Tòa Bạch Ốc thận trọng về việc gọi Trung Quốc, Nga là ‘các chế độ tà ác’
Hôm thứ Tư (31/05), một phóng viên đã yêu cầu Tòa Bạch Ốc giải thích lý do tại sao chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã nhiều lần tránh gọi các chính phủ Nga và Trung Quốc là “các chế độ tà ác.”
Trong một cuộc họp báo, ông James Rosen, trưởng phóng viên Tòa Bạch Ốc của Newsmax, đã dẫn lời cựu Tổng thống Ronald Reagan, người đã mô tả chế độ Xô Viết là “nơi đầy tội ác” trên thế giới, và hỏi tại sao Tổng thống Joe Biden chưa cân nhắc việc gán nhãn cho các chính phủ đang điều hành các trại tập trung hoặc phát động các cuộc chiến tranh vô cớ là “các chế độ tà ác.”
“Đó không phải là một câu hỏi đơn giản,” ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, trả lời. “Quý vị đang đặt ra câu hỏi này như một lời chỉ trích. Quý vị muốn thấy chúng tôi gán nhãn cho hai quốc gia này nhưng Tổng thống Biden không thực hiện chính sách ngoại giao theo cách đó.”
Ông Kirby đã đề cập đến các chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia của chính phủ để giải thích cách tiếp cận của tổng thống đối với hai nước này.
“Quý vị sẽ thấy rằng chúng tôi đang nói khá rõ ràng với người dân Mỹ và với các quốc gia đó cũng như các nhà lãnh đạo đó về cách chúng tôi nhìn nhận hành vi của họ, hành vi của họ trên trường quốc tế và mối quan hệ của chúng ta với họ,” ông nói. “Chúng tôi đã rất, rất trung thực về điều đó.”
Khiến các mối bang giao ‘ấm lên’?
Ông Kirby đã nhắc lại rằng chính phủ mong muốn duy trì các tuyến liên lạc cởi mở với Bắc Kinh để tránh các vụ hiểu lầm, đặc biệt là do mức độ “căng thẳng” cao và khả năng xảy ra “tính toán sai lầm.”
Trong một cuộc họp báo khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước (G-7) tại Nhật Bản hôm 21/05, TT Biden nói rằng ông mong đợi sắp tới mối bang giao với Trung Quốc sẽ “ấm lên.”
Ông Biden cho rằng mối bang giao với Trung Quốc ngày càng xấu đi hiện nay là do một “quả khinh khí cầu ngớ ngẩn” bay khắp đất nước với thiết bị do thám và sau đó đã bị một chiến đấu cơ Hoa Kỳ bắn rơi trên Đại Tây Dương.
Ông Kirby đã tuyên bố rằng Tòa Bạch Ốc xem mối quan hệ của họ với Trung Quốc là một “sự cạnh tranh” để trả lời một câu hỏi về khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, các chiến dịch gián điệp mạng gần đây, và hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, và liệu sẽ có các tác động trở lại nào hay không.
Ông nói thêm rằng quan điểm về Trung Quốc của các nhà lãnh đạo G-7 đã thống nhất hơn, đồng thời họ sẽ phản ứng trước sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc và các hành vi không công bằng khác, như đã giải thích tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima.
Chiến dịch gián điệp mạng của Trung Quốc
Hôm 24/05, Microsoft và các cơ quan tình báo phương Tây đã báo cáo rằng một nhóm tin tặc Trung Quốc do nhà nước tài trợ đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ kể từ năm 2021. Các nhà phân tích của Microsoft đã mô tả đây là một trong những chiến dịch gián điệp mạng lớn nhất của một tác nhân do nhà nước Trung Quốc tài trợ nhắm mục tiêu đến rất nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, từ các cơ sở viễn thông đến các trung tâm giao thông.
Khi The Epoch Times đặt câu hỏi cho ông Kirby rằng chính phủ Hoa Kỳ dự định giải quyết vấn đề này với Bắc Kinh như thế nào, ông đã từ chối bình luận.
Sau đó, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia nói với The Epoch Times rằng chính phủ Hoa Kỳ đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm củng cố cơ sở hạ tầng của quốc gia trước các cuộc tấn công mạng.
Phát ngôn viên này cho biết trong một thư điện tử, “Chính phủ đã tập trung không ngừng vào việc cải thiện an ninh mạng của các đường ống dẫn dầu, hệ thống đường sắt, hệ thống nước và các dịch vụ quan trọng khác của chúng ta để đối phó với chương trình mạng tinh vi của Trung Quốc.”
“Điều đó thể hiện rõ ràng trong các quy định bắt buộc đầu tiên của chúng tôi về các hoạt động an ninh mạng trong các lĩnh vực này và sự hợp tác chặt chẽ hơn nhiều giữa chính phủ và các công ty chủ chốt, những nơi bảo vệ các mạng lưới quan trọng đó.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times