Trung Quốc cấm xuất nhập cảng đối với các nhà thầu quốc phòng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Hôm 18/04, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang cấm xuất nhập cảng đối với hai nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và Raytheon Technologies vì cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Bộ của Trung Quốc cho biết lệnh cấm này là một phần trong các biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin và Raytheon Missiles & Defense — một công ty con của Raytheon Technologies — nhằm “ngăn chặn các sản phẩm Trung Quốc được sử dụng trong hoạt động kinh doanh quân sự của họ.”
Bộ kêu gọi các công ty Trung Quốc “tăng cường thẩm định và xây dựng hệ thống tuân thủ, đồng thời xác minh thông tin giao dịch” để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với hai công ty Mỹ này.
“Đối với những vi phạm về các quy định có liên quan, các bộ phận hữu quan sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật,” bộ cho biết.
Các biện pháp trừng phạt cũng cấm các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty — gồm Giám đốc điều hành James Taiclet của Lockheed Martin và Chủ tịch Wesley Kremer của Raytheon Missiles & Defense — đi lại và làm việc tại Trung Quốc.
Hành động này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh chỉ trích Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 120 mục tiêu từ 20 quốc gia và khu vực tài phán, một trong số đó là một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, vì công ty này bị cáo buộc hỗ trợ cho Nga.
Hôm 15/04, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ “ảnh hưởng đến an ninh cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu” và tuyên bố sẽ “kiên quyết bảo vệ” quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Lockheed Martin và Raytheon trước đây đã từng bị Bắc Kinh trừng phạt. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai công ty này hồi tháng 02/2022, nhưng bản chất của các lệnh trừng phạt đó không được nêu rõ.
Những biện pháp trừng phạt lần này được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Hoa Kỳ thông qua một thỏa thuận quân sự trị giá 100 triệu USD để củng cố hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Đài Loan. Cả hai công ty này đều được đề cập là nhà thầu chính trong thương vụ giao dịch này.
Hồi tháng 10/2020, cùng với Boeing, Raytheon và Lockheed Martin đã bị Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận thương vụ bán vũ khí trị giá 1.8 tỷ USD.
Tháng Chín năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông qua thương vụ bán thiết bị quân sự tiềm năng trị giá 1.1 tỷ USD cho Đài Loan. Gói thầu gồm 60 hỏa tiễn chống hạm và 100 hỏa tiễn không đối không, trong đó các nhà thầu chính lần lượt là Boeing Defense và Raytheon.
Sau đó ĐCSTQ đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ sẽ “kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó hợp pháp và cần thiết” nếu Hoa Thịnh Đốn tiếp tục bán vũ khí và có các tương tác quân sự với Đài Loan.
Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn phải được thống nhất với đại lục bằng mọi cách cần thiết, mặc dù thực tế là Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới quyền kiểm soát của ĐCSTQ và có chính phủ dân chủ cùng tiền tệ riêng.
Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức với Đài Loan, nhưng Hoa Kỳ là đồng minh lớn nhất của hòn đảo này và bị ràng buộc bởi luật pháp để bảo đảm rằng Đài Loan có đủ phương tiện để tự vệ. Hoa Kỳ cấm vận hầu hết việc cung cấp công nghệ liên quan đến vũ khí cho Trung Quốc.
Hôm 08/04, ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày xung quanh hòn đảo tự trị này, sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp mặt Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) ở California.
Các vụ xâm nhập của phi cơ Trung Quốc vào khu vực này vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp thực tế là ĐCSTQ đã tuyên bố kết thúc cuộc tập trận quân sự hôm 10/04.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu và The Associated Press
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times