Moscow tài trợ cho cuộc chiến như thế nào?
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng phương Tây đang nhắm đến sự sụp đổ kinh tế của Nga. Đã có những thất bại, và chiến tranh là tốn kém. Nhưng liệu người Nga có đang thực sự lâm vào tình cảnh khó khăn?
Báo chí kinh doanh quốc tế đang liên tục đưa tin về mức độ suy thoái của nền kinh tế Nga. Tình hình hiện nay thật ảm đạm. Bức tranh đang được vẽ ra rằng Vladimir Putin và chế độ của ông ta đã làm giọt nước tràn ly. Nền kinh tế Nga đang trên bờ vực sụp đổ do các lệnh trừng phạt.
Ví dụ, Bloomberg đưa tin, rằng theo dữ liệu mới nhất, doanh thu từ thuế dầu khí của Nga đã giảm 46% trong tháng Một, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt. Ngân sách Nga thâm hụt 1,776 ngàn tỷ rúp vào tháng 01/2023, gấp mười bốn lần so với tháng 01/2022. Và dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới dự đoán GDP Nga sẽ giảm 3.6% trong năm 2023, các nhà kinh tế cho biết.
Khi người ta đọc các số liệu này, thì câu hỏi được đặt ra là: Moscow sẽ tài trợ cho cuộc chiến như thế nào đây? Và ông Putin có thể cầm cự được bao lâu? Tình hình có thực sự nghiêm trọng như vậy không?
Ông Putin: ‘Phương Tây đang nhắm đến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga sau tấm mạng che mặt’
Trái ngược với thông tin về nền kinh tế Nga đang suy giảm là bài diễn văn của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10/2022. Ông đã báo cáo về tình trạng của nền kinh tế Nga theo một cách hoàn toàn khác so với những gì truyền thông phương Tây đang đưa tin.
Trình bày tại phiên họp toàn thể bế mạc cuộc họp lần thứ 19 của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, ông Putin nói: “Cách đây không lâu, chính chúng ta đã lo lắng rằng chúng ta có thể trở thành một kiểu bán thuộc địa, nơi chúng ta không thể làm gì nếu không có các đối tác phương Tây. Chúng ta không thể thực hiện các giao dịch tài chính, chúng ta không có quyền truy cập vào công nghệ và thị trường hoặc các nguồn cho các công nghệ mới nhất. Không gì cả. Tất cả những gì họ cần làm chỉ là búng tay và mọi thứ chúng ta có sẽ sụp đổ.”
Nhưng điều đó đã không xảy ra, và ông Putin nói thẳng:
“Nhưng không, không có gì bị sụp đổ, và nền tảng của nền kinh tế Nga và Liên bang Nga hóa ra lại mạnh hơn nhiều so với bất kỳ ai, thậm chí có thể là so với chính chúng ta, đã nghĩ.”
Theo giới lãnh đạo Nga, các lệnh trừng phạt không chỉ nhằm hạn chế Nga mà còn nhằm mục đích khiến nền kinh tế Nga sụp đổ.
Thị trường trong nước được củng cố
Bất chấp những hạn chế về kinh tế, ông Putin cho biết điều tích cực là các biện pháp trừng phạt đã giúp củng cố ngành sản xuất và thị trường nội địa. “Các doanh nghiệp của chúng ta đã dễ dàng tiếp quản và lãnh đạo các công ty mà dường như chỉ mới gần đây là không thể tồn tại được nếu không có sự hiện diện của phương Tây. Ở hầu hết các lĩnh vực thì quá trình tiếp quản diễn ra một cách đơn giản,” ông nói.
Ông cũng nói về những khó khăn. Nga không thể tự sản xuất mọi thứ. Theo các nhà phân tích Nga, nhiều khó khăn đã được khắc phục. Để làm cho cuộc sống của các công ty địa phương dễ dàng hơn, gánh nặng hành chính đã được giảm đi đáng kể.
Các chuyên gia Nga cho rằng lạm phát ở Nga sẽ ở vào khoảng 5% trong quý đầu tiên của năm 2023. Để so sánh, vị nguyên thủ này cho biết, ở các nền kinh tế phát triển của EU, chẳng hạn như Hà Lan, tỷ lệ này là 17% và ở một số nước là 21-23%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga thấp hơn so với trước đại dịch: 4.7% khi đó (khi dịch bệnh xảy ra) và 3.8% vào năm 2022. Ông Putin cho biết thâm hụt ngân sách sẽ là 2% vào năm 2023, sau đó là 1.4%, và một năm sau đó là 0.7%. Đây là tình hình chung ở hầu hết các nước trong khu vực đồng euro. Về vấn đề nợ chính phủ, ông cho biết nợ công của Nga về căn bản là thấp hơn so với nợ công của khu vực đồng euro, Hoa Kỳ, hoặc Vương quốc Anh.
Một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi, nền kinh tế Nga đã suy giảm khoảng 3% trong năm 2022. Sản xuất công nghiệp và chế tạo hầu như không thay đổi so với thời kỳ trước chiến tranh. Có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng tăng trưởng trong các ngành xây dựng và nông nghiệp. Tình hình cho vay nợ thẻ tín dụng đã tăng lên trong cả lĩnh vực doanh nghiệp và tiêu dùng, ông Putin tóm tắt.
Dự trữ nhà nước của Nga còn lớn
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, “Khi doanh thu giảm, Nga có hai nguồn tài chính: vay từ thị trường và Quỹ Phúc lợi Quốc gia (NWF), nơi tích lũy dự trữ của chính phủ.”
Tính đến ngày 01/01 năm nay, số dư của Quỹ Phúc lợi Quốc gia Nga là 148 tỷ USD. Trang web chính thức minfin.gov.ru trích dẫn cổng thông tin kinh doanh VG cho biết con số này tương ứng với 7.8% GDP của Nga. Để so sánh: một năm trước, quỹ này có 186 tỷ USD và tương đương với 8.5% GDP tại thời điểm đó. Hồi tháng 07/2022, nguồn dự trữ tài chính này ở mức cao nhất, đạt hơn 210 tỷ USD.
Trong quá khứ, quỹ này có nguồn thu chủ yếu từ thu nhập từ khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Năm nay, người ta cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động lớn hơn, do đó, theo các nhà kinh tế, quỹ dự trữ này sẽ không tăng nhiều.
Ông Dan Steinbock, một nhà kinh tế tại The World Financial Review, ước tính nền kinh tế Nga đã sụt giảm 3.5% vào năm 2022, và lạm phát là 5.4%.
“Nói cách khác, các tổ chức phương Tây đã đánh giá quá cao tác động đối với GDP. Sự khác biệt về độ lớn như vậy rất khó giải thích như là các lỗi dự đoán đơn giản.”
Nhìn chung, nền kinh tế Nga đang thua lỗ, nhưng lại đang tỏ ra kiên cường. Về mặt chính trị, các biện pháp trừng phạt cũng sẽ có tác động đáng chú ý và không lường trước được: “Người Nga sẽ đoàn kết với nhau bởi cảm giác về một mối đe dọa hiện hữu, còn Hoa Thịnh Đốn và Brussels sẽ mất uy tín,” chuyên gia này nói với Magyar Nemzet, một tờ báo có lập trường thân chính phủ của Hungary.