Hơn 7 tỷ USD tài trợ của Hoa Kỳ từng được chuyển cho cơ quan của LHQ có nhân viên được cho là tấn công Israel hôm 07/10
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích cơ quan viện trợ này là ‘đầy rẫy sự lãng phí, gian lận, và lo ngại về việc đã trợ giúp cho khủng bố.’
Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) cho thấy Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 7.1 tỷ USD cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1950.
Hôm 26/01, chính phủ Tổng thống (TT) Biden thông báo rằng họ đã tạm thời tạm dừng nguồn tài trợ không bắt buộc của Hoa Kỳ dành cho UNRWA sau khi có cáo buộc rằng 12 nhân viên UNRWA có liên quan đến các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 07/10/2023.
Báo cáo (pdf) cho biết hàng tỷ USD tài trợ đã được trao cho tổ chức này trong nhiều thập niên trước khi tạm dừng.
“Trong lịch sử, Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho UNRWA, với tổng nguồn tài trợ của Hoa Kỳ lên tới hơn 7.1 tỷ USD kể từ năm 1950,” báo cáo cho biết.
UNRWA được thành lập vào năm 1949 sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel đầu tiên nhằm cung cấp việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu, và viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn Palestine được ghi danh ở Tây Ngạn, Dải Gaza, Jordan, Lebanon, và Syria.
Báo cáo của CRS cho biết phần lớn trong số 2.1 triệu cư dân của Gaza — khoảng 1.4 đến 1.7 triệu — đã sống nhờ viện trợ nhân đạo trong nhiều thập niên.
Cáo buộc và phản ứng
Một tài liệu của Israel được chia sẻ với UNRWA và các quan chức quốc tế nêu chi tiết các cáo buộc về 12 nhân viên UNRWA được cho là có liên quan đến vụ tấn công Israel vào ngày 07/10.
Bảy người được cho là đã xông vào lãnh thổ Israel; một người giúp đánh cắp xác của một binh sĩ, và một người khác tham gia vào một vụ bắt cóc.
Tài liệu cho biết rằng, 10 người trong số họ được liệt kê là có liên hệ với Hamas và một người thuộc nhóm chiến binh Hồi Giáo Jihad, trong khi 2 người trong số họ đã bị thiệt mạng.
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết cáo buộc này “rất đáng tin cậy.”
“Liên quan đến UNRWA, các báo cáo mà chúng tôi nhận được vào tuần trước — và những báo cáo mà UNRWA đã mang chúng đến cho chúng tôi — thực sự rất đáng lo ngại,” ông Blinken nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg hôm 29/01. “Chúng tôi chắc chắn không có — chúng tôi không có khả năng tự mình điều tra những vấn đề này, nhưng những báo cáo này rất đáng tin cậy.”
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc này đã chấm dứt hợp đồng với những nhân viên được cho là có liên quan đến vụ tấn công của Hamas và mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
“Bất kỳ nhân viên UNRWA nào có liên quan đến các hành động khủng bố sẽ phải chịu trách nhiệm, kể cả phải bị truy tố hình sự,” người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzaini cho biết trong một tuyên bố. “Bất cứ ai phản bội các giá trị căn bản của Liên Hiệp Quốc cũng đều phản bội những người mà chúng tôi phục vụ ở Gaza, khắp khu vực này và những nơi khác trên thế giới.”
Các quốc gia bao gồm Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, và Phần Lan đã cùng với Hoa Kỳ, Úc, và Canada tạm dừng tài trợ cho cơ quan viện trợ này sau những cáo buộc đó.
Ông Lazzaini kêu gọi các nước tiếp tục tài trợ cho cơ quan viện trợ này.
“Cơ quan này vẫn là tổ chức viện trợ lớn nhất tại một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và phức tạp nhất trên thế giới,” ông nói. “Nếu nguồn tài trợ vẫn bị đình chỉ, rất có thể chúng tôi sẽ buộc phải ngừng hoạt động vào cuối tháng Hai, không chỉ ở Gaza mà còn trên toàn khu vực.”
Ông Trump đã cắt nguồn tài trợ cho UNRWA
Trong khi một số người cho rằng sự tài trợ được cung cấp thông qua UNRWA là rất quan trọng thì những người khác lại nghi ngờ về tính hiệu quả và tính trung lập của UNRWA và kêu gọi cơ quan này giám sát chặt chẽ hơn.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích cơ quan viện trợ này và nói rằng UNRWA “có đầy rẫy sự lãng phí, gian lận, và lo ngại về việc trợ giúp cho khủng bố.”
“UNRWA không phải là một cơ quan dành cho người tị nạn,” ông Pompeo viết trong một bài đăng trên mạng xã hội hồi tháng 01/2021.
Cựu TT Donald Trump đã cắt tài trợ cho UNRWA vào năm 2018 vì cho rằng mô hình này không bền vững và có nhiều sai sót.
“Mô hình hoạt động căn bản và các thông lệ tài khóa đặc trưng của UNRWA trong nhiều năm – gắn liền đến cộng đồng người hưởng lợi đang mở rộng theo cấp số nhân và vô tận của UNRWA – hoàn toàn không bền vững và đã ở trong tình trạng khủng hoảng trong nhiều năm,” chính phủ TT Trump cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ TT Trump đã giảm đáng kể nguồn tài trợ vào năm 2018 và không tài trợ cho cơ quan này của Liên Hiệp Quốc vào năm 2019 và 2020.
Tuy nhiên, chính phủ TT Biden đã nối lại tài trợ cho UNRWA vào tháng 04/2021.
“Chúng tôi vui mừng thông báo rằng … chúng tôi dự tính sẽ khởi động lại hoạt động trợ giúp kinh tế, phát triển, an ninh, và nhân đạo của Hoa Kỳ cho người dân Palestine. Sự trợ giúp này bao gồm … 150 triệu khoản viện trợ nhân đạo cho Cơ quan Công tác Cứu trợ Liên Hiệp Quốc, hay UNRWA,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đương thời Ned Price tuyên bố vào ngày 07/04/2021.
Chính phủ TT Biden thừa nhận những lo ngại về UNRWA nhưng tin rằng họ có thể đưa cơ quan này đi đúng hướng bằng cách nối lại nguồn tài trợ.