Việc Trung Quốc xây cầu ở khu vực tranh chấp đặt ra mối đe dọa quân sự cho Ấn Độ
NEW DELHI — Quân đội Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng một cây cầu trên Pangong Tso (còn gọi là hồ Pangong) tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Ladakh. Chính phủ Ấn Độ cho biết việc xây dựng đang diễn ra ở những khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hồ Pangong là một hồ nước nằm ở trên cao, xuyên Himalaya, dài hơn 83 dặm (gần 134km). Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một nửa diện tích hồ, Ấn Độ có chủ quyền 40%, còn lại một khu vực dài sáu dặm được cả hai quốc gia này tuyên bố chủ quyền.
Báo cáo về việc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) xây dựng một cây cầu nối bờ bắc và bờ nam của hồ này để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của quân đội và quân bị đã xuất hiện vào đầu năm nay.
“Cây cầu này đang được xây dựng ở những khu vực tiếp tục bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp kể từ năm 1962. … Chính phủ Ấn Độ chưa bao giờ chấp nhận việc chiếm đóng bất hợp pháp này,” chính phủ Ấn Độ tuyên bố trong một văn bản phúc đáp một câu hỏi được đặt ra ở Lok Sabha — phòng họp Hạ viện của Quốc hội Ấn Độ.
Aksai Chin, nơi đặt cây cầu này, là một vùng lãnh thổ do chính quyền Trung Quốc quản lý thông qua các chính quyền khu vực ở Tân Cương và Tây Tạng. Khu vực này cũng được Ấn Độ tuyên bố chủ quyền như một phần của Ladakh, phần phía đông của khu vực Kashmir vốn là đối tượng của cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập niên giữa hai quốc gia.
Khu vực này phần lớn không có dân cư nhưng có ý nghĩa quân sự vì có tuyến đường duy nhất nối lưu vực Tarim ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc với Tây Tạng. Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường xuyên Aksai Chin vào năm 1956 và đã chiếm đóng khu vực này từ năm 1962, sau chiến tranh Ấn-Trung lần thứ nhất.
Giá trị chiến lược
Ông Abhijit Iyer-Mitra, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc đã hoàn thành một lượng lớn công trình xây dựng bên trong lãnh thổ Ấn Độ kể từ năm 1962. Tuy nhiên, việc xây thêm cây cầu này là một mối lo ngại vì nó làm thay đổi “cán cân quân sự”, ông nói.
Cây cầu này nằm ở phía nam so với vị trí của PLA trên bờ bắc của hồ và đang được xây dựng ở nơi hai bờ chỉ cách nhau 1,600 feet (480m). Điều đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa vị trí bờ bắc của PLA và một căn cứ quan trọng khác của Trung Quốc 93 dặm (khoảng 150km).
Ông Iyer-Mitra cho hay, “Khi họ bắc cầu [nối] bờ bắc và bờ nam của hồ Pangong, về căn bản họ có thể di chuyển xe tăng, xe thiết giáp và hậu cần rất nhanh chóng từ bờ này sang bờ bên kia và những thứ tương tự như vậy. Cây cầu này mang lại một lợi thế di chuyển nhất định. Đó là thứ làm thay đổi cán cân quyền lực căn bản, sự cân bằng quyền lực được định vị ngoài đó.”
Ông nói rằng việc xây dựng cây cầu này là một kế hoạch lâu dài của Trung Quốc, lưu ý rằng PLA sẽ phải chi hàng tỷ dollar để đưa tất cả các thiết bị xây dựng lên độ cao 14,000 feet của hồ xuyên dãy Himalaya này.
Ông Srikanth Kondapalli, một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết sau vòng đàm phán quân sự thứ 10 giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi năm ngoái, cả hai bên đã quyết định ngừng việc điều động quân đội trong tương lai từ hai bên bờ nam-bắc của hồ Pangong.
Ông Kondapalli nói tiếp, “Giờ đây, với cây cầu này, quân đội PLA có thể được điều động nhanh chóng. Vì vậy, việc này được coi là mối đe dọa đối với Ấn Độ.”
Hồi tháng 02/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói với Quốc hội Ấn Độ rằng, như một phần của việc giải tán quân đội, cả hai nước sẽ rút về các vị trí trước đó của họ theo cách “chia theo từng giai đoạn, phối hợp, và có thể xác minh được”. Với việc xây dựng cây cầu này, Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng họ không muốn giải tán, các chuyên gia nói.
Ông Iyer-Mitra cho biết, mục tiêu của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh là xây dựng cơ sở hạ tầng lớn và lâu dài ở các khu vực tranh chấp trên cao này để củng cố các yêu sách lãnh thổ của họ đối với Ấn Độ. Bằng cách xây dựng các kiến trúc quan trọng hơn, Bắc Kinh có thể khẳng định [chủ quyền] “và rồi khu vực đó trở thành lãnh thổ không thể chối cãi của Trung Quốc,” ông nói thêm.
Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào?
Ông Iyer-Mitra nói rằng phản ứng của Ấn Độ đối với việc xây dựng cây cầu này của Trung Quốc không thể là việc họ cũng bắt đầu xây dựng cây cầu của chính mình ở phía Ấn Độ.
Ông cho hay, Ấn Độ đã lơ là việc phát triển cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới trong bảy thập niên qua và chỉ bắt đầu bắt kịp từ năm 2019.
“Nếu quý vị bắt đầu xây dựng đường sắt rồi cầu cống và những thứ tương tự — tất cả các lực lượng trên bộ đều rất hoang mang vì họ nghĩ rằng đây giống như một cuộc tấn công tức thì,” ông nói, lưu ý rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên mặt đất có nghĩa là Ấn Độ đang đưa các mục tiêu cho Trung Quốc tấn công.
Ông nói, phản ứng của Ấn Độ nên tập trung vào việc xây dựng năng lực tác chiến trên không, cho phép nước này có khả năng oanh tạc cơ sở hạ tầng mặt đất của Trung Quốc nếu cần thiết. Trong khi đó, Ấn Độ nên tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng phi quân sự với một tốc độ nhanh chóng bên phía mình để chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc — việc chiếm đoạt gia tăng các vùng đất bị tranh chấp — có thể bị chấm dứt vĩnh viễn.
Trong khi đó, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và khai triển quân đội, Ấn Độ nên hướng tới việc tăng cường các nỗ lực tuần tra dọc theo toàn bộ ranh giới với Trung Quốc, theo ông Pathikrit Payne, một nhà tư vấn nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị tại New Delhi, người chuyên quản lý công nghệ quốc phòng.
“Ấn Độ cần tăng cường sức mạnh của lực lượng ITBP [Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng] để tuần tra chặt chẽ hơn dọc theo toàn bộ vành đai từ Ladakh đến Arunachal,” ông nói và cho biết thêm rằng năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường lực lượng cảnh sát vũ trang, Sashastra Seema Bal (SSB), thêm 12 tiểu đoàn để tăng cường tuần tra nhiều hơn ở khu vực biên giới Ấn Độ–Nepal cũng như biên giới Ấn Độ–Bhutan.
SSB là một trong năm lực lượng cảnh sát vũ trang trung ương của Ấn Độ được thành lập vào năm 1963 theo sau cuộc chiến tranh Ấn-Trung năm 1962.
Ông Payne nói: “Việc tăng cường sức mạnh tương tự của lực lượng ITBP cũng đang được tiến hành nhưng cần phải được xúc tiến vì khả năng Trung Quốc không khoan nhượng đang ngày một lớn dần, như một phần của chính sách Năm Ngón tay của Tây Tạng, chính sách này sẽ không sớm bị thất sủng đâu.”
Năm Ngón tay của Tây Tạng là một chính sách ngoại giao cấp bách của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông vốn coi Ladakh, Nepal, Sikkim, Bhutan, và Arunachal Pradesh là một phần của vùng đất truyền thống của Tây Tạng và ông nghĩ rằng Trung Quốc có trách nhiệm “giải phóng” những vùng đất này.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: