‘Trang trại trẻ sơ sinh’ đã ở đây rồi
Tử cung nhân tạo có thể thay thế cho việc mang thai tự nhiên không? Cho đến tận gần đây, khái niệm đó vẫn chỉ là một sự hình dung gượng gạo từ những cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng vị lai chẳng hạn như “Thế Giới Mới Tươi Đẹp” (Brave New World). Nhưng nghiên cứu mà có thể biến triển vọng đen tối này thành hiện thực đang tiến triển nhanh chóng. Các nhà khoa học đã tạo ra bào thai cừu non trong tử cung nhân tạo và đưa bào thai chuột đang ở giai đoạn giữa thai kỳ vào các thiết bị như vậy — nghĩa là những bình chứa bào thai cho nhân loại có thể vận hành trong vòng vài thập niên tới.
Sự phát triển như thế có thể mang ý nghĩa gì đối với xã hội loài người? Nhà truyền thông khoa học Hashem Al-Ghaili vừa sản xuất một video hư cấu minh họa khả năng đáng lo ngại này. Video đó mô tả quảng cáo sản phẩm của một doanh nghiệp tử cung nhân tạo có tên là EctoLife tiến hành quá trình mang thai nhân tạo hàng loạt các trẻ sơ sinh được tạo ra thông qua phương pháp IVF, những trẻ sơ sinh được biến đổi gene cho các mục đích ưu sinh như là thông minh hơn, thể chất khỏe mạnh, và màu tóc.
Quảng cáo giả cho trang trại trẻ sơ sinh được công nghiệp hóa đó thủ thỉ thế này, “Hãy tạm biệt cơn đau khi sinh nở và các cơn co thắt cơ liên quan đến sinh nở. EctoLife cung cấp một giải pháp thay thế an toàn, không gây đau đớn giúp quý vị sinh con mà không gặp căng thẳng. Quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ, thuận tiện, và có thể được thực hiện chỉ thông qua một cú nhấn nút.”
Mọi người quan tâm đến khả năng phi nhân tính này như thế nào? Có vẻ như rất quan tâm. Video của ông Al-Ghaili đã đạt hơn 1.6 triệu lượt xem trên YouTube.
Hiện chúng ta chưa có tử cung nhân tạo sử dụng cho con người. Nhưng các loại thí nghiệm cần thiết để cho phép việc nuôi trẻ sơ sinh theo kiểu công nghiệp hóa đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Một nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã từng thực hiện việc biến đổi gene trên trẻ sơ sinh cho các mục đích ưu sinh. Năm 2021, Hiệp hội Nghiên cứu Tế bào Gốc Quốc tế — nơi thiết lập các hướng dẫn đạo đức tự nguyện cho việc thử nghiệm trên phôi người — đã loại bỏ “Quy tắc 14 Ngày” vốn đặt ra giới hạn thời gian hai tuần cho loại nghiên cứu như vậy, nghĩa là các thử nghiệm trên phôi và thai có hình hài hơn mà sẽ đòi hỏi hoàn thiện một tử cung nhân tạo sẽ có thể nhanh chóng được tiến hành.
Xét về khía cạnh đạo đức của vấn đề, thì nhiều nhà đạo đức sinh học đã choáng váng trước ý tưởng sinh con mà không cần mang thai tự nhiên.
Chúng ta cần nghĩ sao về sự phát triển như vậy? Đó là một câu hỏi sâu sắc. Hiện giờ, chúng ta hãy tập trung vào việc tử cung nhân tạo sẽ phỉ báng tầm quan trọng của thiên chức làm mẹ như thế nào.
Vì sao lại cần phải làm vậy? Bởi mang thai không chỉ đơn thuần là vấn đề chỉ cần có tử cung thôi là đủ. Bản thân quá trình mang thai rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của em bé và sự gắn kết với người mẹ. Chẳng hạn, em bé trong giai đoạn thai kỳ có thể nghe thấy giọng nói của mẹ và có thể bắt đầu quá trình phát triển ngôn ngữ khi còn trong bụng mẹ, đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia khuyên phụ nữ mang thai nên trò chuyện và hát cho con nghe. Ngoài ra, tình mẫu tử trước khi sinh có thể giúp cho sự phát triển sau sinh khỏe mạnh hơn. Như một bài báo nghiên cứu gần đây đã viết, “tình mẫu tử lớn hơn góp phần vào kết quả phát triển của trẻ sơ sinh, bao gồm cả tính gắn bó lớn hơn … ít đau bụng hơn, tính khí dễ chịu hơn, và tâm trạng lạc quan tích cực của trẻ sơ sinh.”
Điều mà ít khi xảy ra trong một “chiếc lồng ấp sinh trưởng.”
“Mẹ và bé không liên kết và phát triển sự gắn bó với nhau sau khi sinh mà là trong suốt thời kỳ mang thai,” bà Jennifer Lahl, chủ tịch và là sáng lập viên của Trung tâm Mạng lưới Đạo đức Sinh học và Văn hóa, nói với tôi. “Không thể giao phó việc mang thai cho một môi trường phi tự nhiên mà không gây ra những hậu quả đáng kể trong ngắn hạn và dài hạn đối với mẹ và bé.”
Trang trại trẻ sơ sinh đã ở đây rồi
Nhiều người có lẽ sẽ phản đối EctoLife. Nhưng tại sao? Chúng ta đã bị làm cho trơ lì với các giá trị đạo đức để có thể tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại của ngành công nghiệp sinh nở hàng loạt này. Thật vậy, hiện đã có một giao dịch trị giá hàng tỷ dollar như vậy tồn tại rồi. Các công ty sinh sản thương mại tính phí những người muốn trở thành cha mẹ mà không thể — hoặc chối bỏ — việc mang thai, với những khoản phí khổng lồ để nuôi dưỡng và sinh em bé. Điều này thường được tiến hành bằng cách thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và sau đó cấy phôi đã qua kiểm tra di truyền — như trong video nói trên — vào tử cung của một người mẹ đẻ thuê được trả tiền để mang thai hộ và sinh con.
Người đẻ thuê nhận được quá ít sự tôn trọng so với những rắc rối mà họ trải qua. Họ thậm chí còn không được gọi là “các bà mẹ” nhưng được biết đến theo cách nói phi nhân tính của ngành này là “những người mang thai hộ.” Những phụ nữ này thường bị từ chối bất kỳ quyền nào để tham gia vào cuộc sống của đứa trẻ mà họ đã mang trong mình và có thể đã gắn bó trong suốt chín tháng, và đứa trẻ mất liên lạc với người mẹ mà chúng đã gắn bó trong suốt thai kỳ. Những người đẻ thuê thậm chí có thể bị từ chối quyền đơn giản là ôm em bé sau khi sinh.
Ngoài ra, các hợp đồng mang thai hộ có thể yêu cầu phá thai nếu em bé có khiếm khuyết rõ ràng hoặc đơn giản là không còn được mong muốn nữa, một yêu cầu đang ngày càng dẫn đến việc kiện tụng gay gắt hơn. Cũng không nhất thiết phải có yêu cầu rằng phía cha mẹ mua trẻ sơ sinh chấp nhận đơn đặt hàng đặc biệt của họ. Chẳng hạn, cách đây vài năm, một cặp vợ chồng người Úc đã trả tiền cho một phụ nữ Thái Lan để mang thai hộ hai đứa con nhưng đã từ chối nhận một cháu bé về nhà vì đứa trẻ mắc hội chứng Down.
Các đây vài năm, một bài viết của Washington Post đã trình bày chi tiết cách thức mà những công nghệ này đang biến việc sinh con trở nên phổ biến theo đúng những cách mà mẫu quảng cáo hư cấu của EctoLife mô tả:
“Ngành công nghiệp sinh sản trị giá nhiều tỷ dollar đang bùng nổ và đang thử nghiệm các mô hình kinh doanh đang thay đổi gia đình Mỹ theo những cách mới và không thể lường trước. Những bậc cha mẹ tương lai muốn tìm kiếm trứng và tinh trùng của người hiến tặng có thể tìm kiếm và lựa chọn từ những danh sách dài các đặc điểm thể chất và trí tuệ. Các phòng khám hiện khuyến mãi giảm giá số lượng lớn.”
Một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở California “đang đi tiên phong trong cái mà một số người gọi là ‘phương thức sinh con Costco,’ tạo ra các lô phôi sử dụng trứng và tinh trùng của người hiến tặng mà có thể chia sẻ cho vài gia đình khác nhau.”
Ngoài bộ phận tử cung nhân tạo và quy mô lớn của công việc kinh doanh này, thì về căn bản ngành công nghiệp mang thai hộ thương mại khác biệt về mặt đạo đức và hậu quả như thế nào so với các trang trại trẻ em công nghệ cao mà hiện vẫn còn là điều hư cấu?
Quá trình sản xuất thai nhi nhân tạo công nghiệp hóa sẽ làm xói mòn bản chất và ý nghĩa của thiên chức làm mẹ, vốn từ trước đến nay đã được coi là một thiên chức đặc biệt, và gần như là thiêng liêng. Nhưng mô hình kinh doanh thương mại hóa khả năng sinh sản hiện tại của chúng ta đã đang biến việc sinh con thành một ngành công nghiệp dịch vụ mang thai thô bỉ hoàn chỉnh với sự kiểm soát chất lượng và thậm chí, có quyền từ chối giao hàng.
Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người đã xem video của ông Al-Ghaili. Chúng ta đã được làm cho quen với các giá trị phi nhân tính về việc sinh con được thể hiện trong phim. Tất cả những gì còn lại để ngăn cách việc đi từ những người mang thai hộ bất lực đến những đứa trẻ được sản xuất hàng loạt là sự hoàn thiện của công nghệ nhân tạo.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times