Trung Quốc cử nhà ngoại giao hàng đầu tới Nga trước dịp đánh dấu 1 năm chiến tranh Ukraine
Trung Cộng đang cử nhà ngoại giao hàng đầu của mình tới Nga trước dịp đánh dấu 1 năm cuộc xâm lược Ukraine và trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc sẽ cung cấp cho Nga vũ khí để phục vụ cho cuộc chiến của nước này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cử ông Vương Nghị, Giám đốc Ủy ban Đối ngoại của chính quyền này, tới Moscow, nơi mà theo như thông tin đồn đoán, ông Vương thậm chí có thể gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại đây.
Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ lo ngại ĐCSTQ có thể đang chuẩn bị cung cấp vũ khí cho Nga.
Hôm 18/02, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp ông Vương bên lề một hội nghị an ninh toàn cầu ở Munich, nơi ông cảnh báo ông Vương về các hậu quả nếu ĐCSTQ trợ giúp về mặt vật chất cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sẽ có nguy cơ làm leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc đối đầu giữa một bên là Nga và Trung Quốc và một bên là Ukraine và liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Phát ngôn viên đối ngoại của ĐCSTQ Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết ĐCSTQ sẽ bàn với Nga về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến này nhưng không loại trừ một cách minh xác việc cung cấp vũ khí cho Nga.
Ông Uông từ chối cho biết về điều mà ông Vương Nghị sẽ thảo luận với chính phủ Nga, nhưng nói rằng ĐCSTQ muốn tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bất chấp tuyên bố này, cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, và Nga đang khai triển lực lượng hạt nhân của mình trong một vị thế chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.
Trong một bài diễn văn trên truyền hình quốc gia hôm 21/02, ông Putin tuyên bố rằng Nga sẽ đơn phương đình chỉ sự tham gia của mình vào hiệp ước New START, vốn giới hạn số lượng đầu đạn đang hoạt động mà cả nước này và Hoa Kỳ có thể khai triển, cũng như các loại bệ phóng mà họ có thể duy trì.
Điều này có nghĩa là Nga có thể tự do mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân vốn đã lớn nhất thế giới của mình.
Tương tự như vậy, Nga đã khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Biển Baltic lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một hành động có thể được coi là sự leo thang trong cuộc cạnh tranh vốn đã căng thẳng với Hoa Kỳ và các đối tác NATO.
Tình hình này đưa ra một triển vọng chiến lược đáng sợ đối với Hoa Kỳ, mà một vị tướng Hoa Kỳ đã gọi là “mối đe dọa mang tính lịch sử”, vì Hoa Kỳ chưa bao giờ phải ngăn chặn đồng thời hai kẻ thù hạt nhân gần như ngang hàng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times