Tối cao Pháp viện Israel bác bỏ kế hoạch đại tu hệ thống tư pháp của ông Netanyahu
Thủ tướng Netanyahu và liên minh của ông đã công bố kế hoạch cải tổ sâu rộng ngay sau khi nhậm chức một năm trước.
Hôm thứ Hai (01/01/2024), Tối cao Pháp viện Israel đã khẳng định thẩm quyền của mình khi lật ngược các quyết định của chính phủ và cái gọi là “Luật Cơ bản,” những bộ luật quan trọng đóng vai trò như một loại hiến pháp của Israel.
Trong một phán quyết đa số với tỷ lệ 8 phiếu thuận–7 phiếu chống, hội đồng gồm 15 thành viên đã bỏ phiếu lật ngược một đạo luật được thông qua hồi tháng Bảy, trong đó ngăn cản các thẩm phán lật ngược các quyết định của chính phủ. Tòa án này cho biết các luật được chính phủ ủng hộ là “vô lý” và sẽ mang lại “tác hại nghiêm trọng và chưa từng có đối với các đặc điểm cốt lõi của Israel với tư cách là một quốc gia dân chủ.”
Đạo luật đã bị tòa án cao nhất của nước này lật ngược với đa số sít sao này là một phần của cuộc cải tổ tư pháp rộng hơn do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các đồng minh của ông đề xướng. Ông Netanyahu và liên minh của ông đã công bố kế hoạch cải tổ sâu rộng của mình ngay sau khi nhậm chức một năm trước đây nhằm hạn chế quyền lực của các thẩm phán và hạn chế khả năng của Tối cao Pháp viện trong việc xem xét các quyết định của chính phủ hoặc quốc hội.
Cuộc cải tổ được trù định này đã châm ngòi cho nhiều tháng biểu tình rầm rộ, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp giữa các nhánh tư pháp và lập pháp của chính phủ, và làm lung lay sự gắn kết của lực lượng quân đội hùng mạnh.
Hàng trăm ngàn người Israel đã xuống đường biểu tình hàng tuần phản đối chính phủ. Trong số những người biểu tình có quân trừ bị, bao gồm cả phi công chiến đấu cơ và thành viên của các đơn vị tinh nhuệ khác, những người cho biết họ sẽ ngừng báo cáo nhiệm vụ nếu cuộc cải tổ này được thông qua. Lực lượng dự bị là một phần xương sống của quân đội Israel.
Tuy nhiên, cuộc cải tổ này đã bị tạm dừng, và các cuộc biểu tình cũng vậy, sau khi nhóm khủng bố Hamas thực hiện cuộc tấn công ngày 07/10, sát hại khoảng 1,200 người và bắt cóc 240 người khác. Israel ngay lập tức tuyên chiến và đang tiến hành một chiến dịch tấn công ở Gaza.
Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin, một đồng minh của ông Netanyahu và là người thiết kế ra đạo luật sửa đổi này, đã chỉ trích quyết định của pháp viện, nói rằng quyết định này thể hiện “sự trái ngược với tinh thần đoàn kết cần có trong những ngày này để những người lính của chúng ta ở mặt trận có được thành công.”
Ông Levin nói rằng phán quyết đó “sẽ không làm chúng tôi nản lòng” mà không cho biết liệu chính phủ có cố gắng khôi phục kế hoạch của ông trong ngắn hạn hay không. Ông nói: “Khi các chiến dịch đang tiếp tục trên các mặt trận khác nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục hành động với sự kiềm chế và có trách nhiệm.”
Hiện chưa có phản ứng ngay lập tức từ phía ông Netanyahu.
Chính phủ của ông Netanyahu có thể tìm cách phớt lờ phán quyết hôm thứ Hai, tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp về việc ai là người có thẩm quyền tối cao.
Các thẩm phán cũng bỏ phiếu với tỷ lệ 12–3 để khẳng định thẩm quyền lật ngược “Luật Cơ bản” giống như hiến pháp của Israel này.
Sự cân bằng quyền lực
Ở Israel, Knesset giống như nghị viện đóng vai trò là nhánh lập pháp, chính phủ do thủ tướng đứng đầu là nhánh hành pháp, và hệ thống tòa án là nhánh tư pháp.
Những rạn nứt giữa Tối cao Pháp viện và ông Netanyahu cho thấy sự chia rẽ trong nước giữa ba nhánh.
Ông Netanyahu và các đồng minh theo đường lối cứng rắn của ông tuyên bố rằng Knesset, chứ không phải Tối cao Pháp viện, cần phải là cơ quan ra quyết định cuối cùng về tính hợp pháp của pháp luật và các quyết định quan trọng khác. Trong khi đó, các thẩm phán cho rằng Knesset không có quyền lực “tuyệt đối.”
Theo hệ thống của Israel, thủ tướng quản lý thông qua một liên minh đa số trong nghị viện — trên thực tế, trao cho ông quyền kiểm soát các nhánh hành pháp và lập pháp của chính phủ.
Kết quả là, Tối cao Pháp viện bằng cách nào đó đóng vai trò giám sát.
Những người ủng hộ kế hoạch của ông Netanyahu cho biết những thay đổi này nhằm mục đích củng cố nền dân chủ bằng cách hạn chế quyền lực của các thẩm phán không được dân cử và chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho các quan chức dân cử.
Nhưng các nhà bình luận cho rằng bằng cách tìm cách làm suy yếu nhánh tư pháp, ông Netanyahu và các đồng minh của ông đang cố gắng làm xói mòn hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực lẫn nhau của nước này, đồng thời củng cố quyền lực cho nhánh thứ ba, nhánh độc lập của chính phủ hoạt động như một cơ quan giám sát then chốt.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times