Tình yêu, lúc ốm đau cũng như khi khỏe mạnh, mùa xuân dâng trào trong những bức họa Flora của Rembrandt
Rembrandt đã vẽ người vợ yêu dấu của mình, Saskia, trong suốt cuộc hôn nhân của họ — lúc ốm đau cũng như khi khỏe mạnh, cho đến khi cái chết chia lìa họ. Ông miêu tả vợ theo mọi cách có thể. Trong các tác phẩm nghệ thuật của ông, Saskia là một người phụ nữ, người vợ, người mẹ, và nàng thơ. Chúng ta thấy cô ấy đầu tóc rối bời khi thức dậy; bật cười với chồng; và trang nghiêm như nàng Minerva, nữ thần trí tuệ thời La Mã cổ đại, đấy chỉ là một vài mô tả ví dụ.
Ba bức tranh Rembrandt vẽ Saskia trong vai nàng Flora, nữ thần mùa xuân và khả năng sinh sản của người La Mã cổ đại, miêu tả sinh động những giai đoạn trong cuộc hôn nhân của Rembrandt và sự ngắn ngủi của cuộc đời — từ những búp non của tuần trăng mật cho đến sự mang thai khai hoa nở nhụy khi và đến khi cô đột ngột ra đi.
Những bức tranh Flora này cũng cho thấy cách Rembrandt sử dụng các nét đặc trưng của Hy Lạp, La Mã cổ đại và Phục hưng nước Ý hài hòa trong nghệ thuật của mình. Ở cả thời kỳ Phục hưng ở miền Bắc và nước Ý, các nghệ sĩ rất thích sáng tạo ra các tác phẩm có sự hiện diện của các nam thần, nữ thần, và sinh vật thần thoại cổ đại.
Dù chưa bao giờ đến Ý, nhưng họa sĩ Rembrandt lại lấy cảm hứng từ các tác phẩm của các nghệ sĩ Phục hưng phương Bắc, chẳng hạn như các họa sĩ Anthony van Dyck, Peter Paul Rubens, và họa sĩ lịch sử Pieter Lastman, người mà ông đã học cùng ở Amsterdam vào khoảng năm 1624. Ông Rembrandt cũng có cơ hội tiếp cận với Nghệ thuật Phục hưng của Ý ở Amsterdam, chẳng hạn như bức tranh Flora của danh họa Titian thuộc sở hữu của đại sứ Tây Ban Nha tại thành phố này, ngài Alfonso Lopez.
Tình yêu chớm nở
Năm 1633, nàng Saskia gặp Rembrandt ở Amsterdam khi cô đến thăm anh họ của mình, cũng là một nhà buôn tranh của Rembrandt, ông Hendrick van Uylenburgh.
Vài ngày sau lễ đính hôn của họ, Rembrandt đã phác thảo bức họa đầu tiên về Saskia bằng chì bạc. Đó là một tác phẩm tinh tế, thú vị và tràn đầy tình yêu. Cô ấy đội chiếc mũ rộng vành và nở nụ cười bẽn lẽn, khi đó cô cầm một đóa hoa, có lẽ là một đóa hồng mà Rembrandt vừa tặng. Dưới góc bức họa, Rembrandt đề rằng: “Đây là chân dung của vợ tôi, được vẽ khi cô ấy 21 tuổi, vào ngày thứ ba sau lễ đính hôn của chúng tôi, ngày 08/06/1633”.
Cặp đôi kết hôn vào ngày 22/06/1634, và cùng năm đó, họa sĩ Rembrandt lần đầu tiên vẽ Saskia trong bức họa Flora.
Họa sĩ Rembrandt miêu tả Saskia ở góc nhìn nghiêng, kích thước tương đương người thật, vẽ ba phần tư người, cô mặc chiếc váy lụa satin bồng bềnh thêu chỉ bạc. Cô trông giống như một thiếu nữ – ngây thơ và hơi e thẹn. Saskia rướn đầu về phía người xem, như thể cô đang bị làm phiền. Cô cầm cây quyền trượng phủ đầy lá và đội chiếc vương miện bằng hoa, trong đó có một bông hoa tulip “rủ cánh”. Các nghệ sĩ ưa thích tranh “hoa tulip rủ cánh” với những cánh hoa bị tách ra và có những đường vân.
Có lẽ họa sĩ Rembrandt biết công trình nghiên cứu của nhà vật lý và thực vật học người Flemish là Carolus Clusius, người đầu tiên phát hiện ra rằng các đường vân đó là do một loại virus gây ra. Ông Clusius biết rằng nếu hoa tulip thay đổi màu sắc tự nhiên, có lẽ chúng sẽ không sống được lâu. Nhà thực vật nói rằng một bông hoa như vậy là để “làm vui mắt chủ nhân bằng những màu sắc phong phú của mình trước khi héo tàn, như là tạ từ chủ nhân lần cuối.”
Chiếc váy bồng bềnh và vương miện hoa của cô mô phỏng theo bức tượng Flora của Đế quốc La Mã cổ đại trong Bảo tàng Capitoline tại Rome. Nhưng thay vì cầm một bó hoa, Rembrandt lại vẽ Saskia đang nắm một góc váy trong tay.
Một năm sau hôn lễ, năm 1635, họa sĩ Rembrandt tiếp tục vẽ nàng Saskia trong vai Nữ thần hoa Flora trong bức tranh có tựa đề “Saskia van Uylenburgh in Arcadian Costume” (Nàng Saskia van Uylenburgh trong trang phục Arcadia). Lần này, mái tóc đỏ của nàng Saskia xõa ngang vai, và thay cho hình ảnh cô dâu trẻ trầm tư mà chúng ta thấy trong bức Flora đầu tiên của ông, nàng Saskia lần này có vẻ tự tin. Cô nhìn về phía bên phải bức tranh, như thể cô đang nhìn thẳng vào chồng mình khi ông đang vẽ.
Cử chỉ giang rộng vòng tay cũng như hình ảnh rất nhiều đóa hoa mà cô đang cầm thể hiện chân thực tư thế của bức tượng Flora cổ đại vừa đề cập đến.
Rembrandt đã vẽ những bông hoa theo phong cách đương thời, khi “cơn sốt hoa tulip” đang ở đỉnh điểm, một củ hoa tulip có giá bằng một ngôi nhà ven kênh Amsterdam. Margaret Fairbanks Marcus, trong tác phẩm “Thời kỳ Cắm hoa,” đã viết rằng “Vào giữa thế kỷ này, bố cục theo phong cách Baroque gồm những bông hoa khổng lồ theo hình cuộn hoặc đường cong chữ S, với vòng xoáy của những tán lá lộng gió. … Đặc trưng của phong cách Baroque là năng động và tự tin táo bạo. Sự phong phú tràn đầy sức sống như vậy chưa từng hoặc chưa bao giờ được thấy trước đây trong nghệ thuật phương Tây.
Rembrandt phản ánh bố cục bó hoa này ở sự đa dạng các loại hoa trong tác phẩm “Flora”, và cũng phản ánh thể loại hoa tĩnh vật mới. Nhà thực vật học Marcus nhận xét thêm: “Chắc hẳn không có chỗ cho sự yên tĩnh do có sự chuyển động thú vị của những thân cây uốn cong, những bông hoa gật gù và những cánh hoa uốn lượn. Hiệu ứng cuối cùng là không cứng nhắc hay gò bó mà là sự phong phú và duyên dáng”. Họa sĩ Rembrandt kết hợp hoa tulip, hoa hồng, hoa anh thảo và hồng nhỏ trong bó hoa của Saskia, mặc dù một số loài hoa này nở tự nhiên vào các mùa khác nhau. Trưng bày những loài hoa trong các mùa và các giai đoạn khác nhau của vòng đời là chủ đề phổ biến của các bức tranh tĩnh vật Vanitas Hà Lan — một dòng tranh tập trung mô tả sự ngắn ngủi vô thường của cuộc sống.
Rembrandt vẽ nhiều loại hoa như vậy để nhắc nhở người xem rằng nàng Flora là nữ thần sinh sản, điều này đặc biệt quan trọng đối với nàng Saskia khi đang biểu trưng cho Nữ thần hoa Flora, khi cô ấy ngồi nghỉ với cây trượng của mình. Cái bụng tròn và bầu ngực đầy đặn của cô cho thấy cô đang mang thai đứa con đầu lòng của họ.
Cặp đôi có với nhau bốn người con, đáng buồn là chỉ có một người con sống qua được thời thơ ấu.
Chia tay Nàng Flora
Họa sĩ Rembrandt vẽ nàng Saskia trong vai Nữ thần hoa Flora lần cuối cùng vào năm 1641. Bức tranh “Saskia With the Red Flower” (Nàng Saskia với bông hoa đỏ) khác với hai bức trước của ông. Ông đã sử dụng màu đỏ thẫm đặc trưng của mình và màu nâu hạt dẻ để tạo ra một bức chân dung khả ái nhưng u buồn. Không có sự bùng nổ màu sắc nào để kỷ niệm cuộc hôn nhân của họ hay dấu hiệu sắp có sự khai hoa nở nhụy. Bức chân dung này như báo hiệu những hơi thở cuối cùng của nàng Saskia — ghi dấu cuộc đời của cô và cuộc hôn nhân của họ. Cô xanh xao và mệt mỏi – đôi mắt có những quầng thâm nhỏ. Nàng Saskia đặt bàn tay trái của mình lên trái tim, hướng mặt trực diện và nâng một đóa hoa tặng người xem.
Khả Tuệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times