Trung Quốc: Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh bị dân chúng chế nhạo khi kêu gọi quyên góp phòng chống lũ lụt
Ảnh hưởng của cơn bão Doksuri mới đây đã gây ra mưa lớn nhiều ngày liên tiếp tại Bắc Kinh, Trác Châu, Hà Bắc, …, dẫn đến lũ quét và các thảm họa khác. Hôm 02/08, Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh đưa ra tuyên bố về việc tiếp nhận các khoản quyên góp xã hội. Họ nói rằng nhiều nơi ở Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt, do đó kêu gọi công chúng quyên góp tiền, vật tư để phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai.
Hầu hết người dân đều phản ứng, cho rằng Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh là do nhà nước kiểm soát và điều hành. Từ năm 1998 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng tiền quyên góp, khiến công chúng đặt nghi vấn về uy tín của Hội này, do vậy mọi người không còn nguyện ý quyên góp nữa.
Hôm 05/08, ông Lâm Sinh Lượng (Lin Sheng Liang), cựu nhân sĩ bất đồng chính kiến ở Thâm Quyến, nói với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Chúng ta có thể nhớ lại một chút. Đối với mỗi lần quyên góp cứu trợ thiên tai, từ đợt chống lũ lụt hồi đầu năm 1998 được khắp nơi trên thế giới viện trợ, trong đó có trận động đất ở Vấn Xuyên, v.v. Khi đó, cả thế giới quyên góp được bao nhiêu vật tư và tiền, nhưng cuối cùng lộ ra rằng hầu hết trong số đó đã bị các quan chức Trung Cộng tham ô hết. Trong mấy năm gần đây, do bị phong tỏa bởi tình hình dịch bệnh, nên người dân đã bị lừa gạt hết lần này đến lần khác, và cũng dần dần thức tỉnh.”
Từ khi xảy ra trận lụt ở Trịnh Châu vào ngày 20/07/2021 và vụ việc về cô Quách Mỹ Mỹ (Guo Meimei) cho đến nay, hầu hết các bình luận về quyên góp là “quyên góp cho em gái của bạn,” “quyên góp cho mẹ của bạn,” hoặc “quyên góp một xu.” Quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào bị nạn là một việc tốt, nhưng vì sao người dân lại có phản ứng dữ dội như vậy? Ông Lâm Sinh Lượng cho biết, “Đây chính là quá trình người dân dần dần thức tỉnh. Mỗi lần bị lừa cũng là một quá trình thức tỉnh.”
Sau khi diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ), Đảng này đã giương cao ngọn cờ “đấu tranh và chống tham nhũng,” phô trương thành tích chính trị của mình bằng việc bắt được bao nhiêu quan chức tham nhũng hàng năm.
Ông Lâm Sinh Lượng nói: “Số tiền tịch thu được từ các quan chức tham nhũng ấy đã đi đâu? Số tiền này có thể dùng để cứu trợ thiên tai! Tại sao còn muốn người dân quyên góp? Hiện tại người dân đã khốn khổ lắm rồi!”
Tuy nhiên, để ngăn chặn những lời bình luận như “quyên góp ác ý” từ cư dân mạng, ngày 03/08, Hội Chữ thập đỏ đã lặng lẽ tăng số tiền quyên góp tối thiểu từ 0.01 nhân dân tệ (RMB) lên 01 nhân dân tệ (RMB). Điều này đã bị cư dân mạng tinh mắt phát hiện.
Ông Lâm nói: “Quyên góp vốn là việc tự nguyện. Bây giờ họ lại tăng số tiền quyên góp lên. Chẳng phải lại là lừa người dân sao?”
Các nhà lãnh đạo biến mất trong lũ lụt, Trác Châu cũng kêu gọi dân chúng quyên góp
Cơn bão Doksuri với lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng, do đó chính quyền ĐCSTQ đã khởi động kế hoạch “Xả lũ bảo vệ Bắc Kinh.” Nhiều nơi ở Hà Bắc được chỉ định là khu vực xả lũ, trong đó, Trác Châu là nơi chìm trong biển nước và có tình hình lũ lụt tồi tệ nhất.
Tờ The Paper trích dẫn lời tuyên bố công khai của Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc nói rằng, “Hà Bắc phải đóng vai trò làm thành lũy bảo vệ Bắc Kinh.” Tuyên bố này đã khiến dư luận phẫn nộ. Sau đó, lời trích dẫn này đã bị xóa.
Ông Lâm Sinh Lượng nói: “Những lời nói vô nhân đạo này được phát ra từ miệng một quan chức cao cấp của ĐCSTQ. Đây là một điều rất đáng buồn, căn bản là xem người dân như cỏ rác! Điều đó cho thấy ông ta chỉ xem trọng địa vị và quyền lực của mình, mặc kệ sự sống còn của người dân.”
Tình hình thiên tai ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, rất nghiêm trọng. Nhiều ngày sau trận lụt, Bí thư Thành ủy, Thị trưởng, cũng như lãnh đạo Cục Quản lý ứng phó khẩn cấp của địa phương này vẫn không đến chỉ thị công tác cứu trợ thảm họa. Những người dân trong vùng bị lũ lụt rơi vào cảnh tự sinh tự diệt.
Từ các cuộc trò chuyện giữa nạn dân và đội cứu hộ trong “Nhóm truyền tin Trác Châu” trên WeChat, có thể thấy những người trong đội cứu hộ không nhận được sự trợ giúp của chính quyền thành phố Trác Châu, họ phải tự lo liệu việc ăn ở của mình. Thậm chí, quan chức chính quyền địa phương không hề xuất hiện trong các cuộc đối thoại này. Cho nên, tất cả hành động cứu nạn đều là do đội cứu hộ và cư dân tự kết nối với nhau, họ mạo hiểm tính mạng của mình trong công tác cứu trợ. Các quan chức chính quyền địa phương đã làm gì?
Vài ngày sau, lãnh đạo địa phương công bố trương mục kêu gọi dân chúng quyên góp.
Cư dân mạng Lý Thiết Chùy (Li Tie Chui) nói: “Sau bốn ngày chờ đợi, thông báo đầu tiên từ chính quyền Trác Châu là một trương mục của chính quyền. Tôi cảm thấy thật xấu hổ!”
Một cư dân mạng khác nói: “Sao họ lại dám yêu cầu người dân quyên góp tiền cho thảm họa nhân tạo. Thế chẳng phải tiền quyên góp sẽ vào túi của họ hay sao.”
Một số công dân ở Hoa lục cũng bày tỏ quan điểm của họ về việc quyên góp với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông Dịch (Yi) từ Sơn Đông nói: “Quyên góp ư! Chính quyền vừa mới quyên góp cho Sudan vào ngày hôm trước, nhưng họ lại mặc kệ người dân của mình. Họ vẫn còn mặt mũi để quyên tiền từ người dân hay sao.”
Cô Lưu (Liu) từ Thượng Hải cho biết, “Có tiền thì quyên góp cho ngoại quốc bao nhiêu tỷ. Tiền của các quan chức tham nhũng cũng được gửi ra ngoại quốc. Bây giờ kêu gọi thường dân như chúng tôi quyên góp. Dẫu có tiền, tôi cũng không quyên góp.”
Ông Trần (Chen) ở Phúc Châu nói: “Hầu hết mọi người sẽ không quyên góp. Tôi hy vọng sau trận lụt, sẽ quyên góp một lời nguyền cho những tên cướp Cộng sản.”
Lý Hi thực hiện
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ