Trải nghiệm khi gặp mâu thuẫn nơi làm việc: Lùi một bước biển rộng trời cao
Ở nơi làm việc, chúng ta nhiều lúc sẽ gặp tình huống bị hiểu lầm hoặc đối đãi bất công. Lúc đó, làm sao để giải quyết ổn thỏa? Làm sao để tâm lý thả lỏng và vượt qua khúc mắc, điểm này vô cùng quan trọng.
Dưới đây là ví dụ mà tôi từng gặp và phương pháp vượt qua về mặt tâm lý, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn đọc nếu cũng gặp phải tình huống khó xử tương tự như vậy.
Thời trẻ tôi rất thích viết văn. Tôi còn nhớ khi giáo sư của sở nghiên cứu quản trị tài chính giao cho tôi một chủ đề, muốn tôi đi tìm đáp án. Sau khi tìm được đáp án, tôi đã viết một bài báo cáo về chủ đề này. Xem xong, giáo sư rất hài lòng và khuyến khích tôi gửi bản thảo cho tập san của sở nghiên cứu. Được khích lệ, tôi bèn gửi bản thảo, bài viết này rất nhanh sau đó đã được tập san đăng lên. Sau lần đó, tôi càng hứng thú hơn với công việc nghiên cứu của mình, cũng thường xuyên gửi các bài viết cho tập san, và may mắn thay các bài viết của tôi đều được đăng. Nhờ thế, tôi đã trở nên nổi tiếng ở nơi làm việc.
Một lần nọ, chúng tôi gặp phải một vấn đề rất quan trọng, liên quan đến toàn quốc, và mọi người không biết nên giải quyết thế nào. Tôi đã vạch ra chiến lược giải quyết, hơn nữa còn đề xuất biện pháp thực thi, cuối cùng gửi bản thảo cho tập san của sở nghiên cứu. Vừa hay quản lý đơn vị lại giao cho phòng ban chúng tôi báo cáo ngắn gọn phương án giải quyết, tôi bèn đem bản thảo kia sửa thành văn bản có chữ ký nội bộ của phòng ban để nộp. Cuối cùng phương án đó được duyệt, và phòng ban chúng tôi bắt tay thực hiện phương án này.
Khoảng chừng 2-3 tháng sau, một hôm đột nhiên có đồng nghiệp rất gấp gáp đến nói thầm với tôi rằng, trưởng phòng của tôi đã báo cáo với bộ phận giám sát điều tra về việc tôi tiết lộ cơ mật, hình như là vì một bản thảo mà tôi đã gửi lên tập san của sở nghiên cứu. Nghe nói, đơn vị sẽ xử phạt nghiêm khắc, muốn tôi nhanh chóng giải thích cho rõ ràng.
Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, thế là nhanh chóng mang theo bản thảo mà tôi đã gửi đến bộ phận giám sát để giải thích, nói rằng nội dung của bài viết không hề đề cập đến tài nguyên riêng tư, vì vậy không có vấn đề tiết lộ cơ mật. Nhưng thật không may, lúc đó lãnh đạo của đơn vị giám sát không có mặt, chỉ có đồng nghiệp phụ trách ở đó.
Anh ấy nói: “Chắc có nhầm lẫn đúng không? Là do có đơn vị ở miền Bắc không cùng nghiệp vụ với chúng ta. Sau khi đọc bài viết của anh, họ nhận ra rằng nếu không khảo sát trước các nhà sản xuất có vấn đề, thì sẽ gây ra các vấn đề lớn cho các đơn vị phụ trợ. Vì vậy họ đã tiến hành khảo sát trước để phòng trừ các vấn đề lớn xảy ra trong hệ thống phụ trợ. Hơn nữa họ còn gửi thư yêu cầu đơn vị chúng ta khen thưởng cho anh nữa!”.
Tôi nghe xong thì cảm thấy rất vui, còn nói với đồng nghiệp là do nhầm lẫn thôi nên mọi người cứ yên tâm nhé!
Ai ngờ vào sáng sớm hôm sau, lãnh đạo đơn vị giám sát gọi điện đến, ông ấy lớn giọng khiển trách tôi: “Anh phải biết là đơn vị chúng ta tài nguyên rất ít, cũng chưa có cống hiến gì đặc biệt. Vậy mà anh tùy tiện đăng bài, để đơn vị khác có cơ hội đi giành công, thế nên giám đốc muốn phạt anh vì đã tiết lộ bí mật. Chẳng thế anh lại còn đi khắp nơi nói phải khen thưởng anh! Từ nay trở đi, anh không được nói một câu nào nữa. Anh hãy đi thu xếp vật dụng cá nhân, chúng tôi sẽ không giáng cấp bậc hàm của anh, mà sẽ điều chuyển anh từ vị trí hiện tại về đơn vị mới ngay lập tức.”
Cứ như vậy, chỉ qua một đêm, tôi đã bị xử phạt tội “làm lộ bí mật” và bị “điều chuyển” xuống đơn vị cấp dưới.
Hơn 10 năm sau, một ngày nọ, người quản lý của tôi đột nhiên hỏi tôi, chuyện “tiết lộ bí mật” và “điều chuyển công tác” rốt cuộc thực hư là thế nào?
Tôi nghĩ, thời gian đã qua lâu như vậy rồi, có lẽ nói ra cũng sẽ không có ảnh hưởng gì, bèn kể lại đầu đuôi sự việc. Quản lý hỏi tôi, lúc đó làm sao mà vượt qua được kiểu đối đãi bất công đó. Tôi bèn đem một đoạn trong “Trang Tử – Thu thủy thiên” để ẩn dụ cho sự cố của mình:
Chuyện kể rằng, Trang Tử có một lão bằng hữu tên là Huệ Thi, lúc đó làm Tể tướng ở bên cạnh Lương Huệ Vương. Khi Trang Tử chuẩn bị đến thăm ông ấy, thì có người nói với Huệ Thi rằng: “Trang Tử đến Lương quốc, là muốn thay thế ông làm Tể tướng”. Thế là Huệ Thi hoảng hốt, điều tra ba ngày ba đêm ở Ngụy quốc, muốn truy bắt Trang Tử.
Không ngờ, Trang Tử lại tự mình đến trước cửa, ông cười nói với Huệ Thi rằng: “Phương nam có một loài chim tên là Uyên Sồ (phượng hoàng), ông biết chứ? Nó thường xuyên bay qua lại giữa nam hải và bắc hải. Trong chuyến hành trình dài, nếu không gặp được cây ngô đồng thì nó sẽ không dừng lại để nghỉ ngơi, nếu không phải là trái cây trúc thì nó sẽ không bay đến ăn, không phải là nước suối thơm ngọt nó cũng sẽ không dùng. Một hôm, có một con diều hâu bắt được một con chuột chết đã thối rữa, đúng lúc phượng hoàng từ trên không trung bay qua. Diều hâu tưởng nó muốn đến cướp thức ăn của mình, bèn phẫn nộ phát ra tiếng kêu xua đuổi. Chuyện này chẳng giống như hôm nay ông muốn dùng chức vị Tể tướng Lương quốc để đuổi tôi đi hay sao? Thật tình không biết rằng, đối với con chuột chết đã thối rữa đó, phượng hoàng căn bản là chẳng thèm ngó tới”.
Đối với tôi, chức vụ trong đơn vị như thế nào, tôi căn bản cũng không quan tâm ngó ngàng đến. Tôi chỉ quan tâm rằng phương án sách lược mà tôi đưa ra có giúp ích gì cho đơn vị của mình hay không, có được chọn dùng hay không. Nếu như phương án đó đều có lợi cho mọi người, thì như vậy là được rồi, chính như câu nói nổi tiếng của Quốc phụ Tôn Trung Sơn: “Chúng ta cần lập chí làm đại sự, không phải để làm đại quan”. Đây là những gì mà tôi suy nghĩ.
Vì vậy, khi gặp phải tình huống bị hiểu lầm hoặc đối xử bất công ở nơi làm việc, bạn hãy nghĩ rằng bản thân mình là một con chim phượng hoàng đang điềm nhiên bay lượn trên bầu trời trong xanh kia. Diều hâu sợ bạn đến cướp chuột, còn liều mạng phát ra tiếng kêu đuổi bạn đi, nhưng đâu biết rằng bạn cũng không buồn ngó ngàng tới. Họ đâu hiểu được phong thái và tấm lòng của bạn. Đối với những người như vậy, đâu đáng để bạn cảm thấy phiền não vì những chuyện bất công, cũng chẳng đáng để bạn đau buồn hay tức giận và bất bình!
Những trải nghiệm kiểu này trong khoảnh khắc ấy quả thực cũng khiến chúng ta rất khổ tâm. Tuy nhiên, suy cho cùng thì ở nơi làm việc chúng ta cần ghi nhớ một đạo lý rằng: “Nhẫn một chút gió yên sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Làm được như vậy, đợi đến khi mọi việc qua đi rồi, bạn vẫn là một anh hùng hảo hán và được mọi người kính trọng.