Tổng thống Biden leo thang rủi ro với Trung Quốc
Gia tăng áp lực lên Bắc Kinh, với rất ít lời bàn tán
Nếu cựu Tổng thống (TT) Donald Trump lần đầu tiên khẳng định rõ Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chứ không phải là một đối tác như đã tuyên bố trước đây, thì chính phủ TT Biden đã leo thang cuộc cạnh tranh này hơn nữa.
Ông Trump bắt đầu thay đổi chính sách của Hoa Kỳ hồi năm 2018, khi ông áp đặt các mức thuế quan nặng nề lên hàng hóa Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh thay đổi cách làm ăn trong giao thương của mình. Những năm gần đây, dưới thời chính phủ TT Biden, cuộc xung đột này còn liên quan đến việc Mỹ kiểm soát xuất cảng, hạn chế dòng tiền đầu tư, và giới hạn cấp thị thực. Bên cạnh những biện pháp khác, Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ được thông qua gần đây đã chi các khoản trợ cấp cho hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn bên trong nội địa Hoa Kỳ.
Bước đi mới nhất trong cuộc chiến lần này liên quan đến Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ (BIS). Thông qua cơ quan này, vốn xưa nay vẫn ít được biết đến nếu không có những hành động mới nhất của Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ đặt mục tiêu hạn chế Trung Quốc tiếp cận các vi mạch bán dẫn tân tiến, thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn, và các thành phần của siêu máy điện toán.
Nhìn lại những hành động mới nhất sau các diễn biến xung quanh chính sách thuế quan của ông Trump kể trên, có thể thấy quan điểm của giới tinh hoa Mỹ đã chuyển sang chống Trung Quốc và sự toàn cầu hóa nói chung một cách mạnh mẽ và nhanh chóng đến mức nào.
Tất nhiên là kể từ khi đó, so với chính sách của Hoa Kỳ bây giờ thì các mức thuế quan của ông Trump dường như trông có vẻ vô hại. Tuy nhiên, có ít lời bàn tán hơn về những gì đang diễn ra hiện nay so với bốn năm trước khi các loại thuế quan này bắt đầu có hiệu lực. Trở lại năm 2018, một số chỉ trích về thuế quan cho rằng các khoản lệ phí này sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ nhiều hơn là gây tổn thất cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuyên bố đó luôn là mơ hồ vì đối với Trung Quốc doanh số bán hàng ở Mỹ quan trọng hơn nhiều so với tầm quan trọng của các sản phẩm Trung Quốc đối với người Mỹ.
Điều hé lộ rõ hơn về bối cảnh của năm 2018 là những lời phàn nàn từ giới truyền thông và cộng đồng học thuật, rằng các mức thuế quan đi ngược lại với tự do thương mại và toàn cầu hóa, điều mà vốn dĩ — theo quan điểm chung của giới tinh hoa tại thời điểm đó — là nền tảng của quá trình tự do hóa chính trị và sự thịnh vượng của nền kinh tế thế giới.
Sự biện minh khá kiệm lời của ông Trump cho các hành động của mình khẳng định rằng ông không có ý ngăn chặn thương mại thế giới, mà đang sử dụng thuế quan để gây áp lực buộc Bắc Kinh từ bỏ các chính sách thương mại bất công của họ. Ông muốn Trung Quốc ngừng việc sử dụng các khoản trợ cấp để hỗ trợ sản xuất trong nước, chấm dứt hành vi trộm cắp bằng sáng chế, và chấm dứt việc ép buộc các nhà đầu tư ngoại quốc kinh doanh ở Trung Quốc chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại cho đối tác Trung Quốc. Lời giải thích của Tòa Bạch Ốc đã không ngăn được sự chỉ trích, và đồng thời các mức thuế quan cũng ảnh hưởng rất ít đến việc thay đổi các chính sách của Trung Quốc.
Quan điểm chỉ trích ở đất nước này đã thay đổi mau chóng kể từ thời đó. Không một ai lời ra tiếng vào khi Tổng thống Joe Biden giữ nguyên các mức thuế quan bị xem thường của ông Trump. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai khẳng định rõ lý do [áp dụng chính sách thuế quan đó] ở thời điểm hiện tại cũng tương tự như lý do của ông Trump, khi tuyên bố rằng thuế quan tạo ra “một đòn bẩy đáng kể” khiến Bắc Kinh thay đổi các hành vi thương mại bất công của mình. Nhưng chính phủ đương nhiệm đã vượt xa khỏi phạm vi các mức thuế quan, trong khi hầu như không bị đặt ra bất cứ câu hỏi chất vấn nào từ phe đối lập, giới truyền thông, hoặc cộng đồng học thuật.
Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ gần đây đã được thông qua. Đạo luật này đưa ra các khoản trợ cấp cho ngành sản xuất vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ, cho những loại mà Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong nước. Các đạo luật khác đang trong quá trình được Quốc hội thông qua — và rõ ràng là được Tòa Bạch Ốc này hậu thuẫn — sẽ áp đặt các giới hạn đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Và như đã đề cập, Tòa Bạch Ốc, dưới sự bảo trợ của Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ, đã thúc ép BIS hạn chế việc bán các công cụ sản xuất vi mạch bán dẫn và linh kiện máy điện toán cho Trung Quốc.
Không có quá nhiều không gian cho chỉ trích, những hành động này chỉ có thể được mô tả là một nỗ lực chỉ phục vụ mục đích duy nhất nhằm ngăn cản những năng lực của Trung Quốc ở mức căn bản và trên diện rộng. Đáp lại, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn quan trọng ASML đã yêu cầu các nhân công người Mỹ của họ ngừng phục vụ các khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, theo cách điển hình của Hoa Thịnh Đốn, các cơ quan quản lý đã cấp cho TSMC, Samsung, và SK Hynix các ngoại lệ cho phép họ tiếp tục vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc.
Ở một vài khía cạnh, điều đáng chú ý là quan điểm của giới tinh hoa đã thay đổi một cách nhanh chóng đến thế nào. Những người từng chỉ trích kịch liệt thuế quan của ông Trump đã giữ im lặng khi các mức thuế đó được giữ nguyên, và khi chính phủ TT Biden thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn nữa.
Chính trị đảng phái có thể giải thích cho sự khác biệt này. Đa phần giới truyền thông và cộng đồng học thuật đồng tình với đảng cầm quyền hiện tại. Hơn nữa, các thành viên của những cộng đồng đó đã thể hiện sự hiềm khích dữ dội và mang tính cá nhân đối với ông Trump.
Tuy nhiên, nhiều khả năng — và thú vị hơn — rằng việc thiếu vắng những lời chỉ trích sẽ khiến sự ủng hộ của giới tinh hoa đối với việc toàn cầu hóa và thương mại tự do suy giảm mạnh. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý của các sự kiện, và dường như đây là một sự thay đổi hoàn toàn, chỉ trong vòng 3-4 năm.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times