Tối cao Pháp viện yêu cầu biện lý đặc biệt trả lời kháng cáo của ông Trump về quyền miễn trừ tổng thống
Chánh án John Roberts đã yêu cầu Bộ Tư pháp (DOJ) phúc đáp nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm khẳng định quyền miễn trừ tổng thống trong vụ kiện đang diễn ra liên quan đến sự kiện ngày 06/01 ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vừa bác bỏ nỗ lực của cựu Tổng thống Trump nhằm lật ngược phán quyết của Thẩm phán Tanya Chutkan từ chối bác bỏ cáo buộc của DOJ dựa trên quyền miễn trừ tổng thống. Yêu cầu hôm 13/02 của Chánh án Roberts được đưa ra sau chưa đầy một tuần khi các thẩm phán nghe kháng cáo của cựu Tổng thống Trump phản đối phán quyết của Colorado rằng ông không đủ tư cách xuất hiện trên lá phiếu của tiểu bang này.
Với thời hạn là ngày 20/02, yêu cầu của Pháp viện nêu ra sự cấp bách lớn hơn đối với hệ thống tư pháp trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý tương đối chưa được kiểm chứng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Trong hồ sơ hôm 12/02, cựu Tổng thống Trump đã chỉ trích tòa phúc thẩm, cho rằng tòa án này đã đưa ra mốc thời gian sít sao vì yêu cầu Tối cao Pháp viện trợ giúp trước khi yêu cầu Thẩm phán Chutkan tiếp tục các thủ tục tiền xét xử.
Thẩm phán Chutkan đã hoãn vô thời hạn ngày xét xử vốn đã được ấn định vào ngày 04/03, mốc thời gian này sẽ ngày càng khó xảy ra trong bối cảnh cựu tổng thống có nhiều kháng cáo.
“[Một] ban hội thẩm của Khu vực Hoa Thịnh Đốn, bằng một cách vô cùng nhanh chóng, đã đưa ra một phán quyết trước yêu cầu của Tổng thống Trump về quyền miễn trừ và ban hành một án lệnh trả lại thẩm quyền này cho tòa án địa hạt để tiến hành phiên tòa xét xử hình sự của Tổng thống Trump trong bốn ngày làm việc, trừ phi Tòa án này can thiệp (nếu cần),” đơn của Tổng thống Trump đề nghị giữ nguyên án lệnh của tòa phúc thẩm viết.
Như bản tóm tắt hồ sơ bào chữa của cựu Tổng thống Trump đã lưu ý, Biện lý Đặc biệt Jack Smith đã yêu cầu Tối cao Pháp viện bỏ qua các thủ tục phúc thẩm và tiến hành nhanh chóng vấn đề này, nói rõ rằng “chỉ” Tối cao Pháp viện mới có thể “giải quyết dứt điểm” các yêu cầu của Tổng thống Trump về quyền miễn trừ. Cuối cùng, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ kiến nghị của ông Smith nhưng dự kiến rồi cuối cùng cũng sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này.
‘Phạm vi bên ngoài’ của quyền miễn trừ tổng thống
Cựu Tổng thống Trump đang yêu cầu Tối cao Pháp viện tạm dừng phán quyết phúc thẩm vì được phán quyết không chính xác rằng quyền miễn trừ tổng thống không áp dụng với vụ ông Smith truy tố ông.
Quyền miễn trừ tổng thống là một lĩnh vực luật pháp tương đối mơ hồ, nhưng Tối cao Pháp viện đã phán quyết trong vụ Nixon kiện Fitzgerald (năm 1982) rằng tổng thống có “quyền miễn trừ tuyệt đối” khỏi trách nhiệm dân sự mở rộng đến “phạm vi bên ngoài” các nhiệm vụ theo thẩm quyền của ông.
Nhưng các thẩm phán phúc thẩm cho rằng cựu Tổng thống Trump đã đi quá mức khi yêu cầu miễn trừ trách nhiệm hình sự. “Quyền miễn trừ được tuyên bố của cựu Tổng thống Trump sẽ khiến chúng tôi mở rộng khuôn khổ quyền miễn trừ dân sự của Tổng thống sang các vụ án hình sự và lần đầu tiên quyết định rằng một cựu Tổng thống được miễn trừ hoàn toàn khỏi việc truy tố hình sự liên bang vì bất kỳ hành động nào có thể hình dung được trong phạm vi bên ngoài trách nhiệm điều hành của ông ấy,” bản ý kiến của các thẩm phán ghi.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump khẳng định rằng bản cáo trạng của ông Smith nhắm vào các hành động theo thẩm quyền của ông với tư cách là tổng thống và Hiến Pháp cấp cho các quyết định tùy ý của tổng thống sự bảo vệ đặc biệt khỏi bị tòa án xem xét. Một phần lập luận của ông dựa trên quyết định của Tối cao Pháp viện trong vụ Mississippi kiện Johnson, trong đó quyết định rằng “tòa án này không có thẩm quyền đối với một dự luật cấm Tổng thống thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình; và chúng tôi không nhận được dự luật nào như vậy.”
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times