Trái với Trung Quốc, nền kinh tế Nhật Bản đang khởi sắc, thị trường chứng khoán đạt mức cao lịch sử
Hôm 24/02, chỉ số Trung bình Chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã đóng cửa ở mức cao chưa từng có 39,098 điểm, vượt qua mức cao lịch sử 38,915 điểm được thiết lập vào ngày 29/12/1989 cách đây 34 năm. Diễn biến này đã trở thành một biểu tượng cho sự lạc quan về nền kinh tế của Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã hoàn toàn thoát khỏi “những thập niên mất mát” của mình, một thời kỳ kinh tế trì trệ kéo dài sau sự bùng nổ của bong bóng địa ốc Nhật Bản kể từ năm 1990.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Nhật Bản hoàn toàn trái ngược với những khó khăn hiện nay của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có một khởi đầu năm mới đầy biến động, khi Newsweek tuyên bố hôm 16/01 rằng, “Thị trường Chứng khoán Trung Quốc đang rơi tự do.” Tính đến đầu tháng Hai, các sàn giao dịch ở Hồng Kông và Thượng Hải đã mất hơn 1 ngàn tỷ USD giá trị thị trường và chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm.
Mặc dù thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bớt hỗn loạn hơn một chút vào đầu tháng Ba, nhưng chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, vượt mốc 40,000.
Trong khi đó, những tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng vực dậy niềm tin vào nền kinh tế, với cơ quan truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã cho biết hôm 05/03 rằng nền kinh tế Trung Quốc đã thể hiện “sự vững chắc và khả năng phục hồi vào năm 2023” và ca ngợi “thị trường nội địa mạnh mẽ” của đất nước.
Phục hồi kinh tế trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu
Trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) trên phiên bản Hoa ngữ của NTD, các nhà phân tích gần đây đã so sánh hai thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Ông Lý Quân (Lee Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, lưu ý rằng quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản không phải là mới bắt đầu từ gần đây. Theo ông sự phục hồi đó đã thấm nhuần kể từ thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông nói, các chính sách của cố Thủ tướng Abe ngay từ đầu đã hướng tới mục tiêu kích thích nền kinh tế Nhật Bản, dẫn đến sự ấm lên dần dần của thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc.
Năm 2013, chỉ số Nikkei Stock Average chỉ ở mức khoảng 8,000 điểm. Hiện tại, chỉ số này đã tăng lên hơn 39,000 điểm, vượt mức cao nhất được thiết lập cách đây 34 năm, đây là một thành tựu kinh tế đáng mừng và đánh dấu một cột mốc quan trọng.
Ông Lý lưu ý rằng giá địa ốc ở Nhật Bản cũng đang phục hồi. Ông nói: “Sau khi bong bóng địa ốc vỡ, giá địa ốc Nhật Bản đã giảm mạnh 20%, 30%, thậm chí là giảm tới 60%. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2012, giá đã bắt đầu phục hồi. Giá địa ốc ở Tokyo đã tăng mạnh trong hai năm qua, khiến việc đầu tư vào địa ốc Nhật Bản mang lại lợi nhuận.”
Nhà nghiên cứu và nhà kinh tế vĩ mô người Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) cho biết trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” rằng kỷ nguyên giảm phát của Nhật Bản đang kết thúc, với tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức trên 2%. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đang trải qua lạm phát do nhập cảng, chứ không phải là do nhu cầu trong nước. Lĩnh vực tài chính của Nhật Bản, chẳng hạn như thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc có thể đang hoạt động mạnh mẽ, nhưng nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ mạnh.
Do đó, “Nhật Bản vẫn đang tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, với hy vọng trì hoãn thêm thời gian để tiêu dùng, đầu tư, và việc làm trong nước phát triển theo kịp,” ông Ngô cho biết. “Vì vậy, Ngân hàng Nhật Bản vẫn luôn do dự trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của họ. Nếu Ngân hàng Nhật Bản bình thường hóa chính sách tiền tệ, thì đồng yên Nhật sẽ tăng giá, gây phản tác dụng cho hiệu ứng lạm phát do nhập cảng.”
Sự tăng giá trong quá khứ của đồng Yên
Ông Ngô cho biết trong chương trình rằng khi đồng Yên tăng giá, các công ty Nhật Bản sẽ phải chuyển đến những khu vực có mức lương thấp hơn ở ngoại quốc để giảm chi phí.
Ông giải thích: “Vào thời điểm đó, ngành xuất cảng của Nhật Bản, chủ yếu là lĩnh vực xe hơi, đã nghĩ ra một phương pháp [để giảm chi phí]. Một số linh kiện được sản xuất ở Philippines, một số khác ở Indonesia, và phần còn lại được sản xuất ở Malaysia. Cuối cùng, toàn bộ linh kiện được chuyển sang Thái Lan để lắp ráp thành xe hơi thành phẩm để bán.”
Ông Ngô tin rằng trước đây, việc Hoa Kỳ gây áp lực tăng giá lên đồng yên — chủ yếu thông qua các tranh chấp thương mại — là hợp lý vì sự mất cân bằng thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là rất nghiêm trọng. Về căn bản, Nhật Bản đã sử dụng tiền tiết kiệm của các quốc gia khác bằng cách tạo ra các mức thặng dư thương mại lớn và xuất cảng hàng hóa ra ngoại quốc. Về căn bản, những quốc gia này đã tiêu thụ trước tiền tiết kiệm của họ, dẫn đến tiết kiệm âm. Cuối cùng, tình hình trở nên không bền vững và các quốc gia này, chẳng hạn như Hoa Kỳ, phải giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.
“Vào thời điểm đó, đồng yên tăng giá đã gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản,” ông nói. “Lý do ngân hàng trung ương Nhật Bản không dám để đồng yên tăng giá mạnh là vì họ sợ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp [Nhật Bản]. Họ sử dụng một cách tiếp cận dần dần để tăng giá đồng yên. Kết quả là mọi người đều biết rằng sự tăng giá của đồng yên vẫn chưa kết thúc, vì vậy thị trường tài chính đã phát triển kỳ vọng rằng đồng yên sẽ tăng giá.”
Kết quả là dòng vốn ngoại quốc tràn vào và bong bóng xuất hiện trên thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc của Nhật Bản, và sau đó dẫn đến một thời kỳ giảm phát kéo dài.
Tóm lại, ông Ngô cho biết ông tin rằng nền kinh tế bong bóng cách đây ba thập niên của Nhật Bản không phải là do áp lực từ Hoa Kỳ mà là do Nhật Bản thực hiện sai chính sách tiền tệ của mình.
Những lý do căn bản giải thích vì sao Trung Quốc thiếu đổi mới
Theo ông Ngô, Nhật Bản đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sở hữu năng lực nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ. Nhật Bản ngày nay là một đất nước rất phát triển và có tính đổi mới cao.
Ngược lại, Trung Quốc giờ đây đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình — một trạng thái phát triển kinh tế mà trong đó một quốc gia trở nên cố thủ trong một ngưỡng thu nhập nhất định — theo dự báo của IMF về tăng trưởng GDP vào năm 2025 và 2026.
Ông Ngô cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do Trung Quốc không hiểu cách chuyển từ trạng thái bắt chước sang đổi mới độc lập.
Ông Tập Cận Bình nói về đổi mới độc lập, nhưng ở Trung Quốc vẫn chưa hội đủ điều kiện cho đổi mới độc lập.
Ông Ngô đã liệt kê ba điểm khác biệt căn bản giữa thành công kinh tế của Nhật Bản và tình trạng không “theo kịp” của Trung Quốc.
Ông cho biết, trên hết, đầu tư vào con người là chìa khóa — và cần được ưu tiên hơn đầu tư vào xây dựng, cơ sở hạ tầng, hoặc các lĩnh vực khác. Có thể kể đến một số lĩnh vực đầu tư vào con người của một quốc gia như đầu tư vào giáo dục, y tế, và mạng lưới an sinh xã hội, điều sẽ dẫn đến tăng năng suất và đổi mới tại nơi làm việc.
Một chìa khóa khác để thành công là tự do cá nhân. Tự do cá nhân bao gồm tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, và tự do tín ngưỡng. Nếu không có tự do cá nhân, thì sẽ không có nền kinh tế nào có thể thúc đẩy đổi mới.
Thứ ba, quyền sở hữu tư nhân và quyền sở hữu trí tuệ phải được bảo vệ. Nếu không có sự bảo vệ như vậy thì sẽ thiếu động lực cho đổi mới công nghệ.
“Chỉ khi có được cả ba điều này, thì quý vị mới có thể thấy xu hướng sáng tạo và đổi mới liên tục mà Nhật Bản hiện đang sở hữu,” ông Ngô nhận xét. Ông gọi “kế hoạch ngàn nhân tài” của ĐCSTQ là kế hoạch “đánh cắp từ các quốc gia khác” và cho rằng kế hoạch này là nguyên nhân khiến cho Trung Quốc thiếu đổi mới và để xảy ra nạn đánh cắp tài sản trí tuệ tràn lan.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times