Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 5 loại vaccine COVID mới trong bối cảnh bùng phát bệnh viêm phổi lan rộng
Mặc dù Bắc Kinh đang tái khởi động các biện pháp kiểm soát COVID-19, nhưng họ vẫn không chịu thừa nhận rằng nước này đang đối mặt với một đợt bùng phát bệnh trên toàn quốc.
Năm công ty dược phẩm lớn của Trung Quốc vừa thông báo rằng Bắc Kinh đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vaccine COVID-19 mới được phát triển của họ trong bối cảnh bệnh viêm phổi bùng phát ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc. Đồng thời, các nhà chức trách đã khôi phục các biện pháp kiểm soát COVID-19, bao gồm việc khởi động quy trình xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) và hệ thống mã sức khỏe, ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn quốc.
Tuy nhiên, các cơ quan y tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền tiếp tục cung cấp thông tin mâu thuẫn liên quan đến sự gia tăng các ca viêm phổi nhiễm trùng, đặc biệt là ở trẻ em, kể từ giữa tháng Mười, đồng thời không công nhận đây là một đợt bùng phát COVID-19 mới. Các chuyên gia tin rằng ĐCSTQ một lần nữa đang cố gắng che giấu thông tin, điều này khiến mọi người nhớ đến hành động của họ khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào cuối năm 2019, để bảo vệ cho sự an toàn chính trị của chế độ.
Trong vòng chưa đầy một tuần, các cơ quan chính quyền đã chấp thuận sử dụng khẩn cấp cho năm loại vaccine ngừa virus corona chủng mới. Theo nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc, các loại vaccine này cung cấp cho mọi người lớp bảo vệ chống lại các biến thể phụ XBB của Omicron — một biến thể của SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh COVID-19) — được cho là gây ra bệnh dịch ở Trung Quốc.
Hôm 03/12, hai hãng dược phẩm Livzon Pharm và CanSino Biologics đã thông báo rằng các loại vaccine ngừa virus corona chủng mới mà họ phát triển đã được chấp thuận để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Hôm 01/12, Watson Biotech và Tập đoàn Dược phẩm CSPC đã lần lượt đưa ra tuyên bố, xác nhận rằng các loại vaccine mRNA ngừa biến thể virus corona chủng mới mà họ phát triển đã được nhóm nghiên cứu và phát triển thuộc Nhóm Nghiên cứu Khoa học Chung về Cơ chế Phòng ngừa và Kiểm soát của Quốc Vụ viện chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Cùng ngày, Shenzhou Cell cũng thông báo rằng vaccine protein S-Trimer ngừa biến thể Beta/Omicron (BA.1/BQ.1.1/XBB.1) của virus corona mà họ mới tái tổ hợp cũng đã được cơ quan y tế chấp thuận.
Ông Quách Tân Phong (Guo Xinfeng), một chuyên gia cao cấp trong ngành dược phẩm, nói với truyền thông đại lục: “Những loại vaccine ngừa COVID-19 mới được đưa vào này có một đặc điểm chung chính là nhắm vào các biến thể XBB.”
Ông tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các loại vaccine mới, đồng thời cho biết bệnh dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại ở Trung Quốc vào mùa đông năm nay.
Ông Quách cho biết: “Theo thông tin do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc tiết lộ, loạt đột biến của XBB hiện đang chiếm ưu thế cả trong và ngoài nước.”
Xét nghiệm PRC, Mã Y tế
Các bệnh viện trên khắp Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng bị quá tải khi ngày càng có nhiều bệnh nhân đến thăm khám, chủ yếu là trẻ em, bị bệnh viêm phổi kháng thuốc bí ẩn gây ra hội chứng “phổi trắng,” một triệu chứng thường thấy ở các trường hợp COVID-19 có diễn biến nặng.
Trong khi đó, nhiều thông tin từ truyền thông Trung Quốc và cư dân mạng cho thấy rằng ở nhiều khu vực lân cận — bao gồm cả Tứ Xuyên, Quảng Châu, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hà Bắc, Thiểm Tây, và thành phố Thiên Tân — chính quyền đã khởi động lại hệ thống mã sức khỏe, vốn được sử dụng để theo dõi và hạn chế việc đi lại của người dân trong thời gian nhà cầm quyền áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19.
Hơn nữa, các thành phố lớn như Thượng Hải và Quảng Châu đã khai triển lại hoạt động xét nghiệm PCR.
Hôm 02/12, Cơ quan y tế Quảng Châu thông báo bệnh nhân phải có mã sức khỏe màu xanh mới được vào tất cả các cơ sở y tế trong thành phố. Video thông báo này đã được lan truyền rộng rãi, khiến công chúng không khỏi lo ngại vì hành động này gợi nhớ đến các biện pháp phòng đại dịch nghiêm ngặt được thực thi từ cuối năm 2019 đến tháng 12/2022.
Giáo sư Điền Lực (Tian Li) đến từ Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Thương nghiệp Cáp Nhĩ Tân ở miền bắc Trung Quốc đã chia sẻ một video trên mạng xã hội Trung Quốc, tiết lộ rằng hôm 01/12, trước khi ông vào tham dự hội nghị quốc tế “Hiểu rõ về Trung Quốc năm 2023” tại Quảng Châu, ông đã được yêu cầu làm xét nghiệm PCR.
Hôm 01/12, ông Hà Tiểu Bằng (He Xiaopeng), người sáng lập kiêm chủ tịch của Xpeng Motors, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trên trang tổng hợp tin tức Trung Quốc “Tin chính Trong ngày” (Jinri Toutiao). Ông cho biết khi từ hải ngoại trở về để tham dự một hội nghị quốc tế ở Trung Quốc, ông đã phải thực hiện xét nghiệm PCR ngay khi vừa rời khỏi phi cơ ở Thượng Hải. Ông cảm thấy bối rối trước đề nghị này vì chính sách bắt buộc xét nghiệm đã được dỡ bỏ nên ông đã hỏi nhân viên phi trường tại sao lại phải xét nghiệm. Sau đó ông được thông báo rằng ông là người được chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ông thấy rằng mọi hành khách ngồi cùng cùng chuyến bay với ông đều phải làm xét nghiệm PCR.
Một nhân viên tại Phi trường Quốc tế Phố Đông Thượng Hải họ Mã nói với Đài Á Châu Tự do hôm 04/12 rằng nhiều hành khách quốc tế phải thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 khi đến nơi.
“Tại phi trường, hành khách mới đến được cho là sẽ được [xét nghiệm PCR] ngẫu nhiên. Nhưng tôi thấy một số người và toàn bộ chuyến bay đó đều được xét nghiệm hết. Ngoài ra, một người bạn của tôi đã bay tới Úc ngày hôm qua và đã xịt loại thuốc khử trùng đó [một loại thuốc xịt được sử dụng trong đại dịch] trên phi cơ. Đã lâu rồi người ta mới dùng tới lọ thuốc này. Mã y tế đã bắt đầu được thực thi trở lại ở nhiều nơi.”
Các nhà chức trách tại thành phố Nghĩa Ô — nơi có Chợ Nghĩa Ô, một trong những chợ bán buôn lớn nhất thế giới — đã đưa ra thông báo hôm 01/12, khuyên người dân nên tích trữ thực phẩm đủ để dùng được trên 10 ngày. Thông báo này đã khiến cộng đồng mạng hoang mang, khi người dân bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra một đợt phong tỏa đại dịch khác. Mặc dù thông báo sau đó đã bị xóa khỏi trang web của chính quyền địa phương nhưng người dân vẫn đọc được trên các bản tin của cơ quan truyền thông Trung Quốc có liên quan và chia sẻ lại trên mạng xã hội.
Ông Thạch Đào (Shi Tao), một nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ, cho biết trong chương trình trò chuyện trên kênh YouTube “Shi Tao Focus” (Điểm tin cùng Thạch Đào) hôm 04/12 rằng các hành động gần đây của chính quyền cho thấy Bắc Kinh đang âm thầm chuẩn bị cho một đợt bùng phát COVID-19 có thể xảy ra trên toàn quốc và các đợt phong tỏa sau đó.
ĐCSTQ xem nhẹ đợt bùng phát lần này
Khi căn bệnh viêm phổi bí ẩn tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều người lớn bị nhiễm bệnh, trong đó có cả y tá và bác sĩ. Nhiều thông tin cho thấy bệnh viêm phổi này có khả năng kháng thuốc, khiến cho các loại thuốc kháng sinh điển hình điều trị hiệu quả căn bệnh viêm phổi do mycoplasma trở nên vô hiệu.
Các tuyên bố chính thức của ĐCSTQ về đợt bùng phát này rất mâu thuẫn, cho rằng căn bệnh này là do cúm, virus hợp bào hô hấp, virus rhino, mycoplasma pneumoniae, virus adeno, và lây nhiễm chéo trong khi hạ thấp nguy cơ xảy ra một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, cho biết tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 29/11 rằng đợt bệnh bùng phát ở Trung Quốc là một “hiện tượng bình thường” và “đã được kiểm soát hiệu quả.”
Bắc Kinh đáp lại yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới về dữ liệu của đợt bùng phát này bằng cách nói rằng họ không phát hiện thấy bất kỳ “mầm bệnh bất thường hoặc mầm bệnh mới” nào.
Cộng tác viên của The Epoch Times, Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Dong Yuhong), một chuyên gia và là nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm, đã cho thấy hệ thống chính trị độc tài của ĐCSTQ ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý thông tin về bệnh dịch.
Tiến sĩ Đổng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 04/12, “Dưới sự cai trị độc tài độc đảng của ĐCSTQ, chế độ này kiểm soát luồng thông tin để duy trì cái gọi là ổn định xã hội và hình ảnh của mình. Đặc biệt dưới sự cai trị của lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình, chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19 ban đầu tuân theo chính sách kiểm soát hà khắc “zero COVID” trong ba năm đầu. Sau đó, chính quyền đã mở cửa lại hoàn toàn đất nước và tạm dừng xét nghiệm. Theo thời gian, các hành động của ĐCSTQ đã dẫn đến sự che đậy trường kỳ và các đợt bùng phát vẫn đang tiếp diễn.”
Bà nói: “Việc tiết lộ dữ liệu về bệnh dịch vào thời điểm này có thể gây tổn hại đến hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ, cộng đồng thế giới và người dân Trung Quốc có thể sẽ buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm, đồng thời chuyện này còn gây hoang mang trong giới lãnh đạo.”
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiểu và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times