Trung Quốc miễn thị thực nhập cảnh nhằm thu hút khách du lịch
Giờ đây, danh sách các quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc ngày càng dài, tuy nhiên sự kiểm duyệt, giám sát chặt chẽ, và rào cản ngôn ngữ có thể khiến du khách nản lòng.
Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy hoạt động thương mại du lịch đang sụt giảm của Trung Quốc bằng cách nới lỏng các quy định nhập cảnh và áp dụng các chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với ngày càng nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, du khách đến Trung Quốc cho biết các quy định nhập cảnh dễ dãi không hẳn là một tấm vé vàng. Du khách vẫn phải đối mặt với tình trạng quan liêu, rào cản ngôn ngữ khiến người nghe không lĩnh hội được, truy cập Internet thì khó khăn, và hệ thống thanh toán hầu như không dùng tiền mặt của Trung Quốc.
Trong khi đó, người Trung Quốc bản địa từ hải ngoại về thăm quê cũng lo ngại về hoạt động giám sát và thu thập thông tin khắp mọi ngóc ngách của quốc gia cộng sản này.
Dựa trên các dữ liệu do Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc công bố và được CNN đưa tin, số lượng du khách ngoại quốc đến và rời khỏi Trung Quốc trong năm 2023 là 35.5 triệu người, con số này kém xa và chỉ bằng 36% của con số 97.7 triệu chuyến đã được thực hiện trong năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát.
Các công ty du lịch cũng cho biết số lượng đặt chuyến đến Trung Quốc cũng ít hơn. Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, được tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) đưa tin, trong nửa đầu năm 2023, các công ty du lịch Trung Quốc đặt 477,800 chuyến đi cho khách du lịch ngoại quốc vào Trung Quốc, giảm 6% so với cùng thời kỳ năm 2019, trước đại dịch.
Ông Steven Zhao, Giám đốc điều hành của công ty du lịch trực tuyến China Highlights, nói với tờ Nam Hoa Tảo Báo rằng hầu như không còn khách từ các quốc gia phương Tây đặt chuyến, nên nhiều công ty ngừng sắp xếp lịch trình cho những du khách này.
Gỡ bỏ các quy định về thị thực
Để đối phó với tình trạng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra một số chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp và du khách ngoại quốc.
Sau khi gỡ bỏ quy định điền thông tin vào tờ khai sức khỏe đối với du khách vào cuối năm ngoái (2023), Trung Quốc đã gỡ bỏ nốt yêu cầu đi lại cuối cùng liên quan đến COVID-19.
Hơn nữa, các du khách và doanh nhân từ hơn chục quốc gia Âu Châu và Á Châu hiện đã được miễn thị thực khi đến Trung Quốc. Trong sáu tháng qua, Trung Quốc đã đơn phương mở quyền miễn thị thực nhập cảnh cho du khách đến từ Brunei, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Malaysia, trong vòng tối đa 15 ngày. Tháng 01/2024, ĐCSTQ tuyên bố đưa thêm Ireland và Thụy Sĩ vào danh sách miễn thị thực.
Mới đây, kể từ hôm 09/02, Trung Quốc và Singapore đã bắt đầu miễn thị thực song phương, cho phép [công dân hai nước] lưu trú trong vòng 30 ngày. Bắt đầu từ ngày 01/03, Trung Quốc và Thái Lan sẽ khai triển chương trình miễn thị thực vĩnh viễn cho công dân hai nước.
Du khách từ hơn 54 quốc gia khác cũng được miễn thị thực khi lưu trú ngắn hạn tại Trung Quốc trong thời gian từ 72 giờ đến 144 giờ.
Bất chấp căng thẳng giữa hai quốc gia, du khách từ Hoa Kỳ cũng sẽ cảm thấy việc đi du lịch Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn phần nào. Mặc dù công dân Hoa Kỳ vẫn cần xin thị thực, tuy nhiên phía Trung Quốc không yêu cầu cung cấp bằng chứng đặt phòng khách sạn, vé phi cơ khứ hồi, cũng như thư mời. Tháng 12/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm 25% phí xin thị thực nhập cảnh.
Liệu những chính sách này có tác dụng không? Hãy cùng lắng nghe cảm nhận của một số người Trung Quốc tại hải ngoại chia sẻ về trải nghiệm của họ trong chuyến đi gần đây đến Trung Quốc.
Vạn Lý Tường Lửa, giám sát khắp mọi nơi
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã trò chuyện với ông Vạn Tiểu Quân (bí danh), người vừa mới trở về Nhật Bản sau khi thăm thân nhân tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.
Ông Vạn là người đã cư trú lâu năm ở Nhật Bản vừa mới quay về Trung Quốc để giải quyết việc gia đình. Ông cho biết, sự sụt giảm trong ngành du lịch đã gây ảnh hưởng đến giá vé phi cơ. “Do có ít chuyến bay hơn, nên giá vé phi cơ cũng đắt hơn trước. Một vé khứ hồi hiện có giá gần 4,000 nhân dân tệ (khoảng 563 USD),” ông cho biết.
Giống như các du khách khác đến Trung Quốc, ông Vạn cũng phải đối mặt với vấn đề cái gọi là “Vạn Lý Tường Lửa,” một hệ thống ngăn chặn quyền truy cập vào các trang web phổ biến như Uber, Google, và Twitter. Du khách có thể tải các ứng dụng được ĐCSTQ chấp thuận như Didi, Baidu, và Wechat, những ứng dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật tại Trung Quốc. Hoặc là họ có thể lựa chọn sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để truy cập vào các trang web phương Tây.
Nhiều du khách mua gói chuyển vùng quốc tế cho điện thoại của họ, hoặc mua điện thoại di động gắn SIM Trung Quốc. Điện thoại gắn SIM Trung Quốc mang lại tiện ích kết nối và cung cấp cho du khách một số điện thoại Trung Quốc, rất tiện lợi. Để mua SIM thì cần phải xuất trình giấy tờ tùy thân hợp lệ — đối với du khách thì giấy tờ này chính là sổ thông hành (passport).
Để tránh tốn phí chuyển vùng quốc tế, ông Vạn đã mượn điện thoại của một người thân trong gia đình. Tuy nhiên, ông cho rằng giá thành của chiếc SIM điện thoại mà ông mượn này là quá đắt.
Theo ông Vạn, việc giám sát dữ liệu lớn ở Trung Quốc đã phát triển đến độ không còn quyền riêng tư cá nhân nữa.
“Tại nơi công cộng, sẽ chẳng có cách nào để bảo vệ quyền riêng tư của quý vị, bởi vì dấu vân tay của tất cả mọi người đều bị thu thập.” Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã lấy dấu vân tay của toàn bộ du khách ngoại quốc.
Một ví dụ khác về sự giám sát của Trung Quốc là yêu cầu toàn bộ du khách ghi danh với đồn công an địa phương trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Nhân viên khách sạn có thể ghi danh giúp những khách lưu trú tại khách sạn. Tuy nhiên, đối với những du khách không chọn ở khách sạn thì phải tự mình đến ghi danh. Nếu không tuân thủ thì công an sẽ tìm đến tận nơi.
Trong thời gian lưu trú, ông Vạn chỉ ra ngoài khi cần thiết, và “nhanh chóng quay về” để tránh rắc rối. Ông cho biết ông không thấy bất kỳ người ngoại quốc nào trên đường phố, và ông cho rằng nguyên nhân có thể là do sự giám sát nghiêm ngặt ở Trung Quốc.
Suýt bị bắt vì đến ngân hàng chuyển tiền
Ông Vạn không phải là người duy nhất cảm thấy bất an khi ở Trung Quốc.
Ông Triệu Kiệt (bí danh) là người gốc Bắc Kinh, hiện đang cư trú tại Nhật Bản. Do lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 của ĐCSTQ, kể từ năm 2019, ông đã không trở về Trung Quốc để thăm gia đình. Cuối cùng vào tháng 10/2023, khi ông trở về Trung Quốc, ông suýt bị bắt vì đã đến một ngân hàng địa phương để giải quyết công việc.
“Người ở hải ngoại lâu năm khi quay về Trung Quốc thì trở nên kín tiếng thôi là chưa đủ, mà còn phải ngậm miệng nữa,” ông Triệu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Do lâu rồi không trở về Trung Quốc, nên căn cước công dân của ông Triệu đã hết hạn. Ông rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng mình không được phép dùng sổ thông hành hải ngoại của mình để làm thủ tục chuyển tiền tại ngân hàng.
“Họ nói rằng cả sổ thông hành mới và cũ đều không chứng minh được danh tính, nên tôi nhất định phải dùng thẻ an sinh xã hội tại hải ngoại để chứng minh,” ông cho biết. “Thẻ an sinh xã hội của tôi tại hải ngoại thì có liên can gì đến họ? Vậy nên tôi không đưa cho họ.”
Khi ông Triệu từ chối cung cấp thẻ an sinh xã hội tại Nhật Bản của mình, họ đã gọi nhân viên bảo vệ và người quản lý đến. “Cuối cùng thì tôi phải ký vào một biên bản xác nhận rằng mình không có số căn cước ở Nhật Bản, sau đó ngân hàng mới giải quyết giao dịch kia,” ông nói.
“Thật đúng là một nơi kỳ quặc,” ông Triệu nói. “Giải quyết có chút việc mà chỗ nào cũng khiến người ta phát bực. Căn bản là không có quyền tự do ngôn luận. Nếu mà muốn tranh luận, thì họ cho bảo vệ đến đuổi đi, chứ không cho cơ hội giải thích nào hết.”
Hoa Kiều sợ hồi hương
Cô Vương Hân (bí danh) là một người Trung Quốc lấy chồng người Nhật Bản, và cô vừa nhập quốc tịch Nhật Bản.
Cô Vương nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng người Nhật Bản có cái nhìn rất không thiện cảm đối với Trung Quốc. Thành kiến này tích tụ lại từ những lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, xung đột về quần đảo Senkaku hiện đang tranh chấp, và lệnh cấm nhập cảng thủy hải sản Nhật Bản hồi tháng 08/2023 sau khi Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại.
“Các nhà đầu tư ngoại quốc hiện đang rút đi hết. Chẳng ai dám đến Trung Quốc, nhất là trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát,” cô cho biết. “Người Nhật Bản đều bị bệnh dịch ở Trung Quốc dọa cho sợ rồi, không ai dám đến nữa.”
Chồng của cô Vương đã cảnh báo cô không được quay về Trung Quốc, vì anh lo ngại rằng khi quay về với quốc tịch ngoại quốc, cô có thể bị xem là gián điệp.
Những rào cản khi đi viếng cảnh
Hệ thống đặt chỗ cho các danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc là một rào cản khác đối với du khách ngoại quốc, do mỗi nơi đều có quy trình và giao diện đặt chỗ riêng, và đôi khi còn không có tùy chọn đặt chỗ dành cho người mang sổ thông hành ngoại quốc. Đặc biệt là vào mùa hè, du khách ngoại quốc phải cạnh tranh với người dân địa phương thì mới có thể đặt được vé vào thăm một số địa danh nổi tiếng của Trung Quốc.
Tháng 12/2023, anh Chu Hiểu Quang (Zhou Xiaoguang), tổng giám đốc của Công ty Lữ hành Triều Đường, đã nói với tờ Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc về những khó khăn khi cố gắng sử dụng hệ thống đặt chỗ của Trung Quốc:
“Các du khách đến Bắc Kinh nếu không mua được vé vào Tử Cấm Thành thì họ phải đổi sang Quốc Tử Giám; khi họ đi đến Thiểm Tây, nếu không mua được vé vào tham quan Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng, thì họ phải đổi sang Rừng Bia (bảo tàng bia cổ lớn nhất Trung Quốc),” ông Chu cho biết, nói thêm rằng việc mua vé trở thành một “rào cản” đối với du khách ngoại quốc.
Khó khăn trong giao tiếp và thanh toán
Đại dịch cũng làm gia tăng rào cản ngôn ngữ, khiến việc giao tiếp của du khách trở nên khó khăn hơn. Cô Hạ Phi, hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh của một công ty du lịch tại Quế Lâm, một thành phố miền nam Trung Quốc, nói với tờ Nhật báo Kinh tế rằng trước đây tất cả các khách sạn bốn sao và năm sao trong thành phố đều có nhân viên nói tiếng Anh, tuy nhiên ba năm phong tỏa khiến rất nhiều người buộc phải đổi nghề khác. Du khách gặp vấn đề chỉ có thể tìm hướng dẫn viên để nhờ phiên dịch giúp. Cô cho biết, ngoài ra, dịch vụ cung cấp đồ ăn kiểu Tây, dịch vụ thu đổi ngoại tệ cũng không còn nữa.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times