Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ giữ nguyên lệnh cấm súng đối với những người chịu lệnh hạn chế liên quan đến bạo hành gia đình
[Trước đó,] một tòa phúc thẩm liên bang đã vô hiệu hóa luật liên bang năm 1994. Luật này cấm người đang chịu lệnh hạn chế liên quan đến bạo hành gia đình được phép sở hữu súng.
Hôm 21/06, với phán quyết có tỷ lệ 8 phiếu thuận–1 phiếu chống, Tối cao Pháp viện đã giữ nguyên một luật kiểm soát súng liên bang. Luật này cấm người đang chịu lệnh hạn chế liên quan đến bạo hành gia đình được phép sở hữu súng.
Các thẩm phán nhận định rằng Tu chính án thứ Hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ không bị vi phạm khi một cá nhân bị tước vũ khí sau khi một tòa án kết luận người đó là mối đe dọa có thể thực hiện được đối với sự an toàn về thân thể của người khác. Phán quyết này đã đảo ngược phán quyết của tòa án cấp dưới vốn đã hủy bỏ một luật liên bang.
Quyết định mới này được đưa ra sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện hồi năm 2022 trong vụ Hiệp hội Súng trường và Súng ngắn New York kiện Bruen. Phán quyết đó công nhận quyền hiến định mang vũ khí tại nơi công cộng để tự vệ và quy định rằng các hạn chế về súng phải có nền tảng sâu sắc từ lịch sử Hoa Kỳ nếu muốn vượt qua được sự xem xét kỹ lưỡng theo Hiến Pháp.
Chánh án John Roberts đã viết bản ý kiến đa số của Pháp viện. Người bất đồng ý kiến duy nhất là Thẩm phán Clarence Thomas.
Vụ án Hoa Kỳ kiện Rahimi liên quan đến phán quyết vào tháng 02/2023 của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5. Phán quyết này đã hủy bỏ Mục 922(g)(8) của Đề mục 18 trong Bộ luật Hoa Kỳ. Đây là một luật năm 1994, cấm người chịu lệnh hạn chế vì liên quan đến bạo hành gia đình sở hữu súng.
Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 cho rằng điều khoản này đã không còn hợp hiến theo tiền lệ của vụ Bruen.
Tòa phúc thẩm cho rằng lệnh cấm sở hữu súng đối với những người chịu lệnh hạn chế vì liên quan đến bạo hành gia đình “là một ngoại lệ mà tổ tiên chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận.”
Vụ án này liên quan đến ông Zackey Rahimi ở Texas. Ông Rahimi là một người nhập cư từ Afghanistan, trước đây đã nhận tội vi phạm điều luật liên bang này. Ông Rahimi đã tham gia vào năm vụ nổ súng sau khi một lệnh cấm được ban hành đối với ông vào tháng 02/2020. Sau khi phán quyết trong vụ Bruen được đưa ra, ông đã yêu cầu các tòa án xem xét lại bản án của mình, dựa trên sự thay đổi trong án lệ liên quan đến Tu chính án thứ Hai.
Các dữ kiện về vụ án
Bản ý kiến của Pháp viện đã thuật lại một số vụ việc dẫn đến việc ban hành một lệnh cấm đối với ông Rahimi.
Năm 2019, ông Rahimi gặp gỡ bạn gái của mình và cũng là mẹ của đứa con nhỏ của họ. Họ đến ăn trưa trong một bãi đỗ xe. Lúc đó ông trở nên tức giận. Khi người bạn gái cố bỏ đi, ông Rahimi kéo cô quay lại xe của mình, khiến cô đập đầu vào bảng điều khiển.
Ông Rahimi đã lấy súng từ dưới ghế hành khách. Hành động đó đã giúp người bạn gái có cơ hội chạy thoát thân khỏi hiện trường. Trong lúc cô chạy thoát, ông đã nổ súng, mặc dù không rõ liệu ông có nhắm vào cô hay là vào một nhân chứng gần đó.
Bản ý kiến viện dẫn, sau đó, ông Rahimi đã gọi điện thoại cho bạn gái của mình và nói rằng ông sẽ bắn cô nếu cô báo cáo vụ việc cho các nhà chức trách.
Một tòa án tiểu bang ở Quận Tarrant, Texas đã ban hành một lệnh cấm đối với ông, xác định rằng ông Rahimi đã vi phạm “bạo hành gia đình.” Lệnh cấm cũng cho biết việc bạo hành này “có thể sẽ tái diễn” và ông đang tạo ra “mối đe dọa có thể thực hiện được” đến “sự an toàn về thân thể” của người bạn gái.
Án lệnh này đã đình chỉ giấy phép sử dụng súng của ông Rahimi trong hai năm, và cấm ông liên lạc với bạn gái trong thời gian đó ngoại trừ để thảo luận về con của họ.
Nhưng ông đã vi phạm lệnh cấm bởi đã tiếp cận nhà cô vào ban đêm và sử dụng tài khoản mạng xã hội để liên lạc với cô.
Trong những sự việc sau đó, ông bị buộc tội đe dọa một phụ nữ khác bằng súng. Trong khi ông bị giam giữ, cảnh sát nhận diện ông là một nghi phạm trong ít nhất năm vụ nổ súng khác.
Sau khi nhận được một lệnh khám xét, cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng lục, một khẩu súng trường, đạn dược, và một bản lệnh cấm tại nhà ông Rahimi. Ông đã bị truy tố vì sở hữu vũ khí khi đang chịu lệnh cấm liên quan đến bạo hành gia đình, và đã yêu cầu tòa án liên bang bác bỏ bản cáo trạng mà ông cho rằng đã vi phạm Tu chính án thứ Hai.
Tòa án địa hạt đã bác bỏ đề nghị này và ông đã nhận tội. Ông kháng cáo trên cơ sở Tu chính án thứ Hai nhưng Tòa án Phúc thẩm Khu vực 5 đã ra phán quyết bất lợi cho ông.
Ông đã yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án này và trong khi yêu cầu này đang được chờ xem xét, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết trong án lệ Bruen, theo bản ý kiến của Pháp viện
Sau khi có phán quyết trong vụ Bruen, Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 đã rút lại bản ý kiến của mình. Sau một phiên xử mới, tòa phúc thẩm đã đảo ngược quyết định trước đó và ra phán quyết có lợi cho ông Rahimi.
Tóm lại, Tổng Biện lý sự vụ Hoa Kỳ Elizabeth Prelogar cho biết phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 có “những hậu quả gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể.”
Luật sư của ông Rahimi, phụ tá luật sư công cộng liên bang Matthew Wright, nói rằng khi Quốc hội ban hành luật vào năm 1994, họ đã hành động mà không cấp đặc quyền tài phán nào cho các phán quyết mới đây của Tối cao Pháp viện.
“Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi họ đã không đi đến kết quả hợp lý,” luật sư nói vào thời điểm đó.
Phán quyết của Pháp viện
Theo bản ý kiến mới, Chánh án Roberts viết rằng kể từ khi Hoa Kỳ lập quốc, luật về súng của đất nước này đã đưa ra những biện pháp để ngăn chặn những cá nhân đe dọa gây tổn hại thân thể của người khác bằng cách sử dụng súng sai mục đích.
Ông viết rằng luật được tranh luận trong vụ án này “hoàn toàn phù hợp” với thông lệ này.
Vào những năm 1700 và đầu những năm 1800, hai luật khác nhau đã phát triển để giải quyết vấn đề bạo lực liên quan đến súng.
Các luật được ban hành để trao quyền cho các quan tòa yêu cầu những cá nhân bị nghi ngờ có hành vi sai trái trong tương lai phải đóng một khoản tiền thế chân, còn được gọi là tiền bảo lãnh. Nếu không thể đưa ra tiền bảo lãnh thì người đó có thể bị bỏ tù. Nếu người đó tiếp tục gây rối loạn an ninh trật tự thì số tiền bảo lãnh sẽ bị mất, nghĩa là người đó sẽ mất số tiền đã thế chân.
Ở Hoa Kỳ, gây rối loạn an ninh trật tự tức là thực hiện hành vi gây ồn ào hoặc bạo lực tại nơi công cộng. Hiến Pháp đặt ra các giới hạn về mức độ mà chính phủ có thể thi hành để bảo vệ an ninh trật tự.
Các luật về bảo lãnh cũng có thể được áp dụng để ngăn ngừa mọi hình thức bạo lực, bao gồm bạo hành với người hôn phối, và có thể nhắm đến việc lạm dụng vũ khí. Chánh án Roberts viết rằng những luật này cung cấp cho người bị buộc tội các biện pháp bảo vệ về mặt thủ tục.
Mặc dù Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết trong vụ McDonald kiện Chicago (năm 2010) rằng quyền sở hữu và mang súng là một trong những “quyền căn bản cần thiết cho hệ thống tự do có trật tự của chúng ta,” nhưng họ cũng đã ra phán quyết trong vụ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn kiện Heller (năm 2008) rằng quyền này “không phải là không có giới hạn.”
Khi Hoa Kỳ lập quốc, việc mang súng đã phải tuân thủ các quy định, bao gồm các quy tắc về cách lưu trữ và hạn chế về việc sử dụng súng. Một số khu vực pháp lý đã cấm mang theo “vũ khí nguy hiểm và bất thường” cũng như cấm mang theo súng giấu kín.
Một quy định bị thách thức sẽ được giữ nguyên nếu quy định đó phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Tu chính án thứ Hai.
“Lưu ý những nguyên tắc này, chúng tôi kết luận rằng Mục 922(g)(8) vẫn vượt qua được thách thức của ông Rahimi,” bản ý kiến nêu rõ.
Pháp viện đã đảo ngược phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 và trả lại vụ án cho tòa phúc thẩm “để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo phù hợp với bản ý kiến này.”
Thẩm phán Clarence Thomas bất đồng
Thẩm phán Thomas đã đưa ra một bản ý kiến bất đồng.
Ông viết rằng, trong vụ Bruen, Pháp viện cho rằng một quy định về vũ khí là vi hiến trừ phi “quy định đó phù hợp với truyền thống lịch sử của Hoa Kỳ về quy định vũ khí. Không có một quy định lịch sử nào biện minh rằng điều khoản được tranh cãi là hợp lệ.”
Sự giả định chống lại các hạn chế về súng “là một đặc điểm trọng tâm của Tu chính án thứ Hai. Tu chính án này này không chỉ thu hẹp quyền lực quản lý của Chính phủ. Đó còn là một rào cản, đặt quyền sở hữu và mang súng ngoài quyền kiểm soát của Chính phủ.”
Thẩm phán Thomas viết rằng “điều khoản được tranh cãi vi phạm Tu chính án thứ Hai” bằng cách nhắm đến việc sở hữu vũ khí, vốn “nằm ở trọng tâm của Tu chính án thứ Hai.”
Ông cho biết thêm rằng bằng chứng của phía chính phủ về luật bảo lãnh cũ, vốn là một “phương tiện khác biệt về mặt vật chất” để quản lý súng, là không thuyết phục.
Tu chính án thứ Hai bao gồm “người dân,” và thuật ngữ này “chỉ đề cập một cách rõ ràng đến tất cả các thành viên của cộng đồng chính trị, không phải là một phần nhỏ không xác định.”
Bởi vì ông Rahimi là “một thành viên của cộng đồng chính trị nên ông ấy nằm trong sự bảo đảm của Tu chính án thứ Hai.”
Các phản ứng
Bà Carrie Severino, chủ tịch Mạng lưới Khủng hoảng Tư pháp theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, đã viết trên X (trước đây là Twitter) rằng Tối cao Pháp viện “đã làm đúng như những gì chúng ta mong đợi.”
Bà viết rằng phán quyết của Pháp viện là “thận trọng,” đồng thời nói thêm rằng phán quyết này đã “bác bỏ sự mơ hồ trong lập luận của chính phủ rằng ông Rahimi có thể bị tước quyền sở hữu súng chỉ đơn giản vì ông không ‘có trách nhiệm.’”
Bà nhận định sự bất đồng quan điểm của Thẩm phán Thomas là “có tính thuyết phục” vì lập luận rằng, ngoài những điều khác, các luật bảo lãnh và cái gọi là luật sở hữu súng không phải là “tương đồng một cách thỏa đáng về mặt lịch sử.”
“Vụ án này là một minh họa khác cho một thực tế hiển nhiên rằng Pháp viện không ủng hộ bên này hay bên kia, mà đang nỗ lực áp dụng các nguyên tắc trung lập nhằm thúc đẩy pháp quyền,” bà Severino viết.
Liên hiệp Brady Chống Bạo lực Súng, một nhóm ủng hộ kiểm soát súng, đã ca ngợi phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Trong một tuyên bố, ông Douglas Letter, giám đốc pháp lý của nhóm, cho biết, “Đây là một chiến thắng quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực súng đạn và bạo hành gia đình.”