Trung Quốc: Bệnh nhiễm trùng hô hấp lan rộng ở trẻ em do nhiều loại virus, vi khuẩn gây ra
Trong những tháng gần đây, các bệnh viện trên khắp Trung Quốc tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng được cho là khó điều trị. Ban đầu, bệnh này được gọi là “viêm phổi do mycoplasma,” và gần đây chính quyền địa phương cho biết căn bệnh này là do sự kết hợp giữa virus và vi khuẩn gây ra.
Từ đầu tháng Mười Một, một số sở y tế các tỉnh và thành phố đã đưa ra cảnh báo về tình trạng “nhiễm trùng hỗn hợp” gồm các bệnh đường hô hấp, trong đó có adenovirus và các mầm bệnh khác gây viêm phổi do mycoplasma, cúm, Covid-19, và các bệnh nhiễm khuẩn thông thường.
Hôm 02/11, cơ quan y tế địa phương ở Bắc Kinh thông báo số bệnh nhân bị nhiễm bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh đã lên tới 3,500 đến 3,600 mỗi ngày.
Theo một bản tin của hãng truyền thông Hoa lục Tân Dân Tuần báo (Xinmin Weekly) hôm 04/11, khoa cấp cứu trẻ em của Bệnh viện Trung ương Quận Tùng Giang, Thượng Hải đã tiếp nhận hơn 700 bệnh nhi mỗi ngày, gấp ba lần so với cùng thời kỳ những năm trước.
Kể từ tháng Bảy năm nay, Bệnh viện Nhi Thượng Hải đã thừa nhận có gần 400 trẻ em bị viêm phổi do mycoplasma, tăng gấp đôi tỷ lệ lên khoảng 80% so với những năm trước.
Do chính quyền Trung Quốc thường hay báo cáo thấp về số ca nhiễm và che đậy thông tin nên rất khó để đánh giá quy mô thực sự của đợt bùng phát hiện nay.
Một số ca nhiễm bệnh
Các triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng hô hấp là ho, có đờm, sổ mũi, sốt, nhiễm trùng phổi, và suy nhược. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở trẻ em, và các triệu chứng có thể kéo dài từ hai đến bốn tuần.
Bác sĩ Yu tại Bệnh viện Tân Hoa,Thượng Hải nói với truyền thông Trung Quốc rằng hầu hết trẻ em bị viêm phổi do mycoplasma tại phòng khám ngoại trú đều dưới 10 tuổi. Mặc dù được điều trị nhưng một số bệnh nhi không có dấu hiệu cải thiện và tiến triển thành các ca bệnh nặng, chẳng hạn như xuất hiện các triệu chứng “phổi trắng.”
Ông Li Hua (hóa danh) ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 17/11 rằng cậu con trai năm tuổi của ông đã nhập viện tại một bệnh viện địa phương vào tuần trước và được chẩn đoán nhiễm bệnh viêm phổi do mycoplasma, căn bệnh đã gây ra gây sốt tái phát.
Sau khi soi phế quản vào sáng hôm 15/11, cậu bé có biểu hiện yếu tay và chân trái, đến chiều chụp MRI cho thấy cậu bé bị nhồi máu não do mycoplasma.
Ông Li không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa con trai đến bệnh viện lớn ở Thượng Hải, cách đó năm giờ lái xe, bằng xe cứu thương ngay trong đêm.
Bệnh nhi này hiện vẫn đang nằm trong phòng săn sóc đặc biệt (ICU), còn cha mẹ cậu chỉ có thể đợi bên ngoài, và kết quả hội chẩn của chuyên gia vẫn chưa được công bố cho đến thời điểm ông Li nói chuyện với The Epoch Times.
Bà Guo Jie (hóa danh) đến từ Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, nói với The Epoch Times rằng con trai 13 tuổi của bà đã phải nhập viện tại Bệnh viện Phụ nữ và Nhi đồng Đại Liên trong bảy ngày liên tiếp do bị sốt vì “nhiễm trùng hỗn hợp.” Kết quả chụp CT cho thấy phổi của bệnh nhi này bị “tắc nghẽn,” nên bác sĩ yêu cầu rửa phổi (lung washing) để giúp cậu có thể thở.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng khi một thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh hô hấp đặc biệt này, thì lần lượt những người khác trong nhà cũng không thể chống chọi lại được căn bệnh này, khiến việc hồi phục trở nên khó khăn.
Không có giường bệnh
Bà Guo Ling (hóa danh), một cư dân huyện Cố An, thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc, tiết lộ với The Epoch Times rằng tất cả các bệnh viện địa phương đều hết giường khi con trai bà bị bệnh hồi tháng Mười.
Bà Guo có hai con trai, cả hai con vừa bị sốt. Con trai lớn đã khỏi bệnh, còn con trai út lại đang lên cơn sốt.
Bà Guo chia sẻ, khi bà tìm bệnh viện để đưa con trai út đến thì không có bệnh viện nào ở địa phương còn giường bệnh nên bà quyết định đưa con đến bệnh viện gần nhất để truyền tĩnh mạch (IV). Dù vậy, bà vẫn phải xếp hàng đợi lúc nửa đêm để con được thăm khám.
Theo kết quả khám sức khỏe, cậu bé được chẩn đoán là bị “nhiễm trùng hỗn hợp.” Tuy nhiên, bà Guo cho biết bệnh viện không còn thực hiện xét nghiệm Covid-19 nữa nên không có cách nào để xác thực liệu virus corona có phải là một phần của tình trạng “nhiễm trùng hỗn hợp” này hay không.
Bà mô tả khung cảnh bên trong bệnh viện là “hỗn loạn.”
“Tại khoa nhi, hành lang chật kín người. Không có chỗ ngồi nên người ta phải tự mang ghế đẩu theo. Không có chỗ để treo túi IV nên phải dán các túi lên tường. Thực sự rất hỗn loạn,” bà nói.
Mặc dù đã trải qua nhiều đợt điều trị bằng truyền dịch nhưng con trai của bà Guo vẫn chưa khỏi hẳn. Các triệu chứng tái phát như sốt và sổ mũi vẫn dai dẳng nên bà quyết định cho con điều trị bằng Trung y.
Đồng thời, bà Guo và các bậc cha mẹ khác đã liên lạc với trường học địa phương về tạo ra các lớp học trực tuyến vì họ lo ngại về khả năng lây nhiễm chéo.
Việc chăm sóc đứa con ốm yếu đã khiến bà Guo gặp nhiều khó khăn, bà bắt đầu có các triệu chứng, trong đó có sốt. Bà đã thử dùng thuốc Trung y được kê cho con, và tình trạng của bà đã đỡ dần.
Chi phí y tế cao
Một số gia đình nói với The Epoch Times rằng chi phí chăm sóc y tế cao là một gánh nặng đáng kể.
Cô Zhao Yufeng (hóa danh) đến từ Hồi Hột, Nội Mông, chia sẻ, hôm 24/10, con trai hai tháng tuổi của cô đột ngột bị sốt, và cơn sốt đó kéo dài suốt bốn ngày, mặc dù cô đã tìm đến tất cả các bệnh viện địa phương nhưng các bệnh viện đó đều không còn giường bệnh.
Cuối cùng, cô đưa con vào Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Hồi Hột. Mặc dù bệnh viện này cũng thiếu giường nhưng các bác sĩ đã tìm ra giải pháp bằng cách đưa cháu bé thẳng đến phòng săn sóc đặc biệt (ICU).
Sau một loạt các xét nghiệm, cô Zhao đã thanh toán 15,000 nhân dân tệ (khoảng 2,080 USD).
Vào ngày đầu tiên, các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm virus vào những ngày tiếp theo cho thấy đó là do “nhiễm trùng hỗn hợp.”
Cô Zhao cho biết con trai cô đã được khám sức khỏe toàn diện trong thời gian nằm viện, như đặt ống thông dạ dày và ống thông tiểu, lấy máu thường xuyên hai ngày một lần, truyền dịch hàng ngày, dùng thuốc, và điều trị bằng khí dung.
Tính đến hôm 20/11, con trai cô vẫn có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi. Với những hóa đơn y tế ngày càng tăng, cô Zhao đã bốn lần yêu cầu bệnh viện cho con xuất viện nhưng bệnh viện không đồng ý. Sau khi để con trai nằm viện 11 ngày, cô quyết định đưa con ra viện mà không có sự đồng ý của nhân viên y tế.
“Tôi thực sự rất đau lòng. … Bệnh viện cũng kê cho cháu một loại thuốc protein ngoại nhập, được cho là có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch. Loại thuốc này có giá 550 nhân dân tệ [khoảng 76 USD] cho một chai nhỏ, nhưng tôi không đủ tiền trả cho hơn bốn chai. Bảo hiểm y tế không chi trả phần này,” cô Zhao nói.
Cô cho rằng các bác sĩ thiếu chuyên môn để điều trị cho con mình một cách hiệu quả mà họ chỉ đang dò dẫm các phương pháp khác nhau.