Trung Quốc: Làn sóng tử vong trong giới nổi tiếng làm dấy lên nghi ngờ về con số thực tế
Khi Trung Quốc đang phải chiến đấu với một đợt bùng phát dịch mạnh mẽ mà có rất ít dấu hiệu lắng dịu, thì số ca tử vong ngày càng tăng trong giới nổi tiếng và nhân vật công chúng ở Trung Quốc đang làm dấy lên nghi ngờ về số người tử vong chính thức.
Theo một bản thống kê của The Epoch Times, kể từ cuối tháng Mười Một (2022), hơn 330 người nổi tiếng, quan chức, và học giả của Trung Quốc đã qua đời. Mặc dù nguyên nhân tử vong không được ghi rõ trong cáo phó hoặc các báo cáo chính thức, nhưng những ca tử vong này xảy ra trùng khớp với đợt bùng phát COVID mới nhất trên khắp đất nước.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục báo cáo số ca tử vong thấp hơn nhiều so với thực tế, nhưng tỷ lệ lây nhiễm cao, cũng như ngày càng có nhiều người tường thuật lại về tình trạng quá tải của các bệnh viện và lò hỏa táng đã cho thấy số người tử vong cao hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.
Theo ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, việc các nhân vật nổi tiếng tử vong với số lượng này ngày càng tăng này là một yếu tố khác cho thấy quy mô thực sự của dịch bệnh. Ông Vương nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, nếu xét đến việc giới thượng lưu ở Trung Quốc thường được tiếp cận với phương pháp điều trị y tế cao cấp, thì “số lượng lớn [người nổi tiếng] tử vong này cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện tại ở Trung Quốc rất nghiêm trọng và khốc liệt, và cũng rất nguy hiểm.”
Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà bình luận khác về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói rằng, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì sự gia tăng số ca tử vong của người nổi tiếng này chẳng khác nào một “cái tát vào mặt”, bởi vì họ luôn miệng tuyên bố rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của họ, từ chính sách zero COVID hà khắc đến việc đột ngột đảo ngược chính sách này vào tháng Mười Hai, được thực hiện vì “vì lợi ích của người dân”.
Khi nhìn vào thực trạng là hệ thống y tế đã sụp đổ trong bối cảnh số ca nhiễm COVID tăng vọt, và vật tư y tế vô cùng khan hiếm, ông Tần tin rằng giờ đây chỉ các quan chức cao cấp mới được ưu tiên điều trị. Điều này có nghĩa là những người nổi tiếng và học giả đã thấy được rằng mình bị cho ra rìa, bị đối xử giống như những người dân bình thường khác.
Nhưng ngay cả như vậy, thì nhiều quan chức của ĐCSTQ cũng không giữ được tính mạng trong đợt bùng phát này. Cáo phó cho thấy hơn 60 nhân sự kỳ cựu phụng sự trong Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã qua đời.
Nói chuyện trong chương trình của mình trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống của The Epoch Times, ông Tần Bằng tin rằng làn sóng bùng phát COVID lần này ở Trung Quốc có ba đặc điểm khác biệt: tốc độ lây truyền cao, vốn là điều chưa từng xảy ra ở nơi nào khác trên thế giới; sự gia tăng đột biến về số ca tử vong của các quan chức Đảng và những người nổi tiếng; và có rất nhiều các ca bệnh nặng và tử vong.
Ông Tần cho biết những đặc điểm khác biệt này cho thấy ôn dịch đang nhắm mục tiêu cụ thể vào ĐCSTQ.
Ông nói: “Chúng tôi quan sát thấy hiện nay có nhiều người Trung Quốc nói rằng trong hoàn cảnh hiện tại thì dường như loại virus này thực sự có mắt, bởi vì ĐCSTQ đã làm rất nhiều điều tà ác nên virus đó mới nhắm thẳng vào những người này của ĐCSTQ.”
Ông Vương đồng tình với quan điểm trên, nói rằng người Trung Quốc có quan niệm truyền thống và tin tưởng rằng dịch bệnh xảy ra là có nguyên nhân.
Ông Vương nói, “Theo văn hóa truyền thống Trung Hoa, khi thiên tai nhân họa lớn thế này xảy ra, vậy có nghĩa là thế giới đang xảy ra những sự tình bất công trên quy mô lớn.”
Ông dẫn ra một danh sách dài những hành động tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đối với chính người dân của mình, trong đó điển hình là cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công kéo dài suốt 23 năm.
Môn tu luyện này, bao gồm các bài tập thiền định và một loạt các bài giảng đạo đức bắt nguồn từ tín ngưỡng Trung Hoa cổ đại, chiểu theo các nguyên tắc chân, thiện, và nhẫn, đã trở nên rất phổ biến vào những năm 1990. Ước tính có khoảng 100 triệu học viên thực hành theo pháp môn này vào cuối thập niên đó. Xem đây là một mối đe dọa, chế độ cộng sản đã phát động một cuộc đàn áp sâu rộng nhắm vào Pháp Luân Công, dẫn đến hàng triệu học viên bị tống vào các cơ sở giam giữ, nơi họ bị tra tấn, đối xử tàn bạo, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Ông Vương nói rằng trong cuộc bức hại phi nhân tính này, ĐCSTQ đã nói dối rất nhiều để biện minh và che đậy cho hành động của mình, đây chính là kế sách mà đảng này lại tiếp tục đem ra sử dụng trong đại dịch.
Bản tin có sự đóng góp của Hạ Đôn Hậu và Thường Xuân
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times