Trung Quốc kêu gọi cựu quân nhân và đảng viên ĐCSTQ giúp nhà máy sản xuất iPhone của Apple
Chính quyền Trung Quốc đang tuyển dụng các quân nhân đã về hưu và các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào làm việc tại một nhà máy lắp ráp iPhone của Apple ở tỉnh Hà Nam sau khi một số lượng lớn nhân viên bỏ trốn cách đây vài tuần vì các biện pháp “zero COVID” nghiêm ngặt.
Một số nhà quan sát Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về nguồn nhân lực chưa qua đào tạo này trong dây chuyền sản xuất, đồng thời hoài nghi về sự tiếp quản của chính quyền đối với nhà máy Foxconn Trịnh Châu do Đài Loan làm chủ ở Trung Quốc đại lục.
Theo một tuyên bố mới đây của Apple, năng lực sản xuất hiện tại của nhà máy Foxconn tại thành phố Trịnh Châu đã giảm mạnh, sản lượng sản xuất iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ thấp hơn dự kiến, và khách hàng sẽ phải chờ đợi lâu hơn để nhận điện thoại mới.
Theo các hãng truyền thông quốc tế, Trung Quốc đã bắt đầu tuyển dụng các cựu quân nhân và đảng viên ĐCSTQ vào làm việc tại nhà máy iPhone Foxconn để giúp phục hồi sản xuất sau khi các công nhân trong biên chế chính thức đã bỏ trốn vì các ca nhiễm COVID-19 và lo ngại bị nhốt vô thời hạn trong nhà máy.
Một ảnh chụp màn hình thông báo tuyển dụng của Foxconn đã được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc kể từ hôm 16/11. Thông báo này cho biết để có được các cán bộ cộng sản cấp thấp làm việc bán thời gian tại dây chuyền lắp ráp của Foxconn, chính quyền địa phương chi trả ít nhất 13,000 nhân dân tệ (khoảng 1,817 USD) mỗi tháng và thăng chức cho kết quả công việc ưu tú.
Một ký giả công dân có tài khoản tên là “Cold Eye on Finance and Economics” đã đăng trên Twitter hôm 16/11 rằng trong ký túc xá của nhà máy Foxconn đã không còn người, và tất cả công nhân đều đã bỏ chạy hoặc bị đưa đến các địa điểm cách ly COVID tập trung. Không có ai phụ trách trong khu vực nhà máy. Giờ đây khi một nhóm người đã được tuyển dụng, và các cán bộ cộng sản cùng cựu quân nhân đã được đưa đến nhà máy.
Ông Hoàng Kim Thu (Huang Jinqiu), một chuyên gia truyền thông ở Trung Quốc đại lục, nói với The Epoch Times, “Chính quyền Hà Nam đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chính quyền này phải thể hiện sự trung thành chính trị của mình và tuân thủ chính sách ‘zero COVID.’ Nhưng mặt khác, Foxconn có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Hà Nam. Nếu các biện pháp kiểm soát vẫn tiếp tục, Foxconn sớm muộn sẽ chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ, và tổn thất này không chỉ là của riêng Hà Nam, mà còn là của Trung Quốc.”
Người lao động chưa qua đào tạo và sự can thiệp của chính quyền
Ông Hoàng tin rằng chính quyền Hà Nam hiện đang phân công các công chức và cựu quân nhân đến nhà máy Foxconn, hứa hẹn trả lương gấp đôi cho họ. Nhưng chính quyền này lại gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân công vì sự tuyên truyền quá mức của ĐCSTQ về đại dịch. “Ngay cả các công chức cũng bị tẩy não một cách tệ hại đến nỗi họ khiếp sợ COVID-19. Rất là khó để phát triển nền kinh tế,” ông cho biết.
Ông Vương Quân (Wang Jun), một nhà bình luận kinh doanh Trung Quốc đại lục, đã chỉ trích quyết định cử công chức đến nhà máy. Ông nói với The Epoch Times, “Các công chức của đất nước chúng tôi là nhiều nhất trên thế giới. Các công chức làm gì? Họ chỉ ngồi đó không làm gì cả.”
Ông Vương tin rằng Foxconn là công ty xuất cảng lớn nhất Trung Quốc, vốn có thể thu được ngoại hối thông qua xuất cảng và mang lại nguồn thu thuế cho các chính quyền địa phương. Ông nói thêm: “Nhưng chính phủ này đã ma quỷ hóa COVID-19, và các biện pháp cách ly cực đoan đã khiến nhân viên sợ hãi đến mức phải bỏ đi.”
Ông Cao Vị Bang (Gao Weibang), chủ tịch của tổ chức Đài Loan Hiệp hội Nạn nhân của Hoạt động đầu tư vào Trung Quốc, không mấy lạc quan về việc chính quyền địa phương kêu gọi các cán bộ cộng sản cấp thấp đến làm việc cho nhà máy Foxconn.
“Bất kỳ dây chuyền sản xuất nào cũng rất chuyên nghiệp, và không thể bắt đầu ngay lập tức nếu không được đào tạo. Nếu họ phải sử dụng những công chức chưa qua đào tạo để lấp đầy các vị trí đó, vậy thì chắc hẳn lý do là từ áp lực của đơn đặt hàng sản phẩm và doanh số xuất cảng. Nhưng kết quả sẽ như thế nào? Kết quả chẳng thể tốt được,” ông nói với The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Lin Cenxin and Zhang Danxia.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times