Trốn tránh sai lầm, hay là học hỏi từ chúng?
Alexander Pope đã nói “Con người sẽ phạm sai lầm, nhưng có thể khoan dung tha thứ mới là nhà hiền triết”. Trong quá trình học tập thì rất khó tránh khỏi phạm sai lầm; chúng ta hãy tha thứ cho bản thân, và học hỏi từ chúng.
Nghiên cứu của Nina Keith và của nhiều người khác đều chỉ ra rằng, trong lĩnh vực học tập, cách suy nghĩ về sai lầm có thể giúp ích cho chúng ta, nhưng cũng có thể gây bất lợi cho chúng ta. Có hai cách tư duy như sau:
1. Trốn tránh sai lầm
Rất nhiều người cho rằng sai lầm sẽ gây tổn hại cho chúng ta. Lối suy nghĩ này sẽ dẫn đến xu hướng tránh mắc lỗi. Khi phạm sai lầm, chúng ta thường có những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như cảm giác thất bại, thất vọng và chán nản, thậm chí là cảm thấy tức giận.
Nhiều giáo viên và học sinh đã thiết lập một mô hình học tập để tránh phạm lỗi. Điều này thường dẫn đến phương pháp học tập bị động hơn. Ví dụ như, giáo viên vì để học sinh đưa ra đáp án đúng mà giải thích cặn kẽ từng bước, thậm chí còn đưa ra lời giải trước. Đây là giải pháp khiến bạn cảm thấy rất tốt trong khoảng thời gian ngắn bởi vì mỗi lần có kỳ kiểm tra đều có thể có được đáp án chính xác. Nhưng khi đề thi yêu cầu bạn áp dụng kiến thức đã học theo một cách khác, bạn sẽ lúng túng và có thể cho đáp án sai; vì điểm số quan trọng với bạn, từ đó bạn chìm trong cảm xúc tiêu cực chán nản.
2.Tiếp nhận sai lầm
Một cách khác để đối phó với sai lầm là tiếp nhận chúng. Nhận biết được sai lầm là một phần của quá trình học tập, và xem sai lầm như là một cơ hội để học hỏi thêm. Loại tâm thái này đã được chứng minh rằng có thể giúp ích cho việc học tập của chúng ta, giúp chúng ta học hỏi từ những sai sót và nâng cao nhận thức tư duy.
Giáo viên có lối suy nghĩ này sẽ không giải thích từng bước khi giao bài tập cho học sinh, mà để cho học sinh tự làm theo khả năng của chúng. Học sinh có lối tư duy này, sẽ có khuynh hướng áp dụng các kỹ năng học tập, đồng thời có thể chủ động khám phá tìm hiểu các nội dung xoay quanh chủ đề đang học và làm các bài tập được giao. Nếu phạm phải sai lầm, chúng sẽ nhắc nhở bản thân rằng phạm lỗi là một phần tự nhiên trong quá trình học tập. Lối tư duy này giúp ngăn chặn sự lây lan của cảm xúc tiêu cực, và học sinh có thể chuyển sang hướng tích cực hơn, tìm hiểu thêm kiến thức còn thiếu.
Chấp nhận sai lầm còn có các lợi ích khác ngoài việc giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Các lỗi sai phạm cần giải pháp; điều này giúp chúng ta sáng tạo trong việc tìm tòi phương án khắc phục. Bằng cách này, bạn có thể học được những điều không thể học được bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn sẵn có.
Cuối cùng, bạn sẽ càng hiểu sâu sắc hơn nội dung chủ đề chính hoặc toàn bộ nhiệm vụ của nó. Nếu trong đề thi có câu hỏi về một vấn đề khác có liên quan, thì bạn càng có thể sử dụng kiến thức tích lũy được của mình mà đưa ra đáp án chính xác.
Làm cách nào để sai lầm có thể giúp việc học tập tốt hơn?
Thay đổi tư duy để tiếp nhận sai lầm có thể ảnh hưởng đến việc học trên hai phương diện. Đầu tiên, điều đó giúp kiểm soát cảm xúc, kiểm soát cảm giác thất bại và cơn giận liên quan đến sai lầm, giúp khai mở tư duy phóng thích nguồn trí tuệ về tinh thần để tập trung vào học tập.
Mặt khác, nó giúp bạn chủ động tích cực hơn trong việc học. Khi bạn phạm phải lỗi lầm, bạn có thể dùng một phương thức tư duy khác để nhìn nhận vấn đề. Bạn có thể sẽ tìm hiểu vì sao chiến lược ban đầu không khởi tác dụng. Điều này giúp bạn suy nghĩ sâu hơn và thử nghiệm các chiến lược khác nhau, từ đó sẽ có được kết quả đúng hơn.
So với những gì bạn đã học được bằng cách tuân theo hướng dẫn từng bước, bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn nếu có tư duy tiếp nhận sai lầm. Trong các khóa học về kỹ năng học tập, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát việc học của bạn theo cách này. Từ trong lỗi lầm chúng ta có thể học được nhiều điều. Bởi vì nếu lấy thao tác sai trước đó làm nền tảng, bạn sẽ càng có lý giải sâu sắc hơn về nhiệm vụ hoặc nội dung chủ đề.
Ngoài ra, bạn sẽ học được quá trình kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Khi gặp phải tình huống những tri thức đã học không khớp hoàn toàn với nhau, thì quá trình này sẽ giúp bạn tổng hợp lại những kiến thức đã có để tìm ra giải pháp.
Thụy Mộc Duyệt biên tập
Cửu Ngọc biên dịch