Trung Quốc: Giải tán người biểu tình ngoài ngân hàng bằng vũ lực ở Hà Nam khiến dư luận dậy sóng
Hôm Chủ Nhật (10/07), một lượng lớn người gửi tiền đã biểu tình trước chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc để phản đối việc ngân hàng này đóng băng khoản tiền gửi của họ. Nhóm người này đã bị lực lượng an ninh mặc thường phục tấn công. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất bị đàn áp trong những năm gần đây.
Những hình ảnh và video về sự đối xử thô bạo mà những người gửi tiền phải chịu đựng đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến dư luận không khỏi phẫn nộ.
Kể từ tháng Tư, ngân quỹ của bốn ngân hàng nông thôn ở Hà Nam và hai ngân hàng ở An Huy đã bị nhà nước đóng băng, kết quả là khoảng 400,000 người gửi tiền không thể rút tiền trực tuyến. Tổng số tiền bị đóng băng này lên đến 40 tỷ nhân dân tệ (5.95 tỷ USD). Những người gửi tiền ở các ngân hàng nói trên đã đến ngân hàng làm việc trực tiếp để đòi lại tiền của mình.
Một cuộc biểu tình nhỏ hơn hồi tháng Năm cũng bị lực lượng cảnh sát dập tắt. Lần đó, chính quyền Hà Nam đã sử dụng mã sức khỏe ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 để hạn chế việc đi lại và tụ tập của những người gửi tiền này.
Hôm Chủ Nhật, khoảng 2,000–3,000 người gửi tiền đã biểu tình ôn hòa trước chi nhánh Trịnh Châu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Nhiều người cầm biểu ngữ và liên tục hô lớn, “Ngân hàng Hà Nam, hãy trả lại tiền gửi cho tôi!”
Song song với yêu cầu đó, những người biểu tình cũng lên tiếng phản đối “việc công an Hà Nam đối xử bạo lực với người gửi tiền … phản đối việc chính quyền tỉnh Hà Nam liên kết với các băng nhóm xã hội đen ở địa phương để đánh đập người gửi tiền.”
Những người biểu tình còn yêu cầu “điều tra nghiêm khắc đối với các quan chức chịu trách nhiệm về việc chuyển mã sức khỏe của người gửi tiền thành màu đỏ ở Hà Nam,” và những người gửi tiền này cũng chỉ đích danh Bí thư Tỉnh ủy Lâu Dương Sinh (Lou Yangsheng) về việc chuyển mã sức khỏe thành màu đỏ.
Đàn áp tàn bạo
Khoảng trưa ngày Chủ Nhật, các nhóm người mặc thường phục — mặc đồ trắng đen — đã ập đến và đánh đập nhiều người gửi tiền một cách thô bạo, ép họ lên những chiếc xe buýt có cảnh sát mặc sắc phục chờ sẵn bên trong, sau đó chở họ đến nhiều địa điểm để giam giữ.
Một người gửi tiền xưng là Trương Tiệp (Zhang Jie, hóa danh) nói với The Epoch Times hôm Chủ Nhật rằng chính quyền địa phương không đứng ra nói chuyện trực tiếp với họ, nhưng một số lượng lớn cảnh sát mặc thường phục đã được điều động đến bao vây họ. Cô Trương nói: “Có khoảng ba đến bốn nghìn cảnh sát mặc thường phục và sắc phục vây quanh chúng tôi.”
Cô cho biết những nhóm người mặc đồ trắng và đen đã đến. Cô Trương chia sẻ: “Tôi không biết được liệu họ là xã hội đen hay cảnh sát mặc thường phục nữa.”
Cô kể lại, “Họ xông vào chúng tôi, lôi xềnh xệch toàn bộ người gửi tiền xuống bậc thang, đá, và đánh đập chúng tôi. Một số người gửi tiền bị thương ở mắt, và một số người bị thương ở mũi.”
Cô Trương cho biết, những người gửi tiền đã rất tức giận vì họ muốn lấy lại các khoản tiền gửi hợp pháp của mình và họ đang tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình. Rất nhiều người trong số họ là những người dễ bị tổn thương, nhưng những vị cảnh sát mặc thường phục ấy đã lôi kéo một cách không thương tiếc, cô nói.
Cô tiếp tục: “Trong số chúng tôi có người già, trẻ em, người tàn tật, và phụ nữ có thai. Nhưng những người đàn ông mặc đồ trắng đen đó đã tiến tới lôi mọi người đi bất kể họ là ai. Có một người ngồi trên xe lăn cũng bị lôi đi một cách thô bạo, và một phụ nữ đang mang thai cũng bị cảnh sát dùng vũ lực kéo đi.”
Cô cho biết: “Gần 2,000 người trong số chúng tôi đã bị bắt, và sau đó họ kéo chúng tôi lên hơn 40 chiếc xe buýt tại hiện trường, và sau đó những vị mặc sắc phục (cảnh sát) trên xe buýt bắt đầu khống chế chúng tôi.”
Không có niềm tin vào nhà cầm quyền
Các video cho thấy cảnh sát bạo hành những người gửi tiền đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, khiến dư luận phẫn nộ.
Một bài đăng trên Weibo viết, “Thật kinh khủng khi nhóm người mặc đồ trắng dùng gậy sắt đánh người. Người tàn tật thì bị đánh đến ngất xỉu, còn một số người thì bị chảy máu mắt. Phụ nữ và phụ nữ có thai họ cũng không tha. Trời xanh có mắt, và mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu bằng đổ máu.”
Các cư dân mạng khác cho rằng, cách làm của chính quyền Hà Nam chẳng khác nào xã hội đen. “Giữa thanh thiên bạch nhật, một số người không rõ danh tính đã đánh và đá những người gửi tiền! Đây chính là bạo hành”; “Xã hội đen Hà Nam!”; “Họ không coi dân thường là con người”; “Điều này tương tự như vụ bạo lực ở Đường Sơn”; “Hóa ra băng đảng lớn nhất chính là bọn họ (chính quyền).”
Cũng có nhiều người dân thấy được những gì đã xảy ra với khách hàng của ngân hàng Hà Nam cũng như các khoản tiền gửi hợp pháp, và họ bắt đầu đặt câu hỏi liệu tiền gửi của họ có an toàn hay không. “Vậy gửi tiền vào ngân hàng có còn an toàn không? Lẽ nào tất cả chúng ta sẽ phải cất tiền ở nhà?”
Một người nói trong một bài đăng, “Họ đã đánh mất lòng tin của người dân và không bao giờ có thể lấy lại được.”
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.