Tối cao Pháp viện giữ nguyên luật thuế thời cựu TT Trump đối với thu nhập ở hải ngoại
Thuế Bắt buộc đối với Thu nhập Chuyển về nước là một phần của Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2017 được Tổng thống Donald Trump ký thành luật.
Hôm 20/06, qua một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 7 phiếu thuận–2 phiếu chống, Tối cao Pháp viện đã giữ nguyên một loại thuế năm 2017 đối với thu nhập “chưa thực hiện” từ các khoản đầu tư ở hải ngoại.
Thu nhập chưa thực hiện tương ứng với các khoản lợi nhuận lý thuyết tồn tại “trên giấy tờ.” Nhà đầu tư không “thu được” thu nhập cho đến khi họ bán tài sản, lúc đó thuế mới thường được áp dụng. Trong trường hợp này, Quốc hội đã áp đặt một loại thuế một lần lên phần lợi nhuận mà nhà đầu tư chưa nhận được.
Thẩm phán Brett Kavanaugh đã viết bản ý kiến của Pháp viện trong vụ kiện này. Các Thẩm phán Neil Gorsuch và Clarence Thomas đã bất đồng với bản ý kiến đa số.
Pháp viện đã giữ nguyên Thuế Bắt buộc đối với Thu nhập Chuyển về nước (MRT), còn được gọi là thuế chuyển tiếp Mục 965, là một phần của Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế được Quốc hội do Đảng Cộng Hòa kiểm soát phê chuẩn vào năm 2017 và được Tổng thống đương thời Donald Trump ký thành luật.
Bản ý kiến đa số cho rằng thuế này không vi phạm Tu chính án thứ 16 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, vốn cho phép chính phủ liên bang thu thuế thu nhập.
Ông Charles và bà Kathleen Moore, một cặp vợ chồng đến từ tiểu bang Washington, đã lập luận trong một đơn kiện rằng loại thuế này vi phạm yêu cầu của Hiến Pháp rằng các sắc thuế trực thu của liên bang phải được phân bổ giữa các tiểu bang, cũng như quy định cấm đánh thuế hồi tố trong Hiến Pháp.
Gia đình ông bà Moore đã thua kiện tại tòa địa hạt Hoa Kỳ, và đã kháng cáo, nhưng rồi lại tiếp tục thua. Họ đã yêu cầu Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 9 xét xử lại vụ việc sau khi một hội đồng xét xử của tòa án khu vực giữ nguyên phán quyết bác bỏ hành động tìm cách vô hiệu hóa quy định này của luật thuế từ phía tòa địa hạt. Tuy nhiên, vào ngày 22/11/2022, một tòa án khu vực 9 bị chia rẽ đã từ chối kiến nghị này của hai vợ chồng.
“Không có quy định nào trong Hiến Pháp cấm Quốc hội quy thu nhập của một công ty cho cổ đông của công ty đó theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ,” Tòa phúc thẩm đã ra phán quyết vào thời điểm đó.
Những người theo chủ nghĩa hợp hiến bảo tồn truyền thống cho rằng, nếu Tối cao Pháp viện phán quyết rằng MRT vi phạm Tu chính án thứ 16 của Hiến Pháp, tức là cho phép đánh thuế thu nhập mà không cần xác định dựa trên dân số, thì một tiền lệ pháp lý như vậy có thể ngăn cản Quốc hội ban hành luật đánh thuế tài sản.
Được phê chuẩn vào năm 1913, Tu chính án thứ 16 nêu rõ: “Quốc hội có quyền đề ra và thu thuế đối với các loại thu nhập có được từ bất kỳ nguồn nào, mà không cần phân bổ giữa các Tiểu bang, và không cần đến bất kỳ cuộc điều tra dân số hoặc thống kê nào.”
Chính sách và đề xướng về thuế
Các đề xướng liên quan đến thuế tài sản thường xuyên được trình bày trước Quốc hội.
Chẳng hạn, hồi tháng Ba, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren (Đảng Dân Chủ-Massachusetts) và các Nghị sỹ Đảng Dân Chủ trong Hạ viện tái giới thiệu Đạo luật Thuế Siêu Triệu phú đã được đề xướng, trong đó yêu cầu 0.05% gia đình giàu nhất nước Mỹ phải đóng 2 cent cho mỗi dollar trong tài sản vượt quá 50 triệu USD.
Vào tháng 11/2023, Thượng nghị sỹ Ron Wyden (Đảng Dân Chủ-Oregon) đã giới thiệu một kế hoạch để đánh thuế lợi nhuận chưa thu được của những người có thu nhập cao.
Đạo luật năm 2017 thực thi MRT đã thay đổi cách đánh thuế thu nhập ngoại quốc của các tập đoàn Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp tạo ra loại thuế này vì theo quan điểm của họ, có quá nhiều tiền được đầu tư ra ngoại quốc mà không mang lại lợi ích cho ngân khố của Hoa Kỳ.
Trước khi thay đổi, phần lớn thu nhập đó không bị đánh thuế cho đến khi được chuyển về Hoa Kỳ. Để chuyển sang quy định thuế mới này, Quốc hội đã áp đặt thuế một lần đối với thu nhập từ ngoại quốc chưa được chuyển về nước của các tập đoàn Hoa Kỳ.
Luật này đánh thuế thu nhập của các công ty Hoa Kỳ ở ngoại quốc trong 30 năm trở lại đây, ngay cả khi thu nhập đó chưa được phân phối. Đạo luật này cũng áp dụng cho những người đóng thuế ở Hoa Kỳ có từ 10% cổ phần trở lên trong một công ty ở ngoại quốc tính đến cuối năm 2017. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính vào năm 2018 rằng luật này sẽ khiến các công ty phải chịu nghĩa vụ thuế một lần là 347 tỷ USD.
Trong vụ kiện trước Tối cao Pháp viện, gia đình Moore đã đầu tư khiêm tốn vào KisanKraft có trụ sở tại Ấn Độ, cung cấp các công cụ điện cho các nông dân Ấn Độ nhỏ lẻ với mục tiêu giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Gia đình ông bà Moore đã sở hữu cổ phiếu của KisanKraft trong hơn một thập niên nhưng chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản thu nhập nào từ cổ phiếu này vì công ty đã tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào hoạt động kinh doanh.
Nhưng sau khi MRT được ban hành, gia đình ông bà Moore đã nhận được một hóa đơn thuế từ IRS trị giá 14,729 USD cho khoản thuế thu nhập bổ sung mà họ nợ, mặc dù họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ KisanKraft.
Theo Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh, nơi cung cấp đại diện pháp lý cho hai vợ chồng, mặc dù lợi nhuận như vậy thường không được xem là thu nhập trừ phi các cổ đông nhận được cổ tức hoặc bán cổ phiếu để kiếm lời từ vốn đầu tư, nhưng MRT cố gắng đánh thuế các khoản này dưới dạng thu nhập bằng cách tuyên bố đó là thu nhập chịu thuế, đây là một sự ngụy tạo về mặt pháp lý.
Bản ý kiến đa số
Thẩm phán Kavanaugh nhấn mạnh sự hạn hẹp trong bản ý kiến đa số của Pháp viện.
“Không có điều gì trong bản ý kiến này nên được hiểu là cho phép bất kỳ nỗ lực giả định nào của Quốc hội để đánh thuế cả một tổ chức và các cổ đông hoặc đối tác của tổ chức đó trên cùng một thu nhập chưa phân phối do tổ chức đó thực hiện,” ông viết.
Thẩm phán Kavanaugh viết rằng dù cho ông bà Moore lập luận rằng Đạo luật Thuế Bắt buộc đối với Thu nhập Chuyển về nước không đánh thuế bất kỳ khoản thu nhập nào mà họ nhận được, nhưng đã “quy” thu nhập của công ty mà họ đầu tư cho họ như là cổ đông và áp đặt thuế trên phần thu nhập chưa phân phối đó.
“Các tiền lệ lâu đời” của Tối cao Pháp viện cho thấy rằng Quốc hội có thể “quy” thu nhập đã thực hiện và chưa phân phối của một tổ chức cho các cổ đông hoặc đối tác của tổ chức đó, và sau đó đánh thuế các cổ đông hoặc đối tác trên phần thu nhập của họ.”
Ông viết rằng MRT hoạt động “theo cách cơ bản tương tự như cách đánh thuế lâu đời của Quốc hội đối với các liên doanh, các công ty con (S corporations), và thu nhập phần F,” nhưng ông bà Moore “không thể phân biệt rõ ràng MRT” với những loại thuế đó.
Thẩm phán Kavanaugh viết rằng, “Nếu lập luận của họ đưa đến kết luận hợp lý, có thể làm cho nhiều phần lớn của Bộ luật Thuế vụ trở thành vi hiến,” và đã trích dẫn một số điều khoản của luật thuế Hoa Kỳ.
Lặp lại lập luận của chính phủ Tổng thống Biden, Thẩm phán viết rằng nếu những điều khoản đó “đột ngột bị loại bỏ,” thì chính phủ sẽ bị tước đi hàng ngàn tỷ dollar doanh thu thuế và Quốc hội sẽ bị buộc “phải đưa ra sự cắt giảm đột ngột đối với các chương trình quốc gia quan trọng hoặc tăng thuế một cách đáng kể … đối với người dân Mỹ.”
“Hiến Pháp không yêu cầu thảm họa tài chính đó.”
Tối cao Pháp viện đã giữ nguyên phán quyết của Tòa án Khu vực 9.
Thẩm phán bất đồng quan điểm
Thẩm phán Amy Coney Barrett đã nộp một bản ý kiến đồng ý với kết quả cuối cùng nhưng không đồng ý với tất cả lập luận của bản ý kiến đa số. Bà cho rằng các vấn đề liên quan trong vụ án này không đơn giản như ý kiến của Thẩm phán Kavanaugh đã nói.
Thẩm phán Samuel Alito cũng đồng tình với ý kiến của Thẩm phán Barrett.
Thượng nghị sỹ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), người đang đẩy mạnh dự luật áp đặt một quy tắc ứng xử đối với Tối cao Pháp viện, đã yêu cầu Thẩm phán Alito cáo tỵ khỏi vụ án vì ông có mối liên hệ đến ông David Rivkin, một thành viên trong nhóm pháp lý của ông bà Moore, nhưng vào tháng 09/2023, Thẩm phán đã từ chối làm như vậy.
Thẩm phán Barrett viết rằng câu hỏi mà Tối cao Pháp viện đồng ý xem xét là liệu Tu chính án thứ 16 có “cho phép Quốc hội đánh thuế các thu nhập chưa nhận được mà không cần phân phối giữa các tiểu bang” hay không.
“Câu trả lời rất đơn giản: Không,” bà nói thêm.
Việc phân bổ theo thông lệ là một gánh nặng khó khăn đối với các nhà lập pháp soạn thảo thuế. Điều I của Hiến Pháp quy định rằng thuế trực thu phải được phân bổ cho các tiểu bang theo dân số. Để được phân bổ, một khoản thuế phải có cùng số tiền đối với mỗi người ở mọi tiểu bang.
Thẩm phán Barrett viết rằng Tu chính án thứ 16 và Điều khoản Thuế Trực thu phân biệt giữa thuế đánh vào tài sản được phân bổ và thuế đánh vào thu nhập nhận được từ tài sản đó.
Bà viết rằng ông bà Moore không thu được thu nhập từ các cổ phiếu KisanKraft mà công ty không bao giờ tuyên bố cổ tức. Họ cũng không thu được thu nhập từ việc bán cổ phiếu của mình. Bởi vì họ không nhận được cổ tức hoặc lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu, nên ông bà Moore chưa nhận được lợi tức từ khoản đầu tư ban đầu của họ.
Chỉ vì Quốc hội có thể quy thu nhập từ một công ty như KisanKraft cho các cổ đông của họ “không có nghĩa là Quốc hội có quyền tương đương để quy thu nhập của một công ty nội địa niêm yết công khai cho bất kỳ ai nắm giữ vài cổ phiếu trong tài khoản tiết kiệm hưu trí của mình.”
Thẩm phán Thomas đã viết một ý kiến bất đồng với sự tham gia của Thẩm phán Gorsuch.
Thẩm phán Thomas viết rằng ông bà Moore đã phải đóng thuế trên một khoản đầu tư mà “chưa bao giờ mang lại cho họ một xu nào.”
Họ đã “đúng” khi lập luận rằng thuế đánh vào “thu nhập” như được định nghĩa trong Tu chính án thứ 16 không thể được áp dụng “mà không có sự phân bổ giữa các tiểu bang.”
Tu chính án này tất yếu phân biệt giữa “thu nhập” và “nguồn gốc” mà từ đó “phát sinh thu nhập.”
“Và, cách duy nhất để tạo ra sự khác biệt như vậy là phải có một yêu cầu hiện thực hóa. Tiền lệ của chúng tôi nói lên điều đó,” Thẩm phán Thomas viết.
Ông Joe Bishop-Henchman, Phó Chủ tịch điều hành của Quỹ Liên hiệp Người đóng thuế Quốc gia, cho biết bản ý kiến mới của Pháp viện sẽ không thúc đẩy các nỗ lực để tạo ra một thuế tài sản.
“Đây là một phán quyết hẹp tập trung vào khoản thuế quốc tế một lần đã bị thách thức,” ông cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times