sự chung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ở Uttarakhand, cách LAC khoảng 62 dặm, mà họ cho rằng đã vi phạm tinh thần của các thỏa thuận liên quan được hai bên ký kết vào năm 1993 và 1996.
Lần gần đây nhất một cuộc đụng độ đẫm máu lớn xảy ra giữa quân đội hai nước là vào ngày 15/06/2020, tại thung lũng Galwan thuộc miền đông Ladakh ở phía đông bắc dãy Himalaya, trong đó 20 binh sĩ Ấn Độ và 40 binh sĩ PLA đã thiệt mạng. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố chỉ có bốn người thiệt mạng trong cuộc xung đột đó, nhưng các nguồn tin của Ấn Độ và Nga đã bác bỏ điều đó. Cuộc giao tranh đó cũng xảy ra do cơ sở hạ tầng biên giới mà Ấn Độ đang xây dựng trong khu vực.
Mối quan tâm lớn hơn
Đại tá đã về hưu Vinayak Bhat, một chuyên gia hình ảnh vệ tinh và là cựu sĩ quan tình báo quân đội kỳ cựu của Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng có những điều lớn hơn mà Ấn Độ nên quan tâm ở Arunachal Pradesh.
Ông tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ và đã xây dựng các căn cứ ngầm và trụ sở ngầm trong khu vực mà họ đã chiếm đóng được từ Ấn Độ.
Bản tin có sự đóng góp của cô Venus Upadhayaya
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times