Nghệ thuật của sự tha thứ
Tác giả Kelly Browne đưa ra những góc nhìn sâu sắc về sức mạnh của sự tha thứ đích thực để chữa lành trái tim
Xin lỗi và tha thứ có thể là hai trong số những hành động khó thực hiện nhất đối với mọi người. Điều đó yêu cầu bạn sẵn sàng hạ thấp lòng kiêu hãnh và buông bỏ những cảm xúc như tức giận hoặc bị tổn thương. Tuy nhiên, thừa nhận sai lầm của mình và thực sự tha thứ cho người khác có thể là chìa khóa để một người đạt đến sự tự tại.
Cuốn sách mới của tác giả Kelly Browne, “101 Ways to Create Mindful Forgiveness: A Heart-Healing Guide to Forgiveness, Apologies, and Mindful Tools for Peace” (101 Cách Tha Thứ Có Suy Nghĩ: Hướng Dẫn Chữa Lành Trái Tim bằng Sự Tha Thứ, Lời Xin Lỗi, và Các Công Cụ Để Có Được Bình An) hướng dẫn người đọc cách đón nhận các hành động xin lỗi và tha thứ. Tôi đã hỏi cô ấy lời khuyên cho những người đang gặp phải vấn đề này. Đây là những gì cô ấy chia sẻ.
The Epoch Times: Điều gì đã thôi thúc cô viết quyển sách “101 Ways to Create Mindful Forgiveness”?
Cô Kelly Browne: Khoảng bảy năm trước, tôi dự định viết một cuốn sách về cách nói lời xin lỗi đúng cách. Dù đã cố gắng hết sức, tôi vẫn tạm ngừng lại do thiếu một điều gì đó — một yếu tố quan trọng của sự tha thứ. Không chỉ là “Tôi xin lỗi” và “Tôi tha thứ cho bạn,” mà đó còn là năng lượng chữa lành một cách có chủ ý đằng sau ý nghĩa của những lời nói đó, để không chỉ tha thứ cho người khác mà còn cho chính bản thân bạn.
Mãi cho đến khi tôi trải qua chấn thương nặng nề khiến tôi phát ốm, tôi mới chợt hiểu “sự tha thứ có suy nghĩ” quan trọng đến mức nào đối với việc tự chăm sóc bản thân tôi. Việc chia sẻ những cách chữa lành trái tim là vô cùng quan trọng đối với tôi để giúp đỡ những người đang chịu đựng những sự việc khiến họ bị tổn thương. Cuốn sách này bao gồm những công cụ, bài thiền định, và những lời cầu nguyện tôi đã học hỏi, tìm kiếm, và thực hành để giúp tôi trên hành trình tha thứ của mình.
The Epoch Times: Tại sao cô nghĩ rằng việc tha thứ đôi lúc có thể khó khăn đến vậy?
Cô Browne: Trong khi rất nhiều người trong chúng ta tìm kiếm giải pháp khắc phục ngay tức thì những vấn đề của bản thân, nhưng khi đây là vấn đề về cảm xúc, thì chuyện không đơn giản như thể tắt một chiếc công tắc. Chúng ta có thể lặp đi lặp lại chính xác câu châm ngôn “tha thứ và quên đi”, nhưng chúng ta không thể làm được. Cha mẹ và những người chăm sóc chúng ta có thể khuyến khích chúng ta bước tiếp, kiên trì nói chúng ta nên xin lỗi hoặc vượt qua điều đó đi, nhưng chúng ta không làm được, đặc biệt nếu lời xin lỗi ấy không thành thật. Mỗi khi người mắc lỗi với bạn hoặc sự kiện đó lướt qua tâm trí bạn, bạn bị đưa trở lại đúng khoảnh khắc đau đớn tột cùng ấy.
Những suy nghĩ đau buồn đó có thể biểu hiện bên trong cơ thể chúng ta và trở thành những căn bệnh thể chất khiến chúng ta đau ốm. Thực tế là — sự tha thứ không có nghĩa là bỏ qua cho những tổn hại [mà người kia] đã gây ra cho bạn cũng như không có nghĩa là giải thoát người mắc lỗi khỏi sự chỉ trích, không bao giờ. Sự tha thứ không cho phép người đó tiếp tục làm hại bạn hoặc “bắt nạt bạn.” Bạn có thể lựa chọn tha thứ cho ai đó để chăm sóc chính bản thân mình và vì sức khỏe thể chất của chính bạn. Bạn, và chỉ bạn, mới có thể quyết định nên chấm dứt hay tiếp tục mối quan hệ với người đó. Tha thứ là một lựa chọn mà chỉ bạn mới có sức mạnh tạo ra trong trái tim và tâm trí của mình,vào đúng thời điểm, khi bạn đã sẵn sàng.
The Epoch Times: Đối với ai đó đang đọc bài phỏng vấn này mà ôm giữ lòng oán giận với người khác, cô sẽ khuyên họ nên bắt đầu hướng tới sự tha thứ như thế nào?
Cô Browne: Giữ mãi trong lòng sự cay đắng và oán giận về cách một người nào đó đã làm hại bạn chỉ tiếp tục làm bạn tổn thương. Tại sao? Bởi vì năng lượng được tạo ra trong cơ thể mỗi khi bạn nghĩ về khoảnh khắc, sự kiện, hoặc những người làm tổn hại bạn, đều gây ra những tác dụng có hại.
Hãy dừng lại một chút và nghĩ xem việc bị xiềng xích về tinh thần trước một sự kiện đang chiếm lĩnh cảm xúc của bạn như thế nào. Bạn thậm chí có thể không nhận ra những khoảnh khắc đó trong quá khứ đang ảnh hưởng tiêu cực đến hiện tại, đến những nỗi sợ hãi, và đến các mối quan hệ của bạn với người khác như thế nào. Tha thứ có suy nghĩ chín chắn là quyết định tinh thần nhằm loại bỏ sự oán giận bằng cách buông sự việc đó ra khỏi suy nghĩ của bạn, vô hiệu hóa nó, và hướng tới sự bình yên nội tâm để bạn được hạnh phúc và chữa lành.
The Epoch Times: Mặt khác, việc thừa nhận lỗi của mình và xin lỗi cũng khó không kém. Một số dấu hiệu cho thấy một người cần phải xin lỗi là gì?
Cô Browne: Đầu tiên và quan trọng nhất, khi bạn nhận ra mình đã mắc một sai lầm, hãy lập tức nhận trách nhiệm bằng cách xin lỗi vì những lời nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ của mình, đó là chìa khóa để hàn gắn mối quan hệ. Những gì bạn nói và làm thể hiện con người thật của bạn. Nếu bạn sống cuộc đời mình với nhận thức về sự chín chắn và cẩn trọng trong cách bạn tương tác với người khác, bạn có thể muốn tiếp tục học cách trở thành một người tốt hơn trong các mối quan hệ cá nhân và trong công việc của mình. Điều quan trọng nữa là bạn phải hiểu rõ về những người bạn chọn hiện diện trong cuộc sống thường nhật hoặc trong vòng kết nối bạn bè của mình. Nếu ai đó tiếp tục tạo ra phiền phức không cần thiết hoặc luôn không trung thực, bạn có thể chọn cách để họ rời đi.
The Epoch Times: Cách tốt nhất để xin lỗi là như thế nào?
Cô Browne: Bạn hãy bày tỏ bằng sự chân thành thực sự, ba từ — tôi xin lỗi — có sức mạnh khôi phục lại các quốc gia bị chia rẽ, chữa lành trái tim, hoặc thậm chí cứu một mạng người. Ngược lại, khi một lời nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ đã gây ra bao đau đớn và khổ sở vô tận cho bạn hoặc người nào đó, thì việc chấp nhận một lời xin lỗi — tôi tha thứ cho bạn — cũng là điều cần thiết không kém. Mặc dù bạn không thể kiểm soát kết quả của một lời xin lỗi, hoặc liệu ai đó có chấp nhận lời xin lỗi đó hay không, nhưng bạn hãy ghi nhớ 6 chữ “R” trong cuốn sách mới của tôi, “101 Ways to Create Mindful Forgiveness,” luôn là một cách hữu hiệu đấy: nhận ra (realizing), hối hận (remorse), phản ứng (reacting), trách nhiệm (responsibility), bồi hoàn (restitution), và giải pháp (resolution).
The Epoch Times: Giao tiếp thời hiện đại đang gia tăng trong không gian kỹ thuật số. Có phù hợp để tha thứ hoặc xin lỗi qua thư điện tử hoặc tin nhắn không?
Cô Browne: Tốt nhất lời xin lỗi và sự tha thứ nên được bày tỏ khi gặp trực tiếp, trò chuyện qua video, hoặc thậm chí qua điện thoại khi bạn có thể kết nối với người kia trực tiếp và nghe thấy giọng nói của nhau. Khi chúng ta coi trọng giao tiếp kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, lời xin lỗi qua thư điện tử là phổ biến và được chấp nhận. Giữa bạn bè, gia đình, và những người chúng ta yêu thương, nhắn tin đã trở thành một cách kết nối tức thời; tuy nhiên, bạn không thể cảm nhận được tinh thần từ ý định của người đó. Mặc dù nhắn một lời xin lỗi hoặc đề nghị tha thứ có thể phá vỡ khoảng cách giữa hai người, nhưng tốt nhất là nên gọi điện hoặc gặp mặt để giải tỏa không khí căng thẳng, từ đó cả hai có thể quyết định có muốn tiếp tục mối quan hệ hay không.
The Epoch Times: Những lợi ích to lớn nhất của việc thành thạo các kỹ năng xin lỗi và tha thứ là gì?
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times