Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong tiếp theo, hãy nhớ đến các cựu binh phơi nhiễm phóng xạ nguyên tử đã hy sinh vì đất nước
Tôi kinh sợ Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Đừng hiểu lầm tôi. Không phải là tôi không kính trọng những người hùng quân đội của chúng ta đã hy sinh vì đất nước của họ. Ngược lại, tôi dành cho họ sự tôn kính hết mực. Chỉ là tôi ghét phải kìm nén cơn thịnh nộ mà tôi trải qua hằng năm khi ngày kỷ niệm quan trọng đó lại đến.
Đây là nguyên nhân của nỗi thống khổ này. Cha tôi, ông Wesley L. Smith, đã hy sinh cho đất nước của ông vì những hậu quả sức khỏe từ việc tham gia quân đội. Nhưng đất nước của ông không những chối bỏ rằng ông đã hy sinh sinh mệnh vì đất nước, mà các nhà quản lý của Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh (Veterans Administration) còn nói dối về những gì đã xảy ra để né tránh việc chi trả những khoản trợ cấp hợp lệ mà mẹ tôi lẽ ra được nhận.
Quý vị thấy đấy, theo định nghĩa của Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh, cha tôi là một “cựu binh phơi nhiễm phóng xạ nguyên tử,” và ở một mức độ nào đó, ông là một cựu thành viên của các lực lượng vũ trang đã “tham gia một vụ thử hạt nhân trên mặt đất trong những năm 1945–1962.” Vụ thử nghiệm đó có sự tham dự của cha tôi. Sau đây là câu chuyện của ông:
Cha tôi đã chiến đấu ở Mặt trận Thái Bình Dương trong Đệ nhị Thế chiến, khốc liệt nhất là ở đảo New Guinea. Ông đã được trao tặng một huy chương Ngôi sao Bạc (Silver Star) và hai huy chương Ngôi sao Đồng (Bronze Star) vì hành động dũng cảm. Một quả lựu đạn đã làm ông bị thương, nhưng ông từ chối nhận một huân chương Trái Tim Tím vì ông không muốn mẹ tôi lo lắng. Lẽ ra ông đã nằm trong đợt tiến quân đầu tiên xâm lược Nhật Bản. Nhưng ông đã thoát khỏi kiếp nạn ở Hiroshima và Nagasaki.
Trớ trêu thay, Cha luôn tin rằng quả bom nguyên tử đó đã cứu mạng ông. Nhưng cũng chính bom nguyên tử đã khiến ông mất đi sinh mệnh.
Sau Đệ nhị Thế chiến, Cha được giải ngũ chuyển qua các lực lượng dự bị. Ông chưa bao giờ hoàn tất chương trình trung học nhưng đã được đào tạo về sửa chữa máy điều hòa — khi đó là một ngành đang phát triển — và mở một công ty nhỏ tên là “Sửa chữa Điều hòa Smitty’s.” Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày sinh nhật đầu tiên của tôi, và Cha được gọi nhập ngũ trở lại — kết thúc giai đoạn tồn tại ngắn ngủi của công ty Smitty’s.
Các thử nghiệm nguyên tử
Tin tốt lành là Cha đã không bị đưa đến Triều Tiên. Tin xấu là ông được chỉ định đến các địa điểm thử nghiệm bom nguyên tử ở Nevada. Lục quân Hoa Kỳ — lực lượng mà ông yêu quý, tin tưởng, và là nơi ông cống hiến thời thanh xuân của mình — đã chỉ định ông và các chiến hữu chứng kiến các vụ nổ thử nghiệm từ cách xa vài dặm và sau đó dọn dẹp các địa điểm thử nghiệm phóng xạ.
Tại sao vậy? Ai biết được? Có lẽ, chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra với những người đàn ông bị phơi nhiễm phóng xạ. Nếu vậy, cha tôi và những chiến hữu của ông đã bị đối xử như rất nhiều con chuột thí nghiệm mà không hề mang lại lợi ích rõ ràng nào cho đất nước của họ.
Cuộc đời binh nghiệp của Cha kết thúc khi một quả bom nguyên tử nổ làm vỡ các xương tai trong của ông. Ông được đưa đến Bệnh viện Walter Reed ở Hoa Thịnh Đốn — một khoảng thời gian mà tôi lờ mờ nhớ được — nơi ông được điều trị phục hồi chức năng toàn diện và nhận được một máy trợ thính.
Ông giải ngũ danh dự vào năm 1953 với một khoản trợ cấp thương phế binh lớn cho phép ông làm việc bán thời gian khi ông học đại học. Điều đó đã dẫn đến một sự nghiệp thành công với tư cách là một kỹ sư cơ khí làm việc trên các hệ thống làm mát phi đạn, trong đó có cả hệ thống làm mát của hỏa tiễn Saturn V đã đưa con người lên mặt trăng.
Trong những năm cha tôi ở độ tuổi bốn mươi, răng của ông bị mục trong miệng và ông phải đeo răng giả. Nha sĩ của ông hỏi liệu ông đã từng bị phơi nhiễm với bức xạ chưa. Tất nhiên rồi. Vâng, ông đã từng bị phơi nhiễm với bức xạ.
Cảm thấy lo lắng, Cha đã viết một bức thư cho Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh để hỏi về những ảnh hưởng sức khỏe tiềm tàng từ giai đoạn ông tại ngũ ở Nevada. Ông nhận được một chút thông tin hồi âm, nhưng không ai làm gì để giúp ông thực hiện các cuộc tầm soát ung thư thường xuyên.
Bệnh ung thư
Năm 1980, Cha bắt đầu sụt cân, thấy có máu trong phân, và mắc các triệu chứng khác được cho là có liên quan đến ung thư ruột kết. Dựa trên sự chăm sóc rất tốt mà ông nhận được đối với chứng mất thính lực của mình, ông đã tin tưởng Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh và trao trọn niềm tin của ông vào sự chăm sóc của cơ quan này. Các bác sĩ bảo ông rằng ông không cần phải lo lắng. Đó chỉ là bệnh trĩ.
Sai. Cuối cùng, căn bệnh ung thư trực tràng của ông đã được phát hiện sau đó khoảng chín tháng. Vào thời điểm đó, căn bệnh đã lan đến các hạch bạch huyết và ông phải đặt một túi hậu môn nhân tạo — một sự tổn thương về mặt tinh thần đối với Cha tôi, bởi ông vốn là một người khó tính.
Có phải việc không phát hiện bệnh ung thư sớm hơn đã tạo ra một sự khác biệt? Chắc chắn là vậy! Thời gian là điều quan trọng nhất với bệnh ung thư. Và Cha đã sụt ít nhất khoảng 30 pound (14kg) từ lần khám đầu tiên cho đến khi [có kết quả] chẩn đoán cuối cùng của căn bệnh ung thư đó.
Cha được chăm sóc miễn phí tại Bệnh viện Wadsworth ở Los Angeles — không phải vì căn bệnh ung thư của ông liên quan đến giai đoạn đi lính, mà do tình trạng của ông là một cựu chiến binh bị thương tật do mất thính lực. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức, nhưng ông đã qua đời tại nhà an dưỡng Wadsworth vào ngày 12/02/1984, ở độ tuổi còn quá trẻ là 65.
Thi hài của ông đã không được trao cho chúng tôi trong hai ngày — vốn là điều bất hợp lý — và căn cứ vào bệnh sử của Cha, chúng tôi nghi ngờ rằng có thể ông đã được khám nghiệm tử thi để xem bức xạ đã ảnh hưởng đến cơ thể ông như thế nào.
Tất nhiên, có thể đó chỉ là chứng lo lắng và bất an. Có thể đó chỉ là một sự lộn xộn (snafu) về mặt thủ tục hành chính điển hình (hãy tra cứu nghĩa tiếng lóng của từ viết tắt dùng trong quân đội của từ đó!). Tuy nhiên, căn cứ vào những gì sẽ xảy ra sau đó, như người xưa vẫn nói, chỉ bởi vì quý vị lo lắng và bất an, thì điều đó không có nghĩa là quý vị không mắc phải căn bệnh đó.
Không có khoản trợ cấp nào
Cha muốn Mẹ nộp đơn xin trợ cấp tử tuất. Bà đã làm [như vậy] và bị từ chối trên cơ sở cho rằng, luật pháp đang có hiệu lực vào thời điểm đó không quy định rõ ràng về việc bồi thường đối với căn bệnh ung thư ruột kết cho những người thụ hưởng là những cựu binh phơi nhiễm phóng xạ nguyên tử.
Sau đó, Quốc hội đã thông qua luật để đặc biệt đưa bệnh ung thư ruột kết và ung thư trực tràng vào diện đủ điều kiện nhận trợ cấp của các Cựu binh Phơi nhiễm Phóng xạ Nguyên tử. Thậm chí, tổng thống Bill Clinton còn xin lỗi vì những cựu quân nhân này đã bị đối xử tệ bạc như thế nào.
Có vẻ như những tín hiệu tốt đẹp đã đến. Mẹ lại nộp đơn xin trợ cấp. Bất chấp luật mới này, mẹ tôi lại bị từ chối!
Với tư cách là một luật sư, tôi đã cố gắng đảo ngược [tình thế] này — để thực thi công lý cho cha tôi — nhưng Cơ quan Đặc trách Cựu chiến binh đã nhiều lần nói dối để phủ nhận điều hiển nhiên này.
Đầu tiên, họ khẳng định rằng Cha chưa bao giờ tham gia vào các cuộc thử nghiệm nói trên. Khi tôi sử dụng một phần tài liệu mà Cha đã thu thập được để chứng minh rằng ông đã tham gia ít nhất ba cuộc thử nghiệm — chưa kể đến sự thật không thể phủ nhận rằng ông đã mất thính giác trong một vụ nổ bom nguyên tử! — một bức thư hồi âm được gửi đến nói rằng, tất nhiên, ông đã ở đó. Nhưng (Quý vị biết là sẽ có một chữ “nhưng,” phải không?) người ta đã tìm ra phim phóng xạ (radiation badge) của ông và không [phát hiện được] bằng chứng về sự phơi nhiễm nguy hiểm. Vụ việc khép lại!
Thật là một trò đùa. Tôi đoán Cha chỉ bị răng yếu mà thôi!
Nhưng chúng tôi chọn cách quên việc đó đi. Lúc này, Mẹ đã cao tuổi và vụ kiện tụng chính phủ liên bang chắc chắn không phải là điều bà muốn. Bà mất vào năm 2016. Thời gian bà ở góa gần bằng với khoảng thời gian mà bà kết hôn.
Cha đã hy vọng dành những năm về hưu để an hưởng tuổi già trong ngôi nhà nơi tôi lớn lên, đi du lịch cùng Mẹ, bán đồ trang sức bằng đá mà ông làm theo sở thích, và lang thang tìm kiếm và thu thập đá trên sa mạc ở tiểu bang California thân yêu của mình. Nhưng những dự định về hưu của ông bà đã tan vỡ bởi nhiều năm trải qua các cuộc phẫu thuật ung thư, những lần điều trị bằng hóa chất, và sự suy nhược ngày một hao gầy mà cha tôi phải chịu đựng. Ông đã ra đi, một người ái quốc đến hơi thở cuối cùng, với những vết thương khi tại ngũ không khác gì việc ông bị bắn nếu xâm lược Nhật Bản.
Và đó là lý do tại sao Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong khiến tôi đau buồn như vậy. Bất chấp [các quy định] của luật, các cựu chiến binh phơi nhiễm phóng xạ nguyên tử như cha tôi thường bị đất nước của họ nhẫn tâm chối bỏ việc công nhận căn bản đối với sự hy sinh của họ và những lợi ích mà họ đã mang lại cho gia đình mình.
Vì vậy, tôi hy vọng khi Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong tiếp theo đến, quý vị sẽ nhớ đến những người hùng dũng cảm đó, bởi vì mỗi từng người — những người đã ra đi như cha tôi, những người đã chiến thắng bệnh tật, và những người đã thoát khỏi căn bệnh ung thư mà không chịu tổn hại — tất cả đều xứng đáng có được lòng biết ơn, sự vinh danh, và kính trọng của chúng ta.
Để biết thêm thông tin về lịch sử của Cựu chiến binh Phơi nhiễm Phóng xạ Nguyên tử, mời quý vị tham khảo Tổ chức Di sản Nguyên tử (Atomic Veterans 1946–1962).
Thiên Thư và Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times