Trung Quốc ‘đốt tiền’ để độc lập trong sản xuất vi mạch bán dẫn
Chiến dịch “độc lập về khoa học và công nghệ” của Bắc Kinh, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều trên toàn cầu. Trong khi các ngành công nghiệp quốc tế lo ngại biện pháp này có thể làm chậm sự đổi mới và làm gián đoạn thương mại toàn cầu, một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng chất lượng và tỷ lệ phát triển vi mạch bán dẫn thành công của Trung Quốc là thấp.
T-Head, đơn vị chuyên về vi mạch bán dẫn của Alibaba, đã công bố E-Ten 710, một chip CPU mới, vào tháng 10/2021. Con chip này được cho là có kích thước 5 nanomet và sẽ chỉ được sử dụng cho mảng kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba, và Alibaba cho biết họ chưa có kế hoạch bán nó ra bên ngoài.
Là một đại công ty thương mại điện tử, việc phát triển vi mạch bán dẫn xuyên biên giới của Alibaba có liên quan đến tham vọng “tạo ra cốt lõi” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trung Quốc là nước tiêu thụ vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 36% lượng tiêu thụ toàn cầu nhưng chỉ chiếm 15.9% sản lượng toàn cầu.
Sản xuất vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch “độc lập về khoa học” của ĐCSTQ nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Huawei, đại công ty công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc, đã bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vào năm 2018, khiến Bắc Kinh cảm thấy sự cấp bách trong việc phải phát triển vi mạch bán dẫn của riêng mình.
Ngoài Alibaba, các đại công ty internet như Tencent và Baidu, và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, cũng đã tham gia phong trào “tạo ra cốt lõi” do ĐCSTQ thúc đẩy.
Tuy nhiên, việc chế độ này vội vàng theo đuổi sự độc lập về vi mạch bán dẫn đã khiến cho quốc tế thêm bất an. Âu Châu và Hoa Kỳ đã coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược và lo sợ họ sẽ đánh cắp công nghệ của mình. Các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ và Hà Lan đã hạn chế quyền tiếp cận của ĐCSTQ với các công cụ sản xuất vi mạch bán dẫn tiên tiến nhất vì lo ngại về an ninh quốc gia.
Các tập đoàn cũng e ngại rằng nếu thế giới tách ra khỏi Trung Quốc hoặc chia thành các thị trường khác nhau, nơi mà sản phẩm và tiêu chuẩn công nghiệp không có sự tương thích, thì các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ hoặc Âu Châu sẽ không hoạt động trên máy điện toán hoặc xe hơi của Trung Quốc. Trong trường hợp đó, các nhà sản xuất điện thoại thông minh và hệ điều hành toàn cầu sẽ cần sản xuất các phiên bản khác nhau cho các thị trường khác nhau, điều này có thể làm chậm sự đổi mới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã chia sẻ với AP hồi tháng 09/2021 rằng Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh cần tránh khiến thế giới trở nên phân đoạn.
Dự án ‘Đại Quỹ’ của Trung Quốc
ĐCSTQ đã đầu tư mạnh để cố gắng giải quyết vấn đề đứt gãy nguồn cung chất bán dẫn của Trung Quốc. Năm 2014, các nhà chức trách đã cam kết đầu tư từ 100 tỷ đến 150 tỷ USD vào các quỹ công và tư để giúp Trung Quốc vượt qua các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, bao gồm trong thiết kế, lắp ráp, và đóng gói vi mạch bán dẫn vào năm 2030.
Tháng 09/2014, nhà cầm quyền này đã thành lập Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch bán dẫn Quốc gia Trung Quốc (CICF), được mệnh danh là “Đại Quỹ”. Khoản đầu tư ban đầu là 138.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 22.19 tỷ USD) và tập trung vào sản xuất vi mạch tích hợp, bao gồm thiết bị, vật liệu, việc hàn và thử nghiệm [vi mạch bán dẫn]. Tháng 10/2019, trước các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, giai đoạn “Đại Quỹ” thứ hai đã được công bố với quy mô 204.1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 32.66 tỷ USD).
Tuy nhiên theo bà Lưu Bội Chân (Liu Pei-chen), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, quá trình phát triển chất bán dẫn của ĐCSTQ vẫn chậm hơn dự kiến mặc dù chính quyền đầu tư rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực quy trình sản xuất tiên tiến hoặc nghiên cứu và phát triển độc lập.
Bà Lưu nói với The Epoch Times rằng lý do chính của sự tụt hậu này là do ĐCSTQ vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nguồn cung bán dẫn đứt gãy và không thể có được các thiết bị và vi mạch bán dẫn quan trọng do các lệnh trừng phạt của Âu Châu và Hoa Kỳ.
Quy trình bán dẫn tiên tiến
Theo tiêu chuẩn sản xuất vi mạch bán dẫn hiện tại, 28 nanomet là ranh giới phân chia giữa quy trình quang khắc thông thường và tiên tiến. Các quy trình in 28 nanomet trở lên được coi là thông thường, trong khi dưới 28 nanomet được coi là quy trình tiên tiến.
Hiện nay, các thiết bị chủ chốt cho quy trình sản xuất tiên tiến vẫn được nắm giữ bởi các quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, và Nhật Bản; thị phần của họ là hơn 70%, bà Lưu cho biết.
Ông Thẩm Ba (Shen Bo), phó chủ tịch toàn cầu và chủ tịch Trung Quốc của nhà sản xuất chất bán dẫn Hà Lan ASML, đã xác nhận vào tháng 11/2021 rằng máy quang khắc siêu tia cực tím (Extreme Ultraviolet, EUV), một thiết bị quan trọng trong các quy trình tiên tiến, vẫn chưa có tại Trung Quốc, nhưng họ có thể mua máy quang khắc tia cực tím sâu (deep Ultraviolet, DUV) được sử dụng trong các quy trình thông thường. Điều này có nghĩa là các xưởng in của Trung Quốc, chẳng hạn như SMIC, chỉ có thể phát triển các quy trình thông thường.
Ông Peter Hanbury, chuyên gia theo dõi ngành bán dẫn cho Bain & Co., một công ty tư vấn toàn cầu, cho biết nếu không có những công cụ tiên tiến này, Trung Quốc sẽ còn bị tụt hậu xa hơn nữa. “Con ngựa TSMC (Công ty Sản xuất Chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan) đang phi nước đại còn con ngựa Trung Quốc thì lại bị chặn,” ông nói. “Họ không thể tiến về phía trước.”
Một báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) đã chỉ ra rằng Trung Quốc tụt hậu đáng kể về công cụ, vật liệu, và công nghệ sản xuất.
Kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của ĐCSTQ kêu gọi sản xuất vi mạch bán dẫn nội địa Trung Quốc phải đạt 70% vào năm 2025. Tuy nhiên bà Lưu Bội Chân cho biết, hầu như không thể đạt được mục tiêu đó với tốc độ phát triển hiện nay.
Hãng thông tấn AP dẫn lời các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã đặt ra các mục tiêu về vi mạch bán dẫn cho riêng mình và cung cấp nguồn đầu tư công đáng kể, nhưng họ có thể phải đối mặt với nỗi thất vọng đắt giá. Các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn và nhiều công ty khác sẽ phải chật vật để duy trì khả năng cạnh tranh nếu họ bị tách khỏi các nhà cung cấp toàn cầu có các linh kiện và công nghệ tiên tiến. Ngoài Trung Quốc, không có quốc gia nào khác đặt mục tiêu độc lập về vi mạch bán dẫn.
Đạo nhái
Ông Lưu Kỳ Côn (Liu Qikun), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc cư trú tại Canada, nói với The Epoch Times rằng khả năng nghiên cứu khoa học của chính Trung Quốc rất kém và chế độ cộng sản này chủ yếu dựa vào đạo nhái để phát triển khoa học và công nghệ của mình.
Ông Lưu nói: “Sự phát triển khoa học và công nghệ trước đây của ĐCSTQ chủ yếu dựa vào việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của ngoại quốc.”
“Giá trị tài sản trí tuệ bị ĐCSTQ đánh cắp từ ngoại quốc trị giá hàng trăm tỷ dollar mỗi năm. Một số người nói rằng nó có thể lên tới hàng ngàn tỷ dollar, vì vậy ĐCSTQ được cho là kẻ trộm lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc và thực sự là trong lịch sử thế giới.”
Ông Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), một nhà kinh tế học tại Hoa Kỳ, nói với NTD vào tháng 07/2021 rằng việc ĐCSTQ đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm, theo một báo cáo của Ủy ban về Đánh cắp Tài sản trí tuệ Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Hoàng Tổ Uy (Huang Zuwei), một kỹ sư cao cấp của NASA, nói với The Epoch Times rằng tỷ lệ thành công của việc độc lập nghiên cứu và phát triển vi mạch bán dẫn của ĐCSTQ không thể nói là con số không, nhưng nó rất thấp và ngay cả khi nó thành công, các thành phẩm cũng sẽ không quá chất lượng hoặc có khi còn không đạt tiêu chuẩn.
Ông Hoàng nói; “Hãy xem những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Có cái nào được tạo ra đầu tiên bởi ĐCSTQ không? Không có. Tất cả đều là đạo nhái từ các nước khác.”
Nhận xét về những rủi ro an ninh quốc gia do cái gọi là “sự tự chủ về công nghệ” của ĐCSTQ, Tiến sĩ Hoàng nói: “Lo ngại về an ninh quốc gia là rõ ràng. Nhiều thập niên trước, các nước Âu Châu và Hoa Kỳ đã coi ĐCSTQ như một chính phủ bình thường, với hy vọng thay đổi đảng này thông qua các hoạt động trao đổi thông thường. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm, ĐCSTQ không những không thay đổi mà còn ăn cắp một cách vô đạo đức các công nghệ từ các nền dân chủ phát triển.”
Bà Winnie Han viết bài cho chuyên mục tin tức Trung quốc của The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của phóng viên Epoch Times Joyce Liang
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: