Tỏi là ‘kháng sinh tự nhiên’, giúp tăng cường miễn dịch
Tỏi có vị cay nồng, có tác dụng giải độc, diệt trùng, làm ấm và khỏe dạ dày, chất allicin chứa trong nó có khả năng diệt khuẩn mạnh, bởi vậy tỏi còn được mệnh danh là “kháng sinh tự nhiên”. Tỏi có thể được dùng làm gia vị, cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, nó đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực hàng ngày.
Tỏi giúp kháng khuẩn, diệt trùng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Tỏi được sử dụng trong Trung Y để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm cảm lạnh ngoại sinh, cảm mạo nhức đầu, mụn nhọt sưng độc, bệnh ký sinh trùng, đau bụng lạnh, ăn uống khó tiêu, lao phổi, ho gà, v.v.
Trong cuốn sách cổ “Sưu Thần Ký” có một câu chuyện kể về việc thần y Hoa Đà dùng tỏi để chữa bệnh khiến mọi người kinh ngạc: Một hôm, Hoa Đà đang đi trên đường thì nhìn thấy một người đàn ông, người này rất muốn ăn nhưng bị đau họng và không thể nuốt nổi, những người hầu chở anh ta trên một chiếc xe đẩy để đi khám bệnh. Nghe thấy tiếng rên rỉ của người đàn ông, Hoa Đà nói với anh ta rằng: “Bên đường anh vừa đi ngang qua có một tiệm bánh bán giấm tỏi, mua ba thăng mà uống, bệnh sẽ tự nhiên biến mất”. Người đàn ông này đã uống giấm tỏi theo lời của Hoa Đà, và ngay lập tức phun ra một con rắn.
Y học hiện đại cho rằng, tỏi rất giàu sulfua và allicin, có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ổn định đường huyết và tăng cường khả năng miễn dịch.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Đài Loan cho thấy đối với những người thích ăn thịt đỏ, thì ăn 5-15 gam tỏi sống (khoảng 1-3 tép) mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch một cách hiệu quả.
Mặc dù tỏi sống có mùi khó chịu, nhưng do khả năng chịu nhiệt kém nên chỉ khi ăn sống, allicin mới có thể phát huy tác dụng lớn nhất. Sau khi đun và nấu, tác dụng của allicin đã bị suy yếu rất nhiều. Các chất dinh dưỡng trong tỏi cũng có thể được giải phóng bằng cách ngâm, chẳng hạn như ngâm giấm tỏi.
Khi mua tỏi, hãy chú ý đến độ tươi. Không chỉ cần nhìn, mà còn cần sờ và nắn, chọn những củ có da săn chắc, căng và múi bó sát vào nhau. Phần lớn mọi người khi mua đều sẽ chọn tỏi vỏ trắng, kỳ thực đây là một quan niệm sai lầm. So với tỏi trắng thì tỏi vỏ tím có hương vị đậm đà hơn và khả năng diệt khuẩn mạnh hơn.
Tỏi mọc mầm có độc không?
Không nên mua tỏi đã mọc mầm, vì nó có thể đã để quá lâu hoặc bảo quản sai phương pháp.
Vậy tỏi mọc mầm có ăn được không? Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan cho biết, trong quá trình nảy mầm, tỏi chỉ tiêu hao chất dinh dưỡng, làm cho tép tỏi héo và khô, giá trị dinh dưỡng giảm đi nhiều, nhưng nó không độc và vẫn có thể ăn được. Trên thực tế, đem đầu tỏi nảy mầm trồng trong đất, sẽ tạo ra những cây con xanh tốt gọi là “mầm tỏi”, là một món mỹ vị trong ẩm thực.
Tỏi có vị cay và dễ gây kích thích dạ dày, ăn nhiều có thể gây đầy hơi. Đối với người già và những người có chức năng tiêu hóa yếu như viêm loét dạ dày thì tốt nhất nên tránh ăn sống, dù đã nấu chín thì cũng nên chú ý đến lượng ăn vào để tránh gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Bài thuốc Trung Y: Tỏi ngâm giấm
Trong thời gian đại dịch virus Trung Cộng (COVID-19, viêm phổi Vũ Hán) hoành hành, rất nhiều biện pháp dân gian khác nhau đã được sử dụng để tăng cường khả năng miễn dịch, tỏi ngâm giấm cũng là một trong số đó. Trung Y cho rằng giấm cũng có tác dụng giải độc và diệt trùng, v.v. Ngoài việc có lợi cho chức năng miễn dịch, tỏi ngâm giấm còn có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch, thúc đẩy tiêu hóa, kháng khuẩn, khử mùi tanh và nhờn.
◎ Cách làm tỏi ngâm giấm:
Bóc vỏ 500 gam tỏi tươi, rửa sạch và để khô, thêm một ít lá cỏ ngọt hoặc đường phèn và một chút muối, cho vào lọ thủy tinh sạch, đổ 2,000cc giấm gạo nguyên chất vào, đậy kín rồi ngâm một tháng là có thể dùng.
Thời gian ngâm càng lâu, giấm sẽ càng dịu và thơm. Tuy nhiên, trước khi uống giấm tỏi nên pha loãng 10 lần, không nên uống lúc đói. Đặc biệt những người thể chất hư hàn tốt nhất nên uống giấm ấm để tránh gây hại cho cơ thể.
Tăng Yến Quân Thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ