Tổng Thư ký NATO nói với TT Biden rằng hơn 20 đồng minh đã cam kết về chi tiêu quốc phòng
Ông Stoltenberg xác nhận khoản chi tiêu của Canada và các quốc gia thành viên Âu Châu đã tăng 18%—mức tăng cao nhất trong nhiều thập niên.
Hôm 17/06, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã gặp Tổng thống (TT) Joe Biden tại Hoa Thịnh Đốn và thông báo rằng hơn 20 trong số 32 quốc gia thành viên đã cam kết với mục tiêu chi tiêu của họ.
Trước đây, các thành viên NATO đã đồng ý chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho quốc phòng. Tổng thống Biden quảng bá rằng thực tế là số lượng những quốc gia thành viên cam kết ở mức 2% đã tăng gấp đôi kể từ khi ông nhậm chức.
Ông Stoltenberg cũng xác nhận khoản chi tiêu của Canada và các quốc gia thành viên Âu Châu đã tăng 18%—mức tăng cao nhất trong nhiều thập niên.
Chỉ có sáu quốc gia đang đạt được mục tiêu đó trước khi Nga xâm lược Ukraine. Cựu Tổng thống Donald Trump từ lâu đã chỉ trích các nước NATO không đáp ứng phần chi tiêu quốc phòng của họ và đe dọa sẽ không bảo vệ các thành viên liên minh nếu họ không chi ra phần đã thỏa thuận.
Nói với báo giới sau cuộc gặp song phương, ông Stoltenberg cho biết Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập “liên minh thành công nhất trong lịch sử” này và đưa ra các quyết định về tăng chi tiêu quốc phòng và đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp trợ giúp an ninh và huấn luyện quân sự cho Ukraine.
Tổng thống Biden và ông Stoltenberg đã có bài diễn văn chung với các thành viên báo giới, thể hiện sự biết ơn lẫn nhau và công việc họ đã làm để tăng cường các năng lực phòng thủ của NATO và nỗ lực trợ giúp Ukraine.
Cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên rằng tổng thống sẽ khẳng định lần nữa “cam kết vững chắc của Hoa Kỳ đối với Điều 5 của Hiệp ước Hoa Thịnh Đốn,” trong đó tuyên bố rằng một cuộc tấn công vũ trang vào một quốc gia NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia của liên minh này.
Trợ giúp nhiều hơn cho Ukraine
Ông Stoltenberg cho biết ông kỳ vọng tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ có thêm tài trợ từ phía Canada và các đồng minh Âu Châu dành cho Ukraine, và chia sẻ kỳ vọng của ông về các biện pháp an ninh và huấn luyện.
“Chúng tôi sẽ đồng ý rằng NATO sẽ đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp trợ giúp và huấn luyện về an ninh,” ông nói. “Tôi kỳ vọng lực lượng này sẽ được lãnh đạo bởi một vị tướng ba sao … và cung cấp tiếp vận và sự trợ giúp để thiết lập những năng lực mà Ukraine cần.”
Ông nói rằng rất có thể điều này sẽ được thực hiện tại một cơ sở của Hoa Kỳ được đặt ở Đức và có vài trăm nhân viên tổ chức và tạo thuận tiện trợ giúp an ninh cho Ukraine.
Ông Stoltenberg cũng xác nhận lại mong muốn sắp xếp thuận tiện cho Ukraine cuối cùng được kết nạp vào NATO, nói rằng tư cách thành viên “bảo đảm cuộc chiến thực sự kết thúc.”
Ông còn ca ngợi quyết định của G7 sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp một khoản vay cho Ukraine, đồng thời bác bỏ đề nghị ngừng bắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo đó Kyiv rút toàn bộ quân khỏi 4 tỉnh phía đông mà Nga sáp nhập hồi năm 2022 và từ bỏ mọi kế hoạch gia nhập NATO.
“Đây không phải là một lời đề nghị hòa bình,” ông Stoltenberg nói. “Đây là một đề xướng rằng Nga nên thực sự đạt được mục tiêu chiến tranh của mình bằng cách thuyết phục Ukraine từ bỏ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”
‘Minh bạch về hạt nhân’
Cuộc gặp của ông Stoltenberg tại Hoa Thịnh Đốn diễn ra một ngày sau khi ông xuất hiện để đề xướng khai triển thêm vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả cuộc chiến không ngừng của Nga ở Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Telegraph, công bố hôm 16/06, ông tiết lộ rằng các thành viên NATO đang đàm phán về việc khai triển thêm vũ khí hạt nhân, cho xuất kho, và đặt ở tư thế sẵn sàng để đáp lại những gì ông xem là mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.
Ông cũng kêu gọi “sự minh bạch về hạt nhân” giữa các thành viên liên minh và hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ, chẳng hạn như việc đang thay thế chiến đấu cơ F-16 bằng F-35, có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết nhận xét của ông Stoltenberg “chẳng qua là một sự leo thang căng thẳng khác” và xem ra mâu thuẫn với một thông cáo trước đó nói rằng bất kỳ việc sử dụng hoặc đe dọa vũ khí hạt nhân trong bối cảnh Ukraine là không thể chấp nhận.
Sau đó, ông Stoltenberg nói rằng Nga đang cố gắng tạo ra sự nhầm lẫn và nói bình luận của ông là về việc hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân của NATO. Ông cũng nói thêm rằng không có kế hoạch tăng số lượng vũ khí.
Chỉ có ba quốc gia thành viên sở hữu vũ khí hạt nhân: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Pháp. Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được cất giữ ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Kirby đã đáp lại những bình luận này trước cuộc gặp song phương, nói rằng chính phủ “hài lòng với tình thế răn đe chiến lược của chúng ta,” không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới, mặc dù ông sẽ không nói về tình thế hạt nhân một cách cụ thể.
“Khi nói về các năng lực quân sự, thì NATO là một liên minh phòng thủ và các nước NATO nằm trong số những nước có năng lực quân sự tinh vi nhất trên thế giới,” ông Kirby nói. “Sẽ là vô trách nhiệm khi trở nên tốt hơn nếu như chúng ta không thường xuyên bàn thảo với các đồng minh NATO về việc làm sao để bảo đảm chúng ta có thể đáp ứng các cam kết với nhau trong một loạt những năng lực quân sự.”
Ông Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy, đã lãnh đạo NATO được 10 năm, được gia hạn nhiệm kỳ 4 lần. Nhiệm kỳ hiện tại của ông sẽ hết hạn vào ngày 01/10.
Trong khi ở Bắc Mỹ, ông Stoltenberg sẽ gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 18/06, cũng như các Thượng nghị sỹ như Lãnh đạo Thiểu số Mitch McConnell và các thành viên Nhóm Quan sát viên NATO tại Thượng viện.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke, Reuters, và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times