Israel: Hàng ngàn người biểu tình phản đối kế hoạch đại tu hệ thống tư pháp của chính phủ
Hôm 14/01, hàng chục ngàn người ở Israel đã tổ chức các cuộc biểu tình tại ít nhất ba thành phố lớn để phản đối các kế hoạch cải tổ tư pháp của chính phủ.
Truyền thông Israel đưa tin cho biết, khoảng 80,000 người đã tham gia một cuộc biểu tình ở Tel Aviv, với các cuộc biểu tình nhỏ hơn ở Jerusalem và Haifa. Mặc dù không có tình trạng bất ổn lớn nào được ghi nhận, nhưng truyền thông Israel cho biết một số đám đông nhỏ đã xô xát với cảnh sát khi họ cố gắng chặn một đường cao tốc ở Tel Aviv.
Cảnh sát đã tăng cường sự hiện diện của họ trước cuộc tuần hành này. Truyền thông Israel dẫn lời cảnh sát nói rằng các sĩ quan đã được chỉ thị phải “rất mẫn cảm” và cho phép cuộc biểu tình diễn ra một cách hòa bình. Nhưng họ cũng tuyên bố sẽ có phản ứng cứng rắn đối với bất kỳ hành vi phá hoại hoặc bạo lực nào.
Các kế hoạch kể trên bao gồm một danh sách các thay đổi đối với việc bổ nhiệm, quyền hạn, và hoạt động của Tối cao Pháp viện nước này. Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin đã công bố những kế hoạch đó lần đầu tiên hôm 04/01. Cùng với những người chỉ trích khác của tòa án cấp cao này, ông Levin nói rằng các thẩm phán không được bầu chọn nhưng lại có quá nhiều quyền lực.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã mô tả các kế hoạch tư pháp này là khôi phục lại sự cân bằng của ba nhánh chính phủ. Tân chính phủ theo phái bảo tồn truyền thống của ông Netanyahu chiếm thế đa số vững chắc trong nghị viện Israel. Hôm 13/01, ông đã báo hiệu sự linh hoạt trong kế hoạch cải tổ, nói rằng kế hoạch này sẽ được thực hiện “với sự cân nhắc cẩn thận trong khi lắng nghe tất cả các quan điểm.”
Những người phản đối nói rằng những thay đổi được đề nghị sẽ làm giảm tính độc lập của nhánh tư pháp, đe dọa nền dân chủ của Israel, và tạo cơ hội cho tham nhũng. Chánh án Tối cao Pháp viện, tổng chưởng lý Israel, và các nhà lãnh đạo phe đối lập Israel cho biết họ phản đối kế hoạch này.
Tổng thống Isaac Herzog đã kêu gọi các chính trị gia phân cực “hạ nhiệt” các cuộc tranh luận.
Trung tướng đã về hưu Benjamin Gantz, người từng là phó thủ tướng Israel từ năm 2021 đến năm 2022 và hiện là thành viên của phe đối lập và đứng đầu Đảng Xanh-Trắng, đã tham gia cuộc biểu tình.
“Tôi đang ở cùng với các quý vị tại quảng trường,” ông viết trên Twitter. “Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi cách hợp pháp để ngăn chặn cuộc đảo chính này.”
Các chính trị gia liên minh với ông Netanyahu cũng đã lên tiếng.
Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cùng một bộ trưởng trong Bộ Quốc phòng cũng như người đứng đầu Đảng Phục Quốc Do Thái Tôn Giáo đã cổ vũ những người ủng hộ chính phủ đương nhiệm.
“Vào thời chính phủ cánh tả tiền nhiệm, chúng ta đã biểu tình hết lần này đến lần khác,” ông đăng trên Twitter hôm 14/01. “Các phương tiện truyền thông xa rời thực tế không bao giờ đưa tin về chúng ta một tuần nào, không đưa vào các chương trình phát sóng trực tiếp, hầu như không đề cập đến sự tồn tại của các cuộc biểu tình sau khi chúng kết thúc, và chủ động đánh giá thấp. Mặc dù vậy, chúng ta đã lật đổ chính phủ và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Người dân đứng về phía chúng ta! Và nhờ đó, chúng ta sẽ tiến hành cải tổ hệ thống tư pháp.”
Ông Amichai Chikli, bộ trưởng Bộ Các vấn đề Di cư, bộ trưởng về Bình đẳng Xã hội, và là nhà lập pháp của đảng theo phái bảo tồn truyền thống Likud, đã viết trên Twitter: “Những chỉ trích của cánh tả không phát sinh từ mối quan tâm đến nền dân chủ mà từ mối quan tâm đến số phận của tầng lớp quý tộc hợp pháp vốn cai trị ở đây trên thực tế trong nhiều thập niên qua.”
Ông Miki Zohar, một nhà lập pháp cao cấp trong đảng Likud bảo tồn truyền thống của ông Netanyahu, đã viết trên Twitter: “Hàng chục ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tối nay. Trong cuộc bầu cử được tổ chức ở đây hai tháng rưỡi trước, hàng triệu người đã tham gia. Chúng tôi đã hứa với người dân về sự thay đổi, chúng tôi đã hứa về quản trị, chúng tôi đã hứa có những cải tổ — và chúng tôi sẽ thực hiện tốt điều đó.”
Ông Netanyahu, thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, hiện đang ở nhiệm kỳ thứ sáu, sau một thời gian gián đoạn ngắn khi ông thua cuộc bầu cử vào năm 2021. Bị xét xử vì tội tham nhũng kể từ khi bị truy tố vào năm 2019, ông Netanyahu đã nói rằng hệ thống tư pháp có thành kiến với ông. Ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái hình sự và đã cáo buộc các phương tiện truyền thông và các quan chức chấp pháp đã âm mưu lật đổ mình.
Các cải tổ tư pháp được đề nghị
Dự luật mà ông Levin đề xướng sẽ điều chỉnh số lượng người trong ủy ban bổ nhiệm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện (Ủy ban Bổ nhiệm Tư pháp) từ 9 thành viên lên 11 thành viên.
Những thành viên thuộc ủy ban này sẽ có thể xác nhận những ai được bổ nhiệm vào băng ghế thẩm phán với đa số phiếu bầu quá bán là 6–5; hiện tại, ngưỡng đa số là 7–2 — ngưỡng được thiết lập để khuyến khích thỏa hiệp. Trong khi đó, ngưỡng để loại một người khỏi băng ghế thẩm phán sẽ thay đổi từ 7–2 thành 9–2.
Dự luật cũng sẽ điều chỉnh thành phần của Ủy ban Bổ nhiệm Tư pháp. Hiện tại, ủy ban này bao gồm ba thẩm phán Tối cao Pháp viện, hai bộ trưởng Nội các, hai nhà lập pháp, và hai luật sư.
Theo dự luật, số lượng các nhà lập pháp trong ủy ban này sẽ tăng từ hai lên ba người, với hai người trong số họ thuộc liên minh này. Số lượng các bộ trưởng Nội các tham gia cũng sẽ tăng lên ba. Hai luật sư sẽ được thay thế bằng hai “nhân vật của công chúng” do bộ trưởng tư pháp lựa chọn. Điều này có nghĩa là, tổng cộng, bảy thành viên sẽ thuộc liên minh này hoặc được liên minh chỉ định trực tiếp.
Cuộc cải cách của ông Levin cũng bao gồm một điều khoản cho phép một người được bổ nhiệm vào vai trò chánh án và phó chánh án của Tối cao Pháp viện — ngay cả khi họ chưa từng là thẩm phán Tối cao Pháp viện. Hiện tại, thẩm phán cao cấp nhất đảm nhiệm vai trò chánh án. Ngoài ra, chánh án sẽ bị giới hạn trong nhiệm kỳ bảy năm theo dự luật mới.
Trong số các điều khoản khác, dự luật cũng quy định rằng sẽ cần có đa số 12 trong số 15 thẩm phán của Tối cao Pháp viện để phủ quyết các luật do Nghị viện thông qua, vốn có thể tái ban hành một luật bị bãi bỏ.
Các thẩm phán sẽ bị cấm xét xử bất kỳ kháng cáo nào chống lại Luật Căn Bản của Israel — văn kiện được Quốc hội thông qua có tác dụng gần như Hiến Pháp của quốc gia này. Ngoài ra, dự luật sẽ loại bỏ “tính hợp lý” như một tiêu chuẩn xem xét để Tối cao Pháp viện hủy bỏ một quyết định của chính phủ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times