Tòa Bạch Ốc: Nga, Bắc Hàn tổ chức các cuộc đàm phán bí mật về các thỏa thuận vũ khí
Theo Tòa Bạch Ốc, Nga và Bắc Hàn đang tham gia vào các cuộc đàm phán bí mật để đạt được một thỏa thuận vũ khí cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine của Moscow.
Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, Bình Nhưỡng đã cung cấp hỏa tiễn và phi đạn cho Moscow, để nhóm lính đánh thuê Wagner sử dụng ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến và hiện đang xem xét giúp đỡ thêm về mặt quân sự.
“[Bắc Hàn] đã chuyển hỏa tiễn bộ binh và phi đạn vào Nga để nhóm Wagner sử dụng,” ông Kirby nói trong cuộc họp báo hôm 30/08. “Kể từ đó, Nga đã tích cực tìm cách mua thêm vũ khí từ [Bắc Hàn].”
“Chúng tôi có thông tin mới…rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và [Bắc Hàn] đang tích cực tiến triển.”
Ông Kirby nói rằng cho dù Bình Nhưỡng khăng khăng rằng họ sẽ không cung cấp thêm viện trợ cho Moscow, nhưng thông tin tình báo mới cho thấy Moscow đang săn lùng “số lượng lớn và nhiều loại vũ khí khác nhau” cũng như “nguyên liệu thô” cho cơ sở công nghiệp-quân sự của mình, cũng như “linh kiện điện tử” để sử dụng trong các hệ thống quân sự.
Ông Kirby lưu ý rằng thông tin tình báo này gồm việc trao đổi thư từ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Việc trao đổi thư từ này diễn ra sau hai cuộc đàm phán trực tiếp công khai giữa các quan chức Nga và Bắc Hàn, trong đó Moscow tìm cách tiếp nhận vũ khí từ Bình Nhưỡng. Cuộc họp đầu tiên do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người đã đến thăm Bình Nhưỡng, tiến hành. Theo sau cuộc họp đó là một phái đoàn quan chức khác của Nga đến thăm Bình Nhưỡng.
Vì vậy, ông Kirby cho biết Hoa Kỳ dự đoán rằng “các cuộc thảo luận cấp cao có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tới.” Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu thập thông tin tình báo và vạch trần những nỗ lực của bất kỳ bên nào nhằm trợ giúp cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông qua nhiều phương tiện tình báo.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xác định, phơi bày, và chống lại những nỗ lực của Nga trong việc thu mua thiết bị quân sự từ [Bắc Hàn] hoặc nói trắng ra là bất kỳ quốc gia nào khác sẵn sàng tiếp tay cho cuộc chiến của họ ở Ukraine.”
Ông Putin ‘thất bại’ trong việc đạt được mục tiêu trọng yếu ở Ukraine
Hơn một năm giao tranh tàn khốc ở miền Đông Ukraine bị chiếm đóng đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vũ khí ở Nga, Ukraine, và các quốc gia đồng minh của Ukraine.
Ông Kirby mô tả cuộc xung đột như một “trận đấu súng” và nói rằng “cả hai bên đều đang tấn công hỏa lực dữ dội.”
Trong khi Ukraine được giúp đỡ bởi một nhóm đồng minh đa quốc gia, thì các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã buộc Moscow ngày càng phụ thuộc vào cái mà ông Kirby gọi là “các chế độ bất hảo.”
Tuy nhiên, Bắc Hàn không phải là thế lực duy nhất hợp tác với Nga hoặc tiếp tay cho cuộc chiến ở Ukraine.
Iran cũng đã cung cấp cho Nga hàng ngàn phi cơ cảm tử không người lái để sử dụng ở Ukraine. Tehran cũng đã ký một thỏa thuận với Moscow hồi tháng Năm để cung cấp thêm phi cơ không người lái và vũ khí để đổi lấy chiến đấu cơ, trực thăng, và hệ thống radar.
Tương tự, các công ty ở Trung Quốc, một số thuộc sở hữu nhà nước, đã liên tục bán vũ khí và các thiết bị quân sự khác cho Nga trong suốt cuộc chiến, mặc dù Tòa Bạch Ốc không thừa nhận liệu có bằng chứng cho thấy những hành động này có sự phối hợp của chính quyền Bắc Kinh hay không.
Ông Kirby cho rằng việc Moscow phụ thuộc vào các quốc gia bất hảo như vậy chứng tỏ sự thất bại liên tục của giới lãnh đạo Nga trong việc đạt được bất kỳ mục tiêu cốt lõi nào của mình ở Ukraine.
“Ông ấy sẽ đến Iran. Ông ấy sẽ đến Bắc Hàn nhằm cố gắng mua đạn pháo và các vật liệu cơ bản để có thể tiếp tục củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình,” ông Kirby nói về ông Putin. “Không có cách nào khác để nhìn nhận điều đó ngoài sự tuyệt vọng và yếu đuối.”
“Ông Putin đã không đạt được mục tiêu chiến lược nào ở Ukraine. Không một mục tiêu nào. Ông ta đã mất hàng chục ngàn, nếu không muốn nói là hàng trăm ngàn binh lính — hoặc tử trận hoặc thương vong trong cuộc chiến này.”
Ukraine giành được thế chủ động trong cuộc phản công chậm
Ukraine và Nga đã rơi vào một cuộc chiến tiêu hao sinh lực trong vài tháng khi Kyiv cố gắng đẩy mạnh cuộc phản công của mình sâu hơn vào phía đông, nơi bị Nga chiếm đóng.
Việc Moscow lôi kéo Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh Kyiv đang có một loạt chiến thắng chính trị và quân sự, điều này có thể giúp phá vỡ thế bế tắc rõ ràng ở Đông Âu.
Cuối tuần qua, lực lượng Ukraine đã giải phóng ngôi làng kiên cố Robotyne ở vùng Zaporizhzhia.
Robotyne tọa lạc trên con đường giao giữa thị trấn tiền tuyến Orikhiv, Ukraine và trung tâm đường sắt Tokmak do Nga chiếm đóng. Vị trí chiến lược của ngôi làng này có thể giúp Ukraine tăng thêm khả năng tấn công các tuyến tiếp tế quan trọng của Nga.
Nếu lực lượng Ukraine có thể tiến quân từ làng Robotyne vào Tokmak, cách đó khoảng 28 dặm (~45 km) về phía nam, họ có thể chia cắt lực lượng Nga đang chiếm đóng khu vực phía bắc Biển Azov một cách hiệu quả, cắt đứt nguồn cung cấp cho các đơn vị Nga đóng ở Kherson và phía tây Zaporizhzhia.
Một số lãnh đạo quân sự Ukraine tin rằng Ukraine hiện đã xuyên thủng mạng lưới phòng thủ chắc chắn nhất của Nga ở miền nam Ukraine.
Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn diễn ra căng thẳng và họ vẫn còn phải đối mặt với hàng trăm dặm các bãi mìn cũng như chiến dịch hỏa tiễn và phi cơ không người lái ngày càng khốc liệt.
Nhà lãnh đạo Kyiv hy vọng các chiến đấu cơ mới của Đan Mạch và Hà Lan sẽ giúp khắc phục điều đó.
Trong khi Kyiv vẫn đang tìm kiếm các chiến đấu cơ tiên tiến từ phương Tây trong nhiều tháng, nhưng cho đến nay, họ vẫn bị Hoa Kỳ ngăn cản việc mua phi cơ do Mỹ sản xuất, có thể do lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ của Nga, từ đó làm leo thang hơn nữa căng thẳng trong cuộc chiến tranh ở châu Âu.
Tuy nhiên, Tổng thống (TT) Joe Biden đã đồng ý cho phép việc mua bán được tiếp tục vào ngày 18/08, khởi động việc Ukraine mua lại các chiến đấu cơ được săn đón từ lâu. Cũng từ thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Đan Mạch và Hà Lan đã đồng ý cung cấp F-16 của họ cho Ukraine.
Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và lương thực của Ukraine
Vẫn còn vấn đề giữa Moscow và Kyiv trong cuộc chiến phi cơ không người lái và tên lửa ngày một căng thẳng, trong đó cả hai bên đều cáo buộc nhau về tội khủng bố vì nhắm vào các mục tiêu phi quân sự.
Phi cơ không người lái của Ukraine đã tấn công khắp sáu khu vực của Nga hôm 30/8, khiến một sân bay bốc cháy và làm hư hại máy bay ở vùng Pskov của nước này.
Tương tự, một số cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái ở Moscow trong những tháng gần đây dường như đã nhắm vào các quan chức tình báo Nga tại văn phòng và nhà riêng của họ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái trước đó ở Moscow trong một lần diễn thuyết, nói rằng thật công bằng khi chiến tranh diễn ra trên quê hương của “những kẻ khủng bố Nga.”
Kể từ tháng Bảy, Moscow đã đều đặn tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự. Lực lượng Nga đã nhắm mục tiêu vào các khu chung cư, cơ sở lưu trữ ngũ cốc, và cảng thương mại trong thời gian đó.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nỗ lực này dường như là một phần trong chiến dịch sâu rộng hơn của Nga nhằm hạn chế hoặc phá hủy khả năng cung cấp lương thực cho Ukraine và phần lớn thế giới.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times