Tô Tụng, ông tổ của đồng hồ thiên văn
Tô Tụng (1020-1101) là Tể tướng triều Tống, cả đời làm quan, ông còn là một khoa học gia kiệt xuất được người hiện đại đánh giá cao. Ông đã cống hiến rất xuất sắc cho nền khoa học kỹ thuật của Trung Quốc và thế giới. Tiến sĩ Joseph Needham, chuyên gia về lịch sử khoa học và công nghệ Trung Quốc gọi ông là “một trong những nhà tự nhiên học và khoa học gia vĩ đại nhất ở thời kỳ Trung cổ và Trung Quốc cổ đại”.
Tô Tụng, tự là Tử Dung, sinh ra trong một gia đình quan lại ở huyện Đồng An, tỉnh Phúc Kiến. Khi mới 5 tuổi, ông đã bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm kinh điển như “Hiếu Kinh”, “Nhĩ Nhã” v.v. đồng thời có thể đọc thuộc lòng. Năm 16 tuổi, cha ông là Tô Thân đã đưa cho ông một đề văn là “Hạ chính kiến Dần phú”. Sau khi ông viết xong, người cha thấy ông hoàn toàn nắm vững những điển cố về lịch pháp của “Hạ chính kiến Dần”, liền nói: “Nhữ Dị đương thời cũng vì sự uyên bác mà nổi danh vậy”.
Năm 22 tuổi, Tô Tụng bắt đầu bước vào con đường làm quan, ông đã ở chốn quan trường trong 55 năm, phục vụ năm triều đại gồm Nhân Tông, Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông và Huy Tông. Ông làm quan ở nhiều địa phương, phụ trách trông coi sổ sách trong nhiều năm, còn có hai lần đi sứ nước Liêu. Ông từng làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình và Thượng thư Lại bộ, thời Tống Triết Tông được phong làm Tể tướng. “Tứ Khố Toàn Thư” nhận xét về ông rằng: “Thiên tính nhân hậu, khí độ to lớn, là hiền tướng vào thời Triết Tông”.
Nửa đời làm quan, trở thành danh thần hiền tướng
Khi Tô Tụng còn trẻ, cựu tể tướng Đỗ Diễn rất coi trọng ông, cho rằng Tô Tụng là một nhân tài hiếm có. Vì vậy, ông đã đem những kinh nghiệm làm quan cả đời của mình, những tâm đắc từ khi làm quan địa phương đến tùy tùng rồi làm Tể tướng, cẩn thận truyền thụ cho Tô Tụng. Ông nói: “Ta biết con ngày sau tất sẽ làm đến chức quan này, lão phu không hề khoa trương”. Tô Tụng về sau quả thật trở thành Tể tướng, con đường làm quan của ông khá giống với những gì Đỗ Diễn dự đoán.
Khi còn là một viên quan địa phương, mỗi lần bách tính có kiện cáo hoặc tranh chấp, Tô Tụng luôn khuyên giải họ, nói rằng hàng xóm láng giềng nên thân thiện với nhau, nếu vì một chuyện nhỏ đã bất đồng, một khi bản thân có chuyện cấp bách thì xung quanh sẽ không có ai giúp đỡ. Sau khi nghe Tô Tụng khuyên nhủ, mọi người thường cảm ơn và rời đi. Những người muốn đến phủ quan kiện cáo, đi được nửa đường, nghĩ đến lời nói của ông liền quay trở lại.
Tô Tụng từng là phụ tá của Âu Dương Tu lúc ở Nam Kinh, được Âu Dương Tu nể trọng giao cho phụ trách chính sự. Đánh giá của ông về Tô Tụng là: “Tử Dung làm việc tỉ mỉ, một khi đọc qua thì sửa đến nỗi không cần xem lại”.
Khi làm Tể tướng, Tô Tụng làm việc tuân theo quy củ, khiến bá quan đều tuân thủ luật pháp và làm theo nghĩa vụ. Ông cũng tuyển chọn và bổ nhiệm nhân tài, đồng thời cảnh báo các quan cai quản biên giới không nên tùy tiện phát động chiến tranh. Khi đó Triết Tông còn trẻ chưa tự mình chấp chính, các đại thần mỗi khi có việc gì cần bẩm báo đều trực tiếp báo cáo với Tuyên Nhân Thái hậu, thỉnh thoảng Triết Tông có điều muốn nói nhưng cũng không được coi trọng. Duy chỉ có Tô Tụng rất kính trọng Triết Tông, mỗi lần sau khi bẩm báo với Thái hậu đều nói lại với Triết Tông, nếu Triết Tông có gì muốn nói, Tô Tụng sẽ bảo các đại thần cúi đầu nghe lệnh. Về sau khi Triết Tông nắm quyền, Ngự sử Chu Trật muốn luận tội Tô Tụng, nhưng bị Triết Tông bác bỏ, nói: “Tụng biết nghĩa của quần thần, không thể coi nhẹ nghĩa của lão thần này được”.
Hoàn thành kiệt tác thiên văn học – Thủy vận Nghi Tượng đài
Khi Tô Tụng làm quan, ông từng tham gia vào việc đối chiếu và biên soạn các cuốn sách cổ trong một thời gian dài. “Tại quán cửu niên, liêm tĩnh tự thủ”, mỗi ngày đều học thuộc 2,000 từ trong các cuốn sách rồi về nhà chép lại. Sự cần cù và tỉ mỉ đã thành tựu một Tô Tụng có vốn kiến thức uyên bác. “Từ thư khế, kinh sử, cửu lưu, thuyết của bách gia cho đến đồ vĩ, luật lữ, tinh quan, toán pháp, sơn kinh, bản thảo, không gì không thông, đặc biệt là những điển cố”, hơn nữa còn có thể “khám phá nguồn gốc của chúng, tổng hợp chỗ hay của chúng” và “kiểm chứng sự thật”.
Bài văn mà Tô Tụng viết khi thi đỗ Tiến sĩ là một bài phú về lịch – “Lịch giả thiên địa chi đại kỷ”, trong đó trích dẫn rất nhiều điển cố quan trọng liên quan đến cách làm lịch.
Vào năm Hi Ninh thứ mười (1077), Tô Tụng được phái đi sứ đến Liêu quốc ở Bắc triều, vừa đúng dịp lễ Đông chí, khi đó hai nước đang áp dụng hai loại lịch khác nhau. Lễ Đông chí ở nước Tống sớm hơn ở nước Liêu một ngày. Phó sử muốn tổ chức tiệc mừng, nhưng các viên quan tháp tùng của Liêu quốc từ chối. lúc này Tô Tụng liền thể hiện kiến thức về lịch của mình, ông làm một bài luận dựa theo điển tịch, lấy dẫn chứng tiền lệ, khiến người Liêu sau khi nghe xong cảm thấy cao thâm khôn lường. Tô Tụng lại từ từ nói: “Lịch gia có cách tính khác nhau, nhanh chậm khác biệt. Ví dụ giờ Hợi tiết khí đương giao, tức vẫn còn là tối nay, nếu như hơn số khắc thì là giờ Tý ngày mai vậy. Hoặc trước hoặc sau, lịch của các triều đại đều thế”. Người Liêu chỉ có thể gật đầu đồng ý và ăn mừng theo lịch của riêng họ. Sau khi trở về và tấu lại chuyện đó với Thần Tông, Thần Tông rất vui và nói: “Trẫm đã nghĩ về nó, đây là phần khó nhất, khanh đã xử trí rất hay”.
Theo “Ngụy công đàm huấn” ghi chép, Tô Tụng thường ngước nhìn sự chuyển động của các vì sao vào ban đêm, đồng thời xoa đầu con cháu, hỏi xem đó là chòm sao nào, giúp chúng nhận ra các ngôi sao. Ông còn nói với chúng rằng: “Tinh tượng hiện ra rõ ràng như vậy, các con không thành tâm tuân theo, còn muốn cầu quỷ thần sao?”
“Khúc vị cựu văn” khi viết về Thủy vận Nghi Tượng đài có đề cập rằng: “Tử Dung vì trong nhà có một bản mẫu nhỏ mà ngộ tại tâm, thường hận chưa được nghiên cứu thuật toán, muốn chế tạo công cụ này nhưng đều không có kết quả”. Từ đó có thể thấy trình độ công nghệ của xã hội thời Tống khá cao, khi đó Tô Tụng đã có một mẫu dụng cụ thiên văn trong nhà, điều này đã tạo cơ sở vững chắc cho ông phát triển Thủy vận Nghi Tượng đài (tháp đồng hồ thiên văn vận hành bằng sức nước).
Vào năm Nguyên Hựu thứ nhất (1079), Tô Tụng được lệnh kiểm tra một số dụng cụ thiên văn hiện có. Vào năm Nguyên Hựu thứ hai, Hoàng đế ban chỉ dụ cho Tô Tụng chủ trì tạo ra một quả Hỗn thiên nghi mới (Hỗn thiên nghi là một thiết bị vào thời cổ đại Trung Quốc thể hiện các vật thể trên bầu trời, lấy Trái Đất hoặc Mặt Trời làm trung tâm). Bản thân Tô Tụng rất có trình độ trong lĩnh vực thiên văn, ông nhận thấy Lại bộ thủ Hàn Công Liêm là một nhân tài, thông thạo “Cửu chương toán thuật”, có thể sử dụng phương pháp tính tam giác vuông trong toán học để suy ra chuyển động của các thiên thể, với Tô Tụng là một sự kết hợp hoàn hảo. Tô Tụng đã kể sơ lược cho Hàn Công Liêm về quy trình chế tạo cỗ máy này, Hàn Công Liêm liền viết ra một bản kế hoạch sản xuất chi tiết và tỉ mỉ mang tên “Cửu chương câu cổ trắc nghiệm hồn thiên thư”, đồng thời tạo ra một mẫu bánh răng bằng gỗ.
Tô Tụng đánh giá rất cao năng lực của Hàn Công Liêm, đã xin Triết Tông dùng ông ấy. Họ đã làm ra một bản mẫu lớn bằng gỗ vào năm Nguyên Hựu thứ ba, và bắt đầu xây dựng sau ba tháng kiểm chứng. Vào năm Nguyên Hựu thứ bảy, Tô Tụng và Hàn Công Liêm đã cùng nhau hoàn thành kiệt tác khoa học và công nghệ cổ đại: Thủy vận Nghi Tượng đài.
Thông qua nghiên cứu các tài liệu cổ, Tô Tụng phân chia rõ ràng các dụng cụ thiên văn trong lịch sử thành ba loại: Hỗn thiên nghi, Đồng hậu nghi và Hồn thiên tượng, “Cổ nhân nhìn trời, dùng ba thứ này, vẫn rất kỳ diệu”. Thủy vận Nghi Tượng đài của ông bao gồm các chức năng của cả ba dụng cụ này. “Hai cơ quan mà nay chế ra có ba tác dụng, nên gọi là Hỗn thiên”.
Thủy vận Nghi Tượng đài do Tô Tụng phát triển là một đài quan sát có chiều cao 12 mét và chiều rộng 7 mét, trông giống như một tòa nhà ba tầng. Tầng trên của Thủy vận Nghi Tượng đài là quả cầu Hỗn thiên nghi để quan trắc thiên thể, tầng giữa là Hỗn tượng để biểu thị thiên tượng, tầng dưới là thiết bị truyền động thủy lực làm cho Hỗn thiên nghi và Hỗn tượng quay theo chuyển động của các thiên thể, ngoài ra còn có một chiếc đồng hồ cho biết thời gian. Tô Tụng cho biết trong phần giải thích rằng: “Kết hợp thuyết của các gia phái, giữ lại cơ quan của Nghi, Tượng rồi gộp lại thành một. Đài có 2 vách ngăn, Hỗn thiên nghi được đặt ở trên, còn Hỗn tượng được đặt ở dưới, trục quay được giấu ở giữa. … Dùng nước quay bánh răng, bánh răng chuyển thì Nghi, Tượng đều động”.
Cống hiến của Tô Tụng cho các thế hệ sau là cuốn “Tân nghi tượng pháp yếu” giải thích cho đài quan sát cỡ lớn này. Cuốn sách này là bản thảo sớm nhất và chi tiết nhất về thiết bị thiên văn ở Trung Quốc, trong sách ghi lại tổng cộng 47 bản vẽ chi tiết bao gồm bản vẽ lắp ráp tổng thể, bản vẽ lắp ráp bộ phận và bản vẽ linh kiện. “Phân định tường tận, không sai một chút”, khiến hậu nhân có thể lý giải toàn diện và thấu đáo về cấu trúc của Thủy vận Nghi Tượng đài, hơn nữa có thể hiểu rõ hơn về các dụng cụ thiên văn do Trương Hành, Nhất Hành v.v. chế tạo ở thời Trung Quốc cổ đại.
Sau khi nghiên cứu cuốn sách này, Joseph Needham (một chuyên gia người Anh về lịch sử khoa học và công nghệ, người đã viết cuốn “Lịch sử khoa học và công nghệ ở Trung Quốc” – Science and Civilization in China) đã đánh giá rất cao Thủy vận Nghi Tượng đài. Ông cho rằng Thủy vận Nghi Tượng đài là một công cụ thiên văn kiệt xuất ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ 11, và cũng là chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất thế giới với nhiều sáng tạo đi trước các quốc gia phương Tây hàng trăm năm:
- Thiết kế mái của Thủy vận Nghi Tượng đài sử dụng các tấm mái có thể tháo rời, khiến nó trở thành tổ tiên của mái vòm di động trong các đài quan sát đương đại.
- Hỗn thiên nghi trong Thủy vận Nghi Tượng đài có thể chạy cùng với đồng hồ. Bộ thiết bị này là mô hình thu nhỏ của cơ chế theo dõi của đài quan sát thiên văn hiện đại – Clock drive (bộ truyền động đồng hồ). “Tô Tụng đã kết hợp cơ chế đồng hồ với quả cầu Hỗn thiên nghi để quan sát, về nguyên lý là đã hoàn toàn thành công, do đó có thể nói rằng ông ấy đi trước Robert Hooke sáu thế kỷ và đi trước Fraunhofer bảy thế kỷ rưỡi”.
- Thiết bị truyền động thủy lực của Thủy vận Nghi Tượng đài được Tiến sĩ Needham coi là thiết bị đồng hồ có bộ thoát (Anchor mechanism) sớm nhất trên thế giới, so với đồng hồ cơ giới trọng lực truyền động ở Âu Châu vào thế kỷ 14 sớm hơn đến 300 năm.
Trong cuốn “Tân nghi tượng pháp yếu” còn có 14 bản đồ sao do Tô Tụng chế tác công phu, trong đó có 5 bản đồ tối quan trọng. Ông tin rằng thông qua việc quan sát thiên tượng, không chỉ có thể biết được thời vụ, mùa màng, tiết khí, để ban hành các mệnh lệnh kịp thời, hơn nữa có thể đoán được điềm lành và tai họa của quốc gia, lấy đó làm kinh nghiệm chấp chính và bài học giáo huấn.
Bộ bản đồ sao do Tô Tụng vẽ này là bản đồ sao tồn tại sớm nhất trên thế giới, tổng cộng đã ghi lại 283 cung và 1464 ngôi sao. Tây Âu mãi cho đến thế kỷ 14, tức là 400 năm sau, số lượng ngôi sao trong bản đồ sao chỉ là 1022, ít hơn 442 so với bản đồ sao của Tô Tụng. Joseph Needham nói trong cuốn “Lịch sử khoa học và công nghệ ở Trung Quốc” rằng: “Trước thời Phục hưng, có rất ít thứ ở Âu Châu có thể so sánh với truyền thống vẽ bản đồ sao ở Trung Quốc, hoặc thậm chí là không có gì”. George Sarton cũng cho biết trong cuốn “”Giới thiệu về Lịch sử Khoa học” (Introduction to the history of science) rằng: “Từ thời Trung cổ đến cuối thế kỷ 14, ngoài bản đồ sao Trung Quốc thì không lấy ra được bản đồ sao nào khác”.
Biên soạn sách y học đầu tiên có ảnh minh họa “Bản thảo đồ kinh”
Vào năm Gia Hựu thứ hai (1057), Tô Tụng được bổ nhiệm làm Tập hiền Giáo lý, Giáo chính Y thư quan. Ông cùng với Chưởng Vũ Tích phụng lệnh khảo đính 8 tác phẩm y học và biên soạn “Gia Hựu bổ chú Thần Nông bản thảo”. Trong quá trình đó, họ phát hiện rằng những ghi chép trong cuốn bản thảo này là không đủ, phải bổ sung thêm hình ảnh, như vậy mới có thể “dùng ảnh để mô tả hình dạng và màu sắc của chúng, từ đó giải thích những điểm tương đồng và khác biệt”.
Tô Tụng đề nghị biên soạn một cuốn bản thảo đồ phổ song song với “Gia Hựu bổ chú Thần Nông bản thảo”. Thế là triều đình liền huy động 150 châu trên cả nước gửi bản vẽ các loại dược vật được điều chế và thường dùng ở địa phương, cùng với bản thảo giải thích và các mẫu vật thực tế đến Biện kinh Giáo chính Y thư sở. Đây là một công trình khổng lồ, đưa lên đủ loại đồ vật, Giáo thư quan Chưởng Vũ Tích lực bất tòng tâm, không có kiến thức phong phú về lịch sử tự nhiên và dược lý thì quả thật gần như không thể bắt đầu, bởi vậy Tô Tụng đã gánh vác trách nhiệm nặng nề này.
Sau bốn năm nỗ lực gian khổ, vào năm Gia Hựu thứ sáu (1061), Tô Tụng đã biên soạn được hai mươi tập “Bản thảo đồ kinh” và một tập “Mục lục”. Cuốn sách này chứa hơn một nghìn phương thuốc thường được sử dụng kèm theo hơn 900 hình ảnh về dược liệu, là bản thảo đồ phổ sớm nhất còn tồn tại ở Trung Quốc.
“Bản thảo đồ kinh” là cuốn sách ảnh dược liệu mới nhất và hoàn chỉnh nhất vào thời điểm đó. Lý Thời Trân ca ngợi nó là “khảo chứng rõ ràng, rất có phát huy”, trong cuốn sách “Bản thảo cương mục” của mình đã chọn dùng 74 loại dược vật trong cuốn sách này.
Joseph Needham đánh giá cuốn sách này rất cao: “Tô Tụng là người bạn của đại thi hào Tô Đông Pha, cũng là một nhà dược học tài năng. Ông đã biên soạn ‘Bản thảo đồ kinh’ vào năm 1061, đây là một trong những kiệt tác trong lịch sử y học với những sơ đồ giải thích về tiêu bản khắc gỗ. Mãi đến thế kỷ 15, những bản khắc gỗ và bản in chính xác như vậy về động vật và thực vật được thu thập trong tự nhiên mới xuất hiện ở Âu Châu”.
Trong các lĩnh vực như thiên văn học, lịch sử tự nhiên, ngoại giao, thơ ca v.v. Tô Tụng đều đã đạt được những thành tựu to lớn, lưu lại nhiều tác phẩm như “Tân Nghi Tượng pháp yếu”, “Bản thảo đồ kinh”, “Tô ngụy công văn tập”, “Hoa nhung lỗ vệ tín lục” v.v. Trong số những danh nhân lỗi lạc thời Trung Quốc cổ đại, ông có thể được coi là một người khổng lồ về tri thức bách khoa toàn thư.
Tài liệu tham khảo:
Trương Tĩnh thực hiện
Lý Tinh Thành biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ