Rút tiền hàng loạt khắp Trung Quốc: Người dân ca thán vì không có tiền mặt
Sau sự cố gần một triệu người Trung Quốc không thể tiếp cận các khoản tiền gửi ngân hàng của họ ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc hồi đầu năm nay, thì những người dân ở miền đông Thượng Hải, Nam Trung Quốc Thâm Quyến, Bắc Đan Đông của Trung Quốc và Cửu Giang ở miền trung Đông Trung Quốc lại báo cáo rằng họ đang gặp khó khăn khi cố gắng rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng của mình.
Một số ngân hàng sẽ chỉ phục vụ một số lượng khách hàng giới hạn mỗi ngày, một số ngân hàng giới hạn mỗi lần rút tiền của mỗi khách hàng không quá 1,000 nhân dân tệ (khoảng 149 USD), còn những ngân hàng khác thì đóng cửa các chi nhánh của họ. Ngay cả các máy ATM cũng không có tiền.
Làn sóng đồng loạt rút tiền đã diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hơn một tuần, điều này là không bình thường ở Trung Quốc vì hầu hết các ngân hàng đều do nhà nước điều hành.
Ông Vương Hách (Wang He), nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Mỹ, nói với The Epoch Times hôm 22/06: “Lý do tại sao việc đồng loạt rút tiền gửi này vẫn chưa được giải quyết? Đó là vì hệ thống kinh tế của Trung Quốc đang gặp khủng hoảng và chính phủ Trung Quốc không có khả năng giải quyết vấn đề ấy.”
Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), một trong những cố vấn kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã xuất bản một bài xã luận hôm 01/06, trong đó ông chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức quan trọng, bao gồm hơn một nửa dòng vốn đầu tư ngoại quốc đã rời khỏi Trung Quốc, và các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đang phải gồng mình để tồn tại do khủng hoảng chuỗi cung ứng và thiếu tiền mặt.
Bài luận của ông Trịnh đã bị xóa khỏi mạng internet của Trung Quốc ngay sau khi nó được xuất bản.
Người dân Thâm Quyến
Anh Trần, một cư dân ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nói với NTD, hãng truyền thông chị em của The Epoch Times, hôm 21/06: “Tôi có tài khoản của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Hai ngày gần đây, người dân xếp hàng dài trước cửa chi nhánh ngân hàng này. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mọi người xếp hàng dài như vậy.”
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là một trong bốn ngân hàng quốc doanh chính ở Trung Quốc. Ba ngân hàng còn lại là Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Anh Trần nói rằng anh đã được thông báo rằng ngân hàng đã sơ sót trong việc đóng băng tài khoản của khách hàng. Để mở tài khoản, ngân hàng này đã yêu cầu khách hàng trực tiếp đến nộp chứng minh nhân dân [có hộ khẩu] Thâm Quyến của họ để đối chiếu.
Chứng minh nhân dân là một phương thức được chính phủ Trung Quốc sử dụng để kiểm soát việc di chuyển của người dân từ nơi này sang nơi khác. Người đó sẽ không có các quyền cư trú căn bản nếu họ không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Nếu một người làm việc cho một công ty lớn ở thành phố khác trong sáu tháng, chủ lao động có thể xin cấp chứng minh nhân dân thường trú cho nhân viên.
Anh Hạo, một cư dân ở quận Long Cương, Thâm Quyến, nói với The Epoch Times hôm 22/06 rằng đóng băng tài khoản là một biện pháp mà các ngân hàng sử dụng để ngăn người dân rút tiền mặt.
Anh Hạo nói, “Thật khó để tìm thấy một máy ATM có tiền mặt [ở Thâm Quyến bây giờ]. Thực ra từ khoảng hai tháng trở lại đây, việc rút tiền mặt rất khó khăn. Tôi đã thử rút tiền ở Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Rút tiền mặt không phải chuyện đơn giản.”
Trong một video lan truyền hôm 21/06, một người đàn ông nói rằng tại một khu phố Thạch Nham ở quận Bảo An, Thâm Quyến, mọi người xếp hàng bên ngoài Ngân hàng Trung Quốc từ lúc 6 giờ sáng, nhưng vừa hay khi ngân hàng này mở cửa lúc 9:00 sáng họ lại nhận được thông báo rằng ngân hàng không có tiền.
Ngân hàng này không giải thích lý do tại sao họ lại không có tiền mặt.
Rút tiền hàng loạt ở các thành phố khác
Đan Đông là một thành phố tiếp giáp với Bắc Hàn với dòng sông Áp Lục ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc phân định ranh giới hai nước. Trong những tuần gần đây, người dân Đan Đông phàn nàn rằng họ không thể rút tiền mặt trong tài khoản ngân hàng cho dù số dư của họ có nhiều đến đâu.
“Đã một tuần nay rồi. Mỗi buổi sáng, có một hàng dài [người] chờ để rút tiền mặt. Tuy nhiên, khi đến lượt chúng tôi vào buổi chiều, ngân hàng đã cạn tiền”, một người dân Đan Đông cho biết trong một video trên mạng xã hội vào ngày 20/06.
Người đàn ông quay đoạn video này nói rằng người sử dụng lao động ở Đan Đông gửi tiền lương vào tài khoản ngân hàng của nhân viên của họ ở Ngân hàng Đan Đông. Sau đó, nhân viên phải đi rút tiền mặt để chi trả cho sinh hoạt phí hàng ngày của họ. Không có tiền mặt, họ sẽ gặp khó khăn trong thanh toán.
Một người dân Đan Đông khác phàn nàn trong một đoạn video rằng anh ta đã đến một số ngân hàng nhưng không thể rút được tiền mặt.
Tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, người dân cho biết chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chỉ cho phép khách hàng rút 1,000 nhân dân tệ (khoảng 149 USD) trở xuống nếu họ không có hộ khẩu tại địa phương.
Tại Thượng Hải, miền đông Trung Quốc, mọi người cũng đang xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng.
Ông Hoàng, một người dân địa phương, nói với NTD hôm 21/06 rằng các ngân hàng sẽ chỉ phục vụ 300 khách hàng mỗi ngày và điều này bắt đầu hôm 01/06 khi thành phố chính thức mở cửa sau đợt phong tỏa COVID. Mọi người phải đến ngân hàng vào sáng sớm, nếu không, họ thậm chí sẽ không vào được ngân hàng.
Ông Hoàng nói: “Tôi có gặp một người đàn ông khoảng 80 tuổi bắt đầu đợi trước ngân hàng trong khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng. Vậy mà ông được tính là khách hàng thứ 107 trong ngày khi ngân hàng mở cửa lúc 9 giờ sáng. Ông ấy phải ở lại đó trong vài giờ nữa vì ngân hàng sẽ không cho phép ông vào nếu ông bỏ lỡ lượt của mình.”
Không giống như Hoa Kỳ, rất nhiều cư dân Trung Quốc thanh toán hóa đơn gas, điện và nước của họ tại ngân hàng, và hầu hết những người đã nghỉ hưu dựa vào tiền mặt vì họ không biết cách thanh toán qua ngân hàng điện tử hoặc điện thoại thông minh hoặc làm thế nào để thanh toán cho hàng tạp hóa bằng thẻ ngân hàng.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.