Tổng thống Nam Hàn ca ngợi cam kết của Hoa Kỳ trong bài diễn văn trước Quốc hội
Trong một bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống (TT) Nam Hàn Yoon Suk Yeol cho biết, liên minh 70 năm giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn đã duy trì một nền hòa bình mong manh cho phép một quốc gia mới được thành lập dựa trên các nguyên tắc của nền dân chủ thị trường tự do hướng tới thịnh vượng.
Và bây giờ, trong một “thời khắc quyết định” của lịch sử, Nam Hàn sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình như một “chiếc la bàn tự do cho các công dân trên thế giới,” ông nói trong bài diễn thuyết dài 45 phút, trong đó ông trích dẫn lời của các Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và John F. Kennedy.
Ông Yoon nói rằng không quốc gia nào cho thấy một hình mẫu hoàn hảo hơn Nam Hàn về lợi ích của việc đi theo “con đường đúng đắn” đến dân chủ thay vì “con đường sai lầm” dẫn đến chủ nghĩa toàn trị mà Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn đang thúc đẩy.
“Có một chế độ kiên quyết theo đuổi một con đường sai lầm,” ông nói, ý nói đến chế độ Bắc Hàn của ông Kim Jong Un. “Sự khác biệt là rõ rệt. Bắc Hàn đã từ bỏ tự do và thịnh vượng.”
Ông Yoon nói về các báo cáo lạm dụng “chưa từng có và khủng khiếp” của hơn 500 người đào thoát trong năm năm qua, bao gồm những người bị xử bắn vì vi phạm các hạn chế COVID-19, vì xem chương trình truyền hình của Nam Hàn, và “vì sở hữu Kinh thánh và có tín ngưỡng.”
Lực lượng cán bộ cộng sản của ông Kim đã bần cùng hóa và xiềng xích người dân Bắc Hàn để phát triển kho vũ khí gồm khoảng 20 vũ khí hạt nhân và tiến hành các vụ thử hỏa tiễn đáng sợ để tăng cường những luận điệu đe dọa đối với Nam Hàn, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
“Nỗi ám ảnh về vũ khí và hỏa tiễn hạt nhân của Bắc Hàn [đã đẩy] người dân nước này vào cuộc khủng hoảng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” ông Yoon nói, đồng thời kêu gọi các nền dân chủ “nâng cao nhận thức toàn cầu về tính nghiêm trọng của những vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn,” đặc biệt là với bóng ma nạn đói đang trở thành hiện thực.
Phi hạt nhân hóa vẫn là mục tiêu
Ông Yoon, Tổng thống thứ bảy của Nam Hàn diễn thuyết trước Quốc hội, đang ở ngày thứ năm trong chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài sáu ngày sẽ kết thúc vào ngày 28/04 với bài diễn thuyết tại Đại học Harvard.
Một ngày trước khi diễn thuyết trước quốc hội, TT Yoon và TT Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố các sửa đổi đối với liên minh 70 năm tuổi giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn trong một “Tuyên bố Hoa Thịnh Đốn” chung.
Bản hiệp ước sửa đổi này đưa ra một bộ các biện pháp “răn đe mở rộng” sẽ được “các khí tài chiến lược” của Hoa Kỳ — các lực lượng hạt nhân — sử dụng một cách rõ ràng trên bầu trời và vùng biển xung quanh Bán đảo Triều Tiên.
Thỏa thuận này thúc đẩy người Nam Hàn xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng họ thay vì dựa vào Hoa Kỳ, quốc gia mà nhiều người ở Nam Hàn và các nơi khác tin rằng họ đang điên cuồng trong vòng xoáy hận thù đảng phái.
Theo học thuyết “răn đe mở rộng,” sẽ có sự gia tăng các chuyến ghé thăm cảng lần đầu tiên sau bốn thập niên của “những chiếc boomer” thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ — các tàu ngầm lớn mang hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ điều động luân phiên các oanh tạc cơ chiến lược, các hoạt động kết hợp giữa các lực lượng thông thường của Nam Hàn và các đơn vị chiến lược của Hoa Kỳ, và các cuộc tham vấn “cấp tổng thống” trong một nhóm tham vấn hạt nhân mới được thành lập.
Ông Yoon trích lời cố TT Reagan khi nói rằng khả năng nhẫn nhịn của Hoa Kỳ đối với hành động bên miệng hố chiến tranh hạt nhân của Bắc Hàn là có hạn và Bình Nhưỡng sẽ học được một cách khó khăn rằng có “một thời điểm mà họ sẽ không có được bước tiến” trong việc đe dọa một phạm vi lớn hơn trên toàn cầu bằng vũ khí hạt nhân.
“Chúng ta phải cho Bắc Hàn hiểu rõ lời của ông ấy,” ông nói. “Chúng ta cần đẩy nhanh các hoạt động an ninh ba bên của Nam Hàn, Hoa Kỳ, và Nhật Bản để chống lại mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Hàn.”
Ngôn ngữ trong hiệp ước được điều chỉnh này dường như chuyển mục tiêu lâu dài là “phi hạt nhân hóa” Bắc Hàn sang “răn đe hạt nhân” để đối phó với Bình Nhưỡng.
Nhưng ông Yoon nói với Quốc hội rằng phi hạt nhân hóa vẫn là một mục tiêu khả thi. Ông cho biết Nam Hàn “sẽ để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Hàn về phi hạt nhân hóa” và cho biết Seoul đã đề nghị ông Kim Jong Un “một gói khuyến khích để cải thiện nền kinh tế của Bắc Hàn” nhằm giúp “chấm dứt tình trạng thiếu thốn” và khuyến khích nước này “đi đúng đường.”
Ông cho biết: “Tất cả những gì Bình Nhưỡng phải làm là ngừng chương trình hạt nhân của họ và bắt đầu một quá trình phi hạt nhân hóa.”
TT Yoon tránh đề cập cụ thể đến Trung Quốc
Ngoài việc đề cập đến sự hiện diện của liên minh này để bảo đảm cho luật lệ ở Tây Thái Bình Dương, thì ông Yoon đã không trực tiếp đề cập đến các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Nam Hàn và Trung Quốc có mối bang giao phức tạp. Một mặt, Bắc Kinh chống lưng cho chế độ của ông Kim Jong Un. Mặt khác, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn.
Dân biểu Jim Costa (Dân Chủ-California) thuộc trong số những dân biểu nói với The Epoch Times rằng họ muốn TT Yoon trình bày chi tiết về mối bang giao của Nam Hàn với Trung Quốc.
“Tôi ước gì ông ấy nói [đến] chi tiết hơn về Trung Quốc,” ông nói. “Khả năng răn đe hạt nhân mà chúng tôi đang tiếp tục tăng cường và cải thiện có thể đối phó với những thách thức từ Nam Hàn. Nhưng Trung Quốc, trong thế kỷ 21, là một đối thủ. Họ là một đối thủ cạnh tranh. Và họ là một thị trường rộng lớn. Và tôi nghĩ chúng ta phải có một chiến lược mạnh mẽ, không chỉ với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng ta mà còn với cả châu Âu, khi chúng ta đối phó với Trung Quốc, bởi vì họ là lực lượng thách thức lớn hơn.”
Vũ khí ngăn chặn chiến tranh, thịnh vượng gìn giữ hòa bình
TT Yoon cho biết mặc dù ý chí kiên định và vũ khí có thể ngăn chặn chiến tranh, nhưng chỉ có sự thịnh vượng mới có thể duy trì hòa bình.
Ông nói: “Tự do mang lại hòa bình, và ngược lại hòa bình sẽ bảo vệ tự do.”
Ông cũng nói rằng Nam Hàn là một hình mẫu sinh động về điều đó trong 70 năm kể từ khi nước này bị Bắc Hàn xâm lược với sự trợ giúp của Liên Xô và, cuối cùng là sự can thiệp của Trung Quốc.
Ông Yoon cho biết, chính Hoa Kỳ đã dẫn dắt thế giới trong “thời khắc quyết định này” của lịch sử 70 năm trước, và chính hình mẫu do Hoa Kỳ đặt ra đã truyền cảm hứng cho Nam Hàn khi nền kinh tế nước này bùng nổ và thương mại quốc tế ngày càng phát triển giúp nước này ngày càng thành công hơn trong các vấn đề toàn cầu.
“Các quốc gia đế quốc tìm thấy các thuộc địa. Nước Mỹ đứng ra bảo vệ tự do một cách công bằng, một trật tự thế giới mới dựa trên thương mại tự do, đã mang lại hòa bình và thịnh vượng trên khắp thế giới,” ông Yoon nói.
“Hoa Kỳ đã không ngoảnh mặt làm ngơ. Nam Hàn sẽ không bao giờ quên những anh hùng Mỹ vĩ đại đã chiến đấu cùng chúng tôi để bảo vệ tự do.”
Và vì vậy mà họ đang phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Nga, ông Yoon nói. “Bắc Hàn đã xâm lược chúng tôi,” ông nói tiếp. “Các nền dân chủ đã chạy đến để giúp chúng tôi. Phần còn lại là lịch sử.”
Ông nói rằng “tự do và dân chủ [đang] bị đe dọa” bởi “nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” của ông Vladimir Putin. “Nam Hàn lên án mạnh mẽ cuộc tấn công vũ trang vô cớ đối với Ukraine. Nam Hàn sẽ tích cực làm việc để bảo vệ an ninh của người dân Ukraine và trợ giúp những nỗ lực tái thiết của họ.”
Liên minh đó “giờ đây mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn với nhiều mối liên kết hơn bao giờ hết, là yếu tố then chốt bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của chúng ta,” TT Yoon nói, đồng thời lưu ý rằng Nam Hàn từng là một nước nhận viện trợ ngoại quốc của Hoa Kỳ nhưng hiện nay là “quốc gia duy nhất trong lịch sử hiện đại trở thành một nhà tài trợ” trong việc viện trợ ngoại quốc.
Ông nói: “Đó là minh chứng cho sự thành công của liên minh của chúng ta. Liên minh này đã phát triển từ một sự bảo hộ đơn phương thành một mối liên kết đối tác cùng có lợi.”
Ông Yoon diễn giải câu nói “Đừng hỏi đất nước của quý vị có thể làm gì cho quý vị” của cố TT Kennedy, kêu gọi “các công dân trên thế giới” hãy “cùng nhau hỏi xem chúng ta có thể làm gì cho các quyền tự do của nhân loại.” Ông nói, “Nam Hàn sẽ đoàn kết với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ làm những gì có thể vì quyền tự do của nhân loại.”
Ông cho biết liên minh giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ không chỉ là một hiệp ước giữa hai quốc gia mà là một hiệp ước có phạm vi toàn cầu.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times