Chuyên gia: Bắc Hàn muốn đổi đạn dược lấy công nghệ vũ khí của Nga
Quốc hội Hoa Kỳ mới hay tin Bắc Hàn đang tìm kiếm nguồn viện trợ từ Nga cho các chương trình vũ khí của mình, đổi lại Nga sẽ có được các loại đạn dược vốn có thể được sử dụng để chống lại Ukraine.
Ông Victor Cha, Chủ tịch Nam Hàn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un có khả năng đang nuôi hy vọng cải thiện khả năng hạt nhân của mình bằng công nghệ Nga, đổi lại Nga sẽ có được các loại đạn dược mà nước này có thể sử dụng trong cuộc chiến của mình.
Ông Cha cho biết trong phiên điều trần tại tiểu ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện hôm 04/10, ông Kim có thể nhận được “sự trợ giúp đáng kể và thực chất [cho] các chương trình vũ khí của Bắc Hàn” từ Nga.
“Nói thẳng ra thì, lãnh đạo Bắc Hàn sẽ không đến Nga chỉ để bàn bạc về thương vụ đổi đạn dược lấy lương thực,” ông Cha nói.
“Ông Kim đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho chương trình vũ khí hạt nhân, cùng với chương trình vệ tinh quân sự, chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và chương trình ICBM của mình.”
Hoa Kỳ không thể cản nổi hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Hàn
Bình luận của ông Cha được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng trước, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề quân sự, chương trình vệ tinh mới chớm nở của Bắc Hàn, và Ukraine.
Nhiều người tin rằng hội nghị thượng đỉnh này đóng vai trò là vòng đàm phán quan trọng giữa hai cường quốc, với việc Bắc Hàn tìm kiếm sự trợ giúp về nghiên cứu và công nghệ cho các chương trình vũ khí của mình, còn Nga lại đang tìm kiếm nguồn đạn dược để củng cố kho dự trữ không ngừng sụt giảm ở Ukraine.
Hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh, Tòa Bạch Ốc thừa nhận rằng tình báo Hoa Kỳ đã can thiệp vào những lá thư từ ông Putin và ông Kim, trong đó gợi ý rằng Nga đang tìm kiếm “số lượng đáng kể và nhiều loại đạn dược” để sử dụng ở Ukraine.
Bắc Hàn có thể tận dụng cơ hội này để đạt được những thành tựu to lớn về công nghệ vũ khí của mình, ông Cha cho biết, bởi vì đây là lần đầu tiên “vương quốc ẩn sĩ” (hermit nation) này có một số ảnh hưởng đối với Nga.
“Ông Putin cần nguồn cung cấp mới [như] đạn dược từ Bắc Hàn để theo đuổi cuộc chiến bất lợi này ở Ukraine. Điều đó mang lại cho ông Kim Jong Un rất nhiều đòn bẩy.”
Vì vậy, ông Cha cảnh báo rằng chiến lược ngoại giao hiện tại của Hoa Kỳ có thể sẽ không ngăn cản được Bắc Hàn và Nga theo đuổi hợp tác quân sự lớn hơn.
Hơn nữa, ông nói thêm, những nỗ lực hiện tại nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Hàn dường như chưa phải là bước khởi đầu.
“Chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề Bắc Hàn [về mặt ngoại giao] kể từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan và đều bất thành,” ông Cha nói.
“Tôi không muốn tỏ ra hoài nghi, nhưng tôi nghĩ rằng rất khó để tưởng tượng về một thỏa thuận có thể làm hài lòng chúng tôi mà có thể đạt được với chính quyền hiện tại ở Bắc Hàn.”
Phi hạt nhân hóa, ông Cha nói, đơn giản “không phải là thỏa thuận mà họ mong muốn nữa.”
Cuộc xâm lược tiếp thêm dũng khí cho Trung Quốc và Bắc Hàn
Ông Cha nói rằng nỗ lực chinh phục Ukraine của Nga, và sự kiên trì liên tục của quốc gia này trong cuộc xung đột đó đã tiếp thêm dũng khí cho các cường quốc độc tài khác bao gồm cả chính quyền cộng sản của cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn.
Ông Cha nói: “Chiến tranh ở châu Âu thực sự đã thay đổi mọi thứ, không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á.”
“Những điều không thể tưởng tượng được — chẳng hạn như chiến tranh ở Eo biển Đài Loan hay Bán đảo Triều Tiên — giờ đây đã trở thành một điều khả thi.”
Ông Cha nói rằng cả ba cường quốc đang ngày càng xích lại gần nhau trong một nỗ lực rõ ràng nhằm thách thức Hoa Kỳ và trật tự quốc tế lớn hơn mà quốc gia này dẫn đầu.
Ông nói, kết quả là một trật tự chính trị mất ổn định với khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.
Ông Cha nói, “Hoạt động xây dựng vũ khí hạt nhân quy mô lớn của Trung Quốc, nỗ lực của Bắc Hàn trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân quy mô tương đương với Pháp và trên hết là cuộc chiến của Nga ở châu Âu đã làm thay đổi căn bản môi trường an ninh trong khu vực và trên bán đảo theo những cách buộc các quốc gia ủng hộ hiện trạng hòa bình phải đưa ra phản ứng.”
Ông nói, việc Hoa Kỳ tiếp tục trợ giúp các đồng minh, trong đó có Nam Hàn, là rất quan trọng để ngăn chặn thêm nhiều cuộc chiến tranh hơn nữa nổ ra.
Tương tự như vậy, ông nói thêm, Hoa Kỳ sẽ phải chịu “tác động lớn” đến uy tín của mình trên trường thế giới nếu quốc gia này rút lại sự ủng hộ của mình đối với Ukraine.
Tuy nhiên, ông nói, Hoa Kỳ cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp tăng cường từ các đồng minh của mình.
Ông cho biết, cho đến nay Nam Hàn đã viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng không cung cấp viện trợ trực tiếp gây sát thương.
Nhã Phúc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times