Trong khi TT Biden đang tự hào về ‘Bidenomics’, thì phần lớn người Mỹ đang sống qua ngày bằng tiền lương
Trong khi Tổng thống (TT) Joe Biden đang ca ngợi thành tích tạo việc làm và những thành công kinh tế rõ ràng khác của các chính sách theo trường phái kinh tế Biden (“Bidenomics”) của ông trong bài diễn thuyết vào Ngày Lao động, thì các cuộc khảo sát lại cho thấy rằng bộ phận lớn những người Mỹ đang sống qua ngày bằng tiền lương ngày càng đông lên và hầu hết đều nói rằng nền kinh tế đã suy thoái trong nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm.
Hôm 04/09, tổng thống đã đề cập đến các chính sách kinh tế của mình trong bài diễn thuyết trước các thành viên nghiệp đoàn ở Philadelphia. Trong khi đó, hai cuộc khảo sát riêng biệt cho thấy đa số người Mỹ tin rằng nền kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn trong hai năm qua.
Tổng thống Biden nói trong một buổi diễn thuyết trước các thành viên nghiệp đoàn, sau khi có tin tức rằng các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã tạo thêm 187,000 việc làm trong tháng Tám: “Ngày Lao động năm nay, chúng ta ăn mừng về những việc làm, những công việc được trả lương cao, những công việc mà quý vị có thể nuôi sống gia đình, những công việc cho nghiệp đoàn.”
Tổng thống Biden tiếp tục nêu bật kế hoạch Bidenomics của mình, điều mà ông cho rằng đã tạo ra 13.5 triệu việc làm mới, đồng thời liên tục chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump.
Các nhà phê bình cho rằng con số 13.5 triệu việc làm được tạo ra của Tổng thống Biden là phóng đại vì phần lớn con số đó là tính cả trường hợp những người quay trở lại làm việc sau khi bị cắt giảm việc làm tạm thời vào lúc đỉnh điểm của đại dịch.
“Trong 30 tháng đầu tiên ông Biden nắm quyền, chỉ có 2.1 triệu việc làm mới được tạo ra, và ngược lại, trong 30 tháng đầu tiên tôi nắm quyền, chúng tôi đã tạo ra 4.9 triệu việc làm mới”, cựu Tổng thống Trump nói trong buổi diễn thuyết hôm 05/08 tại South Carolina, trong đó ông cam kết sẽ “đảo ngược Bidenomics” và khôi phục quỹ đạo mà ông nói rằng ông đã tạo ra để “tăng cường sự thịnh vượng tài chính cho đất nước này.”
Chiến dịch tranh cử của ông Trump sau đó nói với PolitiFact, một trang web kiểm chứng sự thật, rằng con số 2.1 triệu—trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Biden là 13.5 triệu—được rút ra bằng cách loại trừ những người làm công ăn lương trở về sau đợt sa thải do đại dịch ra khỏi con số việc làm được tạo mới.
Đồng thời, trong phần bình luận với CNBC, ông Steven Cheung, một phát ngôn viên cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã phản bác những lời công kích của Tổng thống Biden về thành tích của cựu Tổng thống Trump.
Ông Cheung nói với hãng thông tấn rằng: “Tổng thống Trump (khi đó) đã tạo ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục đối với người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á Châu, và phụ nữ.”
Ông nói thêm: “Ông Joe Biden là kẻ hủy hoại việc làm của người Mỹ và tiếp tục gây ra lạm phát phi mã bằng những khoản chi tiêu lớn liều lĩnh của chính phủ. Tầm nhìn của cựu Tổng thống Trump về sự hồi sinh kinh tế của nước Mỹ là thuế thấp hơn, mức lương cao hơn, và nhiều việc làm hơn cho người làm công ăn lương của Mỹ.”
Hầu hết đều nói rằng nền kinh tế của ông Biden đang xấu đi
Trong khi Tổng thống Biden đang ở Philadelphia để thảo luận về các chính sách kinh tế của mình, thì một cuộc khảo sát mới từ The Wall Street Journal cho thấy đa số (58%) cử tri Mỹ cho biết nền kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn trong hai năm qua.
Cuộc khảo sát cũng đã cho thấy, khoảng 75% người Mỹ cho rằng lạm phát đang đi sai hướng, và dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy một thước đo lạm phát được Hệ thống Dự trữ Liên bang ưa chuộng đã chỉ ra rằng áp lực giá cả đang gia tăng.
Đồng thời, theo một cuộc khảo sát riêng từ trang tài chính cá nhân PYMNTS và công ty cho vay trực tuyến LendingClub, tính đến tháng Bảy, 61% người trưởng thành cho biết họ đang sống qua ngày bằng tiền lương. Con số này tăng so với 59% vào cùng thời điểm này năm ngoái.
Các gia đình có thu nhập cao hơn cũng đang cảm thấy khó khăn về tài chính, với 44% những người kiếm được hơn 100,000 USD mỗi năm cho biết họ đang phải sống qua ngày bằng tiền lương. Cuộc khảo sát cho thấy con số đó là 78% trong số những người kiếm được dưới 50,000 USD, và 65% trong số những người kiếm được từ 50,000 đến 100,000 USD.
Các cuộc khảo sát khác gần đây cho thấy người Mỹ tiếp tục cảm nhận được nỗi đau do giá cả tăng cao.
Theo khảo sát hồi tháng Bảy của Bankrate, 72% người Mỹ không cảm thấy an toàn về mặt tài chính. Trong số đó, 63% nói rằng lạm phát cao khiến họ khó có thể cảm thấy yên tâm về mặt tài chính.
Một cuộc khảo sát khác của Bankrate hồi tháng Sáu cho thấy, do lạm phát, 68% người Mỹ đang tiết kiệm ít hơn cho những tình huống bất ngờ.
Lạm phát buộc một gia đình điển hình phải chi thêm 709 USD/tháng
Gần đây, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics đã tính toán rằng các gia đình ở Mỹ trung bình đang phải chi thêm hơn 709 USD mỗi tháng so với hai năm trước do lạm phát cao.
Tính toán của ông Zandi được đưa ra trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, bình luận về dữ liệu mới nhất của chính phủ về lạm phát.
Lạm phát, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ở mức 3.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Bảy, tăng từ mức 3% trong tháng Sáu và là mức tăng đầu tiên về tốc độ lạm phát hàng năm trong khoảng một năm.
Mặc dù con số này giảm so với mức đỉnh 9.1% vào tháng 06/2022, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tiếp tục quay cuồng trước áp lực giá tăng cao liên tục trong vài năm qua.
Ông Zandi đã viết: “Lạm phát cao trong hơn hai năm qua đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế. Do lạm phát cao, một gia đình điển hình trong tháng Bảy đã chi nhiều hơn 202 USD so với một năm trước để mua cùng một loại hàng hóa và dịch vụ.”
Trong khi ông Zandi mô tả con số lạm phát trong tháng Bảy là “tuyệt vời”, thì Đảng Cộng Hòa lại coi những tính toán của ông là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden đã và đang thổi bùng ngọn lửa lạm phát.
Đảng Cộng Hòa Wisconsin đã đăng trên mạng xã hội, “Bidenomics đang khiến một gia đình trung bình phải trả thêm hơn 700 USD mỗi tháng!”
Để nỗ lực kiềm chế lạm phát, kể từ tháng 03/2022, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất với tốc độ mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980.
Mặc dù tốc độ lạm phát đã chậm lại so với mức đỉnh 9.1% vào tháng 06/2022, nhưng các chuyên gia cho rằng tiến bộ vẫn còn hạn chế.
Trong khi tốc độ lạm phát CPI hàng năm là 3.2% so với cùng thời kỳ năm trước, thì cái gọi là lạm phát cơ bản—loại bỏ thực phẩm và năng lượng ra khỏi tính toán — lại ở mức 4.7%.
Những chỉ số cốt lõi này là điều mà Fed chú ý sát sao nhất khi đánh giá tiến bộ trong nỗ lực đưa lạm phát xuống mức mục tiêu là khoảng 2%.
Ông Greg McBride, người phụ trách về phân tích tài chính tại Bankrate, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Sự suy giảm về chỉ số lạm phát cơ bản so với mức của năm trước ít rõ rệt hơn nhiều và ở mức 4.7% vẫn là cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.”
Ngoài ra, theo Cục Phân tích Kinh tế, chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân cốt lõi — thước đo mà Fed dựa vào nhiều nhất để đo lường tiến độ đạt được mục tiêu lạm phát 2% của họ— đã tăng lên 4.2%, so với mức 4.1% trong tháng Sáu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times