Tranh ẩn trên mép sách – loại hình nghệ thuật đang bị mai một
Một cuộc phỏng vấn với họa sĩ vẽ tranh mép sách Martin Frost
“Wow! Tôi không nghĩ là nó sẽ như thế.” Trong hơn 40 năm, đó chính là những lời mà họa sĩ vẽ tranh mép sách Martin Frost thường nghe nhất khi mọi người lần đầu tiên ngắm tác phẩm của ông, và đó là một niềm hân hoan mà ông không bao giờ thấy nhàm chán khi nghe.
Ông Frost đang duy trì nghề vẽ tranh mép sách, một nghề thủ công di sản đang bị mai một với tốc độ nhanh chóng của Vương quốc Anh, đặc biệt là tranh ẩn trên mép sách, một nghề thủ công mà trong đó những hình ảnh được vẽ trên mép các trang sách được xòe ra của một quyển sách và vì thế, những hình ảnh này ẩn giấu dưới các đầu mạ vàng của một trang sách, hoặc ít phổ biến hơn, là dưới các đầu sách có hoa văn cẩm thạch của một trang sách.
Trong danh sách New Year Honors năm 2019, ông Frost đã được vinh danh vì những công việc của ông trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật tranh mép sách đang dần mai một, và được trao tặng một huân chương Member of the Order of the British Empire (MBE, Thành viên Đế chế Anh), một huân chương tầm cỡ quốc gia.
Dưới đây, ông Frost chia sẻ những suy nghĩ của mình về truyền thống tranh mép sách đang dần thất truyền đồng thời tiết lộ cách để xem các bức ảnh ẩn này.
The Epoch Times: Mong ông vui lòng kể cho chúng tôi về công việc của mình.
Ông Martin Frost: Vẽ tranh ẩn trên mép sách là một loại hình nghệ thuật trang trí sách không giống với bất kỳ loại hình nào khác. Tôi trang trí những quyển sách theo một cách ẩn hình trừ khi bạn biết cách mở sách đúng để trưng ra hình ảnh đó. Đó là kiểu phong cách đậm chất Anh; người Anh chúng tôi, lànhững người rất giỏi trong việc làm những điều có chút khác thường. Chúng tôi thích điều kỳ lạ đó, chúng tôi thích thứ kỳ quặc, chúng tôi thích những điều không bình thường, và tranh ẩn trên mép sách chắc chắn là kiểu như vậy.
Tôi là một họa sĩ; tôi không gọi mình là một nghệ sĩ bởi vì một nghệ sĩ sẽ sáng tạo ra những hình ảnh mới. Tôi tạo ra rất nhiều hình ảnh mà tôi đã thu nhặt được từ nơi nào đó khác, vì vậy có một lượng lớn công việc sao chép diễn ra. Tuy nhiên, tôi là một họa sĩ, và tôi vẽ những hình ảnh, và tôi hạnh phúc nhất khi cầm một chiếc cọ vẽ trên tay. Về căn bản, đó không phải là một công việc, mà là niềm vui.
Ví dụ, tôi thực hiện rất nhiều bản sao chép cho bức tranh “Last Supper” của danh họa Leonardo da Vinci, chủ yếu là trên các quyển Kinh Thánh và các sách cầu nguyện, nhưng mỗi phiên bản sẽ hơi khác nhau một chút. Đó chính là niềm vui của công việc thủ công. Bạn có thể đặt một chút dấu ấn cá nhân của mình vào đó, và bạn không có được điều ấy khi bạn tạo ra tác phẩm cho việc in ấn thương mại — nơi mà bạn vẽ một bức tranh và sau đó người ta sẽ sao chép lại bức tranh đó hàng ngàn lần. Như vậy, có rất ít niềm đam mê trong công việc đó.
The Epoch Times: Cơ duyên nào đưa ông trở thành một họa sĩ vẽ tranh mép sách vậy?
Ông Frost: Ồ, tôi vẫn luôn là một họa sĩ và một nghệ sĩ. Cha tôi là một họa sĩ chuyên nghiệp. Ông là một thành viên của Hiệp Hội Pastel, vì vậy khi tôi lớn lên, luôn có việc vẽ tranh diễn ra, luôn có những bản vẽ phác thảo đang thực hiện, và như vậy không có nỗi sợ hãi nào với nghệ thuật. Đó là những gì mà chúng tôi đã làm.
Tôi đã thật sự không muốn vẽ tranh; tôi đã muốn làm một điều gì đó khác biệt, vì vậy thực tế là tôi đã được đào tạo trong nhà hát. Tôi đã làm các thiết kế bối cảnh, các thiết kế sân khấu, các trang phục biểu diễn, đạo cụ, và phông nền.
Chính vào lúc tôi đang làm việc tại Glyndebourne, nhà hát opera địa phương, tôi đã gặp anh Don Noble, một đồng nghiệp cũng đang làm các công việc hậu trường.
Anh Noble đã vẽ tranh mép sách trong nhiều thập niên, và anh ấy đã cho tôi xem những gì anh đã làm. Và rồi tôi nghĩ, “Tôi có thể làm việc này; việc đó khá đơn giản. Tôi sẽ thử làm điều này.”
Và tôi đã làm điều đó. Tôi đã thử vẽ lần đầu, và chào hàng các tác phẩm đó đến một trong các tiệm sách địa phương, và họ nói “Cái đó không tệ, chúng tôi sẽ mua.”
Phải thừa nhận rằng, tôi đã mất một vài năm để thực sự rời bỏ công việc ở nhà hát đó, và sau đó tôi chuyển sang làm thiết kế báo chí, thiết kế phông chữ, và in ấn, nhưng phần lớn thời gian, tôi vẫn tiếp tục vẽ trên mép của các cuốn sách.
Quay ngược trở lại những năm 1980, có một sự hồi sinh của loại tranh mép sách, vì vậy tôi đã có đủ tác phẩm để thực sự gọi mình là một họa sĩ tranh mép sách chuyên nghiệp toàn thời gian, và mọi việc đã diễn ra như thế kể từ thời điểm đó.
The Epoch Times: Ông có thể miêu tả khái lược cho chúng tôi về lịch sử của loại tranh mép sách này không?
Ông Frost: Những ví dụ lâu đời nhất về tranh mép sách mà chúng ta biết — ngày nay, không có nghĩa rằng các tác phẩm đó lâu đời nhất, nhưng là các tác phẩm mà chúng ta có bằng chứng về chúng — rơi vào khoảng năm 1650 ở Luân Đôn. Chúng thường là các phù hiệu, huy hiệu, ký tự, và các biểu tượng. Chúng không mấy sinh động, nhưng được ẩn dưới lớp mép sách mạ vàng.
Khoảng 100 năm sau đó, vào cuối thế kỷ thứ 18, gia tộc Edwards từ thị trấn Halifax, Yorkshire, đã hồi sinh loại hình này. Gia tộc Edwards đã thực sự thương mại hóa loại tranh ẩn trên mép sách, và họ đã làm ra một số tác phẩm rất đẹp và một số bìa sách cũng rất hấp dẫn. Họ chủ yếu là một xưởng đóng bìa sách, nhưng họ cũng luôn ưa thích thử nghiệm những điều khác. Họ giống như là những người đi tiên phong, và các tác phẩm của họ rất có giá trị sưu tập ngày nay. Họ đã làm ra những bức tranh ẩn trên mép các quyển sách vô cùng sinh động, những bức tranh đó là những cảnh quan về các ngôi nhà, cảnh biển, và cảnh đẹp vùng đô thị — loại tranh thường được treo trên những bức tường vào thời kỳ đó.
Câu chuyện về tranh mép sách là câu chuyện về một sự thăng trầm: loại hình nghệ thuật này xuất hiện, trở nên phổ biến, rồi dần trượt dốc, và sau đó lại được khai phá lại sau một thế hệ hoặc lâu hơn. Thật sự, đó là những gì đã diễn ra ở thời đại của tôi. Trở lại thời những năm 1980, loại hình đó đang trong thời kỳ đỉnh cao. Tranh mép sách rất phổ biến.
Hiện tại, loại tranh này không quá phổ biến như vậy. Chúng tôi không bán được nhiều như thế; chúng tôi cũng không sản xuất nhiều như thế bởi vì loại hình này là một điều dị biệt, thực sự là vậy.
Tôi đã bắt đầu việc vẽ tranh mép sách từ năm 1970 và đến nay đã làm ra được khoảng 3,500 tác phẩm.
The Epoch Times: Ông có thể chia sẻ về quy trình thực tế của việc vẽ tranh mép sách không?
Ông Frost: Kỹ thuật mà tôi sử dụng là xòe cuốn sách ra, rồi đặt vào một bàn kẹp, và một cái kẹp giữ quyển sách vào vị trí để tôi vẽ.
Những quyển sách này không phải lúc nào cũng xòe ra dễ dàng; thỉnh thoảng nếu trang giấy quá cứng, chúng sẽ không dễ xòe ra. Và nếu giấy quá mỏng, thì chúng xòe quá mức, vì vậy có một số loại sách phù hợp nhất để làm được việc này.
Kỳ thực thì, công việc vẽ tranh cũng có một chút kỳ dị. Tôi sử dụng các loại màu nước của Anh bởi vì tôi là một người khá theo chủ nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, việc vẽ tranh bằng màu nước của Anh thường là một quá trình rất ẩm ướt. Đầu tiên bạn nhỏ nước lên giấy, sau đó cho thêm màu vào, và bạn sẽ có được một [hỗn hợp] loang lổ và hòa quyện đẹp mắt. Tuy nhiên, bạn không làm như vậy với tranh mép sách vì nếu bạn cho quá nhiều nước vào phần mép sách đang xòe ra kia, thì những trang sách đó sẽ cong vênh và cuối cùng bạn sẽ có một quyển sách trông rất chông chênh.
Vì vậy tôi đã sử dụng kỹ thuật cọ vẽ khô, là một phương pháp rất khác lạ đối các màu nước của Anh, nhưng tôi nhận thấy rằng kỹ thuật này có hiệu quả đối với tôi.
The Epoch Times: Có phải ông chỉ vẽ trên các quyển sách cổ xưa không?
Ông Frost: Không một ai từng nghĩ về việc kết hợp giữa bìa sách kiểu hiện đại với tranh mép sách cho đến khi tôi thật sự bắt tay vào làm. Tôi có thể thấy rằng thị trường đã đang thay đổi. Thị trường của các quyển sách cổ này đang bắt đầu suy yếu, và tôi nghĩ rằng kỹ thuật vẽ tranh ẩn trên mép sách có thể được áp dụng cho những quyển sách hiện đại cũng dễ dàng như với những quyển sách cổ vậy, miễn là bạn có thể liên lạc với người đóng sách, người cần làm lại quyển sách đó và phủ vàng lên các mép sách bởi vì các sách hiện đại không có mép mạ vàng. Sau đó một việc cần thiết là phải tìm ra cách để đóng lại bìa và mạ vàng những cuốn sách hiện đại để làm ẩn đi bức tranh đó. Vì vậy vẽ tranh mép sách trên những quyển sách hiện đại tốn nhiều công sức hơn là việc ra ngoài rồi mua một quyển sách cổ bọc da với các mép mạ vàng có sẵn và vẽ lên đó.
Sở thích của tôi là luôn tạo ra một bìa sách mới thay vì sử dụng bìa cũ. Tôi thích thao tác với chất liệu da và vàng, dùng các kỹ thuật của thợ thủ công truyền thống, các kỹ thuật đóng sách cổ xưa, vì vậy tôi đang làm việc theo một truyền thống.
Bạn có thể tạo ra một số tác phẩm hiện đại rất thú vị. Tôi thì không có xu hướng làm điều đó: ở đây, tôi là một người khá theo chủ nghĩa truyền thống. Một số kỹ thuật mà tôi dùng để đóng một quyển sách lại lần nữa là những phương pháp tương tự mà các thợ đóng sách đã sử dụng trong 400 năm qua.
The Epoch Times: Ông đã học những kỹ năng đóng bìa sách và mạ vàng từ đâu?
Ông Frost: Bạn học được điều ấy trong khi làm việc; thời đó không có việc học nghề. Những phường hội đóng sách cổ xưa sắp mai một, vì vậy tôi phải tự mình tìm hiểu những kỹ năng đó. Tuy nhiên, tôi có rất nhiều bạn là những thợ đóng sách, những người đã làm nghề này từ rất lâu, vì vậy tôi đã học hỏi kiến thức từ họ một cách rốt ráo.
Những người thợ đóng sách thủ công, về căn bản họ đều giống như tôi: Họ đều là những người yêu thích công việc mình đang làm và luôn vui vẻ truyền thụ lại kiến thức cho những người khác vốn thể hiện một sự quan tâm [về lĩnh vực này].
Bây giờ tôi là một người thợ thủ công toàn năng. Tôi có thể đảm đương mọi công đoạn từ những trang sách in cho đến thành phẩm, và tôi đang làm việc một mình như thế. Tôi là người duy nhất thực hiện vẽ tranh mép sách, mạ vàng sách, mạ vàng các trang sách, và cả đóng bìa nữa.
Đây là công việc thủ công, là một kỹ năng, và tôi đã làm điều này trong suốt 40 năm nay, và tôi đã mất ngần ấy thời gian để đạt đến vị trí như hiện tại. Đó không phải là điều gì đó mà bạn chỉ cần nhìn qua trên YouTube và nói, “Ồ phải rồi, đó là cách bạn thực hiện việc này.” Đó là một việc gì đó mà bạn phải dụng tâm gắng sức, và chúng tôi đã đạt đến giai đoạn mà hiện nay mọi người đang đánh giá cao về điều đó.
Trên thực tế, tôi thích nghĩ rằng nghề thủ công trong nghệ thuật đang tận hưởng một chút hồi sinh. Người ta đang nói rằng: “Đúng, chúng tôi có thể có những chiếc iPhone của mình. Họ đã sản xuất ra hàng trăm hàng ngàn chiếc. Đó là những thứ rất đáng kinh ngạc, nhưng chúng không thực sự hàm chứa yếu tố nhân tính.”
Hiện tại thì một quyển sách, một quyển sách theo đúng bản chất của nó là một thứ rất có tính xúc giác. Đó là một thứ rất hấp dẫn. Bạn có thể cầm lên, bạn có thể đặt xuống, có thể lật giở từng trang, bạn có thể cảm nhận, và thậm chí bạn có thể ngửi được nếu đó là một quyển sách có bìa bọc da. Điều này khá đặc biệt, và rồi nếu bạn có thể tìm thấy một sự bất ngờ ẩn giấu đặc biệt được làm thủ công dành riêng cho cuốn sách đó, thì nó sẽ trở thành vật gì đó vô cùng đặc biệt. Và như thế, theo tôi, đó là tất cả những gì về nghề thủ công. Những cuốn sách đó là các bản duy nhất. Những gì mà bạn sẽ nhận được với một bức tranh mép sách là thứ gì đó hoàn toàn độc nhất vô nhị trên tay mình, và sẽ không bao giờ có một bản khác khá giống như thế.
Để tìm hiểu thêm về những bức tranh mép sách của họa sĩ Martin Frost, hãy truy cập trang ForedgeFrost.co.uk
Buổi phỏng vấn này đã được biên tập lại để rõ ràng và ngắn gọn hơn.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times