Trung Quốc: Lũ lụt nghiêm trọng trên sông Trường Giang, đập Tam Hiệp tiến thoái lưỡng nan trong việc mở cửa xả lũ
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình lũ lụt nghiêm trọng kéo dài, mực nước hồ chứa của đập Tam Hiệp tiếp tục tăng cao. Việc mở 9 cửa xả lũ của đập Tam Hiệp đã khiến tình trạng lũ lụt ở vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang thêm nghiêm trọng. Đồng thời, khu vực hồ chứa Tam Hiệp cũng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: không xả lũ sẽ tăng nguy cơ cho vùng thượng lưu, nếu xả lũ thì lại làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở vùng trung và hạ lưu.
Kể từ ngày 08/07, các trận mưa lớn liên tục đổ xuống Trùng Khánh, Đạt Châu, Tứ Xuyên thuộc khu vực thượng lưu sông Trường Giang. Vào lúc 18 giờ ngày 11/07, nước lũ dâng cao tạo thành đỉnh lũ thứ hai trên sông Trường Giang, được đặt tên là “Đợt lũ số 2 trên sông Trường Giang năm 2024.” Trước tình hình lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ở thượng lưu, đập Tam Hiệp đã mở hai cửa xả lũ đầu tiên vào ngày 10/07, sau đó mỗi ngày lại mở thêm các cửa xả lũ.
Ngày 13/07, mực nước hồ chứa Tam Hiệp đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử so với cùng thời kỳ năm ngoái, đạt 165.72 mét, vượt 20.72 mét so với mực nước giới hạn. Lưu lượng nước vào hồ là 51,500 mét khối trên giây và lưu lượng nước ra là 37,500 mét khối trên giây. Cùng ngày, hồ chứa Tam Hiệp đã mở thêm hai cửa xả, nâng tổng số lên sáu cửa.
Ngày 14/07, đập Tam Hiệp mở thêm ba cửa xả để tăng tốc xả lũ, giải quyết lượng nước tích lũy trước đó. Trong khi mở 9 cửa xả lũ, hồ chứa Tam Hiệp đã đón đợt lũ lần thứ hai như dự kiến vào ngày 15/07, với lưu lượng nước đạt 45,000 mét khối trên giây, mực nước hồ tăng lên 165.86 mét, cao hơn nhiều so với mực nước cao nhất lịch sử cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo Ủy ban Thủy lợi sông Trường Giang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lưu vực sông Trường Giang đã bước vào giai đoạn then chốt của mùa lũ hôm 16/07, dự kiến trong 10 ngày tới, thượng lưu sông Trường Giang, bao gồm các lưu vực Gia Lăng Giang, Mân Giang, sẽ tiếp tục có mưa lớn, tình hình lũ lụt và thiên tai ở các khu vực như Trùng Khánh sẽ tiếp tục trở nên nghiêm trọng.
Lũ lụt nghiêm trọng trên sông Trường Giang, bước vào giai đoạn phòng chống lũ then chốt
Hiện nay, đợt lũ số 2 trên sông Trường Giang đã khiến ít nhất 29 con sông ở thành phố Trùng Khánh vượt mức báo động, 13 quận và huyện đã bị ngập lụt. Các khu vực ở thành thị và nông thôn bị nước lũ tràn vào, nhà cửa bị ngập, nhiều căn nhà sụp đổ, một số đường phố nước ngập sâu đến 3 mét. Người dân địa phương cho biết, họ chưa từng thấy lượng nước lớn như vậy trong mấy chục năm qua. Do chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt thông tin về tình hình thiệt hại, nên số liệu về người bị ảnh hưởng và người bị thương vong thực tế đến nay được công bố không nhiều.
Không chỉ khu vực thượng lưu của đập Tam Hiệp chịu mưa lớn liên tục và tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, mà các khu vực trung và hạ lưu như Hồ Bắc, An Huy, Giang Tây cũng đang tiếp tục đối mặt với tình trạng lũ lụt trên sông Trường Giang khi đợt lũ số 2 trong năm nay tiếp tục kéo đến.
Khu vực Đông Nam tỉnh An Huy tiếp tục mưa lớn, cộng với việc đập Tam Hiệp tiếp tục xả lũ, mực nước trên các dòng chính của sông Trường Giang trong tỉnh vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng lên. Ngày 14/07, mực nước tại các khu vực ven sông, đoạn sông dài 200 km ở sông Hoài đã vượt mức báo động, 16 con sông nhỏ và vừa vượt mức báo động, 5 hồ chứa lớn, 29 hồ chứa vừa, và 1,060 hồ chứa nhỏ vượt mực nước giới hạn.
Chính quyền tỉnh An Huy cho biết, kể từ ngày 08/07 đến nay, 62 huyện (thành phố, khu) tại An Khánh, Trì Châu, Hoàng Sơn, Vu Hồ, Mã An Sơn, Đồng Lăng, Sào Hồ đã bị ngập lụt. Tổng cộng có 4,447,400 người bị ảnh hưởng, khoảng 30,000 căn nhà bị hư hỏng và sụp đổ; khoảng 9 triệu hecta đất nông nghiệp bị ảnh hưởng và ngập úng.
Dự kiến trong vài ngày tới, một số khu vực ở An Huy vẫn có mưa lớn, ngày 18/07 mực nước sông Trường Giang đoạn qua An Huy có thể vượt mức báo động toàn bộ, tình hình phòng chống lũ lụt vẫn còn rất nghiêm trọng.
Từ cuối tuần trước (13-04/07), nhiều khu vực ở tỉnh Hồ Bắc, bao gồm Thập Yển, Vũ Hán, Nghi Xương, Hiếu Cảm, và 11 thành phố, quận đã hứng chịu mưa lớn. Mực nước sông tăng nhanh, dòng chảy mạnh, một số đường phố ở các khu vực đô thị bị ngập nước.
Ngày 14/07, thành phố Đan Giang Khẩu ở Thập Yển, Hồ Bắc lại có mưa lớn. Từ các đoạn video được truyền trên mạng cho thấy, các khu phố bị ngập nặng, mực nước đã nhấn chìm hết các xe cộ, nước lũ mang theo nhiều bùn đá. Ngày 15/07, một chiếc xe chở khách tại Tùy Châu, Hồ Bắc bị nước cuốn trôi khi đi qua cầu, khiến bốn người thiệt mạng, trong đó có người già và trẻ em đi học thêm.
Chính quyền tỉnh Giang Tây cho biết, tính đến ngày 15/07, đã có 9 quận, thành phố, và 66 huyện với hơn một triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn lũ lụt và thảm họa địa chất, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 175,800 hecta, trong đó 20,500 hecta bị mất trắng.
Hiện tại, mặc dù mưa ở Giang Tây đã giảm, nhưng tình hình lũ lụt vẫn đang tiếp tục phát triển. Đoạn sông Cửu Giang và hồ Bà Dương ở Giang Tây sẽ duy trì mực nước cao trong thời gian dài, dự kiến thời gian mực nước vượt mức báo động sẽ kéo dài hơn 30 ngày. Ngay cả khi không mưa, do nước sông Trường Giang dâng cao tràn vào hồ Bà Dương, nước hồ Bà Dương tràn ngược vào các sông như sông Cám, sông Tu (thuộc địa phận thành phố Cửu Giang), mực nước vẫn tiếp tục tăng cao, nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng.
Hôm 08/07, tỉnh Hồ Nam đã chặn được cửa vỡ đê tại Đoàn Châu, hồ Động Đình, tuy nhiên việc rút hơn 200 triệu mét khối nước đang tích lũy bên trong khu vực này diễn ra chậm, tính đến ngày 16/07 mực nước trong khu vực chỉ giảm 1 mét, vẫn còn 31.99 mét. Do ảnh hưởng của việc xả lũ tăng cường từ đập Tam Hiệp, mực nước tại Thành Lăng Cơ ở hồ Động Đình đang tăng trở lại. Hiện tại mực nước bên ngoài đê ở Đoàn Châu cao hơn mực nước bên trong khu vực này. Vì vậy nước bên trong đê không thể xả ra ngoài.
Đê lớn hồ Động Đình bị ngâm trong nước lâu ngày càng tăng nguy hiểm, đặc biệt là đoạn đê bị vỡ đã được bịt lại, vật liệu chặn không bảo đảm chống thấm. Một chuyên gia thủy lợi cho biết, cần phải sửa chữa đê theo tiêu chuẩn kỹ thuật, phải đợi mực nước hồ Động Đình hạ xuống, và tiếp tục gia cố sau khi mùa lũ kết thúc. Nếu đê Đoàn Châu lại bị vỡ thì sẽ đe dọa trực tiếp đến đê đất tuyến hai; nếu đê đất tuyến hai không giữ được, hơn mười vạn hecta ruộng tốt và nhà dân sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.
Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thủy lợi người Trung Quốc đang sinh sống ở châu Âu, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến đê ở hồ Động Đình vỡ vào hôm 05/07 là do mười mấy hồ chứa lớn của bốn con sông cùng xả lũ vào hồ Động Đình, và đập Tam Hiệp cũng không ngừng xả lũ làm mực nước sông Trường Giang dâng cao, tràn vào hồ Động Đình.
Đập Tam Hiệp khó phòng chống lũ lụt, việc xả lũ gặp khó khăn, lúng túng
Lũ lụt hoành hành trên lưu vực sông Trường Giang, nhiều người đặt câu hỏi về khả năng phòng chống lũ của đập Tam Hiệp.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, việc xây dựng đập Tam Hiệp đã hoàn toàn thay đổi hệ sinh thái của dòng sông này, biến sông Trường Giang thành hai đoạn trên và dưới đập. Nếu dự án Tam Hiệp muốn phát huy chức năng phòng chống lũ và bảo vệ hạ lưu hiệu quả, thì phải tiếp tục giữ lại nước lũ. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ khiến mực nước ở thượng lưu ngày càng cao, chỉ làm trầm trọng thêm lũ lụt ở thượng lưu. Còn nếu tăng cường xả lũ, thì lũ lụt ở hạ lưu sẽ càng nghiêm trọng hơn. Đây là một mâu thuẫn khó giải quyết.
Chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) từng nói: “Nếu muốn bảo vệ Vũ Hán, thì sẽ phải làm tăng lũ lụt ở Trùng Khánh.”
Ông Vương Duy Lạc giải thích: “Bản thân hồ chứa Tam Hiệp không có lợi cho thượng lưu. Vì mực nước tự nhiên bình thường là 62 mét, sau khi xây đập mực nước có thể nâng lên đến 175 mét, hiện nay mực nước là 166 mét, tức là đã tăng 104 mét, điều này làm tăng thêm lũ lụt ở thượng lưu. Việc giữ nước ở Tam Hiệp làm mực nước dâng cao, thì mực nước của các nhánh sông cũng sẽ tăng, tạo ra hiện tượng tràn ngược. Tràn ngược tức là nước từ sông lớn tràn ngược vào các sông nhỏ.”
Ông còn tiết lộ, hầu hết các hồ chứa nước ở Trung Quốc được xây dựng để phát điện, bao gồm cả đập Tam Hiệp. Khi khởi công xây dựng, người ta chỉ lấy lý do phòng chống lũ lụt, không thể nói là để phát điện, vì nói như vậy sẽ bị nhiều người phản đối. Thực chất, đây không phải là một dự án thủy lợi, mà là một dự án phát điện. Ông Lục Khánh Khải (Lu Qingkai), học giả hàng đầu nghiên cứu về lũ lụt trên sông Trường Giang, cũng đã từng nói rất rõ ràng về vấn đề này. Ngay từ năm 1998, khi lũ lụt xảy ra trên sông Trường Giang, ông Lục đã nói rằng: “Thực ra, dự án Tam Hiệp không có tác dụng lớn trong việc phòng chống lũ lụt.”