Trung Quốc: Lạm phát đạt mức cao nhất trong 29 tháng
BẮC KINH — Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 29 tháng trong tháng Chín, chủ yếu là do giá thịt heo.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (POBC) đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong khi tránh việc nới lỏng mạnh mẽ vốn có thể tạo ra áp lực giá và gặp rủi ro khiến dòng tiền chảy ra, khi Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy hôm thứ Sáu (14/10), giá tiêu dùng dự kiến tăng 2.8% so với một năm trước đó, tăng từ 2.5% trong tháng Tám và tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Tư năm 2020.
Tuy nhiên, nhấn mạnh mức tiêu thụ yếu trong bối cảnh hạn chế COVID-19, lạm phát cốt lõi — không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng thường biến động — đã giảm xuống 0.6% trong tháng Chín từ mức 0.8% trong tháng Tám.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 2.3% trong tháng Tám và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 01/2021. Các nhà phân tích đã dự đoán mức tăng 1.0%.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết: “Lạm phát CPI tổng thể [tính trên cơ sở hàng năm] có khả năng sẽ ở mức vừa phải trong những tháng tới do mẫu số cao và nhu cầu dịch vụ thấp hơn.”
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát PPI hàng năm sẽ tiếp tục giảm do cả tác động mẫu số lẫn áp lực lạm phát giảm bớt do giá hàng hóa giảm.”
Ngân hàng trung ương Trung Quốc có khả năng tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID, mặc dù những lo lắng về việc tháo chạy vốn có thể hạn chế không gian chính sách của ngân hàng này, vì trong năm nay đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 11% so với đồng USD cho đến nay.
Capital Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Hạn chế chính vào lúc này là đồng nhân dân tệ đang ở gần với mức yếu nhất trong hơn một thập niên. Chúng tôi không dự tính có việc cắt giảm lãi suất chính sách cho đến khi áp lực lên đồng tiền này giảm bớt.”
Thực phẩm là lý do chính của mức tăng lạm phát tháng trước, với giá tăng 8.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái sau khi tăng 6.1% trong tháng Tám. Giá thịt heo nhảy vọt thêm 36.0% sau khi tăng 22.4% vào tháng trước và giá rau tăng 12.1% sau khi tăng 6.0% trong tháng Tám.
Tính theo tháng, giá tiêu dùng tăng 0.3% sau khi giảm 0.1% trong tháng Tám, do cũng được hỗ trợ bởi giá thịt heo tăng qua các tháng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times