Tổ chức tư vấn: Vương quốc Anh cần phải khai triển hệ thống báo cáo trục trặc về AI
Báo cáo của tổ chức tư vấn này cảnh báo Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ rằng họ phải hành động ngay bây giờ, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ ‘tổn thất trên diện rộng’ trong tương lai.
Theo một báo cáo hôm thứ Tư (26/06) của Trung tâm Phục hồi Dài hạn (CLTR), chính phủ Anh quốc nên đưa ra một hệ thống ghi chép lại việc sử dụng sai mục đích và các trục trặc về trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm thiểu các vấn đề và nguy cơ lâu dài.
Tổ chức tư vấn có trụ sở tại London này khuyến nghị tân chính phủ nên thiết lập một hệ thống “báo cáo trục trặc” có thể được theo dõi để phát triển tốt hơn nữa cách AI được quản lý và khai triển.
Trong một thế giới công nghệ đang phát triển nhanh chóng, báo cáo này cho rằng việc không khai triển kế hoạch này có thể khiến Vương quốc Anh thiếu sự chuẩn bị tốt cho các vụ việc lớn, và điều này có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng cho xã hội.
Báo cáo này phát hiện ra rằng kể từ năm 2014, đã có hơn 10,000 vụ việc được ghi nhận về an toàn liên quan đến các hệ thống AI đang hoạt động. Cơ sở dữ liệu về các vụ việc AI này đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một cơ quan nghiên cứu quốc tế, tập hợp lại.
Một ví dụ từ kho lưu trữ này bao gồm một bot AI cho phép người ghi danh sử dụng có thể tạo ảnh khỏa thân giả mạo khuôn mặt (deepfake) mà không có sự đồng ý của phụ nữ và được sử dụng để “cởi quần áo” trẻ em gái vị thành niên. Một ví dụ khác là khi thuật toán của YouTube không xóa được các video liên quan đến tự tử và tự làm hại bản thân, khiến trẻ em tiếp xúc với nội dung đồ họa độc hại.
Một lỗ hổng nghiêm trọng
Báo cáo mới cũng xác định một “lỗ hổng nghiêm trọng” trong quy định về AI của Vương quốc Anh có thể gây ra “tổn thất trên diện rộng” cho người dân Anh nếu không được giải quyết thỏa đáng.
CLTR cho rằng Bộ Khoa học, Cải tiến và Công nghệ (DSIT) của Vương quốc Anh sẽ “thiếu đi tầm nhìn” về các vụ việc tiềm ẩn trong quá trình chính phủ Anh sử dụng AI cho các dịch vụ công cộng, đồng thời nhấn mạnh đến một vụ việc mà khi đó cơ quan thuế Hà Lan đã sử dụng một hệ thống bị lỗi để phát hiện gian lận phúc lợi, khiến 26,000 gia đình rơi vào tình trạng túng quẫn tài chính cấp bách.
Tổ chức tư vấn này cũng nhấn mạnh đến các mối lo ngại về việc thiếu nhận thức về “các chiến dịch tin giả và phát triển vũ khí sinh học,” mà họ cho rằng có thể đòi hỏi “các hành động đối phó khẩn cấp để bảo vệ công dân Vương quốc Anh.”
Báo cáo cho biết: “DSIT không nhìn thấy bức tranh trọng tâm và thông tin cập nhật về các loại trục trặc này khi chúng xuất hiện.”
“Mặc dù một số cơ quan quản lý sẽ thu thập một số báo cáo về vụ việc nhưng chúng tôi thấy rằng việc này không thể nắm bắt được những tác hại mới do AI tân tiến gây ra.”
Báo cáo này thúc giục DSIT ưu tiên xác định những tác hại mới thông qua phân tích và báo cáo nghiêm ngặt về vụ việc, thay vì phương pháp đối phó hiện tại của họ.
‘Các bước khuyến khích’
Báo cáo CLTR được công bố trong bối cảnh Vương quốc Anh chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 04/07, với cả hai đảng lớn đều nêu ra các quan điểm thảo luận về AI.
Hôm 21/05, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và tám quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận “đẩy nhanh sự phát triển của khoa học AI an toàn” tại Hội nghị thượng đỉnh Trí tuệ Nhân tạo Seoul. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết hợp tác vì “AI an toàn hơn” và nâng cao “phúc lợi của con người.”
Trong một thông cáo báo chí khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Công nghệ Michelle Donelan cho biết AI chỉ có thể phát huy hết tiềm năng của nó “nếu chúng ta có thể nắm bắt được những rủi ro do loại công nghệ phức tạp và đang phát triển nhanh chóng này gây ra.”
Bà Donelan cho biết: “Kể từ khi chúng tôi nhóm họp với tất cả mọi người tại Bletchley hồi năm ngoái, Vương quốc Anh đã dẫn đầu phong trào toàn cầu về an toàn AI và khi tôi công bố Viện An toàn AI đầu tiên trên thế giới, các quốc gia khác đã đi theo lời kêu gọi chạy đua công nghệ này bằng cách thành lập Viện riêng của họ.”
Bà Jessica Chapplow, người sáng lập Heartificial Intelligence, đã nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng “mặc dù thật đáng khích lệ khi thấy những bước hành động trọng yếu đang được thực hiện,” nhưng quan trọng là chính phủ vẫn phải “cảnh giác và chủ động.”
Bà Chapplow cho biết: “Những cam kết từ các công ty AI hàng đầu trong việc áp dụng các biện pháp an toàn và minh bạch một cách tự nguyện, đặc biệt như đã thấy trong Hội nghị Thượng đỉnh An toàn AI toàn cầu lần đầu tiên do chính phủ Vương quốc Anh tổ chức, thực sự là những bước tiến tích cực.”
“Các bước chủ động được chính phủ Anh thực hiện, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI toàn cầu lần đầu tiên và sự cam kết hợp tác với Viện An toàn AI của Vương quốc Anh, nêu bật nhận thức về những nguy cơ tiềm ẩn do các hệ thống AI tân tiến gây ra.”
Bà chia sẻ: “Rõ ràng là khi AI tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, một khung pháp lý và quy định rõ ràng hơn sẽ trở nên cần thiết để giải quyết các rủi ro mới xuất hiện và bảo đảm rằng sự phát triển AI phù hợp với các giá trị xã hội và tiêu chuẩn an toàn.”