Hoa Kỳ chật vật với chính sách AI khi mối đe dọa từ Trung Quốc đang hiện hữu
Trung Quốc cộng sản đang thúc đẩy phát triển AI quân sự trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa thông qua một khuôn khổ chính sách toàn chính phủ về AI.
Tại các phòng thí nghiệm của một trường đại học quốc phòng Trung Quốc, các binh sỹ đang chiến đấu trên các chiến trường ảo, được ban lệnh bởi một tư lệnh kỹ thuật số đầu tiên.
Đây là các cuộc tác chiến giả định nhằm trợ giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ngay cả khi các sỹ quan quân đội cấp cao không thể rời khỏi nhiệm vụ của họ ở nơi khác.
Điểm khác biệt quan trọng giữa những cuộc tác chiến giả định này với hàng chục cuộc tác chiến khác được tiến hành thường niên là: Trong những cuộc chiến giả định này, quyền chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc đã được trao cho một [tư lệnh] trí tuệ nhân tạo (AI).
Các nhà nghiên cứu đã thiết kế tư lệnh AI này để bắt chước người đồng cấp thật của nó trên mọi phương diện. Nó phát triển các mô hình suy nghĩ và áp dụng các nét tính cách đặc biệt. Thậm chí AI này còn có thể có tính “hay quên,” xóa bỏ ký ức ảo của mình khi một tư lệnh người thật khó có thể giữ lại một lượng thông tin tương tự.
Sự tồn tại và các chiến công của tư lệnh AI này đã được công bố vào tháng trước (05/2024) trên tập san Điều khiến và Mô phỏng Thông thường bằng Hoa ngữ, và được tờ South China Morning Post đưa tin lần đầu tiên.
Việc nghiên cứu và tạo ra tư lệnh AI này đóng vai trò then chốt. Mặc dù nhiều năm nay, chính quyền Trung Quốc đã nghiên cứu để phát triển phần mềm hợp tác giữa người và máy cho các chỉ huy quân sự của mình, nhưng đây là trường hợp đầu tiên được biết đến mà một AI được trao quyền chỉ huy trong một cuộc mô phỏng huấn luyện.
Trong các cuộc tác chiến giả định quy mô lớn trên máy điện toán liên quan đến tất cả các quân chủng của nhánh quân sự ĐCSTQ, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), tư lệnh AI đã học hỏi được nhiều từ các cuộc chiến tranh ảo đang phát triển. Ngay cả khi AI này không bao giờ được trao quyền chỉ huy trong thế giới thực, thì những hiểu biết thu được từ các cuộc chinh phục ảo của nó sẽ đẩy nhanh tiến trình phát triển chiến lược quân sự của Trung Quốc theo những cách chưa từng có khi các sỹ quan PLA học hỏi từ những lần chiến thắng và thất bại của AI.
Sự xuất hiện của tổng tư lệnh ảo đầu tiên trên thế giới cũng đánh dấu một thời điểm then chốt cho việc ra quyết định về chính trị và quân sự nói chung, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu AI có thể sớm ảnh hưởng và có thể kiểm soát các quyết định chiến lược quan trọng trên toàn thế giới hay không.
Những diễn biến như vậy cũng ngày càng được thể hiện rõ ở Hoa Kỳ.
Khi tư lệnh AI của ĐCSTQ đã đánh bại kẻ thù ảo của nó hồi tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng Năm rằng các cố vấn chuyên gia của ông hoàn toàn có ý kiến trái chiều về mối đe dọa do AI gây ra và mức độ AI sẽ định hình lại xã hội Mỹ.
Vì vậy, Tổng thống Biden thừa nhận rằng ít nhất một chuyên gia đã khuyên ông rằng AI sẽ sớm hoàn toàn “vượt qua suy nghĩ của con người.”
Hoa Kỳ thiếu tầm nhìn chính sách toàn diện cho AI
Nếu các tiến trình ra quyết định quan trọng về chính trị và quân sự được giao phó cho AI thì cách các tiến trình này được thực hiện và nói rộng ra là cách những tiến trình này thể hiện ra phần lớn sẽ là kết quả của các chính sách tồn tại ở các quốc gia áp dụng chúng.
Mặc dù những ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này có thể có quan điểm riêng về mức độ phổ biến của việc tích hợp AI vào tiến trình ra quyết định của quốc gia, nhưng thực tế vẫn là hầu như không có quốc gia nào trên thế giới phát triển được khuôn khổ chính sách toàn chính phủ vững mạnh để phát triển và khai triển AI ở cấp quốc gia.
Tại Hoa Kỳ, những câu hỏi như vậy được giao cho các cơ quan chính phủ khác nhau giải quyết, trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, và Bộ Giao thông vận tải đều xây dựng các hướng dẫn hoạt động riêng biệt để phát triển và khai triển AI.
Theo ông John Mills, cựu giám đốc chính sách an ninh mạng, chiến lược, và các vấn đề quốc tế tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, cách tiếp cận riêng biệt này bỏ qua nhu cầu quan trọng về một khuôn khổ chính sách toàn chính phủ để chỉ thị cho sự phát triển và khai triển AI.
“Chính sách là rất quan trọng nhưng người dân của chúng ta lại không xem trọng chính sách,” ông Mills nói với The Epoch Times. “Nhưng quý vị luôn phải có khuôn khổ chính sách. [Quý vị phải hỏi rằng,] ‘Chúng ta sẽ sử dụng thứ gì đó như thế nào?’”
“Quý vị không muốn các nhà hoạch định chính sách động chạm đến [khía cạnh] hoạt động và đưa ra các quyết định về hoạt động. Nhưng quý vị cũng lại không muốn các nhà điều hành đưa ra quyết định chính sách.”
Để chắc chắn, Quốc hội đã và đang có một số nỗ lực nhằm tìm hiểu đầy đủ hơn về sự phát triển của AI, chẳng hạn như đề nghị của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer về việc Quốc hội nghiên cứu và áp dụng các hướng dẫn về AI.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không đạt được nhiều tiến triển, phần lớn là do những người trong ngành có những niềm tin trái ngược nhau về những hứa hẹn và hiểm họa của AI, cũng như việc bản thân Quốc hội không nắm bắt được một số nguyên tắc cơ bản về một lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng.
Ông Mills cho biết xét trên nhiều khía cạnh, AI là “ông kẹ” gần đây nhất mà Quốc hội vẫn chưa hiểu hết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc đưa ra hay không đưa ra một khuôn khổ chính sách đều sẽ dẫn đến những hậu quả sâu rộng.
Một trong những vấn đề cần lưu ý là, trong trường hợp Hoa Kỳ không áp dụng các chính sách và quy định rộng rãi về AI thì những nơi khác trên thế giới cũng sẽ thiết lập các tiêu chuẩn đó, và rồi Hoa Kỳ có thể buộc phải áp dụng chúng.
Trong khi Hoa Kỳ chưa đạt được nhiều tiến triển trong việc thiết lập chính sách AI trên toàn chính phủ thì các nhà lập pháp Âu Châu đã soạn thảo và thực hiện các quy tắc chặt chẽ hơn cho AI.
Ông Sam Kessler, một cố vấn về địa chính trị tại công ty tư vấn rủi ro North Star Support Group, cho biết Hoa Kỳ cần phải nỗ lực nhiều hơn để dẫn đầu nếu muốn bảo đảm rằng các giá trị của nước này được đưa vào cách khai triển AI.
Ông Kessler chia sẻ với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng: “Hoa Kỳ vẫn đang trong tiến trình xây dựng phiên bản quy định về AI của riêng nước này.”
“Về vấn đề này, Liên minh Âu Châu đang tiến xa hơn Hoa Kỳ khi gần đây ban hành Đạo luật AI của EU, nhằm thiết lập cơ chế cho các chuẩn mực và tiêu chuẩn áp dụng, có thể giúp xây dựng lòng tin và độ tin cậy cho các doanh nghiệp, chính phủ, và người dùng công nghệ nói chung.”
Được ban hành hồi tháng Tám năm ngoái (2023), Đạo luật AI của EU thiết lập các hướng dẫn cho AI ở các “mức độ rủi ro” khác nhau và tạo ra các yêu cầu về tính minh bạch liên quan đến nội dung được tạo ra với sự trợ giúp của AI.
Ông Kessler cho biết những hướng dẫn chính sách như vậy giúp cung cấp một kế hoạch chi tiết cho sự phát triển công nghệ, từ đó tác động nhiều hơn đến luật AI trong tương lai, giống như hiệu ứng domino đầu tiên trong một loạt hiệu ứng lập pháp.
Ông Kessler cho biết: “Cách thức thực hiện quy định này sẽ quyết định cách sử dụng AI trong việc áp dụng các hệ thống và các quy trình ra quyết định.”
Giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ cũng có một chiến lược AI quốc gia, với mục đích “thúc đẩy các hệ thống AI có trách nhiệm, có đạo đức, đáng tin cậy, và an toàn, phục vụ cho lợi ích công cộng.”
Tuy nhiên, việc đưa ra ý tưởng về mục tiêu chiến lược đó và biến điều này trở thành một luật hợp pháp là hai việc khác xa nhau. Và cho đến nay, hầu hết các hướng dẫn về AI của Hoa Kỳ đều tập trung vào các cam kết tự nguyện do các giám đốc công nghệ đưa ra để tự giám sát chính họ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có quy định nào. Theo một báo cáo của Đại học Stanford, hồi năm 2023, có 25 quy định liên quan đến AI đã được đưa vào luật tại Hoa Kỳ, tăng từ chỉ một quy định hồi năm 2016. Hơn nữa, khoảng 188 dự luật liên quan đến AI đã được đề xướng vào năm 2023. Mặc dù đa phần những dự luật này không được ban hành, nhưng rõ ràng là một xu hướng ban hành quy định đang tăng tốc.
Tuy nhiên, trong lúc Hoa Kỳ không đáp ứng được thách thức về chính sách AI thì ĐCSTQ đã bắt đầu soạn thảo các quy định sâu rộng. Đáng chú ý nhất trong số đó có lẽ là một quy định do cơ quan quản lý Internet của chế độ này đưa ra và được ĐCSTQ tán thành, yêu cầu tất cả nội dụng do AI tạo ra phải “phản ánh các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa.”
Theo ông Kessler, việc Hoa Kỳ không đưa ra một chính sách đối trọng nào có thể dẫn đến rắc rối.
Khi các hệ thống AI được tích hợp vào tiến trình ra quyết định của Hoa Kỳ ở bất kỳ mức độ nào thì việc sử dụng AI hoặc sử dụng AI sai mục đích có thể phụ thuộc vào việc liệu Hoa Kỳ có bảo đảm rằng AI của chính mình sẽ duy trì các giá trị của nền cộng hòa hay không.
Ông Kessler cho biết: “Việc lạm dụng hoặc áp dụng sai AI là một mối lo ngại lớn do mức độ biến động hiện nay mà chúng ta đang chứng kiến trong hệ thống quốc tế.”
“Đây là lĩnh vực mà các niềm tin căn bản của đất nước chúng ta sẽ bị thử thách rất nhiều nếu chúng ta đi theo hướng sử dụng AI mà các đối thủ và địch thủ của chúng ta đang áp dụng cho mục đích của họ.”
Do đó, hệ tư tưởng phải được xem trọng trong việc phát triển chính sách AI của quốc gia, và chính trong lĩnh vực hệ tư tưởng, các phương pháp của Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự khác biệt đáng kể.
Hai tầm nhìn về việc AI ra quyết định
Với mục tiêu như vậy, hồi tháng trước, Tổng thống Biden cho biết việc phát triển AI được “kiểm soát” như thế nào cuối cùng sẽ quyết định liệu AI sẽ mang lại lợi ích hay thảm họa cho nhân loại, và việc kiểm soát đó đòi hỏi các giải pháp chính sách cứng rắn.
Đối với ông Kessler, vấn đề không phải là liệu AI có ảnh hưởng đến các tiến trình ra quyết định quan trọng hay không mà là sớm hay muộn. Thời điểm mà điều đó diễn ra cũng như cách mà các chính thể dân chủ sẽ phản ứng với điều đó sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc chính sách của Hoa Kỳ đã được xác định rõ ràng như thế nào và những người nắm quyền đã được đào tạo về cách sử dụng chính sách đó tốt đến mức nào.
Ông Kessler cho biết: “AI chắc chắn sẽ có tác động đến khả năng ra quyết định của các nhà lãnh đạo hiện tại cũng như các nhà quản lý hệ thống nói chung.”
“Việc kết hợp AI vào hệ thống quản lý và các quyết định chính sách của chúng ta có nghĩa là chúng ta phải luôn dẫn đầu và ngày càng thông minh hơn, hiểu biết hơn, và có tầm nhìn toàn cảnh hơn để hiểu rõ hơn về sự phức tạp ngày càng tăng của thế giới, chính thể của chúng ta, và cách chúng ta điều hành hiệu quả trong đó.”
Một điều có phạm vi nhỏ hơn so với cuộc đối đầu giữa tự do và sự áp bức nhưng cũng cấp bách không kém là sự khác biệt rõ ràng về mức độ thoải mái mà Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cho phép AI được đưa ra quyết định trong “các môi trường có nhiều hậu quả,” theo cách nói của ông Mills.
Ông Mills nói: “Điều quan trọng khác biệt là việc hành động không phụ thuộc vào sự can thiệp của con người.”
“Điểm thực sự được phía các nhà hoạch định chính sách tranh luận nhiều là phạm vi mà chúng ta trao cho tiến trình ra quyết định độc lập, tách biệt với sự kiểm soát trực tiếp của con người qua bàn phím và màn hình.”
Do vậy, cho đến nay, Bộ Quốc phòng đã chọn chỉ sử dụng các hệ thống gây sát thương tại chiến trường giúp một người “theo dõi” việc AI ra quyết định, nhằm thực sự bảo đảm rằng con người chấp thuận bất kỳ nỗ lực nào của AI nhằm kích hoạt một hành động gây sát thương.
Tuy nhiên, các tài liệu chiến lược của Trung Quốc về việc bảo đảm con người luôn theo sát AI là rất ít, và ông Mills tin rằng ĐCSTQ rất sẵn lòng cho phép AI kiểm soát các hệ thống quan trọng nếu họ tin rằng làm như vậy sẽ bảo đảm một số lợi thế lâu dài trước Hoa Kỳ.
“Vấn đề cơ bản là Trung Quốc không nhận thấy ranh giới và dễ dàng dùng AI để gây ra những hậu quả thảm khốc, chẳng hạn như chiến tranh hạt nhân”, ông Mills nói. “Chúng ta do dự hơn rất nhiều khi làm như vậy.”
“AI trong các hệ thống có nhiều rủi ro—lĩnh vực có thể dẫn đến thảm họa, tổn thất nhân mạng, hoặc thương tích—thực sự là mối lo ngại nghiêm trọng.”
Nhưng việc tích hợp AI vào hệ thống hạt nhân hoặc các hệ thống khác chỉ là một trong những lĩnh vực mà chế độ Trung Quốc muốn “thống trị,” ông Mills cho biết. Những lĩnh vực khác bao gồm chiến tranh sinh học, chiến tranh mạng, và chiến tranh không gian.
Vì vậy, ông Mills cho rằng khó khăn then chốt sẽ là bảo đảm AI được tích hợp vào những hệ thống thích hợp để loại bỏ nguy cơ xảy ra thảm họa bất ngờ trong khi con người vẫn duy trì quyền kiểm soát đối với các quyết định quan trọng.
“Chúng tôi muốn sử dụng AI để bảo đảm không gặp bất ngờ mang tính chiến lược có thể gây thảm họa cho quốc gia và thứ mà chúng tôi muốn sử dụng trong các hệ thống vũ khí của mình là AI thông minh, giúp các hệ thống chính xác hơn và hiệu quả hơn nhiều.”
Vì vậy, ông Mills đã đề nghị Hoa Kỳ có thể khai triển AI theo cách khiến “các hoạt động quân sự trở nên hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn nhiều” mà không từ bỏ quyền kiểm soát của con người đối với các quyết định liên quan đến sinh tử.
Một phương pháp để thực hiện điều này là thông qua các hệ thống thụ động mà Trung Quốc cũng đang phát triển. Ông Mills đưa ra ví dụ về một hệ thống thụ động mới, được thấy trong các bức ảnh chụp các chiến hạm tân tiến của Trung Quốc, dường như là một hệ thống camera hồng ngoại chuyên dụng để liên tục tạo ra hình ảnh về môi trường xung quanh, sau đó sử dụng AI so sánh các hình ảnh để phát hiện những thay đổi trong thời gian thực tế.
Ông Mills cho biết, một hệ thống như vậy có thể phát hiện ra một phi đạn siêu thanh đang bay tới mà radar đã bỏ sót và AI sẽ là hệ thống duy nhất có khả năng phản ứng kịp thời.
“Chúng ta không nói về một vũ khí hạt nhân mà đang nói về các vụ tàu thuyền bị phá hủy và mất tích. Và chỉ trong tích tắc đó, quyết định đó phải được đưa ra.”
Không khó để suy ra những điểm tương đồng với sự phát triển AI mới nhất của ĐCSTQ. Người ta có thể phải phản ứng nhanh đến mức nào để chống lại một phi đạn, một con tàu, hoặc hải quân do tư lệnh AI ra lệnh? Nếu Hoa Kỳ không bao giờ cho phép con người rời khỏi vòng kiểm soát, thì liệu lực lượng của nước này có thể phản ứng kịp thời hay không?
Về cách chính sách có thể giúp thúc đẩy việc sử dụng AI theo hướng tích cực mà không gây ra hậu quả thảm khốc, ông Mills cho biết thế giới đang bước vào địa hạt chưa được khám phá.
Ông cho biết, trong khi dữ liệu lớn (big data) được sử dụng để đào tạo AI và các phân tích được sử dụng để thông báo tiến trình ra quyết định của AI đã được hiểu khá rõ, thì việc thực hiện những điều đó trong thời gian thực tế và trong thế giới thực tế lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times